Võ Thái (ABC Radio Australia )
Cập nhật lúc 17 April 2013, 22:57 AEST
Chính quyền Việt Nam đang gặp
khó khăn trong việc tranh thủ dư luận dù họ đã và đang phá website đối kháng,
đàn áp các blogger và các nhà báo tự do, và nay họ tin tưởng rằng vũ khí mới
nhất là một đội quân dư luận viên hùng hậu có thể lái dư luận về hướng thuận
lợi cho họ.
Một dư luận viên (cầm loa tay) khuyên người biểu
tình nên giải tán (Credit: ABC)
Nhà báo tự do Trương Duy Nhất cho biết lần đầu tiên ông biết về đội quân dư luận
viên (DLV) là lúc ông Hồ Quang Lợi, trưởng ban tuyên giáo thành phố Hà Nội tiết
lộ vào đầu năm 2013. Tuy nhiên ông Nhất “không ngạc nhiên về điều này”.
Dư luận viên là ai?
Sau Hà Nội, quan chức thành
phố Đà Nẵng cũng tiết lộ họ đã thành lập DLV từ năm 2010. Tại cuộc họp triển
khai nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2013, ông Mai Mộng Tưởng, phó ban tuyên giáo Đà
Nẵng chỉ thị cho các DLV dưới quyền “hãy nắm bắt về việc góp ý dự thảo sửa đổi
hiến pháp, theo dõi chuyển biến thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, đẩy mạnh học
tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.”
“Dù không tuyên bố thì lâu nay người ta cũng đã làm
rồi. Buồn cười vì hóa ra đầu óc mấy ông ngồi đó nghĩ toàn chuyện vớ vẩn, bá
láp, bá xàm như vậy,” ông Nhất nói.
Ông Nhất cho biết: “Chưa gặp người nào dám nhận là DLV ngoài
đời, mà cũng chưa thấy ai công khai danh tính rõ ràng trong các bình luận trên mạng.
Thành viên của đội ngũ này chỉ thường dùng các tên giả. Tuy nhiên qua các lần
làm việc với công an, thanh tra sở thông tin truyền thông, họ thừa nhận có đưa
phát biểu (comment) vào các trang cá nhân, bài viết của tôi.”
Vậy ông Nhất ứng xử như thế
nào? “Chỉ cái phát biểu nào đàng hoàng mới để. Cái nào nói tào lao, kích động,
xuyên tạc, v.v… thì tôi xóa hết,” ông Nhất nói.
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) nhận định: “Chủ
trương kiểm soát thông tin cũng như ý tưởng sử dụng DLV có nguồn gốc rất lâu từ
tuyên giáo các cấp. Nếu trước đây họ chỉ có tuyên truyền qua sách, báo, miệng,
thì giờ đây trước thông tin đa chiều trên internet, họ bị buộc phải tăng cường
thêm lực lượng mới để tuyên truyền trên mạng.”
Mẹ Nấm kể: “Chỉ gặp DLV qua các bài viết, bình luận,
nhưng khi tranh luận đuối lý các bạn DLV thường ngụy biện, đi vào đả kích cá
nhân tôi như không lo chăm con, không lo coi sóc quán nước mía, nhận tiền từ
nước ngoài. Có lẽ các bạn DLV nghĩ mình cũng như các bạn – được trả tiền để làm
việc này.”
Bà Bùi Thị Minh Hằng (blogger Bùi Hằng) khẳng định: “Trong
giai đoạn này nhà nước đã thất bại về tuyên truyền trên các trang mạng xã hội
nước ngoài như Facebook, Twitter, và các trang blog có hoạt động tại Việt Nam
nên bây giờ họ tuyên bố tăng cường lực lượng DLV là điều dễ hiểu.”
Tại hội nghị tổng kết công tác tuyên truyền miệng
năm 2012, chính phủ Việt Nam đã đưa ra con số gần 80 nghìn ‘tuyên truyền viên
miệng’ để làm DLV. Đó là
một con số lớn và khó được kiểm chứng vì DLV không hẳn là một nghề chuyên môn mới
trong bộ máy tuyên truyền. Họ có thể là những cán bộ an ninh và truyền thông
hiện dịch được biệt phái để làm công tác trên mạng.
Bút chiến hay tranh luận?
05/05/2010, tại một hội nghị
toàn quốc trung tướng công an Vũ Hải Triều, khoe rằng bộ phận kỹ thuật của công
an đã ‘phá sập 300 báo mạng và blog cá nhân xấu”.
09/12/2012, Hồ Quang Lợi,
trưởng Ban Tuyên Giáo Thành ủy Hà Nội tại Hội Nghị Tuyên Giáo Toàn Quốc cho hay
Hà Nội đã thành lập một đội ngũ “tuyên truyền miệng” với 900 “dư luận viên”,
“tổ chức nhóm chuyên gia bút chiến trên Internet, mở hơn 400 tài khoản trên
mạng”. Ông Lợi nói: “DLV tham gia bút chiến trên internet chống các luận điệu
xuyên tạc của các thế lực thù địch”.
