Wednesday, 17 April 2013

CHUẨN BỊ RA MẮT SÁCH NHẠC "TOÀN BỘ SÁNG TÁC PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG" (Băng Huyền - Viễn Đông)




Băng Huyền/ Viễn Đông
(VienDongDaily.Com - 13/04/2013)

Về nhạc sĩ Phạm Đình Chương
Nhạc của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929 - 1991) không chỉ là nhạc. Mỗi ca khúc là một chương khúc của một truyện dài không có kết thúc, luôn có sức sống mãnh liệt và sự đồng cảm diệu kỳ với mỗi người yêu nhạc. Người ta không nhắc đến Phạm Đình Chương với một bài ca nào riêng rẽ, người ta nhớ “Ly rượu mừng”, “Mộng Dưới Hoa” (Phổ thơ Đinh Hùng), “Nửa Hồn Thương Đau” (Phổ thơ Thanh Tâm Tuyền), rồi lại hát trường ca “Hội Trùng Dương”, “Tiếng Dân Chài”, “Được Mùa”, hát “Đôi mắt người Sơn Tây” (Phổ thơ Quang Dũng), “Đêm nhớ trăng Sài Gòn” (thơ Du Tử Lê)… Những ca khúc của ông làm thành một dòng nhạc riêng trong muôn vàn tiếng hát Việt Nam. Không dễ quên với “Xóm đêm”, “Đợi chờ”, “Đón xuân”, “Người Đi Qua Đời Tôi”, “Đêm cuối cùng”, “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội” (Phổ thơ Hoàng Anh Tuấn), “Khi Tôi Chết Hãy Mang Tôi ra Biển” (phổ thơ Du Tử Lê)... Đó chính là tình yêu, tình đời, tình của người Việt lưu lạc tha hương, luôn nhớ về chốn cũ, người nhạc sĩ đã dệt nên những chuỗi âm thanh tuyệt đẹp cho mọi người, và sẽ mãi được gắn bó, đồng cảm cùng mọi thế hệ. Ở mỗi lúc, mỗi nơi, mỗi thời và tùy theo tâm trạng, mà người ta nhớ, người ta yêu một bài hát nào đó của ông. Những ca khúc đã tạc thành một vóc dáng âm nhạc Phạm Đình Chương đa diện, đặc sắc, tiêu biểu trong nền tân nhạc Việt Nam. Ông không chỉ biết đến trong lĩnh vực sáng tác, mà còn là một ca sĩ với nghệ danh Hoài Bắc, cùng các anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng lập ban hợp ca Thăng Long danh tiếng một thời.


Ban Hợp Ca Thăng Long ở Sài-Gòn: Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Thái Thanh và Hoài Trung.

Cuốn cẩm nang quý về nhạc Phạm Đình Chương
“Toàn Bộ Sáng Tác Phạm Đình Chương” bao gồm toàn bộ 50 ca khúc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương trong khoảng hơn bốn mươi lăm năm sáng tác, như một chuỗi kỷ niệm, một tấm lòng tri ân gửi đến những ai đã từng yêu mến âm nhạc và con người nhạc sĩ Phạm Đình Chương; do đích thân ông Phạm Thành, trưởng nam của cố nhạc sĩ thực hiện. Sách nhạc “Toàn Bộ Sáng Tác Phạm Đình Chương” sẽ ra mắt đồng hương vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, 21-04-2013, tại Hội Quán Lạc Cầm, thành phố Westminster.

Bìa cuốn sách nhạc “Phạm Đình Chương:Toàn Bộ Sáng Tác “
http://www.viendongdaily.com/res/fckfolder/Image/NewEditor/2013/4/13-Apr-2013/PDC-2--cover.jpg

Ông Phạm Thành nhờ phóng viên Viễn Đông chuyển lời mời đến những ai yêu nhạc Phạm Đình Chương: “Quý vị hãy đến dự buổi ra mắt sách nhạc này, để đem về cho mình tập nhạc Phạm Đình Chương Toàn Tập, để nghe giới thiệu về dòng nhạc trải dài hơn 60 năm qua của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nghe các ca sĩ thân hữu hát những sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.”

