Vụ
việc Tiên Lãng xảy ra đúng thời điểm cả nước đang tiến hành tổng kết việc thi
hành Hiến pháp 1992 và thảo luận sửa đổi Hiến pháp này. Vụ Tiên Lãng là một vụ
việc rất điển hình mà khi xem xét, đánh giá, có thể thấy nó liên quan đến tất
cả các lĩnh vực nhà nước và xã hội, từ lập pháp đến hành pháp; từ hành pháp đến
tư pháp; từ nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; từ
công tác quân sự cho đến chính trị dân sự, từ trách nhiệm của chính quyền, của
Nhà nước đến quyền lợi, ích hợp pháp của người dân…
Có
tác giả đã cho rằng, vụ việc ông Đoàn Văn Vươn chống lại Đoàn cưỡng chế thu hồi
đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng đầu năm 2012, dù chưa xét xử ở Tòa án, nhưng đã có
thể coi là một “án lệ” quan trọng về pháp luật đất đai, khiếu nại, khiếu kiện
v.v.. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang thảo luận sửa đổi Hiến
pháp 1992, vụ việc này có nhiều điều đáng bàn từ góc độ luật hiến pháp như: sở
hữu đất đai, quyền con người, sự giám sát của người dân đối với chính quyền,
hoạt động của chính quyền địa phương, cơ chế bảo hiến[1]. Chúng tôi đồng ý với
nhận định này.
Chúng
tôi cũng cho rằng, tất cả vấn đề của vụ Tiên Lãng có liên quan đến sự phân
quyền: phân quyền từ trung ương xuống địa phương, phân quyền từ Đảng với Nhà
nước, từ Nhà nước với người dân, từ quân sự cho đến dân sự, và nhất là, từ lập
pháp cho đến hành pháp, từ hành pháp đến tư pháp… Cho đến nay, vấn đề phân
quyền vẫn chưa được quy định rõ ràng trong Hiến pháp Việt Nam. Hiến pháp sửa
đổi cần phải làm rõ sự phân quyền này. Vụ việc Tiên Lãng có tác dụng giúp chúng
ta đẩy nhanh việc nghiên cứu, hay làm rõ hơn nữa các nội dung của sửa đổi Hiến
pháp.
Đối với vấn đề sề
sở hữu đất đai.
Nói
đến vụ Tiên Lãng, không ai không nói đến vấn đề sở hữu đất đai. Vì mục tiêu
muốn tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp các nước xã hội chủ
nghĩa không quy định/không thừa nhận quyền sở hữu đất đai cho tư nhân, coi sở
hữu tư nhân là nguyên nhân sâu thẳm của chế độ người bóc lột người. Từ Hiến
pháp năm 1980, Việt Nam không thừa nhận sở hữu tư nhân, chỉ cho phép tồn tại hai
loại hình sở hữu là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể. Riêng đối
với đất đai, chỉ có duy nhất một loại hình sở hữu là sở hữu toàn dân. Đến Hiến
pháp năm 1992, sở hữu tư nhân được thừa nhận, nhưng đất đai vẫn thuộc sở hữu
toàn dân (sau này được chỉnh lại là sở hữu nhà nước). Việc thừa nhận quyền sở
hữu tư nhân đã tạo nên những thành công trong công cuộc đổi mới của Việt Nam,
mà trước hết là giúp cho Việt Nam thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế. Mặc dù
có những thành công này, nhưng nền kinh tế nói riêng cũng như xã hội nói chung
cũng xuất hiện những vấn đề búc xúc khác cần phải giải quyết, mâu thuẫn giữa
người giàu và người nghèo ngày một gia tăng, khiếu nại tố cáo của người dân
càng ngày càng chồng chất, trong đó khiếu nại về đất đai chiếm tới gần 80%, có
cả những cuộc khiếu nại rất đông người. Theo nhận định của nhiều người, chính
việc không thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai là một trong những nguyên nhân
quan trọng của tình trạng khiếu nại, tố cáo.
