Saturday, 20 April 2013

MỘT SỐ THIỂN Ý CẦN CHIA SẺ (Huỳnh Thục Vy)




09:36:am 20/04/13

Có lẽ tôi dành quá nhiều sự quan tâm và giấy mực cho cuộc chuyển hóa Dân chủ ở Miến Điện. Nhưng rõ ràng đó là một hình mẫu mà những người Việt Nam tranh đấu cho Dân chủ phải lưu tâm. Bởi, nếu thành công của họ sẽ cổ vũ chúng ta, thì những khó khăn hiện tại  sẽ làm nản lòng không ít người quan tâm.

Ngày 14 tháng 3 vừa qua, bà Aung San Suu Kyi đã xuất hiện tại mỏ đồng Monywa và đã phải đối diện với sự giận dữ của người dân địa phương, khi bà đến khuyên họ chấm dứt biểu tình chống dự án khai thác đồng liên doanh với Trung Quốc này, vì theo bà, điều đó sẽ làm tổn hại nền kinh tế quốc gia. Thứ nữa, đến nay, mâu thuẫn giữa người Phật giáo đa số và người Hồi giáo thiểu số vẫn chưa có cách giải quyết, những nhóm sắc tộc ở vùng biên giới- thân Trung cộng vẫn giữ lập trường chống đối chính quyền Miến Điện và cũng không có quan hệ tốt với bà Suu Kyi. Những khó khăn đó khiến không ít người kỳ vọng vào bà Suu kyi, vào cuộc chuyển hóa ở Miến Điện cảm thấy hụt hẫng. Có nhiều nguồn dư luận cho là bà có xu hướng đi gần lại với giới quân phiệt,  thiếu khả năng chính trị, thiếu kinh nghiệm nghị trường… Nhiều người còn cho là giải pháp kinh tế nên đi trước giải pháp chính trị để đảm bảo thành công cho nền dân chủ, rằng Dân chủ quá sớm cũng không phải là tốt. Tôi e rằng, một số người còn lấy những khó khăn trong bối cảnh chính trị tại Miến Điện hiện nay để chứng minh rằng: những người dân chủ đối kháng với chính quyền độc tài cũng không thể giải quyết khó khăn cho quốc gia, đứng một phía để chỉ trích luôn dễ dàng hơn làm người trong cuộc…

Đứng trước những phân tích có lợi cho các chính quyền độc tài đó, cá nhân tôi có một vài thiển ý sau:

1/ Thứ nhất, liên quan đến câu chuyện thỏa hiệp. Mong muốn một cuộc chuyển hóa ôn hòa, không đổ máu luôn là một điều đáng trân trọng; nhưng một sự thỏa hiệp với chính quyền độc tài bỏ qua Công lý (vẫn đảm bảo địa vị lãnh đạo, tài sản, cũng như không truy tố các lãnh đạo độc tài) luôn là một quyết định đầy thách thức, sẽ gây chia rẽ lớn trong hàng ngũ những người đấu tranh đòi Dân chủ và làm tổn thương niềm tin vào lẽ Công bằng. Những tội ác của các chính quyền độc tài có thể được một phe nhóm thỏa hiệp bỏ qua, nhưng điều đó không có nghĩa là nó cũng được những nạn nhân và dư luận dân chúng nói chung khoan thứ. Những bất công đã ăn sâu trong xã hội không thể nói gạt sang một bên là được.

Trong trường hợp Miến Điện, khi chấp nhận đối thoại với chính quyền độc tài và thỏa hiệp để trở thành Nghị sĩ, bà Suu Kyi và đảng của bà đã tự đẩy mình ra xa khỏi những nhóm đấu tranh đối lập khác và những nạn nhân của chế độ. Ở đó, chỉ có nhóm của bà từ vị trí đối kháng trở nên những người đồng sự với chính quyền, còn nhiều phe phái và nhiều người dân thường khác vẫn chưa tìm thấy lý do để tin tưởng và hợp tác với chính quyền.

Hơn nữa, sau nhiều năm bị quản thúc và đàn áp, thiếu trải nghiệm trên nghị trường, bà và đảng NLD sẽ phải xoay xở khó khăn trong môi trường chính trị ngột ngạt vì ưu thế nghiêng về tập đoàn quân phiệt. Bà đã trao cho họ thứ mà họ cần, đó là tính chính đáng; họ trao lại cho đảng của bà những chiếc ghế nghị sĩ bị siết chặt bởi sức ép tương quan lực lượng. Càng đi gần với chính quyền, bà càng xa lòng dân – thứ quý giá mà không phải lãnh đạo chính trị nào cũng có được. Đó là một cái giá không rẻ và người Việt chúng ta phải coi chừng!

