Tuesday, 4 March 2014

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA UKRAINA, 1991- 2010 (Trần Thị Phương Hoa - vanhoanghean)




Trần Thị Phương Hoa
Chủ nhật, 02 Tháng 3 2014 14:39

Bài viết này trình bày khái quát về chính sách đối ngoại của Ukraina kể từ năm 1991 cho đến 2010. Trong thời gian này đã có một số công trình nghiên cứu về chính sách đối ngoại an ninh của Ukraina được xuất bản. Có hai thời điểm số lượng đầu sách ra nhiều nhất là cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, khi Ukraina đã dần định hình chính sách đối ngoại và an ninh sau 10 năm cải cách và khẳng định mình trên trường quốc tế. Thời điểm thứ hai, với số đầu sách ít hơn là vào năm 2005, sau cuộc Cách mạng Cam 2004, được coi là cuộc cách mạng cuối cùng trong chuỗi các cuộc cách mạng màu sắc trong không gian hậu Xô Viết. Năm 2010, sau khi Tổng thống Yanukovich lên nắm quyền, đã lẻ tẻ xuất hiện những bài báo đánh giá và dự báo về định hướng đối ngoại của Ukraina. Có thể nói, hầu hết những bình luận về chính sách đối ngoại của Ukraina đều xoay quanh hai đối tác quan trọng của nước này là EU và Nga. Bản thân Ukraina và nền chính trị của Ukraina cũng luôn thể hiện những tính toán trong mối quan hệ với hai cường quốc này. Ngoài ra, quan hệ với Mỹ và NATO cũng là nội dung được đề cập đến. Trong khi đó, châu Á dường như ít xuất hiện trong các nghiên cứu nêu trên.

Cuốn sách  được coi là công trình đầu tiên trình bày một cách hệ thống và có cơ sở lý thuyết về chính sách đối ngoại của Ukraina trong 10 năm đầu sau khi tuyên bố độc lập được xuất bản năm 2002 với tên gọi Chính sách đối ngoại và an ninh của Ukraina: Quan điểm lý thuyết và so sánh (Ukrainian Foreign and Security Policy: Theoretical and Comparative Perspectives) của Moroney[1]. Đây là cuốn sách đưa ra nhiều vấn đề, quan điểm đa dạng, thậm chí đối lập nhau về định hướng chiến lược chính sách đối ngoại và an ninh của Ukraina. Cuốn sách 298 trang này gồm 3 phần, không kể phần Mở đầu và Kết luận. Phần I có tựa đề “Những hạn chế của chủ nghĩa hiện thực” phân tích những hạn chế của việc nghiên cứu quan hệ đối ngoại của Ukraina nếu tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực. Những nghiên cứu theo hướng này thường quá chú trọng đến việc Ukraina đã thất bại trong xây dựng  chính sách đối ngoại dựa trên các nhân tố nội lực. Nhiều tác giả cho rằng việc tiếp cận tới chính sách đối ngoại của Ukraina từ quan điểm cấu trúc (constructivism) là khả thi hơn.  Roman Wolczuk nhận xét “sẽ là một câu hỏi ngu ngốc “nước Pháp là gì?”, vậy mà gần đây chỉ thấy người ta mải miết đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Ukraina là gì?”, “nước Nga là gì”, dẫn đến những bế tắc về lý thuyết”[2]. Vấn đề thường trực trong đầu óc các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Ukraina kể từ khi nước này giành độc lập năm 1991 là làm sao khẳng định bản sắc Ukraina trên trường quốc tế, trong khi  bản thân nội bộ Ukraina còn chưa thống nhất về bản sắc dân tộc của nước này. Phần II của cuốn sách giới thiệu những vấn đề liên quan đến an ninh của Ukraina, trong đó có yếu tố quân sự. Các tác giả công nhận rằng Ukraina đã thành công trong việc kế thừa sức mạnh quân sự có từ thời Liên Xô cũ với vị thế độc lập mới của Ukraina. Tuy nhiên, đề tài về xây dựng  sức mạnh quốc phòng của Ukraina hiện vẫn chưa được nghiên cứu sâu như nhận định của nhiều tác giả. Phần thứ III của cuốn sách trình bày về “Những định hướng của chính sách đối ngoại và an ninh Ukraina”, trong đó định hướng châu Âu vẫn được coi là ưu tiên hàng đầu đối với Ukraina.

