Tuesday, 18 March 2014

NGA CÔNG NHẬN CRIMEA ĐỘC LẬP (BBC, VOA)




BBC
Cập nhật: 05:30 GMT - thứ ba, 18 tháng 3, 2014

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh công nhận Crimea là một nhà nước độc lập, dọn đường cho vùng lãnh thổ này sáp nhập vào Nga.
Động thái này diễn ra chỉ vài tiếng sau khi EU và Hoa Kỳ công bố các lệnh cấm vận các quan chức Nga.
Cơ sở của sắc lệnh này là cuộc trưng cầu dân ý mới đây tại Crimea - với 97% cử tri được cho là ủng hộ tách khỏi Ukraine.

EU và Hoa Kỳ xem cuộc bỏ phiếu này là bất hợp pháp và đã áp đặt các lệnh cấm vận lên 21 quan chức Nga và Ukraine.
Crimea đã bị các tay súng thân Nga kiểm soát từ cuối tháng Hai.
Điện Kremlin vẫn chính thức phủ nhận những tay súng này là quân lính Nga, nhưng thừa nhận Quốc hội Nga cho phép Tổng thống Vladimir Putin được sử dụng vũ lực sau lời thỉnh cầu của ông Yanukovych.

Crimea là lãnh thổ của Ukraine từ năm 1954, nhưng đa số dân cư tại đây là người gốc Nga.
EU và Mỹ lần lượt công bố danh sách những quan chức bị cấm vận của cả Nga và Ukraine. Những người này bị cấm đi lại và đóng băng tài sản.
Trong danh sách này có lãnh đạo tạm quyền Crimea Sergei Aksyonov và Chủ tịch Quốc hội Vladimir Konstantinov.
Danh sách cấm vận của Mỹ còn gồm cả ông Dmitry Rogozin, một phó thủ tướng của Nga, và bà Valentina Matviyenko, Chủ tịch Thượng viện Nga, và ông Yanukovych.
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói trong buổi họp báo rằng Washington 'sẵn sàng áp đặt thêm các lệnh cấm vận', tùy thuộc vào việc Nga sẽ xuống thang hay leo thang căng thẳng tại Ukraine.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh vẫn còn cơ hội giải quyết khủng hoảng bằng con đường ngoại giao.

'Không thừa nhận thực tế'

Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton, nói những cá nhân bị cấm vận là những làm tổn hại đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Tuy nhiên, vẫn còn thời gian để ngăn ngừa tình hình 'leo thang tiêu cực', bà nói đồng thời kêu gọi Nga lui quân khỏi Crimea.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergei Ryabkov, cáo buộc Hoa Kỳ là 'không muốn thừa nhận thực tế'.
Ông nói 'họ muốn áp đặt cách tiếp cận đơn phương, không cân bằng của họ' lên phần còn lại của thế giới.

Tổng thống tạm quyền Ukraine Olexander Turchynov nói Kiev sẵn sàng đàm phán với Nga, nhưng sẽ không bao giờ chấp nhận Nga sáp nhập Crimea.
Trước đó, chính quyền Kiev cho biết đã cho triệu hồi đại sứ của họ tại Moscow để tham vấn.
Quốc hội của Crimea, vốn bị chính quyền Kiev tuyên bố giải tán hồi tuần trước, đã tuyên bố độc lập khỏi Ukraine.
Các nghị sỹ Crimea nói luật pháp của Ukraine giờ đây không còn được áp dụng, và tất cả những tài sản quốc gia của Ukraine sẽ thuộc về nước Crimea độc lập.
Bán đảo này cũng sẽ sử dụng tiền tệ của Nga và chỉnh đồng hồ theo múi giờ của Moscow trước cuối tháng Ba, các nghị sỹ Crimea tuyên bố.
Lời tuyên bố này cũng kêu gọi 'tất cả các quốc gia trên thế giới' công nhận nền độc lập của Crimea.

Hơn 10% dân số tại Crimea là người Tatar, vốn đã bị nhà độc tài Liên Xô Joseph Stalin đày ải và chỉ được trở về Crimea sau khi Liên Xô tan rã.
Nhiều người trong số họ đã tuyên bố tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý.
Người có triển vọng trở thành tổng thống Ukraine, ông Vitali Klitschko, nói ông quan ngại rằng người Tatar sẽ bị 'thanh lọc sắc tộc' nếu Nga tiếp thu Crimea.

----------------------------

VOA
17.03.2014

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh công nhận khu vực Crimea của Ukraina là "một quốc gia có chủ quyền và độc lập."

Ông Putin ký sắc lệnh này ngày thứ Hai, một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea mà giới chức Nga nói rằng 97% người dân bỏ phiếu ủng hộ việc Crimea tuyên bố độc lập khỏi Ukraina.

Sắc lệnh này cũng được ban hành chỉ vài giờ sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu loan báo những biện pháp trừng phạt các quan chức Nga ủng hộ việc Crimea tách khỏi Ukraina.

Những quan chức cấp cao của Tòa Bạch Ốc nói với phóng viên rằng họ có "bằng chứng cụ thể" là một số lá phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý Crimea đã được đánh dấu sẵn khi được đưa đến thành phố trước cuộc bỏ phiếu.

Chính quyền Obama và Liên minh châu Âu đã nhiều lần nói rằng cuộc trưng cầu Crimea vi phạm hiến pháp Ukraina và luật pháp quốc tế.



No comments:

Post a Comment

View My Stats