Trọng Thành - RFI
Thứ ba 23 Tháng Tư 2013
Cách đây 5 năm, ông Nguyễn Văn Hải, biệt danh Điếu Cày, sáng lập viên nhóm blogger « Câu lạc bộ Nhà báo Tự do », bị chính quyền bắt giam sau khi tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn cuối năm 2007. Hôm qua 22/04/2013, RFI có cuộc phỏng vấn bà Dương Thị Tân, vợ cũ của ông Nguyễn Văn Hải, để chuyển đến công chúng các thông tin mới nhất về tình trạng của người tù nhân lương tâm này.
Cuối năm 2012, trong một phiên tòa phúc thẩm, bị dư luận chỉ trích là hết sức bất công, ông Nguyễn Văn Hải đã bị y án 12 năm tù, với tội danh « Tuyên truyền chống Nhà nước ».
Hiện tại, thân nhân của ông Hải liên tục bị cấm cản trong việc thăm nuôi, bên cạnh đó bản thân ông Hải phải sống biệt lập trong trại giam. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, sức khỏe của ông Nguyễn Văn Hải đang ở tình trạng xấu, với nhiều triệu chứng bệnh thần kinh như tay, chân run, đi lại khó khăn.
Nghe
(13:54) : Bà Dương Thị Tân (Sài Gòn) 23/04/2013
RFI : Xin chào chị Dương Thị Tân. Ngày hôm qua, vừa tròn 5 năm ngày anh Nguyễn Văn Hải bị bắt. Được biết chị là người thân thiết của anh Hải, theo sát hỗ trợ cuộc sống của anh ấy trong tù, vậy xin chị cho công chúng được biết về tình trạng sức khỏe và tinh thần của anh ấy thời gian gần đây.
Bà Dương Thị Tân : Hôm qua là đúng tròn 5 năm, theo lệnh khởi tố thôi, chứ còn họ bắt ông ấy trước hai ngày, tức là ngày 19/04/2008. Gần đây nhất là ngày 07/02/2013, khi tôi đi tìm ông ấy ở trại giam Xuyên Mộc, thì cũng qua rất nhiều sự đôi co, rồi lý lẽ, nói chung rất là nhiều những thứ mình phải nói ra, thì họ mới cho biết là ông Hải đã ở trại giam Xuyên Mộc này. Hôm đó là 28 Tết rồi, họ vẫn khẳng định là không có ông Hải.
Trong khi đó, bốn ngày liên tiếp, tôi đi khắp các trại giam
mà ông Hải đã từng ở, nhưng chỗ này chỉ đi chỗ kia,
chỗ kia chỉ đi chỗ nọ... Và sau đó họ có thông báo là ông Hải ở trại Xuyên Mộc, K3.
Và tôi vào, thì họ có cho tôi và con tôi gặp khoảng độ 10 đến 12 phút thôi. Họ nêu ra một lý do là ngày Tết đông người.
Kể từ ngày đó, cho đến những lần thăm nuôi hai, ba lần về sau nữa, đến ngày hôm qua là ba lần nữa, thì tôi không được vào nữa. Họ nêu ra lý do là tôi không còn là vợ của ông Hải, không thể hiện trong hồ sơ. Nhưng mà tôi có hỏi họ : Bây giờ quy định trong luật thi hành án hình sự mới, có hiệu lực từ 01/07/2011, thì những người không có trong hộ khẩu, tức là không phải là thân nhân, chỉ cần làm đơn và có xác nhận của giám thị trại giam, thì sẽ được vào thăm. Tôi yêu cầu họ giải thích là cái đơn từ đấy tôi sẽ gửi đi đâu và gửi cho ai. Ngày 24/03, cậu đại úy Phạm Văn Huyên, cậu ấy không giải thích, cậu ấy chỉ nói rằng chị về phường chứng minh chị là vợ của ông Hải, thì chúng tôi sẽ cho vào. Giống như là họ cãi lộn với mình, họ kiếm những lý do rất là nhỏ, để cản trở việc thăm nuôi của gia đình với ông Hải, nhằm hạn chế đến mức tối đa những nhu cầu sống của ông ấy, cũng như là khủng bố cái tinh thần của một con người, mà họ không khuất phục được, bằng cái cách giam giữ và cấm cản thân nhân gặp.
RFI : Thưa chị, vừa rồi có tin là anh ấy bị biệt giam. Xin chị cho biết rõ hơn về sự việc này.
