Tuesday, 9 April 2013

Ý KIẾN CỦA NHÓM SINH VIÊN LUẬT RA "TUYÊN NGÔN CÔNG LÝ CHO ĐOÀN VĂN VƯƠN" (Gia Minh - RFA)




Gia Minh, biên tập viên RFA
2013-04-06

Gia Minh hỏi chuyện anh Phạm Lê Vương Các, một trong ba người ký tên đầu tiên vào Tuyên Ngôn Công lý cho Đoàn Văn Vươn về điều đó, và trước hết anh này cho biết:

Không có căn cứ pháp lý thỏa đáng

Phạm Lê Vương Các: Là một trong những người đầu tiên ký tên vào tuyên ngôn công lý cho Đoàn Văn Vươn, sau khi biết mức án sơ thẩm đầu tiên dành cho những người trong gia đình của họ Đoàn, tôi nhận thấy rằng công lý dường như vẫn chưa được thực thi đầy đủ để đáp ứng sự kỳ vọng của công luận, bằng một bản án tha bổng hoặc án treo dành cho gia đình ông Vươn. Nhìn vào bản án thì thấy luật pháp hiện nay vẫn chưa thể là giá đỡ để giúp cho công lý và niềm tin được đứng vững.
Là một người học luật, tìm hiểu về luật, tôi cảm thấy rất thất vọng và lo ngại về bản án này.

Gia Minh: Từ góc độ của một người học luật, biết luật pháp, anh có thể cho những người không nắm rõ về luật biết những gì không tương thích với hiến pháp, với những qui định của Việt Nam cũng như quốc tế trong việc tuyên án cho những người trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn như thế?
Phạm Lê Vương Các: Sau khi biết được mức án dành cho ông Vươn và gia đình ông ta; bây giờ mà nói về mặt lý luận nữa tôi không có chút hứng thú gì nữa để nói về lý luận. Bởi vì tôi nghĩ nếu ngày hôm qua, quan tòa nếu dũng cảm để phân xử đâu là công lý, thì không có mức án như vậy. Chính vì vậy quan điểm của tôi cũng đơn giản thế này: tội danh giết người và chống người thi hành công vụ cho ông Vươn và những người trong gia đình là không có căn cứ pháp lý thỏa đáng.

Gia Minh: Anh có thể nói rõ hơn vì sao không có căn cứ pháp lý thỏa đáng như thế?
Phạm Lê Vương Các: Như tôi đã nói, bây giờ nếu nói về mặt lý luận nữa, tôi cảm thấy hơi mệt mỏi.

Phải tha bổng

Gia Minh: Theo chuẩn mực chung của luật quốc tế thì phải phán xét thế nào trong trường hợp này?
Phạm Lê Vương Các: Tôi nghĩ phải tha bổng thôi, vì nếu theo chuẩn mực chung thế giới mà chiếu theo Tuyên ngôn Thế giới về Quyền Con người, điều mở đầu viết rất rõ thế này ‘Điều cốt yếu là nhân quyền phải được một chế độ pháp trị bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng mà phải nổi dậy chống lại áp bức vào bạo quyền’. Như thế nhân quyền bị xâm hại trong vụ cưỡng chế đất đai của gia đình ông Vươn là gì? Đó là quyền tư hữu, quyền bảo vệ tài sản, quyền được sống trong một môi trường an toàn và quyền được tự vệ chính đáng.
Như ta đã thấy, chính quyền Tiên Lãng, Hải Phòng đã đặt gia đình anh Vươn vào trạng thái mất an toàn, khi có hành vi sai trái là đã tước đoạt đi tài sản, đất đai mà gia đình ông Vươn đã bao đời gây dựng và khai phá nên.
Ngoài ra có thể thấy, chính quyền ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã thực thi pháp luật một cách tùy tiện là đẩy gia đình ông Vươn phải vào thế cùng là nổi dậy, chống lại sự sai trái và bạo quyền của chính quyền huyện Tiên Lãng.
Nơi nào có áp bức, nơi đó có đấu tranh; đó là lẽ thường của tự nhiên; cho nên tôi cho rằng nếu tuân theo chuẩn mực của luật pháp quốc tế, lẽ thường của cuộc sống, lẽ thường của tự nhiên thì ông Vươn và thân nhân xứng đáng được tòa tuyên vô tội.