Theo
chúng tôi, việc không thừa nhận quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai, tức là đã
không thừa nhận quyền con người trong lĩnh vực này. Việc không thừa nhận quyền
sở hữu tài sản của tư nhân đối với đất đai là một thiếu hụt quan trọng về nhân
quyền trong lĩnh vực tư hữu tài sản, vì đất đai là một thứ tài sản rất quan
trọng đối con người, nhất là đối với người nông dân. Trong khi đó, lịch sử ra
đời của Hiến pháp luôn gắn liền với lịch sử bảo vệ quyền tài sản của con người,
trong đó đất đai là một tài sản quan trọng.
Việc
không thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai – ngay cả đối với đất ở và đất thổ cư
của ông cha để lại, kể cả đất hương hoả - đã gây ra rất nhiều phiền phức
cho việc giao dịch mua bán của người dân. Đối với đất nông nghiệp và phi nông
nghiệp, việc chuyển giao cũng phức tạp không kém. Không phải ngẫu nhiên mà các
vụ khiếu kiện về đất đai chiếm hơn 80% các khiếu kiện nói chung. Vì tuy là “sở
hữu toàn dân” nhưng trên thực tế, người nông dân không rõ ai là người chủ sở
hữu đích thực về đất đai của họ, trong khi đó, chính quyền địa phương lại được
trao rất nhiều thẩm quyền về đất đai, nhất là trong việc giao đất, cho thuê đất
và thu hồi đất. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai tạo nên những kẽ hở lớn để
các quan chức chính quyền bắt tay với tư nhân, các “đại gia” cùng trục lợi, đặc
biệt trong thu hồi đất (nhất là đất nông nghiệp của người nông dân) cho các dự
án công nghiệp, thương mại, đô thị. Cộng với việc thiếu sự kiểm soát quyền lực
hiệu quả, thiếu tính giải trình, minh bạch, đã dẫn đến hệ quả là đất đai rất dễ
rơi vào tay các “cường hào”, “tư bản” mới. Một mảnh đất của người nông dân bị
thu hồi với giá đền bù rất rẻ mạt, nhưng khi thu hồi xong lại sang tên bán cho
người khác với giá gấp hàng trăm, hàng ngàn lần, thì ai mà lại không khiếu nại…
Sở
hữu nhà nước hay sở hữu toàn dân đi chăng nữa thì cuối cùng, quyền sở hữu cũng
sẽ rơi vào tay các cơ quan nhà nước, mà Nhà nước chính là của những người nắm
quyền lực nhà nước, cụ thể là các cá nhân đang nắm quyền. Mặt khác, với chế độ
sở hữu toàn dân, đất đai được giao, cho thuê luôn có thời hạn khiến cho người sử
dụng không thể an tâm bỏ vốn đầu tư lâu dài, không thể chuyển nhượng hiệu quả.
“Hễ có vướng mắc nào phát sinh thì người ta lại an ủi lẫn nhau rằng, đất đai
thuộc sở hữu toàn dân. Nhưng mọi sai lầm đều từ đó mà ra”[2]. Từ sau 1980, Hiến
pháp và Luật Đất đai đã được sửa đổi nhiều, nhưng riêng điều khoản về chế độ sở
hữu đất đai vẫn “dậm chân tại chỗ”. Theo một số tác giả, “nhiều người
không dễ dàng “buông” quy định này, bởi cơ chế “nhà nước quản lý” mang lại
không ít nguồn lợi hấp dẫn cho một bộ phận quan chức và nhà đầu tư”[3]. Cái “tổ
con tò vò” nằm ở chỗ này đây. Trong khi đó trước đây, thời kỳ phong kiến và
thực dân là Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959 đều thừa nhận sở hữu tư nhân về
đất đai.
Trong
khi đó,“ở các nước, không có ý niệm sở hữu toàn dân. Như ở Mỹ, quyền công hữu
đất đai và tài nguyên thuộc về các địa chỉ rõ ràng: Chính phủ liên bang hoặc
chính quyền tiểu bang, hay thành phố (60% thuộc tư hữu, 40% thuộc công hữu,
trong đó 28% thuộc Chính phủ liên bang, 9% thuộc Chính phủ bang và Chính phủ
cấp tương đương tỉnh hay thành phố, 2% thuộc người dân da đỏ). Không có đất
đai, tài nguyên nào lại thuộc huyện, xã như ở Việt Nam”[4].
