Thursday 4 April 2013

KHI NÀO THÌ "QUẢ BOM GIẢ DỐI" PHÁT NỔ ? (Thái Hiền, Hà Nội)




Thái Hiền
(tác giả gửi cho X-Cafevn từ Hà Nội)
Thu, 04/04/2013 - 12:45

Bộ máy Tuyên truyền

Ở những quốc gia Dân chủ và đa đảng, mọi người không chỉ có quyền công khai tham gia đảng đối lập, mà còn có thể công kích đảng cầm quyền. Song, những gì cần phải thực hiện với trách nhiệm của một công dân thì họ đều tuân thủ rất tự nguyện. Để có được điều đó, trước hết là Hiến pháp và hệ thống luật dưới Hiến pháp; mà ở đó, người dân luôn được trang bị để hiểu biết đầy đủ. Tiếp đến, Bộ máy tuyên truyền với vai trò truyền tải thông tin trung thực, khách quan, luôn hướng hoạt động xã hội theo trật tự và những chuẩn mực đã được Hiến định. Đó là cơ sở bảo đảm cho sự thống nhất, ổn định và trật tự xã hội. Trái lại, ở những quốc gia Độc tài hay Toàn trị, việc trau dồi, phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân bị xem nhẹ. Họ thường đề cao và tập trung đầu tư vào bộ máy tuyên truyền, nhằm ru ngủ hay đánh thức xã hội theo từng phong trào, tùy vào mục đích và lợi ích của kẻ cầm quyền.

Trong khi ở các quốc gia Dân chủ, người dân được tiếp cận với nguồn thông tin xác thực, đa dạng và nhiều chiều thì tại các quốc gia Độc tài hay Toàn trị, người dân chỉ được tiếp nhận nguồn thông tin một chiều, những thông tin mà sự thật đã bị "gia công","chế biến","xào nấu" hay "băm chặt" theo sở thích và mục đích của kẻ cầm quyền. Người dân ở đó luôn phải thụ động chấp hành theo mệnh lệnh mà không có quyền lựa chọn, sàng lọc bằng nhận thức cá nhân như ở các quốc gia Dân chủ.

Sự khác biệt về bản chất giữa bộ máy Thông tin Tuyên truyền của hai hê thống xã hội Dân chủ và Độc tài là ở chỗ: Một bên chỉ để phục vụ cho kẻ cầm quyền, còn bên kia (xã hội Dân chủ) là để phục vụ cho tất cả các thành viên của xã hội. Tại Việt Nam từ xưa tới nay nghị quyết của Đảng CS đã thay thế hoàn toàn cho Hiến pháp và pháp luật; và vì vậy, bộ máy Tuyên truyền là công cụ riêng của Đảng CS, nó đóng một vai trò đắc lực, quan trọng để khống chế và áp đặt xã hội, duy trì sự tồn tại của chế độ.

Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đã khẳng định những quyền cơ bản như: quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân, quyền sở hữu tài sản cá nhân, quyền tự do tư tưởng, quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm, bao gồm quyền được cung cấp thông tin và quảng bá tin tức và tư tưởng là những quyền không thể phủ nhận hay tước bỏ. Vì vậy, chỉ cần nhìn vào sự vận hành của hệ thống Thông tin Tuyên truyền có thể đánh giá quốc gia đó đang ở thang bậc nào của Tự do Dân chủ và văn minh của nhân loại. Ngược lại khi biết được thái độ và phản ứng của xã hội với thông tin và bộ máy Tuyên truyền là đủ đánh giá sức khỏe và tuổi thọ của chính quyền đó.

Có một điểm chung của những quốc gia Độc tài và Toàn trị là luôn lấy nền tảng của một học thuyết, một tín ngưỡng hay tượng đài Thánh nhân nào đó để làm chỗ dựa. Bộ máy tuyên truyền của Nhà nước CHXHCN Việt nam đã khá thành công với cách đó trong việc dẫn dắt xã hội và duy trì sự tồn tại trong nhiều thập niên cầm quyền của đảng cộng sản cho đến tận ngày nay. Chỉ đến khi "lỗi hệ thống" của học thuyết Mác-Lê dẫn đến sự sụp đổ của Phe XHCN Đông Âu thì thành trì lý tưởng, chỗ dựa của chế độ mới bắt đầu rạn nứt. Đặc biệt là khi những sai lầm trong điều hành kinh tế của chính phủ, dưới sự dẫn dắt của Đảng CS đã làm kiệt quệ nền kinh tế, để rồi sự "biến chất và tha hóa của một lực lượng không nhỏ" trong đảng đã kéo theo sự suy đồi về đạo đức xã hội, băng hoại văn hóa và đẩy xã hội đến bên bờ sụp đổ, thì niềm tin vào Đảng CS, vào CNXH đã bị phá vỡ hoàn toàn. Cái bóng của học thuyết Mác-Lê và tượng đài Thánh nhân vì thế cũng sụp đổ theo.

Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, sự phát triển không ngừng của Internet,  nhận thức của xã hội đang ngày càng tiến bộ, dân trí được cải thiện đáng kể và xã hội đang hướng đến một nền dân chủ. Trước bối cảnh đó, lẽ ra muốn tiếp tục duy trì vai trò dẫn dắt dư luận xã hội, Bộ máy Tuyên truyền của Đảng CS phải đổi mới phương pháp sao cho phù hợp với xu thế thời đại, thông qua đối thoại để từ đó tạo dựng một niềm tin mới thì họ lại chọn cách thức đối đầu. Bộ máy Tuyên truyền của Đảng CS đã phạm một sai lầm nghiêm trọng, nghĩa là tuyên truyền một chiều theo cách "phản tuyên truyền". Mặc dù họ thừa hiểu dân không còn mảy may tin vào những điều mà bản thân họ cũng không thể tiêu hóa nổi nhưng họ vẫn tảng lờ, giả như không biết, vẫn tiếp tục phát đi những điệp khúc xưa cũ, ngụy biện, kệch cỡm, dàn dựng một cách lộ liễu. Cách tuyên truyền như vậy một mặt coi thường dân, một mặt thể hiện sự cẩu thả và bế tắc của bộ máy Tuyên truyền. Họ đã tự tạo ra những bong bóng giả dối trong xã hội.

Hãy quan sát sự kiên lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992 làm kiểm chứng. Mặc dù việc lấy ý kiến do Quốc hội phát động, ban đầu được diễn giải như một đổi mới, cải cách dân chủ, có vẻ như một sự "lắng nghe" của Đảng CS sau những thất bại của Hội nghị TW 6, nhằm lấy lại niềm tin đã mất trong nội bộ cũng như ngoài xã hội. Song chỉ sau một thời gian rất ngắn, bộ máy Tuyên truyền đã lộ nguyên hình một công cụ lỗi thời bị thế giới lên án và loại bỏ đã gần một thế kỷ. Cái cỗ máy Tuyên truyền được áp dụng trong Thế chiến thứ II dưới thời Hitler theo Học thuyết Gơ Ben (Paul Joseph Gobbels - Bộ trưởng Thông tin Quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã): Quyền lực của Hitler = Tuyên truyền + Bộ máy cảnh sát. Nguyên tắc của học thuyết là không chấp nhận bất cứ sự khác biệt nào. Mọi ý kiến trái chiều đều bị coi là phản động hay có âm mưu chống đối, lật đổ, cần phải bị xử lý. Thế rồi thay bằng sự tiếp nhận ý kiến đóng góp, họ cố thủ với những tư tưởng giáo điều, những ngụy biện đã được tạo dựng ngay từ khi bắt đầu cuộc "lấy ý kiến", quy chụp những ý kiến khác với họ.

Chẳng cần đến Nhà Tiên tri cũng có thể đoán được kết quả "bản Hiến pháp được sửa đổi" sẽ như thế nào. Những người khởi xướng có lẽ cũng chẳng cần phải rườm rà như vậy. Họ có thể làm bất cứ cái gì họ muốn như đã từng làm, vậy họ bầy ra việc lấy ý kiến để làm gì? Nếu chỉ để xoa dịu dư luận thì đó là một lựa chọn sai lầm, ngược lại, nó chỉ làm gia tăng thêm nỗi bức xúc của người dân, khoét sâu thêm hố ngăn cách giữa Dân với họ và tiếp tục bơm "quả bong bóng giả dối" càng ngày càng phình to hơn. Bộ máy Tuyên truyền như con dao hai lưỡi, trong thời đại ngày nay, cách làm như thế là đã tự trao cán dao cho đối phương.

Không cần đến những chuyên gia phân tích hay nhà hoạt động chính trị, xã hội chuyên nghiệp, chỉ cần một người bình thường, có lòng tự trọng và có trách nhiệm với xã hội, khi quan sát những "màn trình diễn" vụng về trên các phương tiện thông tin đại chúng đều có thể nhận thấy một sự bế tắc ở bước đường cùng của bộ máy Tuyên truyền. Điều đó cũng có nghĩa là xã hội đang ở một giai đoạn cuối của thời kỳ suy thoái và bất ổn chính trị, chuẩn bị cho một sự tan vỡ hoàn toàn khi "quả bong bóng giả dối" đã căng hết mức.


Bong bóng giả dối đã biến thành quả bom nổ chậm

Một mặt chính quyền không ngăn cản nổi làn sóng thông tin do công nghệ internet phát triển, mặt khác do nhu cầu tự nhiên luôn hướng thiện của xã hội mà con người đã tìm đến những kênh thông tin lành mạnh hơn, trung thực hơn, tử tế hơn và gần gũi hơn với đời sống. Trong khi kênh thông tin "lề phải" giành phần lớn dung lượng cho những pha giật gân như: cướp, hiếp, giết, phơi hàng, lộ hàng... còn lại là những bài rao giảng chính trị khô cứng, cũ rích được soạn thảo một cách bôi bác và do những vai diễn vụng về thể hiện; thì ngược lại, kênh "lề trái" mà xã hội quan tâm lại chủ yếu đề cập đến những vấn đề nghiêm túc xung quanh việc chấn hưng đất nước, nâng cao nhận thức xã hội, trau dồi kiến thức pháp luật, thông qua những bài viết của các ngòi bút già dặn, sắc sảo và đầy nhiệt huyết.