Ông Phạm Thành tâm sự:
“Việc làm sách nhạc cho ba tôi là ước nguyện mà tôi đã ôm ấp suốt 23 năm nay, kể từ khi ông qua đời. Nhưng khi đó chỉ là ước muốn, chưa có lúc nào tôi dứt khoát ngồi xuống làm. Cuối năm vừa rồi, có nhiều chuyện đưa đẩy, công việc cũng dễ dàng một chút, con trai tôi có chút thời gian giúp, tôi cũng lấy cơ hội để cho cháu biết rõ hơn về ông nội, về những ảnh hưởng của những sáng tác của ông nội đến khán giả nhiều thế hệ... Đây là việc làm rất thú vị của 2 cha con tôi khi thực hiện cuốn sách này.”

Ông Phạm Thành cho biết ông đã suy nghĩ rất nhiều về việc thực hiện tác phẩm này. Bởi nhiều ca khúc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương khi xuất hiện trước công chúng thông qua các phương tiện truyền thông, dễ bị sai nhạc hoặc lời. Ông hi vọng tuyển tập với những văn bản chính thức này sẽ giúp các tác phẩm của ba ông phổ biến chính xác hơn.

Ông Phạm Thành kể rằng công việc thực hiện sách nhạc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã được ông làm với ba ông vài lần rồi, nhưng khi đó chỉ làm những cuốn sách nho nhỏ, như cuốn sau cùng ông và ba ông làm khoảng 20 bài, chủ đề thơ phổ nhạc.

Ông đã tự mình thiết kế cho “Toàn Bộ Sáng Tác Phạm Đình Chương” dày hơn 100 trang, giấy trắng láng, với ý nghĩa “tôi muốn làm cho nó đẹp, nên mỗi bài có dòng nhạc, có những phím để bấm guitar, những người thường hay chơi guitar có thể nhìn theo mà đệm đàn, rồi hát, rất thuận tiện.”

Sách nhạc sắp xếp những ca khúc theo thứ tự A- Z, để tiện cho mọi người tìm. Như bài đầu tiên là Anh đi chiến dịch, bài cuối cùng là Xuân tha hương.

Mỗi bài có liệt kê ra năm sáng tác, những ca khúc phổ thơ có tên tác giả bài thơ.

Ngoài phần nhạc công phu, ca từ chính xác, ấn loát đúng, còn có nhiều ca khúc có lời ghi chú, chi tiết bên lề của nhạc sĩ Phạm Đình Chương khi còn đương thời, kể lại bối cảnh ra đời tác phẩm, sáng tác ở Hà Nội, hay Sài Gòn, hay trong lúc di cư... Ví dụ như bài Xuân Tha Hương, viết năm 1956, sau khi đất nước bị chia đôi, ông và gia đình đã di cư vào Nam, ông hoài nhớ về mùa xuân ở Hà Nội. Kèm theo trong sách là một số phụ bản màu gồm những bìa tập nhạc in lẻ một số ca khúc Phạm Đình Chương từ thập niên 1950, có chữ viết tay của nhạc sĩ Phạm Đình Chương...

Ông Phạm Thành kể rằng ông có làm thêm phụ bản liệt kê các sáng tác Phạm Đình Chương theo đường thời gian trong sách nhạc. Ông chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu đặt tên là “Tuổi Trẻ và Miền Nam”, tập hợp những sáng tác của thập niên 1950, khi nhạc sĩ Phạm Đình Chương chỉ mới ngoài 20 tuổi, mà đã cho ra đời những tác phẩm “để đời” như “Ly Rượu Mừng”, bài hát vui tươi tràn đầy mộng ước và lời chúc rất nhân bản, trở thành một bài hát mở đầu cho những buổi họp mặt của hầu hết mọi người suốt mấy chục năm về sau. Trường ca “Hội Trùng Dương”, thời gian hoàn tất là bốn năm, khi đó ông mới 21 tuổi bắt đầu viết, đến 25 tuổi là hoàn thành...

“Giai đoạn thập niên 1960 và vũ trường Đêm Màu Hồng”, đây là giai đoạn khá đặc biệt. Ông cho ra đời những ca khúc thơ phổ nhạc nổi tiếng: “Nửa Hồn Thương Đau”, “Đôi Mắt Người Sơn Tây”, “Người Đi Qua Đời Tôi”…

“Giai đoạn hải ngoại” là giai đoạn cuối cùng từ khi ông vượt biên, đến đoàn tụ với gia đình vào năm 1979 tại Hoa Kỳ và đến khi qua đời vào năm 1991. Giai đoạn này ông sáng tác khoảng 5- 6 bài, phần lớn là phổ thơ, nhiều bài cũng đã được thu thanh vào thập niên 1980.