Hiến
pháp 1959 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vẫn kế thừa truyền thống xã hội
Việt Nam, thừa nhận “bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất
khác của nông dân” (Điều 14) và chỉ coi “đất hoang” mới thuộc sở hữu toàn dân
(Điều 12). Khi Quốc hội thảo luận xây dựng Hiến pháp 1980 và sau này Hiến pháp
1992 thì đất đai (toàn bộ đất đai nói chung) được tuyên bố là tài sản thuộc sở
hữu toàn dân, các ý kiến trái lại, đề nghị xem xét theo Hiến pháp 1959 đều
không được chấp nhận. Như vậy, khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai chỉ xuất
hiện lần đầu tiên trong Hiến pháp 1980.
Đến
Hiến pháp năm 1992, mặc dù có sự thừa nhận nền kinh tế thị trường, sở hữu tư
nhân được thừa nhận, nhưng sở hữu đất đai vẫn là của toàn dân. Luật Đất đai
được thông qua năm 1987 và sửa đổi năm 1993, mặc dù có nâng thời hạn quyền sử
dụng đất đến 20 năm và với hạn điền không quá 03 ha cũng không khỏi hết những
vướng mắc cho người dân sử dụng. “Rõ ràng việc giao đất có thời hạn và không
công nhận tư hữu đất đai khiến người sử dụng chưa an tâm, phần nào hạn chế,
không khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia lĩnh vực nông nghiệp.
Đồng thời, do luật chưa sát với thực tiễn nên phát sinh chuyện ngoài luật còn
“đẻ” ra thêm vô số văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành, thông tư, nghị định…
Từ đó chính quyền cấp địa phương muốn vận dụng sao cũng được, và dễ… vận dụng
sai làm tình hình quản lý đất đai thêm phức tạp, nhất là dễ lợi dụng để trục
lợi, hay vận dụng sai luật dẫn tới gây thiệt thòi cho người sử dụng đất. Vụ
cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng là một điển hình. Phải nhìn nhận là chính
sách đất đai cứ thay đổi liên tục như vừa qua gây khó trong quản lý, vừa phát
sinh tiêu cực. Đáng lý ra nó nhất thiết phải chuẩn, tinh gọn và nhất quán. Trên
thế giới nhiều nước công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai, ở nước ta chỉ
giao quyền sử dụng, hiện người dân không có quyền sở hữu về đất. Tuy nhiên, lâu
nay người dân vẫn mua bán, chuyển thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất và đều
được chính quyền công nhận, thừa nhận. Như vậy điều đó cho thấy thực tế đất đai
đã là một dạng tài sản, đồng thời quyền sử dụng đã giống như quyền tư hữu. Với
thực tế đó thì luật cũng phải thay đổi cho phù hợp thực tiễn. Chúng ta nên giao
đất vĩnh viễn theo hình thức sở hữu. Nghĩa là công nhận quyền sở hữu đất đai
cho người dân, đồng thời đa dạng hóa sở hữu đất đai như sở hữu quốc gia do Nhà
nước quản lý, sở hữu của cộng đồng dân cư, sở hữu của pháp nhân và sở hữu của
cá nhân”[5]. Vì thế, “hai vấn đề mấu chốt của Luật Đất đai cần
sửa đổi ngay là bỏ “hạn điền 03 héc ta” và công nhận “sở hữu tư nhân”
về đất đai. Cái được lớn nhất là các viên chức địa phương và trung ương sẽ
ít có cơ hội tham nhũng, lạm dụng chức quyền đối với vấn
đề đất đai để trục lợi. Nhà nước vẫn có thể sòng phẳng với nhân
dân khi cần trưng dụng đất đai cho các mục tiêu quốc phòng, làm
đường sá, xây công trình công cộng, xây dựng đô thị, xây khu công nghiệp… Khi
phải trưng dụng đất của dân đang canh tác, Nhà nước sẽ sử dụng
phần đất công của mình (thí dụ đất rừng đang khai thác) để tạo lập
một vùng canh tác mới có đủ cấu trúc hạ tầng để đổi lại cho nông dân như kiểu
thành lập những đồn điền dầu cọ FELDA của Malaysia”[6].
