Thứ hai 17 Tháng Ba 2014
Từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, để ngăn chặn các vi
phạm nhân quyền trầm trọng tại nhiều khu vực cùng nguy cơ khủng bố, Phương Tây
đã tiến hành nhiều can thiệp quân sự. Về chủ đề này, Le Figaro có bài nhận định
mang tính tổng thuật với hàng tựa « Các can thiệp quân sự có giúp giải quyết khủng hoảng ? ».
Các xung đột vũ trang của thời
kỳ hậu thực dân và hậu chiến tranh lạnh đã thay đổi sâu sắc về diện mạo. Những
đụng độ quân sự giữa các quốc gia ngày càng trở nên hiếm hoi. Cuộc chiến tại
một địa điểm nhất định, trong một thời gian nhất định, với một số hoạt động
nhất định đã được thay thế bằng nhiều hình thức bạo lực khác. Quân đội của một
quốc gia có thể bị hạ gục, nhưng khuất phục một xã hội thì rất khó, đặc biệt
nếu như đó là một xã hội nuôi dưỡng khủng bố. Quốc gia bị phá sản là một trong
các nhân tố sinh ra bạo lực. Liên Hiệp Quốc thống kê được 26 quốc gia như vậy,
và còn 120 quốc gia khác nằm trong danh sách báo động. Một nửa số quốc gia trên
hành tinh không kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ, và đây có thể là nguồn gốc của
hỗn loạn, bất ổn.
Đầu thế kỷ 21, ngày càng phổ
biến một hình thức chiến tranh mới, can thiệp quốc tế để hỗ trợ các nạn nhân
(Libya, Trung Phi) và chống chủ nghĩa khủng bố (ở Afghanistan, Mali). Kể từ
cuộc can thiệp ở Rwanda và Srebrenica (Nam Tư cũ), nổi lên một chủ thể mới
trong luật pháp quốc tế : nạn nhân của chiến tranh, đàn áp… Nếu như trong các
cuộc chiến cổ điển (như Thế chiến thứ nhất 1914-1918), hơn 90% nạn nhân là
người lính, thì trong các chiến tranh hiện thời, ngược lại hơn 90% nạn nhân lại
là thường dân. Năm 2005, Liên Hiệp Quốc thừa nhận « trách nhiệm bảo vệ »
người dân, tức quyền can thiệp vào phạm vi chủ quyền của một quốc gia xẩy ra
các vi phạm nghiêm trọng nhân quyền.
Le Figaro điểm lại 9 cuộc chiến
can thiệp trong 15 năm qua, từ Kosovo (1999), Afghanistan (2001), Irak (2003),
Darfour-Sudan (2003) đến các chiến gần đây như Libya (2011), Côte d’Ivoire
(2011), Mali (2013) và Trung Phi (2013). Ngoại trừ hai cuộc chiến Kosovo và
Irak, tất cả các can thiệp quân sự còn lại đều được sự ủy nhiệm của Liên Hiệp
Quốc.
Can thiệp quân sự hiếm khi giải quyết được
khủng hoảng chính trị
Nếu như tại Libya và Mali hay
trong một số trường hợp khác, các can thiệp quân sự có thể ngăn chặn các thảm
họa, nhưng nhìn chung các chiến dịch can thiệp thường hiếm khi giải quyết được
các khủng hoảng chính trị xét về dài hạn. Tại Irak chẳng hạn, can thiệp thậm
chí làm nghiêm trọng hơn tình trạng đất nước. Triển vọng hòa bình tại
Afghanistan cũng rất khó đạt được, dù Taliban bị lật đổ từ năm 2001…
Sử dụng các sức mạnh quân sự
như thế nào, dựa trên các tiêu chí nào và nhằm kết quả nào là đúng trong các
can thiệp quân sự quốc tế là những câu hỏi mà giới chuyên gia đặt ra. Cựu Thủ
tướng Pháp Dominique de Villepin phê phán xu thế "quân sự hóa tinh thần",
coi « việc sử dụng sức mạnh tự thân mang ý nghĩa tốt lành » (idée
vertueuse de la force) của cánh tân bảo thủ Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, một so sánh
khác cần được đặt ra là : Tại sao ưu tiên cho một can thiệp quân sự vào Libya
chẳng hạn, trong khi lại coi nhẹ sinh mạng của hàng triệu người tại Cộng hòa
Dân chủ Congo… hay những nơi khác ?
Trên thực tế, theo giám đốc
viện đại học của Liên Hiệp Quốc – có trụ sở tại Tokyo - David Malone (nguyên
chủ tịch Viện hàn lâm quốc tế vì hòa bình), trách nhiệm can thiệp để bảo vệ dân
chúng như một nghĩa vụ quốc tế thường được giải thích rất khác nhau, và một
phần lớn lại phụ thuộc vào quan điểm của năm thành viên thường trực Hội đồng
Bảo an. Cựu chủ tịch Viện hàn lâm quốc tế vì hòa bình dự báo, do không thể áp
dụng nhất loạt nguyên tắc này (vì lý do chính trị), nguyên tắc này có khả năng
sẽ được củng cố bởi những tiến triển trong hệ thống luật pháp hình sự quốc tế.
