Gia Minh, biên tập viên RFA
2013-04-14
2013-04-14
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/dissidents-barred-fr-meeting-usdelegation-04142013104901.html
Hôm thứ bảy vừa qua,
phái đoàn Hoa Kỳ đến Hà Nội dự đối thoại nhân quyền, có cuộc hẹn làm việc với
hai nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam là bác sĩ Phạm Hồng Sơn và luật sư
Nguyễn Văn Đài. Thế nhưng cuộc gặp đã bị cơ quan chức năng Việt Nam ngăn chặn.
Bắt về phường
BS Phạm Hồng Sơn: Họ mời luật sư Nguyễn văn
Đài và tôi nhưng cuộc gặp đã không thực hiện được vì sự ngăn chặn của chính
quyền Việt nam.
Trước khi cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 17 giữa hai chính
quyền Việt Nam và Hoa Kỳ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 12 tháng tư vừa qua, phía
đại sứ quán Hoa Kỳ thông báo cho tôi biết là họ muốn gặp tôi và luật sư Nguyễn
Văn Đài vào 15 giờ chiều ngày 13 tháng 4 tại khách sạn Metropole. Thông báo đó
được đưa ra khoảng 1 tuần lễ trước đó. Đến chiều ngày 12 tháng tư, tôi thấy
xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường từ phía giới chức Việt Nam; tức họ cho rất
nhiều cảnh sát mặc thường phục đến quanh nhà tôi và họ đi theo tôi. Cho đến
ngày hôm sau, sự xuất hiện nhiều hơn và họ lập chốt chắn ngay trước cổng nhà
tôi. Họ cắm những bảng cấm lại gần, cấm chụp ảnh. Họ cho người đến rất đông.
Theo tinh thần hẹn thì tôi vẫn đi vì tôi nghĩ mình là một công
dân tự do, không ai có thể ngăn cấm tôi được. Trước khi đi, tôi cũng có trao
đổi với sứ quán; nhân viên sứ quán cũng lo lắng và nói sẽ gửi xe đến đón tôi.
Nhưng khi đến giờ tôi đi ra ngoài thì chính quyền đã có một xe ô tô chặn ngang
ngõ, tôi không thể đi ra ngoài. Sau đó họ dùng vũ lực ép tôi lên xe và họ đưa
tôi về trụ sở phường cách đó chừng 100 mét. Khi về phường họ cố tình giữ chân
tôi ở đó, đến 18:20 tôi mới trở về được. Trong cuộc ngồi chừng 5 tiếng đồng hồ
ở đó, công an vẫn dùng những chiêu bài cũ mang tính chất … hỏi han, nói có một
tố cáo nên họ mời tôi ra làm việc; nhưng thực chất theo tôi nghĩ đó không phải
là điều gì quá đặc biệt đối với tôi. Tôi hiểu nên tôi không chú trọng, và ngồi
đó cho đến lúc nào về thì về thôi.
Sự kiện xảy ra một cách đơn giản như thế; tuy nhiên về mặt ngoại
giao của quốc gia cũng như về quyền tự do của người dân thì đó là một điều đáng
buồn, một sự rất xấu đối với giới chức, chính quyền.
Gia Minh: Viên chức, nhân
viên nào ở phường làm việc với bác sĩ, và ông phản đối việc làm đó của họ thế
nào?
BS Phạm Hồng Sơn: Những người làm
việc với tôi không phải công an phường mà là nhân viên an ninh từ ba bộ phận:
từ quận, thành phố và bộ công an, tổng cục bảo vệ chính trị 5. Công an phường
thì hầu như không làm việc gì với tôi, họ chỉ hiện diện ở đó mà thôi.
Đương
nhiên tôi phản đối vì hành động đó là phi pháp, chà đạp pháp luật một cách
trắng trợn. Cũng như mọi khi, tôi phản đối. Mình dùng từ ngữ ôn hòa thôi; nhưng
kiên quyết phản đối bằng cách không trả lời những câu hỏi họ đưa ra, không ký
vào bất kỳ văn bản nào. Như mọi khi họ làm biên bản một cách chiếu lệ của cơ
quan Nhà nước. Đối với tôi đó là một điều hết sức phỉ báng. Những nhân viên an
ninh làm việc đó họ nói họ cũng hiểu, và cuối cùng tôi đi về thôi.