“Chuyện
ai sở hữu cần phải được làm rõ, đất cần phải có chủ. Phần nào thuộc về nhà
nước, phần nào thuộc về tư nhân phải rõ ràng. Ngoài ra, chế tài cũng phải rất
mạnh và được quy định ngay trong Luật Đất đai. Có như vậy mới hạn chế được một
số nguy cơ mà không ít người đang lo ngại, như tình trạng hồi tố đất đai hoặc
tích tụ ruộng đất chỉ để đầu cơ sinh lời. Còn nếu cứ duy trì tình trạng như
hiện nay, chỉ dẫn đến thụt lùi. Hiện chỉ có khoảng 1% trong hơn chục triệu hộ
nông dân của cả nước sản xuất làm ăn ở quy mô trang trại, đây là một tỷ lệ rất
thấp so với nhiều nước”[7].
Trong
trường hợp Nhà nước không thừa nhận sở hữu tư nhân đối với đất đai, kể cả trong
trường hợp Hiến pháp vẫn tiếp tục công nhận sở hữu toàn dân, thì vẫn nên thu
hẹp quyền giao đất, thu hồi đất của Nhà nước. Thay vào đó, nên áp dụng quyền
trưng dụng, trưng mua của người dân. Cơ chế trưng mua, trưng dụng cũng phải rất
chi tiết, thận trọng và chỉ nên áp dụng với các dự án vì lợi ích quốc gia.
Vấn đề phân quyền
giữa trung ương với địa phương, địa phương với địa phương.
Trong
vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng, có thể thấy có quá nhiều cấp tham gia vào việc giải
quyết, từ xã cho đến huyện, cho đến tỉnh và thậm chí có cả cấp trung ương. Hiến
pháp năm 1992 quy định nước ta có 04 cấp chính quyền: trung ương, tỉnh, huyện
và xã, nhưng lại có sự dập khuôn về mô hình tổ chức, không phân biệt rõ ràng
thẩm quyền, trách nhiệm của trung ương, địa phương và giữa các cấp chính quyền
địa phương với nhau. Trung ương có bộ phận nào, cơ quan nào thì địa phương có
cơ quan ấy, bộ phận ấy. Và cũng tương tự như vậy, cấp trên có chức năng nhiệm
vụ gì, thì ở cấp dưới dứt khoát phải có chức năng, nhiệm vụ ấy. Điển hình là
thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cả ba cấp chính quyền địa
phương đều giống nhau. Điều này dẫn đến sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; tạo
điều kiện để đùn đẩy trách nhiệm, nhưng đồng thời lại tạo ra kẽ hở cho chính
quyền lạm dụng, dựa dẫm vào nhau cùng che chở cho những cái sai. Trong vụ Tiên
Lãng, chính quyền đã ban hành những văn bản quy phạm không thuộc thẩm quyền của
mình. Từ những quy định của pháp luật, với thói quen, cách làm cũ, đồng thời
cũng do sự phân quyền không rõ ràng, trước khi quyết định, các cấp chính quyền
đều có sự trao đổi xin ý kiến thống nhất của cấp trên, đến khi thi hành lệnh
cưỡng chế cũng vậy, hầu như đều có sự đồng ý của các cấp trên dưới của chính
quyền huyện Tiên Lãng, dù quyết định cưỡng chế là sai trái.
