Friday, 5 April 2013

TỪ ĐỒNG NỌC NẠN ĐẾN ĐOÀN VĂN VƯƠN (Trương Duy Nhất)




0:00 ,Thứ bảy 6 Tháng tư, 2013

5 năm hoặc cho dù hơn thế, cho dù tòa đã tuyên và bản án phúc thẩm (nếu có) rồi cũng khó có thể chuyển xoay. Nhưng tôi tin rất ít người coi Đoàn Văn Vươn là tội phạm, nhất là với những người dân mất đất- họ đã và mãi xem anh là một anh hùng.

Một khi dân tình đã công khai ủng hộ hành động cài bom, chĩa súng bắn vào chính quyền của anh em nhà Đoàn Văn Vươn, thì phải xem lại cái chính quyền đó nó đã làm gì, đã gây ra những hậu họa gì cho dân. Một cuộc trấn áp cướp đất của dân lại được gọi là “trận đánh đẹp” thì phải xem lại quân đội đó, cảnh sát đó, chính quyền đó là của ai, phục vụ cho ai? Chắc chắn nó không phải “của dân do dân vì dân”.

Tại sao một “tội phạm giết người” lại được dân tình khắp nơi cổ vũ, ủng hộ đến vậy? Tại sao chính những nạn nhân trong vụ án cũng không ai dám đòi bồi thường thiệt hại và thương tổn? Tại sao đến những con chó nghiệp vụ cũng chần chừ cưỡng lại không muốn xông lên tấn công “tội phạm”?

Đoàn Văn Vươn sẽ mãi đi vào lịch sử giữ đất của người Việt như vụ án Đồng Nọc Nạn xưa, kích hoạt cho một phong trào vùng lên giữ đất rộng khắp của bà con nông dân khắp các vùng miền từ Bắc chí Nam, từ Văn Giang, Vụ Bản, Dương Nội, Kim Sơn- Đông Triều đến Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Cái Răng Cần Thơ, Vĩnh Long… Từ ngọn lửa Văn Giang, những vành khăn tang Vụ Bản đến Nguyễn Văn Tưởng ở Thăng Bình (Quảng Nam) uất ức đến mức vung dao đâm cán bộ giải tỏa rồi uống thuốc sâu tự tử, đến mẹ con bà Phạm Thị Lài (phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, Cần Thơ) khỏa thân giữ đất…

Đoàn Văn Vươn mãi mãi là một biểu tượng đẹp của những người dân giữ đất.

Về phía chính quyền: Tòa đã xử, án đã tuyên, nhưng có lẽ cả hai mục tiêu cần có của một bản án là trừng trị và răn đe giáo dục đều không đạt được.

Cứ chiều này, tôi tin tình trạng tranh chấp kiện tụng đất đai sẽ căng thẳng hơn. Rồi sẽ còn nhiều Đoàn Văn Vươn khác.

Tháo những ngòi nổ đất đai như Đoàn Văn Vươn không khó, nếu chính quyền thật sự biết nghe được tiếng kêu của đất, biết nhìn đúng, biết tôn trọng và bảo vệ quyền lợi người dân, giữ đất cho dân, chứ không phải cho các loại tập đoàn “cá mập đất”.

Vụ Đồng Nọc Nạn xưa, thương vong và tổn mạng cho cả hai phía, nhưng tòa tuyên tha bổng.

Vụ Đoàn Văn Vươn, không có người chết, nhưng anh em nhà họ Đoàn vẫn bị kết tội giết người với bản án 15 năm 6 tháng tù (ông Vươn 5 năm, Đoàn Văn Quý em ông Vươn 5 năm, Đoàn Văn Sịnh anh ông Vươn 3 năm 6 tháng và Đào Văn Vệ 2 năm), cùng 33 tháng tù treo cộng 66 tháng thử thách dành cho Phạm Thị Báu và Nguyễn Thị Thương với tội danh “chống người thi hành công vụ”.

Xem ra, cái nền pháp trị của thể chế thực dân từ những năm đầu thế kỷ trước lại nhân đức và “vì dân” hơn cái nền pháp chế XHCN của chúng ta ngày nay. Hay nói như tiến sĩ Nguyễn Quang A: nó "bộc lộ sự khốn cùng của nền tư pháp".

