Trần
Ngọc Thạch
9/04/2013
Thưa
các vị lãnh đạo Đảng (CSVN) kính mến,
Tôi
viết ra những lời này với tư cách của một công dân Việt Nam bình thường nhưng
khó có thể im lặng trước hiện tình trì trệ của kinh tế – xã hội đất nước, trước
tham vọng ‘bá quyền’ của ‘đường lưỡi bò’ Trung Quốc. Tôi tin vào “sức mạnh của
lý lẽ” mà GS Ngô Bảo Châu đã viết, cũng như tin vào lý trí, cái tâm trong sáng
và lòng yêu nước của Quí vị mạnh hơn cả “sự tồn vong của chế độ” – điều mà các
nhân sĩ tri thức và hàng ngàn người đã lên tiếng trong “Bản kiến nghị 72”
về sửa đổi Hiến pháp 1992.
Đã
có nhiều ý kiến phản biện xác đáng cả trong và ngoài nước đối với bản Dự thảo
sửa đổi Hiến pháp 1992. Với tôi, dù không am hiểu lắm về ngôn ngữ luật pháp
nhưng qua các điều 1 & 2, tôi cảm thấy cái mô hình XHCN – một nhà nước toàn
trị – vẫn in đậm trong tư duy lãnh đạo của Quí vị. Có người cho rằng, nếu bỏ đi
cái chế độ XHCN thì Quí vị chẳng còn vai trò lãnh đạo, hay “Bỏ điều 4 là tự
sát”! Bởi vậy, đưa vào điều 4 (Đảng Cộng sản Việt Nam … là lực lượng lãnh đạo
Nhà nước và xã hội) & điều 70 (Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối
trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân) là ngầm định Quí
vị vẫn quyết tâm duy trì vai trò lãnh đạo đất nước trong khi lòng tin của nhân
dân đối với sự lãnh đạo của Đảng đang cạn dần, giống như ánh đèn leo lét của
CNXH.
Quí
vị quên rằng, vai trò lãnh đạo xuất phát từ lý tưởng, hình ảnh và sức cuốn hút
của người lãnh đạo, thứ mà dù có đi vào chỗ chết quần chúng cũng lao theo. Và
rằng, sức mạnh thực sự của Lực lượng vũ trang nhân dân xuất phát từ sự ‘bảo vệ
chính nghĩa’, thứ mà Quí vị đã từng sử dụng trong các cuộc chiến tranh giành
độc lập dân tộc và giải phóng đất nước trước đây nay đang nhằm sử dụng để ‘bảo
vệ chế độ XHCN’, áp chế tiến trình ‘dân chủ hóa’đất nước’ – cái xu thế mà ¾
nhân dân trên thế giới đang tận hưởng vị ngọt của nó.
Làm
sao mà Hiến pháp – bản khế ước xã hội giữa nhân dân và chính quyền – đảm bảo
tính dân chủ-văn minh khi “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” (Điều
2) lại bị phủ định bởi “Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước
và xã hội” (Điều 4)? Điều này có nghĩa, trên thực tế nhân dân Việt Nam không
có quyền lựa chọn trực tiếp lực lượng lãnh đạo xứng tầm của dân tộc. Và hệ
lụy là, thiếu sự cạnh tranh, Đảng CSVN đã đánh mất ‘vai trò lãnh đạo’ của mình
mà chỉ còn vai trò ‘Đảng trị’.
Làm sao Quí vị có thể giương cao ‘ngọn
cờ chính nghĩa’ để giữ vững vị trí lãnh đạo khi Quí vị đang đi ngược với trào
lưu dân chủ? Há chẳng phải Quí vị đã và đang đấu tranh cho một đất nước ViệtNam
“độc lập – tự do – hạnh phúc” đó sao? Làm sao mà nhân dân có được tự do – hạnh
phúc khi mà đất nước thiếu tự do dân chủ, văn hóa – xã hội xuống cấp trầm
trọng, nền kinh tế trì trệ, tham nhũng tràn lan, biên cương hải đảo đang bị xâm
lấn nghiêm trọng?
Cố
Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “Đảng gắn bó máu thịt với dân. Trên dòng
sông cuộc sống, Đảng mà tách khỏi dân thì chẳng khác nào như cá bị ném lên bờ,
chết là chắc.” Ông cho rằng: “Đất nước VN, giang sơn VN cùng mọi
thành quả của nền văn hóa VN không phải của riêng ai, của một giai cấp hay đảng
phái nào, mà là tài sản chung của mọi người VN, của cả dân tộc VN… Phải phát
huy dân chủ cao độ, thực hành dân chủ thật sự, hòa hợp dân tộc rộng rãi. Mọi
người VN không chỉ là chủ đất nước mà phải làm chủ thật sự, được biết, được
bàn, được làm, được kiểm tra và được thụ hưởng thành quả dân chủ.”[1] Dù đã
hơn 37 năm sau ngày thống nhất đất nước, tôi vẫn có cảm giác đất nước, nhân dân
Việt Nam giống như một ‘chiến lợi phẩm’ (?) của một cuộc chiến ý thức
hệ: Kẻ thắng thì làm Vua. Làm thế nào để có được một xã hội dân chủ thực
sự khi mà Quí vị luôn gạt bỏ ngoài tai, nếu không muốn ghép vào tội ‘chống chế
độ’, rất nhiều những tiếng nói lương tri, đấu tranh (cả nội bộ và công khai)
cho một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh?