Các tác giả đã dựa trên nhiều lý thuyết quan hệ quốc tế, trong đó chủ yếu thiên về chủ nghĩa cấu trúc (constructivism) hơn là chủ nghĩa hiện thực (realism). Nhận xét về chính sách đối ngoại của Ukraina kể từ năm 1991 cho đến nay, một số tác giả cho rằng “Ukraina tiến hành một chính sách đối ngoại bất ổn định và dễ lung lay. Kiev chưa đưa ra một cam kết chính thống nào về bất cứ một định hướng ưu tiên nào”[3]. Trong khi đó, một số khác nhận thấy định hướng chính sách thân phương Tây của Ukraina lộ rõ. Phân tích của Paul D’Anieri được coi là phù hợp hơn cả “Hiện nay, tư tưởng  nhằm tăng cường hình ảnh dân tộc và động cơ địa chính trị của Ukraina đều thể hiện trong chính sách đối ngoại của họ: thiết lập quan hệ với châu Âu, độc lập với Nga nhưng không hoàn toàn cắt đứt với Nga. Theo tôi, đó là chính sách của Ukraina trong 10 năm qua (1991-2001)”[4]. Trên thực tế, hầu hết các tác giả đều nhận thấy hai khuynh hướng nổi trội trong chính sách đối ngoại của Ukraina: khẳng định vị thế độc lập tự chủ và định hướng thân phương Tây nhưng vẫn duy trì quan hệ với Nga.

Nếu cuốn sách do Moroney làm chủ biên được coi là giới thiệu một cách có hệ thống hơn cả về chính sách đối ngoại của Ukraina thì trước đó, năm 1999 một loạt các sách đã xuất bản phân tích  quan hệ của Ukraina với Nga, với phương Tây, trong đó có châu Âu và NATO. Đó là các cuốn “Chấm dứt sự mở rộng NATO: các quốc gia Baltic, NATO và Ukraina” (Endgame in NATO’s enlargement: the Baltic States, NATO and Ukraine) của Yaroslav Bilinsky dài 148 trang; “Ukraina và Nga: anh em kình địch” (Ukraina and Russia: a fraternal rivalry) của Anatol Lieven dài 182 trang và “Ukraina và an ninh châu Âu” (Ukraina and European Security) của David Albright và Semyen Appatov dài 288 trang. Tất cả những cuốn sách này đều thể hiện khuynh hướng lưỡng cực trong chính sách đối ngoại của Ukraina: cực EU và cực Nga. Bản thân các tác giả cũng tự chia thành hai nhóm: nhóm ủng hộ cho chính sách thân EU (đại diện là Bilinsky) và nhóm ủng hộ cho chính sách thân Nga (Lieven). Cuốn sách của Yaroslav Bilinsky đưa ra hai dự báo: NATO sẽ kết thúc việc mở rộng bằng kết nạp Ukraina và ba nước vùng Baltic và sử dụng bốn nước này ngăn chặn ảnh hưởng của nước Nga. Cũng với các nước Baltic, Ukraina mong muốn gia nhập vào NATO. Trong khi đó, Bilinsky cho rằng phương Tây muốn tăng cường an ninh cho Ukraina nhưng chưa kết nạp nước này vào NATO vì những mối quan hệ an ninh của Ukraina với Nga (hiệp ước Hạm đội biển Đen giữa Ukraina và Nga). Điều này ngầm cho thấy nếu Ukraina muốn gia nhập NATO thì cần dứt khoát các mối quan hệ quân sự với Nga.