Tuy nhiên các công dân mạng bị
gọi ‘lề trái’ không nghĩ như ông Lợi.
“Tôi không nghĩ là có bút chiến giữa blogger tự do
và DLV và chúng tôi cũng không muốn chiến đấu kiểu này,” blogger Mẹ Nấm phát biểu. Blogger này nói tiếp: “Nếu có thì đó là một cuộc chiến không cân
sức: họ ăn lương để làm việc ấy; trong kho đó blogger và nhà báo tự do thì chỉ
viết theo suy nghĩ của mình, và còn làm việc khác để sinh sống, tức là họ không
xem việc lên mạng là một cái nghề. Và cuộc chiến buộc chúng tôi phải bảo vệ lý
lẽ của mình. Các bạn DLV có quyền định hướng dư luận theo cách của họ, nhưng
đây là suy nghĩ của tôi và xã hội sẽ nhìn thấy có những người suy nghĩ khác với
cái dư luận mà chính quyền muốn DLV bảo vệ.”
Không đồng ý với từ ‘bút
chiến’, nhà báo Duy Nhất cho rằng xã hội cần những trao đổi, đối thoại, tranh
luận. Ông nói gần đây có các vấn đề nóng mà trước đây bị báo chí dìm thì nay
lại được các trang cá nhân đưa ra tranh luận lại. “Bản chất của tranh luận là
dần tiếp cận sự thật, chân lý. Nhưng tại sao không tranh luận công khai, đàng
hoàng đi? Nếu vấn đề tôi viết ra đúng hay sai, anh cứ tranh luận với tôi rõ
ràng. danh có chính thì ngôn mới thuận được. Nói kiểu núp bóng giấu tên này là
tầm bậy tầm bạ không đáng quan tâm,” ông Nhất nói.
Blogger Bùi Hằng nói: “Tôi mời
tất cả các DLV, các blogger của các phe phái, cùng tranh luận và dành sự phán
xét đúng sai cho độc giả.”
DLV có làm không công?
Dù không nói rõ số DLV bao
nhiêu người, số tiền phải bỏ ra bao nhiêu, nhưng cuối tháng 12/2012, UBND thành
phố Hồ Chí Minh thông báo sẽ trả tiền phụ cấp 0,3 mức lương cho các cộng tác
viên dư luận xã hội.
Tại hội nghị Tổng kết công tác
tuyên truyền miệng 2012, tỉnh Lào Cai cho biết địa phương này trả 0,1 mức lương
cơ bản cho DLV cấp xã phường. Nhà báo Duy Nhất nói ông cảm thấy “buồn cười vì
tốn tiền bạc cho việc này.”
Một blogger có tiếng nhưng
không muốn nêu tên nhận định: “Chẳng ai làm không công cho công việc này, nếu
không có tiền trực tiếp thì cũng có các lợi ích khác. Nhưng dù làm DLV vì tiền
hay vì lý tưởng thì nó là công việc khá an toàn vì họ không lo bị chế độ làm
khó dễ, không sợ bị bỏ tù, vì họ được chính quyền bảo kê”. Blogger này cho
rằng: “DLV là cái lỗi của ban tuyên giáo. Nó là thêm một cái cớ cho công chúng
xỉ vả chính quyền.”
DLV có hiệu quả?
Blogger Lê Diễn Đức cho rằng sách lược dùng tin tặc để đánh phá các
trang như Bauxite, Dân Làm Báo, Dòng Chúa Cứu Thế, Ðàn Chim Việt, Anh Ba Sàm,
v.v… dường như không đạt được mục tiêu vì các trang web bị tấn công đã có thể
phục hồi nhanh chóng hoặc cho ra trang mới.
Trong khi đó việc dùng DLV
cũng có vẽ như không mang lại kết quả mà nhà nước mong muốn. “Đa phần dư luận
viên kiến thức rất kém, không có khả năng phản biện, khi tranh luận thường sử
dụng các ngôn ngữ dung tục, cố tình quậy phá. Bản mặt của chúng không thể tồn
tại được ở những trang tử tế, đàng hoàng, chúng bị nhận diện và phải tháo
chạy,” blogger Lê Diễn Đức viết.
Thêm vào đó, dù nhà nước Việt
Nam nắm trong tay toàn bộ hệ thống truyền thông Việt Nam, họ cảm thấy dư luận
đang ngày càng vượt xa tầm kiểm soát của họ.
Thứ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông Ðỗ Quý Doãn than vãn trên báo Lao Ðộng (10/01/2012): “Tại sao
chúng ta có một hệ thống hơn 700 tờ báo, 67 đài phát thanh truyền hình, hàng
trăm trang tin, báo điện tử, hàng ngàn trang tin của các bộ, ngành. Có tới 17
ngàn nhà báo, trong đó có nhiều cây bút có đủ khả năng làm lay động bạn đọc mà
thông tin lưu truyền trong xã hội lại là thông tin từ blog cá nhân?” Ông tự kết
luận: “Báo chí đang đánh mất niềm tin của bạn đọc.”
No comments:
Post a Comment