Vấn
đề là ‘tầm nhìn’! Nếu các nhà lãnh đạo lựa chọn sai ‘tầm nhìn’, không những họ
đánh mất vị trí và vai trò lãnh đạo mà còn kéo theo đất nước đi đến chỗ tụt hậu
và đói nghèo.
Điều
này đã từng được Tướng Trần Độ nêu ra trong bài tham luận gởi ĐCSVN: “Tình hình đất nước đang đòi hỏi dân chủ hóa một cách
bức thiết. Tôi không nói rằng, dân chủ là thuốc trị bách bịnh; còn phải làm
những việc khác nữa mới đưa đất nước lên con đường phát triển…, mới rửa được
cái nhục nghèo khổ và tụt hậu. Nhưng dân chủ hóa là điều kiện không thể thiếu,
điều kiện đầu tiên để đảm bảo sự phát triển của đất nước. Khi người dân không
có tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội… thì mọi bàn
luận về sự phát triển đất nước và hiện đại hóa… chỉ là vô ích. Bởi vì,… chỉ có
những quyền tự do này mới tạo nên được sức mạnh trí tuệ toàn dân tộc, và chỉ có
sức mạnh này mới đưa tới sự phát triển của đất nước.” [2] Cũng chính
vì các quan điểm trên mà ông bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản ViệtNam sau đó. Tôi
thật sự ngạc nhiên và khâm phục về ‘tầm nhìn’ và tư duy đổi mới của ông khi vẫn
đang sống trong môi trường XHCN ngần ấy năm.
Thưa
Quí vị,
Sẽ
là thừa thãi và vô ích khi tôi muốn làm rõ thêm về sự cạnh tranh (kinh tế –
chính trị) trong một xã hội dân chủ sẽ thúc đẩy đất nước đó phát triển bền
vững. Vấn đề là, chính Quí vị nhìn nhận ‘dân chủ’ có đối lập với ‘vị trí lãnh
đạo’ của mình hay không mà thôi. Xin nhắc lại câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn
Kiệt – một nhà lãnh đạo được nhân dân hết mực kính trọng và yêu mến trong thời
kỳ đổi mới của đất nước: “Một là để dân đói, các đồng chí giữ nguyên chức
vụ. Hai là dân no, các đồng chí mất chức. Chọn cái nào?” Cuối cùng, lãnh
đạo các tỉnh Tây Nam bộ chọn: Thà mất chức mà dân no![3]
Tôi
tự nhủ, trong hoàn cảnh hiện nay, nếu có ai đó vô phép hỏi: Nếu mất ‘quyền
lãnh đạo’ mà ‘đất nước phát triển, nhân dân được hạnh phúc’, các đồng chí chọn
cái nào, chắc hẳn nhiều người sẽ cho đó là câu hỏi ngớ ngẩn! Những thông
tin ‘chính thống’ trên báo đài thời gian qua đã cho ta câu trả lời không thể rõ
ràng hơn: Vị
trí lãnh đạo của Đảng là không thể đánh đổi. Nhưng còn vận mệnh dân tộc?
Đưa
ra vấn đề này tôi dựa vào cảm nhận là: Khi Đảng “nới lỏng quyền kiểm soát”
thì đất nước phát triển.