Ngược với luận điểm ủng hộ Ukraina gia nhập NATO của Bilinsky, Lieven cho rằng Ukraina không nên gia nhập khối hiệp ước quân sự này. Theo nhận định của tác giả này, phương Tây ủng hộ các cải cách kinh tế, nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina nhưng không khuyến  khích nước này vào NATO để biến thành một vùng đệm chống lại nước Nga[5]. Lieven đưa ra ba điều kiện để Ukraina có thể gia nhập NATO: khi Nga cũng được mời gia nhập NATO, khi Nga trở thành một siêu cường và khi cải cách của Ukraina bằng với tốc độ của các nước Đông Âu. Lieven cho rằng Ukraina và Nga vốn là một khối liên kết hữu cơ mang tính lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội, Ukraina và Nga mang nhiều nét chung về tâm lý, tôn giáo, ngôn ngữ. Trong khi đó, quan hệ giữa Ukraina và châu Âu đã bị phá vỡ trong một thời gian dài và khó mà hàn gắn ngay. Theo Lieven, nếu quan hệ Ukraina- Nga bị ngăn chặn thì không hẳn là có lợi cho Ukraina. Thêm vào đó, nếu Ukraina một mực chỉ chú trọng tới hội nhập với châu Âu thì bản thân Ukraina đã mất đi một lợi thế trong việc kế thừa truyền thống hợp tác với Nga để tạo ra sức mạnh cho mình. Lieven đã sử dụng nhiều tài liệu về chính sách đối ngoại từ thời Kravchuk (1991-1994) đến thời Kuchma (1994-2005) như là việc chuyển từ chính sách thân phương Tây sang thân Nga.

David Albright và Semyen Appatov cũng xem xét chính sách đối ngoại của Ukraina từ hai vecto: châu Âu và Mỹ ở phương Tây và Nga ở phía Đông thông qua phân tích chính sách của Kravchuk và Kuchma. Hai tác giả này cho rằng lựa chọn tốt hơn cả đối với Ukraina là thân với phương Tây về chính trị và thân với phương Đông về kinh tế. Tuy nhiên, tác giả phân tích rằng nếu vậy quan hệ Ukraina-Nga sẽ mang tính giả tạo, thiếu tin cậy lẫn nhau. Cuốn sách này cũng nhìn nhận lực lượng thân Nga ở Ukraina có khả năng gây ra xung đột dẫn tới khả năng ly khai của vùng Crime và Donbas[6] . Cuốn sách này giành một phần trình bày quan hệ Ukraina-Nga, theo đó một số tác giả cho rằng Nga coi việc Ukraina tuyên bố độc lập mang tính tiêu cực và thể hiện thái độ quay lưng lại với Nga. Cao trào cho phản ứng này là xung đột ở Chechnya năm 1994-1995 sau khi nhiều nước SNG bao gồm cả Ukraina đã  từ bỏ liên kết chính trị-quân sự và chỉ giới hạn trong quan hệ kinh tế với Nga[7].

Nhận định về khả năng gia nhập EU của Ukraina, tác giả Nancy Popson cho rằng “Đối với châu Âu, Ukraina vẫn còn có nhiều hạn chế về các thiết chế chính trị và kinh tế (đặc biệt là hệ thống pháp lý) và đều có khoảng cách rất xa với tiêu chuẩn châu Âu. Đặc biệt châu Âu có phản ứng tiêu cực khi sản phẩm xuất khẩu chính của nước này lại là những thứ mà các nước EU đang dư thừa như nông sản và thép. Các quan chức EU vẫn khuyến khích Ukraina hợp tác và tuân theo các chuẩn mực pháp lý, kinh tế, dân chủ của EU nhưng bất chấp những lời khẩn cầu từ Kiev, EU từ chối xem xét kế hoạch gia nhập EU của nước này”[8].