Gia Minh: Lâu nay khi xét xử, thông thường ngoài việc căn cứ vào luật pháp của nơi sở tại, người ta còn có theo án lệ nữa; trong trường hợp này, là người nghiên cứu về luật, anh thấy ở tại Việt Nam từ trước đến nay có trường hợp nào tương tự có thể xem như án lệ để xét xử trong vụ này không?
Phạm Lê Vương Các: Trong thời gian gần đây nhiều nhà nghiên cứu về luật cũng nhắc đến vụ án Đồng Nọc Nạn ở thời kỳ Pháp thuộc. Hai vụ án này có một bản chất rất tương đồng với nhau. Thứ nhất đó là mâu thuẫn giữa người nông dân đi khai phá đất và chính quyền địa phương đại diện cho nhà nước trong việc thu hồi đất để rồi dẫn đến sự việc người nông dân bị dồn vào thế cùng phải sử dụng vũ khí nổi dậy chống lại chính quyền địa phương.
Chính vì vậy, tôi nghĩ nếu ở Việt Nam sử dụng tiền lệ vụ án Đồng Nọc nạn để đưa vào vụ án Đoàn Văn Vươn, thì về mặt lý luận hoàn toàn có thể được. Tuy nhiên, khá đáng tiếc là hiện nay tại Việt Nam, án lệ lại không được thừa nhận như là một nguồn luật chính thức khi xét xử.

Bản án răn đe

Gia Minh: Sau khi có bản án, nhiều người có ý kiến là Nhà nước muốn răn đe đối với những người dám dùng vũ khí để chống lại chính quyền như trường hợp gia đình ông Đoàn Văn Vươn; theo anh thì mục tiêu răn đe có thể đạt được trong trường hợp này hay không?
Phạm Lê Vương Các: Đứng về mặt quản lý nhà nước, tôi nghĩ nếu dùng bản án như thế để răn đe là hoàn toàn vô tác dụng. Bởi vì chúng ta chỉ có thể xây dựng được một xã hội công bằng, bình đẳng và bác ái trên phương diện tất cả phải có tinh thần thượng tôn pháp luật. Và cần có một cơ chế để giám sát quyền lực nhà nước một cách hữu hiệu- bằng cách tư pháp độc lập là điều trước tiên.
Bản án đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn có tác dụng răn đe hay không? Trước hết tôi nghĩ, chúng ta cần tiếp cận chức năng và nhiệm vụ của tòa án Việt Nam. Như chúng ta biết, tòa án Việt Nam ngoài chức năng xét xử còn có chức năng bảo vệ chế độ. Cho nên tôi nghĩ việc tuyên án ông Đoàn Văn Vươn thiếu đi chuẩn mực như vậy, cũng chỉ nhằm ngăn chặn, răn đe của chính quyền đối với những người nông dân. Gần đây chúng ta thấy, nông dân đi khiếu kiện đất đai gia tăng ngày càng đột biến. Điều gì sẽ xảy ra nếu nông dân bất bình trong việc thu hồi đất mà phải hành động như gia đình ông Đoàn Văn Vươn?

Gia Minh: Là người học luật và sau này đi bào chữa cho thân chủ, bản thân anh có thấy quá khó khi mà hiện nay cũng còn có những án bỏ túi hay không?
Phạm Lê Vương Các: Là người học luật và có nhu cầu bào chữa trong tương lai, khi nhìn vào những án như anh nói ‘án bỏ túi’, thì phải thừa nhận tại Việt Nam vẫn còn tồn tại khá nhiều. Chính vì vậy, là người học luật, trước tiên, bất kỳ bản án nào dù cho không công bằng; đứng từ góc độ cá nhân tôi vẫn tôn trọng nó để tôi có thể thay đổi được nó. Dấn thân đi theo tiếng gọi của công lý và lương tri.

Gia Minh: Cám ơn.

-------------------------------------

XEM THÊM :




No comments:

Post a Comment

View My Stats