Tuesday 2 April 2013

LỐI THOÁT NÀO CHO NGÀNH NÔNG NGHIỆP & NÔNG DÂN VIỆT NAM (Hoàng Tâm Nguyên)




Chi tiết
Được đăng ngày Thứ ba, 02 Tháng 4 2013 13:13

Đất nước sống nhờ nghề nông
Với khí hậu nhiệt đới, Việt Nam có khoảng 32,7 triệu ha đất chủ yếu là đất nông nghiệp có nguồn nước dồi dào. Tỷ trọng ngành nông nghiệp (bao gồm nông – lâm – ngư) trong nhiều năm liền chiếm trên 20% GDP của Việt Nam (1). Nông nghiệp đối với người Việt Nam là cực kỳ quan trọng; vào những thời điểm kinh tế quốc gia hay thế giới bị khủng hoảng như cuối những năm 1980, 1990 và 2000 thì nông nghiệp đều được mùa, may nhờ đó mà đất nước không xảy ra cảnh chết đói.

Năm 2012, Việt Nam đạt kỷ lục mới về sản lượng lúa là 43,7 triệu tấn, xuất khẩu được trên 8 triệu tấn gạo. Cũng trong thời điểm này, chỉ số giá bán sản phẩm nông nghiệp chỉ tăng 1,05%; trong khi đó giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất lại tăng đến 9,04% so với năm trước (2). Trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, gạo thường chiếm khối lượng lớn nhất nhưng giá trị xuất khẩu luôn thua cà phê, cao su (3). Tuy nhiên, không có gì là hợp lý nếu chọn cà phê và cao su làm những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Chỉ trong vòng bảy năm (2005 – 2012), sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 2,5 lần, cao su (thiên nhiên) xuất khẩu cũng tăng 2 lần. Nhưng trong cùng thời gian đó, chỉ riêng ở khu vực Tây Nguyên đã mất 206.000 héc ta rừng (4).

Với 50% lực lượng lao động cả nước đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và 70% dân số sống ở nông thôn, tình trạng mùa vụ nhà nông có ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của thị trường nội địa và tiềm năng phát triển quốc gia. Song mức độ quan tâm của giới cầm quyền đối với ngành nông nghiệp là rất thấp. Vốn đầu tư tính theo GDP vào nông nghiệp giảm rất nhanh, từ mức 4,7% (năm 2000) xuống còn 2,7% (năm 2009) (5). Trong nhiều năm gần đây, kể cả đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, đầu tư công chỉ chiếm 6,2% trên tổng vốn nguồn vốn phát triển kinh tế – xã hội (6). Do đó so với các tầng lớp khác trong xã hội, đời sống người nông dân Việt Nam chịu trăm bề vất vả.

Nước mắt người nông dân
Bằng điều 19 của hiến pháp năm 1980, được giữ nguyên nội dung ở điều 17 trong hiến pháp 1992, đảng cộng sản (ĐCS) đã “đảng hữu hóa” ruộng đất của nông dân qua đĩ từ “sở hữu toàn dân”. Học thuyết xã hội chủ nghĩa về sở hữu đất đai do toàn dân làm chủ là bịp bợm, là một âm mưu đánh tráo khái niệm. Vì trong thực tế, người dân phải đi xin xỏ sự ban phát từ các cơ quan quản lý - một bộ phận về mặt pháp lý chỉ có vai trò đại diện chủ sở hữu. Mất quyền tư hữu, ruộng đất do bỏ tiền ra mua mới có - của người dân lặng lẽ chạy tọt vào tay siêu đại địa chủ - ĐCS Việt Nam. Quản lý đất đai là lĩnh vực tham nhũng thứ nhì, chỉ đứng sau tệ nạn ăn hối lộ của cảnh sát giao thông (7).

Mất đất, thảm kịch dân oan khiếu kiện nảy sinh. Chỉ có 1% người dân hài lòng với giải quyết khiếu nại về đất đai (8). Mất đất, người nông dân bị lùa xuống phố. Đến mỗi dịp cuối năm lại quay về nhà với tư cách không phải là nông dân, nhưng chẳng phải vậy mà ra người thành thị. Bị bứt đột ngột khỏi phương tiện canh tác, vòng đời nông dân Việt Nam trở nên tăm tối và dở người. Đối với người nông dân không chỉ mất tài sản, mà còn là mất một không gian sống quen thuộc, để rồi sẽ rơi vào một hoàn cảnh mới mà bản thân hoàn toàn chưa có kinh nghiệm để đối phó. Bên cạnh những người mất đất là nhiều hộ thiếu đất. Trong giai đoạn 2002 - 2008 cả nước có trên 421.000 hộ thiếu đất ở, đất sản xuất. Tình trạng người dân thiếu đất canh tác nhằm đảm bảo sinh kế có chiều hướng ngày càng gia tăng, trong giai đoạn 2009 - 2011 tiếp tục có thêm trên 347.000 hộ thiếu đất (9).

Để hình dung về tình trạng sống của người nông dân Việt Nam, không thể dựa vào các chỉ số lạm phát và thất nghiệp bất khả tín do cơ quan thống kê nhà nước Việt Nam công bố. Trong danh sách 25 quốc gia khốn khổ nhất thế giới, người ta sẽ thấy những quốc gia có lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp tương đương Việt Nam. Chỉ số khốn khổ (misery index) phản ánh mức độ cảm nhận của người dân nơi ấy về nỗi khó nhọc khi phải đối mặt với tình hình thất nghiệp và giá cả leo thang.Theo đó điểm số càng cao, đất nước đó càng vật vã. Chẳng hạn, Turkmenistan có 50% lượng lao động trong ngành nông nghiệp, với một chính phủ điều hành yếu kém và tham nhũng, quốc gia này có điểm số khốn khổ là 70,5; xếp hạng 5 (từ dưới đếm lên). Hoặc Mali có khoảng 80% lực lượng lao động tham gia vào nông nghiệp và đánh bắt cá, xếp hạng 25 với điểm số là 36,5 (10).