Quan hệ giữa Ukraina và EU được phân tích kỹ hơn trong “EU và Ukraina: hàng xóm, bạn bè hay đối tác?” (The EU and Ukraine: neighbours, friends, partners?)[9].  Ann Lewis, tác giả của cuốn sách này nhận xét rằng Ukraina đã sớm đặt quan hệ với EU từ thời kỳ Ukraina còn lúng túng trong phát triển nội lực và định hướng chính sách đối ngoại. Bản thân tổng thống Kuchma bị vây hãm trong sự chống đối của nhân dân vì hoạt động yếu kém của chính phủ. Trong khi đó, Kuchma cũng bị Mỹ và châu Âu mất tín nhiệm do liên quan đến trách nhiệm chống tội phạm. Mặc dù Ukraina tuyên bố ưu tiên định hướng sang châu Âu và xin gia nhập EU  nhưng rõ ràng nước này còn xa mới đáp ứng được các yêu cầu của EU về chính trị và kinh tế đối với các nước ứng cử viên (tiêu chuẩn Copenhagen). Một số vấn đề mà Ukraina gặp rắc rối trong quan hệ với EU vẫn là tự do truyền thông hay các rào cản đối với xã hội dân sự đã khiến Ukraina càng thêm xa rời các tiêu chuẩn dân chủ của EU, mặc dù Ukraina đã nỗ lực xây dựng khái niệm công dân với những sự khác biệt về tộc người, tôn giáo và ngôn ngữ, thể hiện sự dung hợp những khác biệt về văn hóa quốc gia. Giữa Ukraina với EU vẫn còn những khác biệt quá lớn, đặc biệt trong sự điều hành luật pháp cũng như vai trò không rõ ràng và quyền hạn của tổng thống khiến nền dân chủ bị vi phạm. Một số lo ngại cho rằng hệ thống đầy biến động của các đảng ở Ukraina do chưa có một liên minh đảng phái đủ mạnh đã gây ra scandal nhiều hơn là củng cố diện mạo chính trị. Trong khi đó, các cải cách kinh tế của Ukraina lại được coi là đầy hứa hẹn và gây ấn tượng với phương Tây bằng việc duy trì tăng trưởng trong mọi lĩnh vực và kiềm chế được  lạm phát. Mối quan tâm được giành cho ngành năng lượng do vai trò quan trọng của nó đối với nền kinh tế (nhập khẩu năng lượng chiếm một phần lớn trong nợ nước ngoài của Ukraina, trong khi nền công nghiệp Ukraina được coi là tiêu phí ít năng lượng) và Ukraina còn có vị trí quan trọng trong việc là nơi trung chuyển dầu và khí đốt cho EU.

Năm 2004, khủng hoảng chính trị ở Ukraina và cuộc cách mạng Cam đã chấm dứt giai đoạn cầm quyền hơn 10 năm của Tổng thống Kuchma. Thay thế ông Kuchma, Tổng thống Yushchenko người vốn luôn thể hiện chính sách thân phương Tây và  đề ra các cải cách trong nước nhằm ngăn chặn tham nhũng, thúc đẩy thị trường tự do tuyên bố kiên trì theo đuổi việc gia nhập EU. Tuy nhiên châu Âu lại tỏ ra hờ hững. Phân tích các động thái của EU sau khi ông Yuschenko lên nắm quyền, Michael Meyer nhận xét rằng “EU hoàn toàn không chào đón Ukraina.. EU vẫn lưỡng lự”[10]. Ngay trong tháng đầu tiên tại vị, Yuschenko đã sang Brussel hai lần, trong đó có 1 lần tham gia Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 22-23 tháng 2 năm 2005.  Trong phiên họp chung với Ukraina, TT Mỹ Bush đã ví TT Ukraina với TT Washington, người đã đấu tranh vì những giá trị mà cả phương Tây đề cao. Ngược lại, TT Pháp Jacques Chirac rời phiên họp sớm. Thủ tướng Đức Schoeder giữ im lặng. Thủ tướng Tây Ban Nha thì báo cáo lại là buổi họp “không có gì hấp dẫn”. Những động thái này được Meyer đánh giá là “không hay đối với Kiev”[11]. Điều duy nhất mà EU có thể làm cho Ukraina là coi Ukraina như một nước láng giềng và điều này rõ ràng không đáp ứng tham vọng muốn gia nhập EU và lập “khu vực kinh tế tự do” với EU của Ukraina. Theo đánh giá của giới quan sát EU thì Ukraina đã đặt vấn đề gia nhập EU và NATO trong bối cảnh không thuận lợi. Trước hết đây là giai đoạn EU đang phải vật lộn với đợt mở rộng lớn nhất  trong lịch sử với việc gia nhập của 10 thành viên từ Đông Âu. Thổ Nhĩ Kỳ còn đang xếp hàng chờ đợi. Trong khi đó, Ukraina là một nước với dân số khá đông so với kích cỡ EU (gần 50 triệu dân), lại là nước có nền kinh tế nghèo nàn, có thể sẽ lại thêm một gánh nặng cho EU nếu gia nhập. Các nhà lãnh đạo “thân Nga” của EU như Bỉ, Pháp, Đức- lo ngại rằng việc vội vã chiêu nạp Ukraina có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ với Nga, đặc biệt nếu Ukraina gia nhập NATO. Thủ tướng Luxembourg, khi đó là chủ tịch luân phiên EU đã nói trong tuyên bố tháng 12/2005 của ông “Tôi hiện chưa chấp nhận nguyện vọng của Ukraina xin trở thành thành viên EU”[12].