Chính quyền VN ngày
càng vi phạm nhân quyền
Gia Minh: Bác sĩ nhận thấy
khi phía Hoa Kỳ muốn gặp những người như bác sĩ và luật sư Nguyễn Văn Đài là họ
muốn biết tình hình thực tế tại Việt Nam qua những người đang sống ở Việt Nam
nhân dịp đối thoại nhân quyền; và làm những việc như thế có gây ảnh hưởng; vậy
bác sĩ thấy tình hình nhân quyền tại Việt Nam hiện ra sao so với những điều mà
các cơ quan truyền thông và viên chức nhà nước nêu ra?
BS Phạm Hồng Sơn: Đối với câu hỏi này chúng ta nhìn nhận từ hai góc độ; thứ
nhất từ góc độ chính quyền và thứ hai từ góc độ người dân. Từ giới chức chính
quyền, thì tình hình nhân quyền hiện nay tại Việt Nam rất xấu, có những dấu
hiệu xấu đi vì những hành xử bất hợp pháp, những hành xử chà đạp nhân quyền,
chà đạp những quyền tự do của công dân.
Chỉ ngay trong một tuần lễ vừa rồi thôi có những sự kiện ‘gây
hấn’ với người dân rất nhiều. Như việc công dân Nguyễn Chí Đức bị đánh, bị hành
hung; rồi việc nhà giáo Nguyễn Mạnh Hùng bị thẩm vấn mất mấy ngày; trường hợp
gia đình mục sư Nguyễn Công Chính gần đây bị hành xử một cách bạo lực…
Rất nhiều những trường hợp khác xảy ra mà chúng ta không thể kể
hết được trong một vài phút. Đó là về mặt chính quyền đối xử với người dân là
hết sức xấu. Còn về phía ý thức của người dân, chúng ta thấy đáng mừng vì ngày
nay người dân càng có những phản kháng mạnh mẽ hơn đối với hành vi, thái độ của
chính quyền. Hiện nay chúng ta thấy rất nhiều tiếng nói bày tỏ công khai phản
đối những hành xử phi pháp, chà đạp nhân quyền của phía chính quyền, cũng như
tiếng nói bày tỏ chia xẻ đối với người bị nạn.
Người dân có nhận
thức hơn
Gia Minh: Chính quyền bao
giờ cũng nói là những người bị bắt vi phạm luật, vậy đối với những người đó họ
nói thế nào với phía chính quyền?
BS Phạm Hồng Sơn: Tôi nghĩ phản ứng của người dân trước những hành xử vi
phạm pháp luật từ phía chính quyền, theo tôi nghĩ tùy vào trường hợp của mỗi cá
nhân. Chúng ta thấy nhiều anh chị em hiện nay họ dùng cách thức kiện. Kiện và
đề đạt những đơn đến cơ quan chức năng để tố cáo, đòi hỏi cơ quan chức năng
phải xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của các giới chức. Có người lên tiếng
qua những cơ quan truyền thông quốc tế như RFA, BBC… cũng như các cơ quan
truyền thông của người dân ví dụ như Dân Làm Báo, và những trang khác.
Đối với bản thân tôi việc phản đối những hành vi vi phạm pháp
luật của các cơ quan chính quyền hiện nay, tôi sẽ có những phản ứng khác. Tất
nhiên có thể bằng những cách như tôi vừa nói, và cho đến hiện nay còn tùy thuộc
nhiều vào vấn đề cụ thể.Nhưng có thể nói hiện nay người dân Việt Nam hiện có
những nhận thức tốt hơn về vấn đề nhân quyền và có ý thức chủ động hơn trong
việc đấu tranh đòi quyền con người cho mình.
Gia Minh: Cám ơn bác sĩ
Phạm Hồng Sơn.
No comments:
Post a Comment