Về phần mình, Tổng giám đốc
Unesco Irina Bokova cho rằng có một sự khủng hoảng của « quyền lực cứng
», tức của sức mạnh quân sự, và có một sự trở lại mạnh mẽ của ngoại giao và « quyền
lực mềm », sau thời kỳ ngự trị của ảo tưởng rằng quân sự giải quyết mọi
thứ. Tuy nhiên, Le Figaro kết luận, nên nhắc lại một câu châm ngôn latinh cổ « Si
vis pacem, para bellum » (nếu bạn muốn hòa bình, cần phải chuẩn bị cho
chiến tranh).
Khủng hoảng Ukraina trên báo Pháp
« Crimée nhảy vào lòng
Matxcơva » (Libération), « Putin tiếp tục huy động binh lực » (Le
Figaro), « Nga duy trì đe dọa quân sự với Ukraina » (Le Monde)…
Cuộc trưng cầu dân ý tại Crimée
hôm qua, được Nga ủng hộ, nhưng bị quốc tế phản đối là chủ đề chính trên trang
nhất hầu hết các báo Pháp. « Crimée, sự gia tăng của các hiểm họa » là
hàng tựa chính của Le Monde. Libération lớn tiếng khẳng định nguy cơ « Crimée
: Dưới chiếc gậy chăn dắt của Nga », bên dưới là hình ảnh người biểu tình
giương cờ Nga và cả lá cờ đỏ búa liềm của Liên Xô cũ. Báo Le Figaro ghi nhận
các cư dân Crimée đi bỏ phiếu đông đảo trong cuộc trưng cầu dân ý, bị quốc tế
coi là bất hợp pháp, và cộng đồng quốc tế sẵn sàng thực hiện các trừng phạt
kinh tế chống Nga. Báo L’Humanité lo ngại nguy cơ xu hướng ngả theo Nga sẽ lan
rộng ra các vùng khác của Ukraina, đe dọa sự ổn định đất nước này.
Nga dùng chiêu bài cực hữu để đả phá tân
chính quyền Ukraina
Le Monde với phóng sự « Cực
hữu Ukraina, đích ngắm ngoài mong đợi của Matxcơva », chú ý đến sự hiện
diện của các thành phần cực hữu phát xít mới, tuy có mặt với số lượng hết sức
ít ỏi trong cuộc nổi dậy chống chính quyền Ianoukovitch, đã được hệ thống tuyên
truyền của Nga sử dụng một cách có dụng ý để bác bỏ tính hợp pháp của tân chính
quyền Kiev. Le Monde dẫn lời 21 đại diện cộng đồng Do Thái Ukraina đầu tháng 3
đồng loạt lên án Tổng thống Nga, đã bịa đặt ra tình trạng bài Do Thái trong
cuộc cách mạng vừa qua.
Putin khinh thường Phương Tây
Trong chùm hồ sơ của Libération
có bài phân tích đáng chú ý mang tựa đề « Vladimir Putin ở thế mạnh ».
Nhà chính trị học Pierre Hassner, Viện chính trị Paris, khẳng định Crimée khác
hẳn Kosovo trước đây, đặc biệt vì vùng đất này trên thực tế đã bị Nga chiếm
đóng. Libération dẫn lời chuyên gia về nghiên cứu chiến lược François
Heisbourg, theo đó, nếu Crimée bị sát nhập vào Nga, « toàn bộ thế cân bằng
chiến lược từ 1945 sẽ bị đảo lộn », và bản thân vị thế chiến lược của
Phương Tây cũng bị thách thức. Còn nếu như Nga để treo quyết định sát nhập, thì
đây sẽ là một thanh gươm Damoclès đối với tân chính quyền Ukraina và một lá bài
rất có trọng lượng trong cuộc chơi với Phương Tây.
Theo giám đốc Trung tâm nghiên
cứu chiến lược (Fondation pour la recherche stratégique) Camille Grand, mục
tiêu thực sự của Tổng thống Putin là « duy trì Ukraina trong quỹ đạo lệ
thuộc ». Bà nhấn mạnh, do Phương Tây cần Matxcơva trong quan hệ quốc tế,
nên Tổng thống Nga « coi Phương Tây như là những kẻ yếu đuối » và ông ta
sẽ tiếp tục đường lối cứng rắn này, và coi đây "là một cơ hội để làm
suy yếu và hạ nhục một Phương Tây, vốn đã bị Tổng thống Putin coi thường".
Thủ tướng Đức : Chìa khóa cho một giải pháp
ngoại giao với Nga
Trong lúc căng thẳng trong quan
hệ giữa Phương Tây và Nga ngày càng tăng cao, tờ Les Echos chú ý đến vai trò
trung gian của Thủ tướng Đức Angela Merkel qua bài « Merkel-Putin, những
động lực của một quan hệ yêu ghét lẫn lộn ». Les Echos mở đầu bài viết với
một chi tiết đáng chú ý : Nữ Thủ tướng Đức rất sợ chó, khi gặp bà vào năm 2006
(khi Angela Merkel mới nhậm chức Thủ tướng), ông Putin tặng Angela Merkel một
con chó bông, còn một năm sau đó, khi gặp lại bà tại tư gia ở Crimée, Tổng thống
Nga để cho chú chó đen Koni của mình nhảy lên ôm cổ bà Merkel.