Trong khi đó, mối quan hệ giữa Ukraina với Nga sau năm 2004 vẫn không ổn định. Một mặt,  Nga vẫn nắm giữ việc kiểm soát Sevastopol do liên quan đến Hạm đội biển Đen, và tiếp tục đặt các đường ống dẫn dầu qua Ukraina để tới châu Âu. Nga và Ukraina vẫn được coi là ràng buộc nhau nhiều về kinh tế, chưa nói đến các mối liên hệ lịch sử văn hóa tộc người gắn bó giữa hai bên. Mặt khác, việc Ukrain mong muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Nga và giữ định hướng thân phương Tây khiến nhiều người lo ngại cho sự đúng đắn của chiến lược đối ngoại của quốc gia mới giành độc lập này.

Trong bài báo gần đây, Tamerlan Vahabov đã xem xét yếu tố Ukraina trong cuộc chơi giữa các cường quốc Mỹ, EU và Nga. Tác giả này cho rằng Mỹ đã bỏ qua hai yếu tố quan trọng mà Ukraina rất cần là đảm bảo an ninh quốc phòng và an ninh năng lượng, điều mà trên thực tế Ukraina lại phụ thuộc nhiều vào Nga. Ngày 6-6-2010, Quốc hội Ukraina phê chuẩn nghị quyết “Những đảm bảo thực tế giữ cho Ukraina không có hạt nhân”[13]. Ngày 24-4-2010, Ủy ban Chính sách Đối ngoại và An ninh, một tổ chức phi chính phủ đặt tại Ukraina, tổ chức hội thảo “Diễn đàn An ninh quốc tế: Từ An ninh của Ukraina tới An ninh châu Âu: những thách thức của thế kỷ XXI” ở Lvov. Tới dự diễn đàn có các trí thức, đại biểu quốc hội Ukraina, và các tổ chức. Chủ đề chính được bàn tới trên diễn đàn là chính sách không liên kết của Ukraina. Nhiều chuyên gia cho rằng Ukraina không cần thiết phải gấp rút trở thành thành viên NATO mà cần xây dựng một quan điểm mới về an ninh quốc gia[14]. Các đại biểu cam kết sẽ đề xuất quan điểm mới này và trình lên tổng thống Yanukovich. Sau khi Yanukovich lên nắm giữ cương vị tổng thống Ukraina năm 2010, Ukraina đã tuyên bố thái độ trung hòa đối với các thiết chế an ninh trong khu vực như NATO và CSTO. Yanukovich dường như đang cố gắng giữ vai trò cân bằng giữa Mỹ và Nga trong chính sách đối ngoại của mình. Trong hội nghị thượng đỉnh về năng lượng hạt nhân ở Washington tháng 4 năm 2010, Ukraina tuyên bố họ sẽ phá bỏ các kho hạt nhân với uran đã làm giàu. Sau khi trúng cử tổng thống, chuyến công du nước ngoài đầu tiên mà Yanukovich thực hiện là viếng thăm Brussel chứ không phải tới Moskva như nhiều người mong đợi. Tuy nhiên, sau đó Ukraina đã ký lại hiệp định với Nga về kéo dài thời hạn cho thuê cảng Sevastopol tới năm 2042 cho Hạm đội biển Đen. Quốc hội Ukraina cũng đã nhanh chóng thông qua hiệp định này, thậm chí vi phạm nguyên tắc phê chuẩn khi đưa tên một  số người vắng mặt vào danh sách bỏ phiếu để đạt được đồng thuận[15]. Theo cựu Bộ trưởng Bộ ngoại giao Boris Tarasyuk, Ukraina vẫn đang đối mặt với vấn đề phân cực chính trị và định hướng đối ngoại của họ phụ thuộc vào ai sẽ là siêu cường thế giới. Volodimyr Ohryzko, một cựu Bộ trưởng ngoại giao khác thì cho rằng nếu Ukraina đi theo hướng không liên kết thì sẽ là một gánh nặng tài chính với nước này vì phải có nguồn tài chính đảm bảo an ninh quốc phòng độc lập. Do vậy, cho đến hiện nay, ưu tiên chính sách đối ngoại của Ukraina vẫn chưa hẳn đã được định hình rõ rệt và vẫn xoay xung quanh Mỹ, EU, Nga. Khoảng cách địa lý không cho phép Mỹ xác lập một vị trí chủ chốt trong đối ngoại với Ukraina, EU hiện đang gặp khủng hoảng với các vấn đề nội khối, Nga lại đang hiện lên với vai trò ngày càng được củng cố trong khu vực. Đặc biệt, quan hệ Mỹ-Nga đang lên kể từ khi Nga và Mỹ đã ký được Hiệp ước giải trừ vũ khí chiến lược, Nga cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ làm bàn đạp cho các cánh quân vào Afganistan, Nga tăng cường sức ép với Iran về vấn đề hạt nhân khiến cho “thách thức chính của Obama sẽ có khả năng chuyển thành hợp tác bền vững do sự nhượng bộ của Nga”[16].