2/ Thứ hai, liên quan đến những chỉ trích về biểu hiện của bà Suu Kyi. Nền kinh tế và cả xã hội Miến Điện lụn bại và chưa thoát ra khỏi sự kềm tỏa của Trung Quốc, sau nhiều năm dưới chế độ độc tài. Họ đã và sẽ còn vô số nan đề cần giải quyết. Những vấn đề đó, hoặc do đặc thù của xã hội Miến Điện, hoặc do chính quyền độc tài tạo ra từ lâu, nay họ trao lại cho bà. Họ giải quyết không được, không sao, nhưng nếu bà vướng vào những rắc rối ấy, thì phe quân sự đã thành công trong việc làm giảm uy tín của bà. Bà trở thành bia đỡ đạn thay cho họ. Họ có thể vô hiệu hóa bà một cách rất… lịch sự.
Qua câu chuyện này, trước khi có những nản lòng không cần thiết, chúng ta nên cùng nhau suy nghiệm lại. Thực ra, Dân chủ là một quá trình, không phải là một phép màu có khả năng tháo gỡ mọi vấn nạn trong một sớm một chiều. Chúng ta nên tự hỏi, chúng ta đòi hỏi Tự do Dân chủ vì điều gì? Tất nhiên không phải là nhằm thủ đắc một cỗ máy sản xuất ra những chính trị gia kiệt xuất. Chúng ta đấu tranh vì một niềm tin rằng, chế độ dân chủ là chế độ khả dĩ nhất cho đến nay, giải quyết các vấn đề quốc gia dựa trên giá trị tự do, sự đồng thuận và lòng khoan dung. Chế độ Dân chủ không nhất thiết tạo nên những anh hùng trong chính trị, mà tạo ra cơ hội vận động nguồn năng lực trí tuệ quốc gia một cách sâu rộng nhất.

Vì thế, dẫu cho quả thực bà Suu Kyi hay các chính trị gia dân chủ trong tương lai của Việt Nam thiếu một số kỹ năng chính trị cần thiết, điều đó cũng không làm thối chuyển niềm tin của chúng ta vào Dân chủ. Thí dụ, những năm dưới thời Lech Walesa và nhiều năm sau đó, Ba Lan đã gặp phải nhiều khó khăn kinh tế- chính trị, nhưng hãy nhìn Ba Lan ngày nay xem! Dân chủ có thể không ngay tức khắc đưa một nhóm lãnh đạo tài giỏi lên nắm quyền, nhưng nó sẽ mở ra cánh cửa lớn để con cháu chúng ta chọn được những nhà lãnh đạo như thế lên điều hành đất nước trong tự do và thượng tôn pháp luật. Đó mới là phép màu thực sự của Dân chủ. Mọi khởi đầu luôn khó khăn, nhưng không bắt đầu, chúng ta sẽ không có cơ hội nào cả.

3/Thứ ba, liên quan đến các mối bất ổn xã hội. Các sắc tộc thiểu số ở vùng rừng núi Miến Điện giáp giới Trung Quốc đến nay vẫn mâu thuẫn với chính quyền Miến Điện, cũng không muốn có mối giao hảo với NLD và gần đây xung đột đã leo thang. Có ai dám đảm bảo, ở đây không có “bàn tay đen” của Trung Quốc nhúng vào? Và sẽ rất chủ quan nếu chúng ta nghĩ rằng, Việt Nam sẽ không vướng vào tình trạng tương tự.

Cũng như Miến Điện, Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc. Trung Cộng không chỉ khống chế, mua chuộc lãnh đạo độc tài ở Trung ương, họ còn cài cắm người ở những khu vực biên giới và mua chuộc các sắc dân vùng biên giới. Dưới chế độ độc tài, mâu thuẫn giữa các sắc dân thiểu số với chính quyền đa số được kiềm chế với sắp xếp ngầm từ Trung Nam Hải, các mâu thuẫn chỉ hiện diện đủ để được dùng như lá bài cho Trung Quốc gây sức ép, tạo sự lệ thuộc lên các chính quyền Trung ương tay sai. Nhưng khi quá trình chuyển tiếp dân chủ xảy ra, các mâu thuẫn đó sẽ được khuếch trương và được bật đèn xanh cho bùng đổ nhằm phá hoại nỗ lực xây dựng Dân chủ. Trung Quốc luôn tỏ ra là bậc thầy trong việc vận dụng chiêu bài này trong quan hệ quốc tế, mà sự điên cuồng của Bắc Triều Tiên là một ví dụ đặc sắc. Bởi vậy, sẽ không mấy ngạc nhiên nếu xã hội Việt Nam im ỉm dưới chế độ độc tài, nhưng sẽ nổi dậy sùng sục từ mọi phía khi quá trình chuyển tiếp bắt đầu. Đó là vận mệnh của các tiểu quốc nằm cạnh gã hàng xóm khổng lồ bất hảo.

