6-4-2013
Về vụ Đoàn Văn Vươn, giống như đa số
"nhân loại tiến bộ", tôi không đồng tình với bản án. Tuy nhiên ở đây
tôi muốn nói về hai vấn đề mà có thể nhiều người chưa biết hoặc ngộ nhận.
Thứ nhất một số ý kiến cho rằng ĐVV chống
lại người thi hành công vụ là nghiễm nhiên có tội bất luận lý do và động cơ.
Cho dù phía chính quyền lúc đó làm sai nhưng không thể vì thế mà công dân được
quyền chống lại, càng không được nổ súng hay dùng biện pháp bạo lực. Điển hình
của quan điểm này là bài báo của Đức Hiển hay đoạn trả lời phỏng
vấn của ông
Nguyễn Đình Lộc. Tôi không phải chuyên gia pháp
luật nên không dám lạm bàn, nhưng tôi chợt nhớ đến Tu chính án số 2 của hiếp
pháp Mỹ về quyền sở hữu vũ khí cá nhân. Mặc dù tôi là người phản đối lại quyền
này nhưng tôi biết một trong những lý do Tu chính án số 2 ra đời vì những người
soạn thảo nó cho rằng người dân phải có quyền có vũ khí để có thể chống lại
chính quyền nếu chính quyền làm bậy.
Tìm hiểu kỹ hơn về Tu chính án số 2 trên Wikipedia được biết quan điểm này
có nguồn gốc từ Anh trong English Bill of Rights 1689. Thời đó những người Anh
theo đạo Tin lành đấu tranh chống lại vua James II vì ông này làm trái với
những quyết định của quốc hội. Như vậy ít nhất theo quan điểm của hệ thống
common law, chống lại chính quyền không phải lúc nào cũng có tội. Tu chính án
số 2 của Mỹ trên một khía cạnh nhất định đã chấp nhận quyền được chống lại
chính quyền (bằng bạo lực) nếu người dân cho rằng chính quyền làm bậy. Do vậy
quan điểm cho rằng không nước nào trên thế giới cho phép công dân được chống
lại người thi hành công vụ không hẳn đúng. Hơn nữa những cuộc cách mạng để lại
dấu ấn trong lịch sử nhân loại (vd cách mạng Pháp 1789, cách mạng Tân hợi 1911,
cách mạng tháng Mười 1917 hay cách mạng tháng Tám 1945) đều là những cuộc nổi
dậy của người dân dùng vũ lực lật đổ chính quyền hiện hữu. Không ai có thể nói
những cuộc cách mạng đó "phạm pháp".
Từ đây tôi muốn nêu lên vấn đề thứ 2 quan
trọng hơn. Người thi hành công vụ phải hiểu là government officials với nghĩa
government là nhánh hành pháp. Trong một xã hội tam quyền phân lập, nhánh hành
pháp chỉ được phép thực thi những gì được qui định trong hiến pháp, được nhánh
lập pháp thông qua hoặc được nhánh tư pháp phán quyết. Nếu nhánh hành pháp làm
trái với ý nguyện của nhánh lập pháp, như trường hợp vua James II làm trái với
ý nguyện của quốc hội Anh, thì người dân có quyền chống lại. Việc phân định
đúng sai không phải chức năng của nhánh hành pháp mà của nhánh tư pháp. Đây là
lý do tại sao việc khám xét tư gia hay bắt người (trừ những trường hợp đột
xuất) luật Mỹ bắt buộc cảnh sát phải có warrant của toà án trước. Lưu ý warrant
của toà án chứ không phải warrant của prosecutor (viện kiểm sát). Vụ tấn công vào
đầm tôm của nhà ĐVV không có warrant của toà mà chỉ có quyết định của cơ quan
hành pháp là biểu hiện không tôn trọng tư pháp. Cũng vì không phân biệt hành
pháp và tư pháp nên nhiều người trích dẫn kết luận của thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng cho rằng chính quyền Tiên lãng đã sai để lập luận ủng hộ ĐVV. Thực ra thủ
tướng Dũng hay cả Bộ Chính trị không có quyền phán xét đúng sai, đó là việc của
toà án.
Một quan điểm nữa khá phổ biến là nếu người
dân không đồng tình với một chính sách hay quyết định của chính quyền (hành
pháp) thì không được chống (bằng bạo lực) mà phải đem ra toà kiện. Bỏ qua vấn
đề "con kiến kiện củ khoai" ở VN, quan điểm này đặt quá cao vai trò
của hành pháp so với người dân. Tại sao chính quyền không khởi kiện người dân
nếu họ không đồng ý thi hành một chính sách/quyết định hành chính nào đó? Ở
Mỹ/Úc nếu bạn bị cảnh sát gửi giấy phạt vi phạm giao thông, bạn có quyền tuyên
bố không đồng ý với giấy phạt đó và cảnh sát phải có trách nhiệm đem vụ việc ra
toà để toà phán xét (tất nhiên bạn phải đến dự khi toà yêu cầu). Quan hệ giữa
người dân và chính quyền (hành pháp) như vậy công bằng hơn. Chính quyền không
phải luôn luôn đúng cho đến khi nào toà xử sai mà là người dân không sai cho
đến khi nào toà tuyên bố ngược lại.
No comments:
Post a Comment