“Năm
1986, đứng trước những thách thức xã hội và khủng hoảng kinh tế, lãnh đạo Đảng
và nhà nước đã dám nhìn thẳng vào sự thật để chấp nhận đổi mới mà trước hết và
quan trọng nhất là đổi mới về tư duy. Đặc trưng của đổi mới từ cuối những năm
1980 và đầu những năm 1990 [giai đoạn Võ Văn Kiệt đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch
Hội đồng Bộ trưởng, sau đó là Thủ tướng Chính phủ] là chấp nhận những quy luật
kinh tế thị trường, cho phép kinh tế tư nhân phát triển, và mở cửa cho kinh tế
đối ngoại. Kết quả của những đổi mới về nhận thức là sự ra đời của các đạo luật
chưa từng có trong tiền lệ như Luật đầu tư nước ngoài 1987, Luật Công ty và
Luật Doanh nghiệp Tư nhân cuối năm 1990.” [4]
Hầu
hết mọi người đều cho rằng hai sự kiện trên (khoán sản phẩm trong nông nghiệp
và thừa nhận qui luật kinh tế thị trường) là kết quả của sự đổi mới về tư
duy. Thực tế đúng là như vậy, nhưng tôi thì cho rằng, những kết quả trên,
mặc nhiên nó là phương thức vận hành của một nền kinh tế thị trường TBCN mà nhà
nước XHCN đã kìm hãm cạnh tranh tự do của thị trường trong một thời gian dài,
cho đến khi xảy ra sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ kéo theo sự sụp đổ của khối
XHCN Đông Âu. Với khối XHCN tại châu Á, chỉ có Mông Cổ là tiến hành cuộc cách
mạng dân chủ thành công; còn với Trung Quốc, để tránh sự sụp đổ, họ đã tiến
hành cải cách kinh tế nhưng chỉ một nửa, tức là kết hợp nền kinh tế thị trường
(TBCN) với kinh tế kế hoạch hóa (XHCN) với tên gọi khá mỹ miều: nền kinh tế thị
trường mang màu sắc Trung Quốc; Việt Nam là một nước láng giềng có cùng ý thức
hệ nên không thể không học tập mô hình trên, với tên gọi: nền kinh tế thị
trường theo định hướng XHCN.
Mô
hình phát triển ‘thành công’ của Trung Quốc vẫn còn nhiều điểm cần bàn cãi (nhờ
lợi thế địa kinh tế, thị trường tập trung với dân số đông, dựa chủ yếu vào xuất
khẩu với hàng hóa giá rẻ chiếm dụng tài nguyên trên nền tảng đồng nội tệ thấp
hơn giá trị thực tế, kinh tế thế giới khủng hoảng khiến các nhà đầu tư đổ xô
vào thị trường này, v.v.; tuy là quốc gia có GDP thứ hai thế giới nhưng tính
GDP/đầu người năm 2011 là 5.445 USD, nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung
bình).
Cũng
với mô hình kinh tế song trùng trên, Việt Nam lại đang lộ rõ những khiếm khuyết
của nó: DNNN có nhiều lợi thế, ưu đãi nhưng năng lực quản trị và năng lực cạnh
tranh kém dẫn đến nền kinh tế cạnh tranh không minh bạch, không lành mạnh. Kết
quả là, với cú sốc Vinashin & Vinalines, thị trường BĐS đóng băng với lượng
‘hàng tồn kho’ khổng lồ, hệ thống ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, kinh tế
Việt Nam đang tuột dốc với khối nợ công ngày càng phình to (tất nhiên không thể
không tính đến những tác động tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế thế giới kéo
dài).
Để
vực dậy nền kinh tế có nguy cơ đổ vỡ, chúng ta đang loay hoay với những đề án
tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách hệ thống ngân hàng, cải cách hành chính công,
v.v. Nhưng có một ‘điểm nghẽn’ cực kỳ quan trọng mà các chuyên gia kinh tế
trong và ngoài nước đã từng đề cập, đó là cải cách thể chế! Khó có thể
có một nền kinh tế phát triển năng động, phản ứng linh hoạt với một bộ máy quản
lý vẫn còn nặng tính bao cấp (với cơ chế xin-cho), quan liêu và trì trệ.
Chỉ
có ‘thân thể tráng kiện’ trên một ‘bộ óc lành mạnh’! Một
cơ chế lãnh đạo toàn trị thiếu sự cạnh tranh lành mạnh chắc chắn sẽ kìm hãm sự
phát triển nền kinh tế thị trường năng động (cạnh tranh tự do trong
khuôn khổ luật pháp). Sẽ có nhiều người cho rằng, nền ‘kinh tế thị trường theo
định hướng XHCN’ sẽ khắc chế sự bóc lột TBCN, phân phối công bằng của cải cho
xã hội. Lý thuyết nghe thì đúng nhưng trong thực tế lại hoàn toàn khác: kẻ
hưởng lợi nhiều nhất là những ‘lợi ích nhóm’; Cũng như không hề có nền
kinh tế thị trường tự do hoàn toàn mà, nhiều hay ít, luôn có sự điều tiết, định
hướng của nhà nước/chính quyền vì lợi ích chung, nếu họ không muốn đánh mất
phiếu bầu của cử tri. Như vậy, lực lượng lãnh đạo chính trị cũng phải luôn đổi
mới, cạnh tranh nhau để phát triển phù hợp với một nền kinh tế thị trường năng
động. Điều này chỉ có thể có trong những thể chế chính trị dân
chủ-cộng hòa mà sự phát triển kinh tế vượt bậc của nó là một minh chứng rõ ràng
nhất.