Làm nghề nông ở Việt Nam chủ yếu vẫn là lao động thủ công, nên rất cực nhọc. Sản phẩm làm ra thường bán giá rẻ ở dạng thô, hay bị những người làm các khâu dịch vụ bắt bí. Vì vậy, xu thế tăng trưởng của Việt Nam không thể quẩn quanh mãi như bao năm qua, cứ cố dựa vào nông nghiệp thủ công và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Nước Mỹ chỉ có 2% dân số làm nông nghiệp và 17% ​​người M sng nông thôn (11) nhưng vn tự túc lương thực và thừa khả năng xut khu. Hay như Thái Lan, đến những năm 2000, tình trạng người nghèo nông thôn ch có hơn 10%. Từ năm 2004, về mặt kỹ thuật sáng tạo, Thái Lan có 19,5% nông dân chuyên nghiệp (professional farmers) (12). Thành quả này không đơn giản là chỉ do điều kiện thổ nhưỡng, mà còn từ công tác khuyến nông và chính sách điều hành đúng đắn của chính quyền. Ngành nông nghiệp Việt Nam không thể phát triển hợp lý nếu bỏ qua yếu tố năng suất và hiệu quả.

Cuộc cách mạng từ mỗi con người
Tất nhiên thay đổi thực tại thì không đơn giản chỉ với những mong muốn chủ quan, trong khi hoàn cảnh khách quan chẳng có bao nhiêu biến động. Hơn nữa, liệu người ta có thể làm được gì với hai bàn tay trắng?! Ai đó sẽ giúp đỡ, tài trợ hay hướng dẫn những người nông dân đổi đời?... Nhưng thử nghĩ cho cùng thì cuộc đời là của ta, chứ nào có phải là của “ai đó”. Ta đang sống trong thời đại những cuộc cách mạng xuất phát từ sự thay đổi cách nghĩ của các cá nhân. Cuộc cách mạng đó bắt đầu từ việc cắt bỏ những tư duy tủn mủn tiểu nông. Người Việt Nam đang cần khôi phục lòng yêu nước – một tình cảm đáng trân quý đã bị tổn thương nghiêm trọng sau những năm tháng bị giày vò thảm hại trong quá khứ. “Chính vì ý chí và lòng yêu nước đã hao mòn mà ngày nay chúng ta đã không phản ứng đủ quyết liệt trước một chế độ độc tài đảng trị coi đất nước là của riêng mình như các vua chúa ngày xưa, trong khi cả nhân loại đang tiến về dân chủ và chính chúng ta cũng biết đất nước rất cần dân chủ” (13).Vào những thời điểm hệ trọng như hiện nay, Việt Nam hơn bao giờ hết, rất cần những tấm lòng dám chia sẻ trách nhiệm rộng hơn với cộng đồng. Tất nhiên, đó chẳng phải là một lòng yêu nước kiểu trại lính. Người Việt Nam – so với nhiều dân tộc khác trên thế giới – đã rất hiểu và quá chán ngán những thứ chủ nghĩa được xi mạ bằng một lòng yêu nước xuẩn động hay ba sàm nào đó. Chúng ta có quyền yêu nước theo cách của mình – dân chủ và đa nguyên.

Bởi có trăn trở với những đớn đau dân tình thì sẽ thấy rằng nút thắt nền kinh tế Việt Nam hiện nay không phải là phải hy sinh tăng trưởng để kiềm chế lạm phát - hay - muốn tăng trưởng cao thì phải chấp nhận lạm phát. Nguyên nhân của suy thoái nước nhà chính là sự bất tài của giới cầm quyền cộng sản trong khả năng chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế – đúng lý ra phải thực hiện hoàn tất cách đây tối thiểu là 5 năm (14). Xét về trung hạn, vì đất hẹp và người đông nên Việt Nam không thể là một nước nông nghiệp lớn. “vị trí của ta thuận lợi, nhân lực của ta dồi dào và tinh nhuệ. Chức năng tự nhiên của chúng ta là chức năng của một quốc gia công nghiệp, thương nghiệp và hàng hải” (15). Từ nhiều năm trước, nhận định đúng đắn này đã được trình bày trong Dự án chính trị Thành công thế kỷ 21 của Tập hợp Dân chủ Đa nguyên. Người nông dân và ngành nông nghiệp không phải là nguồn lực vô tận trong tiến trình phát triển kinh tế Việt Nam. Tai họa phát sinh từ cung cách điều hành quốc gia của tập đoàn zombies (xác chết biết đi) - ĐCS sẽ làm cả dân tộc này phải trả giá trong nhiều thập niên tới.

Cuộc đời người nông dân Việt Nam sẽ chẳng thể bớt khổ nếu cứ mãi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Tương lai sẽ mãi là tương lai, nếu mỗi người Việt Nam không có những biển đổi trong chính suy nghĩ bản thân từ hiện tại hôm nay.

Ngày 02/04/2013
Hoàng Tâm Nguyên
Chú thích:







No comments:

Post a Comment

View My Stats