*Tài hoa của nhạc sĩ Phạm Đình Chương
Mỗi một ca khúc trong tuyển tập “Toàn Bộ Sáng Tác Phạm Đình Chương” sẽ thực sự là những bài ca không năm tháng, vì nó vô hạn trong cái tâm tưởng của mỗi người.

Vậy cái gì đã làm nên âm nhạc Phạm Đình Chương, làm nên tình yêu đến mê đắm của công chúng đối với những bài hát của ông?

Nhạc sĩ Cung Tiến đã từng lí giải trong bài viết “Cánh bướm mộng”, được ông Phạm Thành lưu lại, người viết xin được trích lại: “Nếu phải dùng một tính từ duy nhất để xác định đặc điểm của những ca khúc Phạm Đình Chương, thì có lẽ tôi sẽ chọn từ ngữ “đằm thắm”. Dường như bất cứ một bài hát nào của anh – từ những khúc mô tả một cảm xúc cá nhân (Xóm Đêm), gợi lại một dĩ vãng (Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội, Nửa Hồn Thương Đau), chia sẻ nhịp đập chung của trái tim tập thể (Ly Rượu Mừng, Đón uân, Hò Leo Núi), đến những khúc lý tưởng hóa những tình tự dân tộc (Hội Trùng Dương, Bài Ngợi Ca Tình Yêu), và đặc biệt là những khúc hát làm thăng hoa ái tình (Mộng Dưới Hoa, Đêm Màu Hồng) – ta đều thấy cùng tỏa ngát ra, từ giai điệu hay lời ca, một hương thơm của tình cảm sâu sắc, đậm đà và tha thiết.”

“Ở Phạm Đình Chương người ta không thấy những đam mê giả tạo, những phẫn nộ gò ép, và nhất là rất hiếm thấy những hô hoán om sòm của loại văn nghệ tuyên truyền chính trị, dù là từ bên này hay bên kia giới tuyến ý thức hệ. Ấy là những lý do tại sao hễ cứ bắt đầu hát hay nghe một ca khúc nào của Chương, là ta cứ không muốn cho nó chấm dứt, mà cứ muốn hát lại hay nghe lại ca khúc đó.”


“Riêng về chất liệu và kỹ thuật tạo nhạc thanh của Chương, thì có thể nói rằng thế giới của anh đã hết rồi cái ám ảnh “ngũ cung”, mà là thế giới chói chang của thang âm bảy nốt Tây phương không ngỡ ngàng, của điệu thức trưởng/thứ (major/minor modes) Tây phương không ngượng ngập, với những hợp âm quãng ba (tertian chords) là những viên gạch xây cất, với chủ âm tính (tonality) đóng vai đạo diễn, và với bậc thứ âm trên thang âm đóng vai đổi phông, thay cảnh (“chuyển giọng” hay“chuyển khóa”-modulation). Cung cách chuyển giọng của anh, vì thế, cũng rất là hiền lành và “cổ điển”: công thức cơ bản của nhạc chủ âm (tonal music), đơn và thuần vậỵ...” (Trích “Cánh bướm mộng”- nhạc sĩ Cung Tiến viết)

Quyển “Toàn Bộ Sáng Tác Phạm Đình Chương” lưu lại quá trình 45 năm sáng tác của Phạm Đình Chương, là một cuộc hành trình mà người đọc tìm thấy sự bất diệt trong từng ca khúc của ông. Số lượng sáng tác của ông chỉ có 50 bài, nhưng đã có rất nhiều ca khúc trở thành quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người Việt Nam, đã tồn tại hơn 60 năm qua và sẽ tiếp tục được nhớ mãi. Chất thơ là cái đẹp vĩnh hằng chan chứa trong ca từ Phạm Đình Chương, để âm nhạc của ông đi thẳng vào trái tim của người thưởng thức và ở lại.

Vì chỗ ngồi tại Hội quán Lạc Cầm vào 2 giờ chiều Chủ Nhật, 21-4-2013 giới thiệu quyển “Toàn Bộ Sáng Tác Phạm Đình Chương” có giới hạn, quí đồng hương đến dự, vui lòng gởi e-mail đến địa chỉ phamthanh@phamdinhchuong.com  để đặt chỗ trước. Giá vé là 15 mỹ kim.

Riêng những ai ở xa, muốn đặt mua sách, hãy liên lạc với ông Phạm Thành cũng tại địa chỉ email trên, sẽ được hướng dẫn cách trả chi phiếu, giá tiền 20 mỹ kim một cuốn, cước phí 5 mỹ kim.
(B.H)

Băng Huyền/ Viễn Đông





No comments:

Post a Comment

View My Stats