Bài viết nhấn mạnh : Thủ tướng
Đức Angela Merkel chắc chắn là người có vị thế tốt nhất để có thể duy trì được
quan hệ với Tổng thống Nga Putin, và giúp cho việc hạ nhiệt các căng thẳng ở
Ukraina. Tuy nhiên, công việc của Thủ tướng Đức là hết sức nhạy cảm và hoạt
động ngoại giao này cần phải được thực hiện trong hợp tác mật thiết với các đối
tác Châu Âu và Hoa Kỳ.
Thủ tướng Đức hiện nay được coi
là « lãnh đạo Phương Tây duy nhất » mà ông Putin tôn trọng thực sự. Bà
lớn lên ở Đông Đức, nói tiếng Nga, ngược lại Tổng thống Nga dùng thạo tiếng
Đức, và từng là nhân viên KGB, làm việc tại Đức trước khi bức tường Berlin sụp
đổ. Tổng thống Nga nhìn nhận ở Thủ tướng Đức « một đối tác khó chơi, nhưng
đáng tin, cho dù quan điểm của họ hoàn toàn đối lập nhau ».
Tuy nhiên, Les Echos ghi nhận
cho đến nay, các nỗ lực ngoại giao của Thủ tướng Đức chưa có kết quả. Khả năng
phương Tây trừng phạt Nga là dường như không thể tránh khỏi, cuộc đọ sức
Merkel-Putin chỉ mới bắt đầu.
Bình minh của một nền văn minh mới ?
Số báo đầu tuần của tờ La Croix
hướng cái nhìn đến “Một thế giới mới”, tựa đề trang nhất của báo, trong
bối cảnh toàn thế giới hướng cái nhìn vào cuộc khủng hoảng Ukraina, có nguy cơ
đe dọa hòa bình thế giới. Tờ báo Công giáo La Croix đặt câu hỏi : “Phải
chăng chúng ta đang ở bình minh của một nền văn minh mới ?”. Để trả lời cho
câu hỏi này, liên tiếp trong bốn tuần, bắt đầu từ hôm nay, La Croix sẽ giới
thiệu với công chúng các góc nhìn khác nhau về những thay đổi lớn trên thế giới
trong một loạt lĩnh vực : toàn cầu hóa kinh tế, sự phát triển đột biến của kỹ
thuật số, sự phát triển vượt bậc của di truyền học…
Trả lời phỏng vấn La Croix, nhà
văn, nhà tiểu luận Jean-Claude Guillebaud, phụ trách bộ phận văn học của nhà
xuất bản Seuil, chuyên theo dõi về vấn đề này đã hai mươi năm nay, giới thiệu
về một “thế giới mới” đang hình thành với nhiều nguy cơ, nhưng cũng
không ít hứa hẹn.
Người được mệnh danh là nhân
vật thúc đẩy “đối thoại giữa các hiểu biết” nhấn mạnh đến hai chuyển
biến căn bản cuối thế kỷ XX : Sự đột biến về địa-chính trị với sự thức tỉnh của
nước Ba Lan, mở đầu cho sự sụp đổ của hệ thống cộng sản toàn trị, việc bầu lên
Giáo hoàng Jean-Paul II (1979), tiếp theo đó là sự tự do lưu chuyển của các
dòng vốn vượt qua biên giới quốc gia. Theo nhà quan sát, trong hiện tại sự phát
triển của tin học mang lại những thay đổi quan trọng nhất, làm nổi lên “lục
địa thứ sáu” – tức Internet, mà hiện tại, ai ai cũng có thể tham gia…. Còn
lại một thay đổi lớn khác cần thực hiện, đó là “thay đổi sinh thái”,
trong một thế giới mà các nguồn tài nguyên đều không phải là vô giới hạn, nhưng
con người là có xu hướng tiêu thụ “vô hạn độ”, điều mà nền văn minh Hy
Lạp cổ từng lên án…. Ô nhiễm hiện nay là điều mà khắp nơi mọi người đều lo sợ.
Có nhiều thách thức, nhưng cũng
có nhiều hy vọng, theo nhà văn Jean-Claude Guillebaud, nếu như thế hệ ông trước
đây ngưỡng mộ nhưng người như nhà cách mạng Che Guevara, thì giờ đây giới trẻ
hâm mộ Nelson Mandela, Mahatma Gandhi và Marin Luther King, các hình tượng tiêu
biểu của cuộc đấu tranh bất bạo động.
Trở lại nước Pháp, quy định
giới hạn lưu thông xe cộ theo biển số chẵn lẻ tại Paris và vùng phụ cần bắt đầu
có hiệu lực từ hôm nay là đề tài được Le Figaro khai thác.
No comments:
Post a Comment