Đối với vấn đề an ninh năng lượng, ngày 22-4-2010, Tổng thống Nga và Ukraina đã ký Hiệp ước Kharkov về việc gia hạn cho Nga thuê cảng Sevastopol đến năm 2042 và một hiệp ước đổi lại về việc Nga giảm 30%  giá khí đốt cho Ukraina. Việc Mỹ và châu Âu không đầu tư vào kinh tế Ukraina và sự phụ thuộc của nước này về năng lượng đối với Nga làm cho Ukraina phải xem lại ưu tiên định hướng phương Tây trong chính sách đối ngoại của mình. Tuy nhiên theo bình luận của các chuyên gia thì dường như Ukraina vẫn phải chịu thiệt trong Hiệp ước này vì giá ga mà Nga giành cho Ukraina là 230 đola/m3, tương đương với giá ga mà EU được hưởng, mặc dù EU chẳng hề phải nhượng bộ Nga trong vấn đề quan trọng như Sevastopol[17].

Ukraina hiện đang rất cần đầu tư của Mỹ và EU vào việc hiện đại hóa hệ thống khai thác và cung cấp năng lượng để không còn phải phụ thuộc vào Nga. Trong khi đó, hệ thống năng lượng, phân phối khí đốt và xuất khẩu khí đốt của Ukraina hiện do công ty nhà nước quản lý là chủ yếu (Naftohaz Ukraininy). Công ty này cũng quản lý hệ thống đường ống dẫn của Nga qua Ukraina. Theo tuyên bố của Brussel ngày 23-3-2009 về hiện đại hóa hệ thống dẫn khí đốt của Ukraina, hệ thống này phải được phân chia làm nhiều bộ phận mang tính tự hạch toán, mỗi bộ phận phải chịu trách nhiệm về chuyên môn của mình. Quan điểm của EU là tái cơ cấu và tổ chức lại Naftohaz sẽ giúp quản lý và giám sát dễ dàng hơn, hiệu quả và minh bạch hơn. Và như vậy cũng là dễ giám sát Hiệp ước Kharkov ký giữa Ukraina và Nga, đây cũng là điều kiện để EU có thể đầu tư vào công ty này. Theo tuyên bố Brussel, Ukraina đã đưa ra một vài cam kết về chính sách minh bạch và công khai đối với các nhà đầu tư vào hệ thống dẫn khí đốt. Ukraina cũng phải chịu trách nhiệm thông báo các thông tin về kỹ thuật và tài chính đối với các nhà đầu tư.

Với những hứa hẹn từ phía EU, các chuyên gia vẫn cho rằng Ukraina cần thực thi một chính sách thông minh trong quan hệ với Nga. Bản thân EU và Nga hiện cũng có nhiều ràng buộc với nhau về kinh tế, do đó “Ukraina cần hội nhập với EU nhưng vẫn phải duy trì quan hệ ổn định với Nga. Điều này làm tăng thêm hình ảnh của Ukraina là một đối tác năng lượng và thương mại đáng tin cậy”[18].