Bà Dương Thị Tân : Biệt giam đây không có nghĩa là bị kỷ luật, theo như mọi người hiểu, biệt giam có thể là không được gặp người nhà. Biệt giam
của ông Nguyễn Văn Hải là người ta cách ly ông ấy hoàn toàn với môi trường bên ngoài, thậm chí không cho sách báo, không cho thông tin, không cho
nghe đài, không cho gặp gỡ thân nhân và không được tiếp xúc thậm chí với cả những người tù. Đấy là một cách mà người ta đang làm tổn hại rất nghiêm trọng đến tinh thần của ông ấy, mặc dù là đã hai năm, 23 tháng đằng đẵng họ cách ly để điều tra, thì họ làm cái việc đó với ông Hải. Bây giờ, khi mà đã xử và đưa người tù nhân lương tâm này đi để đầy đọa, thì họ vẫn giở trò đó ra.
Về khía cạnh chủ quan của gia đình, thì họ đang muốn con người này bị tổn thương rất lớn về mặt tinh thần. Lần trước, khi gặp được ông Hải trong mười mất phút đó, ông ấy nói là, khi mà gia đình lên tiếng, thì họ để một cái tivi vào trong đấy, nhưng không có cắm điện, giống như là một dạng đối phó. Nếu mà họ muốn, thì họ có thể mở lên, nhưng họ không muốn. Tôi nghĩ đấy là một cái hình thức mà họ đang cố tình làm tổn hại tinh thần ông ấy.
RFI : Như vậy, có phải là khoảng 80 ngày rồi, gia đình không được gặp ông Hải phải không ?
Bà Dương Thị Tân : Không, cái ngày 24/03, họ vẫn cho con trai tôi vào gặp khoảng 15 phút. Khi gia đình tôi có phản đối việc biệt giam, thì họ có nói với con tôi là, ở cái trại này có một mình ông ấy là tù chính trị, nên ông ấy phải ở một mình. Đấy là lời của thiếu tá Nguyễn Ngọc Hữu. Hôm qua, cậu Nguyễn Ngọc Hữu đó là người lấy bảng tên đút vào túi, xong đó ra là gây gổ với tôi, và hô lính lôi tôi ra ngoài.
RFI : Thưa chị, mọi người cũng mong được biết trong lần gặp gần nhất, tức ngày 24/03, khi con trai của chị với anh Hải gặp bố, thì có những thông tin gì về anh Nguyễn Văn Hải ?
Bà Dương Thị Tân : Nói chung là, bề ngoài thì ông ấy có vẻ được bình thường, theo như lời của con tôi nói. Nhưng tay của bố cháu bị run, gân cơ ở chân bị cứng, đi lại khó khăn. Đây là một sự tổn hại thần kinh rất là nghiêm trọng. Đây là một biểu hiện của bệnh thần kinh. Bác sĩ nào cũng nói hết.
RFI : Thưa chị, còn việc ăn uống và các điều kiện sinh hoạt khác, thì cụ thể như thế nào ?
Bà Dương Thị Tân : Họ giam ông ấy một mình trong một phòng. Cái phòng ấy ở trong một phân trại, đang xây dựng và không có ngưởi ở. Theo ông ấy nói, đơn giản chỉ là như thế thôi. Có một mình ông ấy, thì sự canh gác cũng không đến nỗi, thế nhưng mà sống chỉ có giữa bốn bức tường. Vấn đề gia đình muốn nói là họ đang xâm hại nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của ông Hải. Còn việc họ cấm cản ngăn gặp, gửi đồ tiếp tế là họ cản trở cuộc sống tối thiếu của ông ấy,
trong khi ở những trại giam thì đời sống người tù vô cùng khó khăn.
Bây giờ có một quy định của bộ Công an là một tháng được gửi đồ tiếp tế cho phạm nhân, tù nhân hai lần. Mà những người đi tiếp tế thì thường mang
theo những đồ, giống như sinh hoạt gia đình, từ mắm muối, gạo đường, mỳ gói… Nói chung là lương thực, thực phẩm thiết yếu nhất cho cuộc sống của một con người. Chứng tỏ một điều là không có những thứ ấy thì người tù sống làm sao được. Tôi không cần phải vào đâu, tôi chỉ cần thấy người ta mang những đồ ấy, tôi cũng hiểu rằng ở bên trong ấy, những cái nhu cầu tối thiểu nhất cũng không có. Toàn bộ là phải người nhà tiếp tế vào, hoặc dùng tiền để mua trong các trại ở trong căng tin của họ bán. Thế nên khi họ cản trở việc thăm nuôi, tức là họ cản trở trực tiếp đến cuộc sống vật chất của người tù. Ông Hải bị luôn cả hai cái ấy, từ vật chất cho đến tinh thần họ đang xâm hại nghiêm trọng.