Philipp
Roesler, Phó Thủ tướng Đức gốc Việt, một lãnh tụ trẻ tuổi của đảng Tự do Dân
chủ đã nói về sức mạnh của tự do khi nhận bằng Tiến sĩ danh dự tại trường Đại
học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (18/9/2012): “Một đứa trẻ mồ côi thời chiến tại
Việt Nam được nhận làm con nuôi mà có cơ hội vươn lên trong một xã hội dân chủ
như vậy, và gánh vác trách nhiệm lớn thì đó là bằng chứng nền dân chủ có thể
tạo ra sức mạnh như thế nào.” [5]
Thưa
Quí vị,
Tôi biết rằng những lời nói thẳng, nói thật thường khó nghe,
nhưng vì “thuốc đắng dã tật” nên tôi chẳng ngần ngại mà bộc bạch hết suy nghĩ của
mình. Dù rằng đã có rất nhiều người làm như vậy và hầu hết mọi ý kiến tâm huyết
của họ đều rơi vào khoảng không im lặng!
Đất
nước Việt Nam ngay thời điểm này, giai đoạn này cần một sự đổi mới triệt để: đổi
mới về thể chế chính trị! Một bản Hiến pháp thực sự ‘tự do dân chủ’ với thể
chế dân chủ cộng hòa sẽ là động lực mới tiếp sức cho đất nước/xã hội phát
triển, vượt qua những cú sốc lớn về kinh tế, lấy lại niềm tin trong nhân dân…
Nếu
có ai so bì về thành tích trong quá khứ với việc phải chia sẻ quyền lực, họ
cũng phải hiểu rằng cái quá khứ vẻ vang chưa hẳn đã mang lại một tương lai tươi
sáng, bởi môi trường cạnh tranh luôn biến đổi, không thay đổi, không cạnh tranh
thì đất nước khó có thể phát triển. Mỗi một giai đoạn lịch sử cần có một đội
ngũ lãnh đạo năng động, một định hướng (tầm nhìn) đúng, và một phương thức lãnh
đạo thích hợp; nhất là trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay khi các nước trên thế
giới đang chạy đua với nền tảng ‘kinh tế tri thức’ đầy tính cạnh tranh và sáng
tạo.
Nhà
văn Nguyên Ngọc có viết bài đăng trên báo VietnamNet gần đây cho rằng “Dân
chủ không phải cái đem cho.” Lịch sử đấu tranh cho nền tự do dân
chủ của nhân dân thế giới hàng trăm năm qua khẳng định điều này. Nhưng, thế
giới cũng đã chứng kiến nhiều cuộc cách mạng dân chủ ‘bất bạo động’ đem lại kết
quả thành công khi mà các nhà lãnh đạo chính quyền và nhân dân ‘cùng nhìn một
hướng’, lợi ích dân tộc là trên hết! Dù sao thì làn sóng ‘dân chủ hóa’ vẫn đang
cuộn chảy…
Tôi
nghĩ, trong tình hình hiện nay, Quí vị phải ‘tự lột xác’ (dù rất khó khăn) để
thay đổi, để tồn tại và cùng lãnh đạo, dẫn dắt đất nước/xã hội phát triển. Đó
là ý chí, bản lĩnh của những người làm Cách mạng vì Nhân dân. Chấp nhận
mình đi ‘lệch hướng’, chấp nhận thay đổi tư duy XHCN đã định hình trong nhiều
năm đã là khó, nhưng để ‘bỏ bớt quyền lực’ (chia sẻ vị trí lãnh đạo) trong một
thể chế dân chủ lại càng khó hơn. Điều này chỉ có những nhà lãnh đạo ‘có tâm có
tầm’ và cả trí dũng mới có thể.
John
C. Maxwell, chuyên gia về kỹ năng lãnh đạo có đúc kết một câu nổi tiếng: “Mọi
sự thành bại đều do lãnh đạo!”. Đúng vậy. Nhân nhân Việt Nam, những
người yêu chuộng hòa bình, tự do & dân chủ đang chờ đợi những quyết định
sáng suốt của Quí vị.
Kính
thư,
T.
N. T.
Nguồn tham khảo:
[1]
& [3]: Thà mất chức mà dân no. Phạm Vũ – Tuổi Trẻ Online, 18/11/2012
& Võ Văn Kiệt, Wikipedia
[2]:
Sách “Việt Nam cần đổi mới thật sự” của TS Võ Nhân Trí & Trần Độ,
Wikipedia
[4]:
Đổi mới 3.0 của TS Trần Văn Huấn – Tuần ViệtNam 4/3/2013
[5]:
VN cần tự do kinh tế và tư duy độc lập – BBC tiếng Việt, 19/09/2012
Tác
giả gửi trực tiếp cho BVN.
No comments:
Post a Comment