Cần
phải thấy rằng, có những lĩnh vực mặc dù được phân quyền cho chính quyền địa
phương (như quản lý đất đai) nhưng việc quản lý của trung ương trong lĩnh vực
này (xây dựng và công bố quy hoạch tổng thể) lại phân định không rõ ràng hoặc
thực hiện không tốt, dẫn đến sự cát cứ của các địa phương, mỗi nơi thực hiện
mỗi kiểu, làm phá vỡ trật tự quản lý nhà nước. Chính quyền huyện Tiên Lãng
đã quy định thời hạn giao đất cho nhiều cá nhân, hộ gia đình rất tùy tiện: có
người được giao 4 năm; có người 10 năm, 14 năm… Sự tùy tiện này đã làm
nhiều người cho rằng, Việt Nam có nguy cơ bị phân chia thành 63
vương quốc nhỏ cộng với một vương quốc ở trung ương là 64. Không phải chỉ dừng
lại ở con số 64, mà qua vụ việc Tiên Lãng đã thấy có hiện tượng của các “tiểu
vương quốc” hơn 600 quận, huyện trên cả nước.
Quy
định về chính quyền địa phương là một trong những nội dung rất quan trọng cần
sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp 1992. Như nhiều ý kiến đề xuất, có thể chỉ tổ
chức hai cấp chính quyền địa phương gồm cấp tỉnh và dưới cấp tỉnh (có thể là
thành phố hay xã). Chính quyền địa phương hoàn chỉnh bao gồm cơ quan do nhân
dân địa phương bầu ra (HĐND), HĐND là cơ quan đại diện ở địa phương, và Uỷ ban
nhân dân là cơ quan tổ chức thực hiện ở địa phương, chịu sự giám sát của
HĐND[8].
Vấn
đề không nằm ở chỗ nên bỏ HĐND ở cấp nọ, giữ cấp ở kia, mà ở chỗ Hiến
pháp và luật phải phân định những việc gì địa phương làm được thì trung
ương không làm; những gì chỉ của cấp trên làm mà cấp dưới không làm, những việc
chỉ trung ương làm mà địa phương không làm, như an ninh – quốc phòng, ngoại
giao, tư pháp…; Tuyệt đối tránh hiện tượng trên và dưới, nhiều cấp chính
quyền cùng làm một việc. Một khi đã giao cho công việc quyết định thì
phải kèm theo cả ngân sách, sẽ có ngân sách trung ương và có ngân sách địa
phương. Cũng không nên áp dụng nguyên tắc quản lý hành chính từ thời bao cấp
“song trùng trực thuộc”: ngang thì trực thuộc HĐND và UBND, dọc thì lại trực
thuộc trung ương. Trừ những việc cực chẳng đã mới có cả trung ương và địa
phương đều phải làm, đều quản lý, nhưng trong mọi trường hợp, cần có sự phân
định rõ ràng. Từ vụ việc ở Tiên Lãng, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp
luật cần được phân định lại, không phải cấp nào cũng có thể ban hành như cấp
nào, về bất kỳ lĩnh vực gì.
Vấn đề phân quyền
giữa hành pháp và tư pháp.
Khi
vụ việc xảy ra, sự việc được trình lên Chính phủ. Vấn đề là, giải
quyết sự việc này có thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, của Chính phủ? Một khi
quyết định hành chính đã được ban hành, đã được áp dụng, thì mọi hậu quả của nó
thuộc quyền đánh giá, xét xử của lĩnh vực của tư pháp – toà án, nhất là một khi
vụ việc đã có sự tham gia của tòa án. Chính phủ, Thủ tướng cũng không nên có đề
nghị tòa án xét xử, vì tòa án khi xét xử chỉ thực hiện nguyên tắc độc lập, chỉ
tuân theo pháp luật, và càng không nên quả quyết hành vi của phía nào sai hay
là đúng pháp luật. Công việc đó là tuộc phạm vi của tư pháp – xét xử.
Qua
vụ việc Tiên Lãng, hoạt động tư pháp cũng là một nội dung cần phải quan tâm khi
sửa đổi Hiến pháp. Nếu cơ quan tư pháp giải quyết đúng ngay từ khâu xét xử đầu
tiên thì hậu quả vụ việc có lẽ đã khác. Việc kiện lên toà án để yêu cầu toà án
phán quyết về quyết định thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn là rất đúng. Khi toà
án sơ thẩm quyết định bác đơn của ông Đoàn Văn Vươn, ông tiếp tục kiện ra Toà
phúc thẩm của thành phố cũng rất đúng. Nhưng ở cấp phúc thẩm, Thẩm phán Toà
phúc thẩm đã lừa dối ông Đoàn Văn Vươn, khi khuyên ông đồng ý rút đơn kháng cáo
quyết định sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện Tiên Lãng nhưng lại không tiến
hành các bước hoà giải tiếp theo. Việc rút đơn kháng cáo của các ông Vươn, ông
Luân đã làm cho quyết định sơ thẩm của Toà án có hiệu lực thực thi. Thẩm phán
như vậy đã làm trái các quy định của pháp luật và không có đạo đức hành nghề
thẩm phán.