4/ Thứ tư, liên quan đến chỉ trích rằng bà Suu Kyi đi gần lại với giới quân phiệt. Như một ai đó đã nói đại loại: không có nền Dân chủ không đảng phái. Điều đó cho thấy vai trò của các đảng phái chính trị trong việc tạo ra một không gian cạnh tranh cầu thị trong chính trị dân chủ. Nhưng chỉ có đảng phải chính trị thôi chưa đủ, bởi nếu xã hội dân sự (XHDS) không trưởng thành, chính trường sẽ chỉ là nơi ngã giá, chia phần của các đảng phái, và tự do của người dân chỉ là bargaining chip giữa họ. Người ta sẽ rất khó khăn để tập hợp lại, chia sẻ và cùng làm việc trong tinh thần vô vị lợi như trong các NGO, nhưng họ rất dễ kết hợp lại thành phe phái để giành quyền lãnh đạo chính trị. Vì thế, người Việt không sợ Việt Nam tương lai thiếu đảng phái, chỉ sợ xã hội dân sự không đủ mạnh để giám sát các chính trị gia.

Nhìn vào trường hợp Miến Điện, với khát khao và sự đấu tranh cho dân chủ, họ đã có một cuộc chuyển hóa ôn hòa. Nhưng với cuộc chuyển hóa đó, nhà lãnh đạo đấu tranh dân chủ nay đã trở thành chính trị gia. Nếu trước đó, bà Suu Kyi đại diện cho lực lượng đối lập và các thành phần xã hội phản đối chính quyền; thì nay khi đã trở thành một chính trị gia, theo logic dân chủ, chính bà cũng cần bị áp lực và giám sát.

Nếu chỉ có đảng phái đối lập mà không có XHDS thì khi quá trình chuyển tiếp xảy ra, một khoảng trống lớn sẽ xuất hiện, sẽ không còn lực lượng nào đối trọng với quyền lực chính trị. Bởi vậy, có thể nói, không có XHDS sẽ không có dân chủ thực sự, cho dù có đa đảng và bầu cử tự do. Miến Điện đang trong quá trình chuyển tiếp, người Miến Điện phải nỗ lực xây dựng khối dân sự để tiến tới một nền dân chủ đúng nghĩa, vì chính trị luôn tiềm ẩn nguy cơ phản bội. Và đó cũng là bài học cho Việt Nam. Thiển nghĩ, sự độc lập nhất định của các nhà vận động dân sự khỏi sự khuynh loát của các phe phái chính trị là cực kỳ cần thiết trong tình hình Việt Nam hiện nay.

Tôi không tin rằng giải pháp kinh tế đi trước cải cách chính trị (trong một thời gian không xác định) là tốt. Hãy nhìn vào một thí dụ điển hình: Trung Quốc. Là một quốc gia thành công (?!) trong giải pháp kinh tế của mình, Trung Quốc vẫn chưa cho thấy một triển vọng dân chủ khả quan nào cả.

Bỏ qua mọi ngụy biện có lợi cho các chính quyền độc tài, Dân chủ không mang tới bất ổn mà mang tới khả năng giải quyết bất ổn một cách hài hòa, dù trước mắt nó không thể ngay lập tức xóa bỏ mọi di sản tồi dở chồng chất từ lịch sử và từ chế độ độc tài. Dân chủ cũng không phải là việc trao quyền lực từ tay nhóm người này sang nhóm người khác mà là sự vận hành một cơ chế thông minh, nhân bản, tự do và khoan dung nhất trong lịch sử nhân loại. Những rắc rối đang xảy ra ở Miến Điện càng khiến chúng ta thận trọng hơn khi nghĩ đến giải pháp thỏa hiệp và chúng ta càng nỗ lực hơn để có những chuẩn bị thích hợp cho công cuộc dân chủ hóa của mình. Một sự khởi động về phía dân chủ càng sớm, khả năng tận dụng cơ hội của đất nước sẽ càng lớn.

© Huỳnh Thục Vy
Tam Kỳ tháng 4 năm 2013
© Đàn Chim Việt




No comments:

Post a Comment

View My Stats