Sunday 14 April 2013

ĐỐI THOẠI NHÂN QUYỀN VIỆT - MỸ : HÀ NỘI NÓI DỐI MỸ "MUỐN GẶP AI THÌ GẶP" (Nam Phương - Người Việt)




Nam Phương
Sunday, April 14, 2013 4:44:09 PM

HÀ NỘI 14-4 (NV) - Chế độ Hà Nội nói với nhà ngọai giao Hoa Kỳ là muốn gặp ai thì gặp nhưng những người đấu tranh nhân quyền ở Việt Nam bị ngăn chặn tiếp xúc.

Đây là trò dối trá, nói một đàng làm một nẻo của nhà cầm quyền CSVN vẫn áp dụng mỗi khi có sự tiếp xúc của viên chức ngọai giao nước ngòai muốn tìm hiểu đa chiều về tình hình thực thi nhân quyền của nhà nước Hà Nội. Nó không phải điều gì mới mà chỉ chứng tỏ CSVN không muốn chính phủ các nước khác nghe những lời cáo buộc trực tiếp từ các nạn nhân có thể dễ gặp nhất, và họ cũng chưa phải là những người bị hiếp đáp khủng bố trầm trọng nhất tại Việt Nam.

“Ông tùy viên chính trị Tòa đại sứ Mỹ Michael Orona nhắn tin cho tôi cho biết một ông tướng Công An khi gặp ông Phụ tá Ngọai Trưởng Ngọai Giao Hoa Kỳ đã nói là ông muốn gặp ai thì gặp” Luật sư Nguyễn Văn Đài, trong cuộc nói chuyện với báo Người Việt hôm Chủ Nhật 14/4/2013, cho hay khi ông này thông báo ông Phụ tá Ngọai trưởng Mỹ đặc trách nhân quyền Daniel Baer muốn gặp ông và bác sĩ Phạm Hồng Sơn. Tuy nhiên, cả hai đều bị lực lượng Công an đông đảo ngăn chặn.

Ông Daniel Baer đến Hà Nội để đối thọai nhân quyền với nhà cầm quyền CSVN hôm 12/4/2013. Bộ Ngọai Giao Hoa Kỳ ngày 11/4/2013 ra bản thông cáo báo chí cho biết Phụ tá Ngọai trưởng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Daniel Baer cầm đầu phái đoàn đối thọai với đại diện ngọai giao của CSVN là Hòang Chí Trung. Cuộc đối thọai “bao gồm nhiều mặt về nhân quyền gồm cả tự do phát biểu, tôn trọng luật lệ, tự do tôn giáo, đồng thời với những trường hợp được đặc biệt quan tâm”, bản thông cáo báo chí của Bộ Ngọai Giao Hoa Kỳ viết.

Bản thông cáo này nhấn mạnh rằng “Cổ võ tôn trọng nhiều hơn về nhân quyền vẫn là yếu tố then chốt trong chính sách đối ngọai của Hoa Kỳ, bao gồm cả quan hệ với Việt Nam, nên chúng tôi tiếp tục thúc đẩy các cuộc đối thoại thẳng thắn, đem đến kết quả khi thảo luận với nhà cầm quyền Việt Nam trên những vấn đề này”.

LS Đài viết trên facebook về cuộc tiếp xúc với ông Baer đã được tòa đại sứ Mỹ dàn xếp và chuẩn bị từ trước:
"Từ hôm đầu tuần, mình đã nhận được lời mời của Sứ quán Hoa Kỳ đến nói chuyện với Ngài Daliel Baer, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Nhưng hôm qua an ninh thông báo không cho mình đi. Mình đã báo cho Sứ quán [Hoa Kỳ] biết việc đó. Trong cuộc họp tối qua với Bộ Ngoại giao và Bộ CA của VN, phía Hoa Kỳ đã nêu sự vụ này. Sau đó 2 Bộ của VN đã đồng ý cho mình đi gặp Trợ lý Ngoại trưởng HK vào chiều nay. Nhưng sáng nay, phía an ninh VN lại lật lọng, cho 1 lực lượng đông đảo an ninh và cảnh sát đến bao vây khu vực nhà mình. Sử dụng biển báo "RESTRICTED AREA"; NO FOREIGNERS; NO CAMERA trên con đường vào nhà mình."

Khi được xe của sứ quán Mỹ tới đón, họ không vào được nhà vì cái lực lượng đông đảo Công an và dân phòng ngăn chặn, ông thông báo trên facebook: “Thưa bà con cô bác, lúc này xe của tòa sứ quán Hoa Kỳ đã tới đón, nhưng xe bị chặn bên ngoài. Quan chức chính trị Hoa Kỳ Michael Orona không thể vượt qua được hàng rào an ninh dày đặc."