RFI : Vừa rồi trại giam có những cản trở việc gia đình thăm nuôi từ đầu tháng 2/2013, thì phải chăng là để « trừng phạt » việc ông Hải nhờ đưa một lá thư ra ngoài tố cáo việc xét xử bất công hồi đầu tháng 2 ?
Bà Dương Thị Tân : Tôi nghĩ cũng không hẳn là như vậy. Tất cả những cái mà họ làm với ông Hải, thì họ sẽ kiếm một chuyện dù nhỏ nhất. Tôi nói, ví dụ như việc của ngày hôm qua (21/04), chỉ là đi sớm hơn cái ngày quy định có mấy ngày thôi. Mà tôi đã hỏi trước họ là có được hay không, miễn là trong tháng đấy, mình không có đi hai lần. Họ đồng ý việc đó, nhưng đến hồi mình đến họ lại kiếm chuyện như thế.
Cho nên rằng, biết như vậy nên trước khi tôi về, tôi hỏi thẳng cậu đó : Bây giờ nếu cậu nói như thế, thì cậu cho
tôi biết, đi sớm không được, thì đi trễ có được không ? Vì rất có thể là tuần sau
khi tôi đến chẳng hạn, thì họ lại bảo là quá cái ngày đấy rồi [Bà Dương Thị Tân cho biết thêm, để tới trại Xuyên Mộc không có xe chở khách. Thân nhân các tù nhân thường phải đến trại bằng xe ô tô của trại giam, mà các chuyến xe đến trại không phải lúc nào cũng có]. Tôi đã cẩn trọng đến mức độ như vậy, tôi đã hỏi những người khác, thì cậu này nói là những người này không có trách nhiệm. Ngày hôm nay, tôi hỏi đúng vào bản mặt cậu ấy : Ở đây có một, hai,
ba, bốn, năm, sáu người cộng với cô kia là bảy người, hãy chứng minh
cho cái việc ngày hôm nay thiếu tá Nguyễn Ngọc Hữu nói, và tôi yêu cầu ông không được nuốt lời ông, giống như đại úy Phạm Văn Huyên. Ngày 24/03, đại úy Phạm Văn Huyên hứa là : Chị ngồi đây, tôi sẽ ra tôi hướng dẫn chị. Xong rồi đi mất một mạch. Ngày hôm qua, tôi bảo : Tại sao cậu lại làm việc ấy ? Thì bảo : Tôi đâu có hứa gì với chị đâu ! Tại vì, họ có thể lật lọng rất là nhanh. Họ có thể vừa nói đấy, xong bảo là không phải.
Tại làm sao mà người dân bất bình, bức xúc về rất nhiều thứ mà cơ quan công quyền gây ra ? Là bởi vì, họ có thể dùng cường quyền họ nói ngược, thì ngược ; họ nói xuôi, thì xuôi. Họ bảo tròn, thì tròn ; bảo méo, thì méo. Thì nhiều người [tức nhân viên công lực] nói người ta, ăn hiếp người ta tại đấy luôn, nhưng bởi vì, những người đó họ nói với tôi là, bây giờ họ nói mình cãi, thì người ta hành thân nhân của mình, mà đã là như thế rất là nhiều rồi. Cho nên là họ đành phải im lặng. Như cái điều anh nói là họ cản trở như thế này, có phải lý do ấy không, thì tôi nghĩ là không phải là không đúng, nhưng không có nghĩa là tất cả. Vì chính thiếu tá Nguyễn Ngọc Hữu đã nói với tôi là : Cho chị vào, chị còn này nọ, để tôi bị thế này, thế kia. Tôi mới nói
là : Cậu nói rõ cho tôi biết « này nọ » là thế nào. Ý cậu ấy là tôi về tôi đưa thông tin, cái cuộc sống của ông Hải lên [truyền thông], thì ở đây họ không muốn. Họ muốn là họ làm cái gì đối với những người tù đấy, thì gia đình phải im lặng cơ, phải thỏa hiệp với họ cơ. Thì thôi, nhiều người cũng vì thân nhân của mình đành phải chịu theo cái yêu cầu của họ. Nhưng mà gia đình chúng tôi, thì qua bao nhiêu áp bức, qua
bao nhiêu đày đọa đối với người tù [ông Nguyễn Văn Hải], cũng như mẹ con tôi ngoài này, họ đâu có từ nan việc đánh đập, khủng bố, tra tấn tôi với con tôi. Chắc quý vị cũng nghe rất nhiều, họ đã dùng những thủ đoạn rất đê tiện với con tôi, thậm chí đẩy xe con tôi để gây tai nạn giao
thông, thậm chí con nhỏ của tôi đến trường cũng không cho, họ tống vào nhà khóa cửa lại. Đấy đâu phải là những việc họ không dám làm. (…) Tôi cũng muốn là quý vị thính giả hiểu một điều là, với trường hợp gia đình tôi, với trường hợp của ông Nguyễn Văn Hải, họ không từ nan một thủ đoạn nào, dù đê tiện nhất, để đạt được mục đích.