Trong khi Bộ máy Tuyên truyền của Nhà nước chiếm dụng toàn bộ hệ thống truyền thông công cộng (sống nhờ tiền thuế của Dân) ra sức phát đi một chiều duy nhất những điều xưa cũ, nhàm chán, thiếu xác thực, thì ngược lại xã hội luôn quan tâm, tìm kiếm những điều mới mẻ, trung thực, hợp lòng Dân, chỉ có ở những nguôn thông tin khác. Xã hội bị chia ra thành hai Phe rõ rệt: Một bên là đảng, chính quyền và bên kia là Dân. Tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" xuất hiện, chẳng có sự gắn kết và ăn nhập gì với nhau, xã hội như thể đang vỡ ra thành từng mảng, không có niềm tin, không có sự đồng thuận và thiếu cây gậy chỉ huy. Giả dối đã khiến xã hội thác loạn, mất phương hướng đang càng ngày càng phình to giống như bong bóng bất động sản bị thổi lên từ nhiều phía, mà trước tiên là Bộ máy Tuyên truyền, đảng cầm quyền và rồi đến lượt đám đông.

Sau những cuộc biểu tình ồn ào chống hành vi xâm lược của Trung quốc trong năm 2011 và nửa đầu năm 2012, cùng với những cuộc trấn áp của chính quyền, tiếp theo đó là một sự im lặng đáng sợ của xã hội. Không hề có những cuộc xuống đường công khai, ồn ào đòi hỏi thực thi quyền con người hay quyền lập Hiến, thay vào đó là thái độ lạnh lùng nhưng cương quyết bày tỏ bằng những "Bản kiến nghị 72", "bản tuyên bố của các công dân tự do","bản Kiến nghị của HĐGMVN", "Cùng nhau viết hiến pháp" ... dồn dập, tràn ngập, đang đốt cháy các trang mạng điện tử. Nhìn bề ngoài, xã hội vẫn đủng đỉnh, thậm chí buồn tẻ và tù đọng như mặt nước ao bèo, nhưng đằng sau nó là một thùng thuốc súng đang bị dồn nén giống như quả bong bóng có thể nổ bất cứ lúc nào.

Chế độ Độc tài Toàn trị chỉ có thể tạo ra những giá trị ảo, đe dọa sự bền vững của xã hội; ở đó giả dối là phổ quát, nó luôn chiếm thế thượng phong. Giả dối trước hết được tạo ra bởi bộ máy tuyên truyền dưới sự lũng đoạn của kẻ độc tài, đến lượt xã hội phù họa bằng cách giả dối theo để chung hòa và tồn tại. Sự tồn tại của xã hội là giả dối, niềm tin là giả dối và cuối cùng sự im lặng cũng giả dối nốt. Im lặng ở đây không có nghĩa là đồng ý như thông lệ mà đó là một sự "câm lặng". Đằng sau sự "câm lặng nhẫn nhục và lão luyện" của xã hội là những bức xúc đang tích tụ, dồn nén, giống như quá trình "vần vũ" giữa hai luồng không khí nóng lạnh, hai giòng điện tích âm và dương ngược chiều nhau, hình thành trước khi nổ ra sấm sét và giông bão. Bên cạnh những bài ca muôn thủa được dàn dựng bởi bộ máy Tuyên truyền là sự "giả câm giả điếc" của xã hội theo cách "Chó cứ sủa, đoàn tàu cứ đi".

Ở những quốc gia dân chủ luôn có cơ chế tự điều chỉnh thông qua hệ thống phanh cảnh báo do những "think tank" (túi trí tuệ) cung cấp, dự báo hoặc đơn giản là các cuộc biểu tình, đình công, lãn công để người dân và Nhà cầm quyền tìm được tiếng nói chung dẫn đến sự bình ổn thông qua đối thoại, phi bạo lực. Ngược lại trong xã hội Độc tài hay Toàn trị, không hề có phanh, đã biến người dân và Nhà cầm quyền thành đối đầu, thù địch, như hai đoàn tầu cao tốc không phanh chuẩn bị lao đầu vào nhau. Rồi cái gì sẽ xảy ra? Bong bóng giả dối đã biến thành quả bom nổ chậm. Quả bom giả dối đã được Nhà cầm quyền tự tạo, châm ngòi và cài đặt đang sẵn sàng phát nổ.

Liệu khi nào thì "quả bom giả dối" phát nổ?

Hà Nội 3/4/2013
Thái Hiền





No comments:

Post a Comment

View My Stats