Sự phân quyền giữa
Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh và sau khi chờ kết luận của Thủ tướng
về vụ việc Tiên Lãng xong, chúng ta lại tiếp tục chờ quyết định của Thành uỷ
Hải Phòng. Sự chờ đợi này thể hiện một cách làm theo cơ chế cũ: tất cả đều phải
chờ vào quyết định của cấp ủy đảng. Nên chăng, cần xác định rõ đây là vấn đề
của chính quyền, chính quyền phải rốt ráo làm, chứ không phải là vấn đề của
Thành uỷ Hải Phòng, hay của huyện uỷ Tiên Lãng.
Vấn
đề sử dụng lực lượng vũ trang. Có nên hay không nên việc sử dụng quân
đội vào công việc cưỡng chế này? Theo quan điểm của nhiều người thì vụ
việc này không phải dùng đến lực lượng quân đội. Vì theo nguyên tắc, chỉ được
sử dụng quân đội trong tình trạng chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh
quốc gia hoặc trong tình trạng khẩn cấp có thiên tai địch họa. Chính vì việc tổ
chức và hoạt động theo cơ chế tập trung, huyện cũng có quân đội, người đứng đầu
quân đội – huyện đội trưởng – cũng tham gia cấp ủy địa phương nên chính quyền
đã lạm dụng khi huy động. Hiến pháp sửa đổi cũng phải xem xét lại mối quan hệ
này, quy định rõ khi nào mới có sự tham gia của lực lượng vũ trang.
*
Qua vụ việc Tiên
Lãng, có thể nhận định: mọi hệ lụy phát sinh từ vụ việc cũng như nguyên nhân
phát sinh vụ việc đều có nguyên nhân sâu xa từ các quy định của Hiến pháp hiện
hành: Hiến pháp không thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai, không thừa
nhận phân quyền giữa các cơ quan nhà nước, giữa Đảng và nhà nước. Vì vậy, Hiến pháp sửa đổi phải thừa nhận quyền sở hữu tư nhân đối với
đất đai, phải thừa nhận sự phân quyền giữa các cơ quan nhà nước, nhất là giữa
lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đảng phải lãnh đạo chính quyền thông
qua các cơ quan nhà nước. Đảng không trực tiếp quyết định các vấn đề thuộc thẩm
quyền của các cơ quan nhà nước./
[1]
Xem Nguyên Lâm, Hiến pháp nhìn từ Tiên Lãng, tr. Blog Thanh niên Phía
trước
[2] Nguyên Bộ trưởng Bộ
Tư pháp Nguyễn Đình Lộc phát biểu trên VTV ngày 11/2/2012.
[3] Tọa đàm trên Việt
Nam Net, ngày 12/2/2012
[4] Xem Vũ Quang Việt,
Những vấn đề về sở hữu toàn dân, Kinh tế Sài gòn 17/2/2012
[5] Xem Võ Tòng Xuân,
Nên giao vĩnh viễn đất cho người dân, Quy hoạch đô thị, ngày 14/2/2012
[6] Võ Tòng Xuân, Đã
đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, Kinh tế Sài gòn 14/2/2012
[7] Đặng Kim Sơn, Buổi
tọa đàm trên Việt Nam Net ngày 12/2/2012.
[8] Xem Nguyễn Lâm,
Tlđd
GS.
TS. Nguyễn Đăng Dung
Nguồn:
Nghiên cứu lập pháp,
đăng
ngày 1/3/2012,
(Có
chỉnh lại)
No comments:
Post a Comment