RFI : Riêng về vụ án quy tội ông Hải là « tuyên truyền chống Nhà nước », thì gia đình định tiếp tục như thế nào trong tương lai ?
Bà Dương Thị Tân : Tôi thì, đúng là trong thời gian vừa qua, có hơi chậm, so với gia đình khác, ví dụ gia đình cô Tạ Phong Tần đã có đơn khiếu nại giám đốc thẩm. Gia đình tôi thì cũng sẽ làm, nhưng biết thời hiệu của việc này là 3 năm, nên chúng tôi cũng tích hợp một số thông tin, một số chi tiết quan trọng, để chúng tôi đưa ra một bản kháng án một cách đầy đủ, súc tích, về những việc làm mà họ đã vu khống, đã dựng lên nhằm tù đày những người yêu nước này. Tôi muốn nó đầy đủ, súc tích hơn. Mặc dù tôi không được vào tòa, nhưng tôi có cách để làm cái việc đó. Và tôi có cách để chứng minh cho mọi người thấy những việc làm của họ là không đúng với những cái gì đã xẩy ra, hoàn toàn là bịa đặt, hoàn toàn là vu khống, để nhằm mục đích để tù đày được ông Nguyễn Văn Hải, để hài lòng được Trung Quốc.
Họ từng nói với tôi : Không bắt ông Hải, thì Trung Quốc nó mích lòng, nó gây chiến tranh thì sao ? Đấy là lời của thượng tá Phạm Thành Công, cơ quan an ninh điều tra,
số 4 Phan
Đăng Lưu, đã từng nói với tôi như vậy : Thời này không còn Quang Trung - Nguyễn Huệ đâu, không còn Trưng Trắc, Trưng Nhị đâu ! Bây giờ nó yêu cầu không bắt, thì
nó gây chiến
tranh. Chính miệng ông ta nói những điều ấy.
RFI : Như vậy là gia đình sẽ tiếp tục khiếu nại ở cấp giám đốc thẩm và chắc chắn là gia đình sẽ có sự hỗ trợ của các luật sư ?
Bà Dương Thị Tân : Chắn chắn là các luật sư dù là có công khai, hay không công khai
giúp đỡ tôi một cách âm thầm, thì tôi nghĩ tất cả mọi người đều có lòng cả. Nhưng vì cái sự trả thù nó tàn khốc lắm, nên có những người người ta buộc phải im lặng. Mong bà con ở bên ngoài cũng hiểu cái điều đó. Một số luật sư cãi phiên sơ thẩm, đến phiên phúc thẩm không dám nhận lời. Ở trong vụ án của tôi, tôi biết, phiên phúc thẩm không dám nhận lời. Còn có luật sư, mới cãi nữa phiên thôi, đến nửa trưa họ lôi đi công an ngay. Họ yêu cầu đến buổi chiều không được nói. Thì tôi hỏi anh là : Luật sư ở Việt Nam này, một dạng họ cho nói thì được nói, không cho thì phải câm miệng ?! Nếu người nào chấp nhận đánh đổi, chấp nhận mất mát, thì họ kiếm cách rút giấy phép hành nghề, hoặc là tìm cách trả thù đến gia đình, vợ con, làm ăn ở chỗ nào đó họ sẽ kiếm chuyện. Làm cho người ta rúng động, người ta không dám dấn thân cho việc đồng hành cùng những người đấu tranh dân chủ ở Việt Nam.
RFI : Vâng, thay mặt ban Việt ngữ RFI, xin cảm ơn chị Dương Thị Tân. Trước khi tạm biệt, không biết chị có thêm chia sẻ gì với thính giả ?
Bà Dương Thị Tân : Vâng, cũng không có gì. Cảm ơn anh, cảm ơn quý vị khán thính giả đã luôn đồng hành, luôn luôn chia sẻ bằng tất cả mọi hình thức. Một điều mà những người như chúng tôi rất là cảm động, và luôn luôn biết… về điều đó. Một lần nữa xin cảm ơn quý vị khán thính giả, tất cả đồng bào bà con hải ngoại luôn luôn hướng về Việt Nam, hướng về những người đấu tranh dân chủ trong nước chúng tôi.
No comments:
Post a Comment