Hãy nghe Tricon, một trong hai vị luật sư người Pháp bào chữa cho gia đình Biện Toại trong vụ án Đồng Nọc Nạn xưa nhận định:
“Nguồn gốc của vụ án là vấn đề điền địa. Ông cho rằng chính sách ruộng đất thời Nguyễn công bằng và hợp thực tế, còn luật lệ do người Pháp đặt ra chưa được áp dụng đúng, thiếu thực tế, những người trong Hội đồng Phái viên chỉ ngồi một chỗ, chưa hề bước ra sở đất mà họ xem xét, chỉ quyết định dựa trên báo cáo. Ông ca ngợi tinh thần lao động khẩn hoang của gia đình Biện Toại: họ phải đấu tranh với thiên nhiên, với bọn cường hào, với cả các thủ tục pháp lý. Chúng ta, những người Pháp, nên xây dựng ở xứ này một chế độ độc tài. Không phải độc tài bằng sức mạnh của súng đạn, nhưng là sự độc tài của trái tim (Non pas de la dictature de la force du mousqueton, mais de la dictature du coeur). Ông cũng ca ngợi lập luận của công tố viên, cho rằng chính sách của nhà nước thì tốt, nhưng người thừa hành xấu đã làm cho chính sách trở nên xấu đối với dân chúng. Ông nói nên sa thải vài ông phủ, ông huyện bất hảo và vạch rõ hành động của cặp bài trùng Bang Tắc – Tri phủ H. đã dẫn đến tấn thảm kịch Nọc Nạn. Ông xin tòa tha thứ cho các bị can: Lần này sẽ có một bà lão khóc về cái chết của bốn đứa con. Bốn người này đã chết, vì họ tưởng rằng có thể tự lực gìn giữ phần đất ruộng mà họ đã từng rưới mồ hôi và máu của họ lên đó” (nguồn dẫn: wikipedia)

Và hãy nghe lại một đoạn trích trong bài diễn văn thống thiết của trùm da đỏ Seattle từ năm 1853, sau khi họ khai tạo nên khu vực bang Washington và chính phủ Mỹ đề nghị người da đỏ ký các hiệp định mua đất của họ:
“Làm sao các người có thể mua bán khung trời và hơi ấm của đất? Ý nghĩ đó đối với chúng tôi thật kỳ lạ. Thế nếu chúng tôi không sở hữu cái mát mẻ của không khí và cái lung linh của mặt nước, thì các người làm sao mà mua? Mỗi mẩu đất này đều thiêng liêng cho dân tộc chúng tôi. Linh hồn những người da trắng đã quên xứ mình sinh ra khi đi vào giữa các vì sao. Linh hồn những người chết chúng tôi không bao giờ quên trái đất tuyệt vời này, vì trái đất là mẹ của người da đỏ. Các ông (người da trắng) phải dạy cho con cháu là đất chúng bước lên được tạo bởi tàn hương của tổ tiên. Dạy cho chúng biết tôn trọng đất, bảo chúng là đất được giầu có bởi đời sống của dòng dõi. Dạy cho con cái các ông những điều mà chúng tôi dạy cho con cái chúng tôi, là đất là người mẹ. Cái gì xảy đến cho đất sẽ xảy đến cho con cái của đất. Ai khạc nhổ lên đất là khạc nhổ lên chính mình.” (nguồn dẫn: Hiệu Minh blog)

Hãy đọc lại đi, đọc đi để cay đắng hỏi rằng: Tại sao cái nền pháp trị này nó đã tuột lùi một bước dài đến vậy?

Điều duy nhất tôi không thích, thậm chí rất dị ứng ở Đoàn Văn Vươn là lời nói sau cùng trước vành móng ngựa khi anh “gửi lời cảm ơn tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ và các ban ngành”.
Tại sao lại phải ơn đảng ơn nước ơn chính phủ ở đây? Hay có phải chính cái thói quen “ơn đảng” ấy cũng là một thành tố góp phần tạo nên những bước lùi thảm hại đó?





No comments:

Post a Comment

View My Stats