Ngoài đám Công an, ông cho biết nhà cầm quyền đã "huy động đảo chục bà phụ nữ ra định nằm ăn vạ quan chức ngoại giao Hoa Kỳ."

Vào dịp này, bà Phương Bích, một phụ nữ đấu tranh nhân quyền, dân chủ ở Hà Nội, cùng một người bạn đến thăm ông Đài, đã chứng kiến màn kịch ngăn chặn, nói một đàng làm một nẻo của nhà cầm quyền CSVN. Bà mô tả trên chimkiwi.blogspot.com là “Tự do gấp vạn lần thằng giãy chết là đây chứ đâu?”

Bà Phương Bích không bị bắt nhưng blogger Hòang Dũng thị bị công an bắt thẩm vấn.

Bình luận về lý do nhà cầm quyền CSVN ngăn trở cuộc tiếp xúc của ông và bác sĩ Phạm Hồng Sơn với ông Daniel Baer, LS Nguyễn Văn Đài nói với báo Người Việt: “Có 2 giả thuyết, thứ nhất là chính phủ Việt Nam muốn gửi một thông điệp rõ ràng với chính phủ Hoa Kỳ là việc đối thoại nhân quyền vẫn tiến hành, bất chấp các thỏa thuận, chính phủ Việt Nam muốn hành xử thế nào với công dân của mình là tùy thích. Giả thuyết thứ hai, những thế lực bảo thủ, tham nhũng và thân Trung quốc muốn phá hoại việc xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ nói riêng và quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”.

Tương tự như trường hợp ngăn chặn LS Đài, bác sĩ Phạm Hồng Sơn không múôn nhờ xe của tòa đại sứ Mỹ tới đón. Ông muốn tự mình đi tới nơi hẹn. Theo lời LS Đài kể lại, bác sĩ Phạm Hồng Sơn “vừa ra khỏi cổng nhà thì bị an ninh sốc nách đưa ra phường, đến tối mới được thả”.

BS Sơn kể câu chuyện ngăn chặn với đài BBC: "Trước buổi gặp dự kiến đó thì chúng tôi cũng nghĩ rằng nó sẽ diễn ra suôn sẻ... nhưng mà rất kỳ lạ là từ chiều ngày 12/4 tôi nhận thấy rằng xung quanh nhà tôi ...bắt đầu xuất hiện rất nhiều nhân viên an ninh mặc thường phục, họ đến gần như là họ thể hiện sự thị uy, họ đi theo tôi mỗi khi tôi đi ra ngoài. Cho đến sáng ngày 13/4 thì họ lập một chốt gác rất lớn trước nhà tôi...Đến buổi chiều khoảng 14:10 phút tôi đi ra ngoài thì đã thấy một xe ô tô màu trắng ... chắn ngay trước cửa ngõ và khi tôi đi ra ngoài thì đột nhiên có một đám người mặc thường phục trông rất hầm hố, họ từ trong xe bước ra và xung quanh đấy họ ép tôi và bắt tôi lên xe và đi."

Ngày 21/3/2013, ông Daniel Baer điều trần tại Ủy Ban Nhân Quyền của Quốc Hội Hoa Kỳ nhận xét là tình trạng nhân quyền tại Việt Nam “thụt lùi”. Ông dẫn chứng bằng những vụ bỏ tù các người vận động dân chủ hóa Việt Nam, chỉ dùng internet phát biểu một cách ôn hòa nhưng đều nhận những bản án tù nặng nề.

Dịp này ông cho hay đối thọai nhân quyền là các vấn đề khó khăn với những chính quyền độc tài đảng trị như Việt Nam, Trung quốc, Cam Bốt, Miến Điện. Tuy nhiên ông nói “Chúng ta vẫn phải lên tiếng”.

Bản phúc trình nhân quyền hàng năm của Hoa Kỳ đều nêu ra các trường hợp vi phạm nhân quyền trầm trọng của chế độ Hà Nội.

Khi ông Baer đi Hà Nội, quốc hội Hoa Kỳ cũng mở cuộc điều trần về nhân quyền Việt Nam. Các nhà dân cử Hoa Kỳ cũng như các tổ chức vận động nhân quyền quốc tế đều thúc hối chính phủ Mỹ áp lực Hà Nội thay đổi. Dù vậy, những gì diễn ra tại Việt Nam chứng tỏ áp lực hay kêu gọi đều không có tác dụng.

Một viên chức ngọai giao Hoa Kỳ trước đây từng kêu rằng đối thọai nhân quyền với Hà Nội là đối thọai với người điếc.


No comments:

Post a Comment

View My Stats