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng hiện nay Ukraina vẫn đang lúng túng trong việc xác định ưu tiên trong chính sách đối ngoại và vẫn đang tìm kiếm cho mình một “điểm tựa” vững chắc về an ninh quốc phòng và an ninh năng lượng. Trong bối cảnh như vậy, châu Á hiện vẫn chưa phải là một hướng ưu tiên trong chính sách của Ukraina. Tuy nhiên, trước đề xuất gần đây cho rằng Ukraina nên phát triển chính sách trung lập thay bằng dựa dẫm vào các cường quốc, trong thời gian tới, Ukraina sẽ đa dạng hóa các mối quan hệ nhằm củng cố hơn nữa hình ảnh của mình trên thế giới.

Tài liệu tham khảo
Yaroslav Bilinsky (1999). Endgame in NATO’s enlargement: the Baltic States, NATO and Ukraine. London, Westport, CT: Praeger.
Anatol Lieven (1999). Ukraina and Russia: a fraternal rivalry. Washington DC: US Institute of Peace Press.
David Albright và Semyen Appatov  (cb) (1999). Ukraina and European Security. Basingstoke: Macmillan.
Nancy Popson (2002). Where does Europe end? The Wilson Quarterly, Vol 26, No 3 (Summer 2002), pp. 13-19
Ann Lewis (2002). The EU and Ukraine: neighbours, friends, partners? London: The Federal Trust. 319p
Meyer, M. (2005), Ukraine: Stranded between Two World? World Policy Journal, Vol.22, No 1.
Moroney, J.D.P, Kuzio T & Molchanov (2002). Ukrainian Foreign and Security Policy: Theoretical and Comparative Perspectives. Praeger, Westport, CT, and London. 298 pp.
Vahabov Tamerlan (2010). Ukraine: A Challenge for US, EU & NATO Regional Policy. Caucasian Review of International Affairs, Columbia University. Vol 4 (3)- Summer 2010


[1]Moroney, J.D.P, Kuzio T & Molchanov. Ukrainian Foreign and Security Policy: Theoretical and Comparative Perspectives. Praeger, Westport, CT, and London, 2002. 298 pp.
[2]Wolczuk R. (2004). Book review “Ukrainian Foreign and Security Policy: Theoretical and Comparative Perspectives”. Europe-Asia Studies. Vol 56, No2 (Mar., 2004), p.322
[3]Moroney, dd, p.227
[4]Moroney, dd, p.52
[5]Anatol Lieven (1999). Ukraina and Russia: a fraternal rivalry. Washington DC: US Institute of Peace Press. P.8
[6]David Albright và Semyen Appatov  (cb) (1999). Ukraina and European Security. Basingstoke: Macmillan, p.133
[7]Mặc dù Ukraina là một trong ba quốc gia thành lập SNG năm 1991 nhưng Ukraina sau đó đã không phê chuẩn Hiến chương SNG nên đã không được coi là thành viên của SNG
[8]Nancy Popson (2002). Where does Europe end? The Wilson Quarterly, Vol 26, No 3 (Summer 2002), pp. 13
[9]Ann Lewis (2002). The EU and Ukraine: neighbours, friends, partners? London: The Federal Trust.
[10]Meyer, M. Ukraine: Stranded between Two World? World Policy Journal, Vol.22, No 1 (2005), p. 76
[11]Meyer, dd, tr.77
[12]Dẫn theo Meyer, dd, tr.77
[13]Kyiv post “Parliament proposes drafting international documents to strengthen security assuarances to Ukraine” Interfax, http://www.kyivpost.com
[14]“International Security Forum Resolution Adopted”, Council for Foreign and Security Policy, http://www.cfsp.org.ua/en/about-cfsp/91-2010-06-09-34-01
[15]Dead Souls voted for Yanukovich/Medvedev pact, Pravda http://www.pravda.com.ua/news/2010/04/27/4977472
[16]Vahabov Tamerlan. Ukraine: A Challenge for US, EU & NATO Regional Policy. Caucasian Review of International Affairs, Columbia University. Vol 4 (3)- Summer 2010, p.298
[17]Vahabov, dd, p.301
[18]Vahabov, dd, tr.303


No comments:

Post a Comment

View My Stats