Phong Thu, thông tín viên RFA
2013-04-16
2013-04-16
Chiến
tranh Việt Nam đã lại để lại hàng triệu goá phụ, và những đứa con côi cút bị
mất cha, lìa mẹ. Có người tiếp tục bước thêm bước nữa để tìm hạnh phúc mới,
nhưng nhiều người đã ôm con, thờ chồng, sống cuộc đời phòng không, chiếc bóng
từ khi tóc hãy còn xanh.
Họ
là những cánh hoa thời loạn ly bị cuốn đi trong cơn giông bão của chiến tranh.
Những tấm gương trung kiên, hy sinh thầm lặng mà không hề nhận được huy chương,
không một bó hoa và tên của họ cũng không bao giờ được khắc trên bia đá để
nhiều người tưởng nhớ.
Những nỗi buồn câm
lặng
Trong
chương trình hôm nay, nhân kỷ niệm ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi xin gởi đến
quý thính giả hình ảnh của những goá phụ đáng kính mà chiếc bóng cô đơn của họ
đã ẩn sâu sau những bức tường của những căn nhà hiu quạnh với những nỗi buồn
câm lặng, chịu đựng một cách can trường.
Cuộc
chiến Việt Nam đã chấm dứt cách đây 38 năm, nhà cửa đã mọc lên thay cho những
hố bom. Những cánh đồng hoang lúa đã trổ bông. Cây đã nở hoa. Rừng xanh bao lần
thay lá. Nhưng vết thương lòng của nhiều thế hệ vẫn còn rỉ máu. Lòng người vẫn
chia cắt, ý thức hệ vẫn còn là một hố sâu ngăn cách chưa thể hàn gắn. Người dân
trong nước vẫn chưa có cuộc sống bình yên, chưa tìm được tự do, hạnh phúc thật
sự.
Đã
có rất nhiều tài liệu, sách vở viết về "Cuộc chiến Việt Nam”.Tất cả đều
cho rằng đây là cuộc chiến tranh khốc liệt, đẫm máu và đầy nước mắt. Nhưng con
số thương vong chính xác vẫn chưa thống kê một cách đầy đủ. Theo Tổ chức
Vietnam Agent Orange Relief & Resposibility Campain có trụ sở tại New York
cung cấp thì có khoảng 4 triệu người Việt Nam của hai bên đã thiệt mạng, bị
thương, hoặc mất tích trong giai đoạn 1965-1975. Riêng quân đội Hoa Kỳ đã có
58,151 người hy sinh trên chiến trường miền Nam Việt Nam. (*)
Chỉ
riêng tại Miền Nam đã có 800.000 trẻ em mồ côi. Hàng triệu goá phụ và ít nhất
10 triệu người trở thành vô gia cư (**).
Những
câu chuyện về cuộc đời của những goá phụ là những nỗi thống khổ và sự mất mát
của họ đã vượt qua không gian và thời gian. Làm thế nào họ thích ứng sau đó và
bây giờ? Làm thế nào họ được an ủi, hỗ trợ, hoặc những gì họ đã cố gắng tìm
kiếm để tạo dựng lại cuộc sống, tìm cho mình và các con một tương lai hạnh phúc
mới. Tất cả điều đó đã được khám phá trong những câu chuyện bi thảm dần dần
được hé mở. Những bi kịch, đổ vỡ trong trái tim và cuộc đời họ rất thầm lặng
như một mạch nước ngầm thấm sâu trong lòng đất.
Sau
năm 1975, cộng sản đã đưa hơn 1 triệu dân quân cán chính VNCH đi học tập cải
tạo. Có người đã được trở về sum họp gia đình. Nhưng có 165.000 người đã chết
trong nhà tù cộng sản. (***) Miền Nam lại có thêm những goá phụ với cõi lòng
tan nát. Tôi được tiếp xúc với bà Trần Thanh Minh, người goá phụ có chồng là
Giảng Viên Tâm Lý Chiến tại trường Võ Bị Đà Lạt, bị cộng sản bắt giam và ông đã
chết trong tù. Bà một mình phải nuôi bốn đứa con nhỏ, cháu lớn nhất mới vừa 6
tuổi và cháu nhỏ nhất mới vài tháng tuổi. Bà
đã kể lại hoàn cảnh của mẹ con bà sau cái chết của chồng:
“Ông xã tôi ra đi lúc đó tôi mới có 35
tuổi. Nhưng mà sau 20 năm ở lại với bao nhiêu những đau khổ, vật lộn với miếng
ăn. Tôi đã đi bán bánh tôm, bánh cuốn ở Hồ Con Rùa. Tôi đã đi chạy thuốc tây.
Tôi đã bán quà cho học trò ở trong những căng-tin trong trường. Có thể nói rằng
ai sai cái gì làm cái đó. Mình làm hết cái khả năng của mình cũng không đủ nuôi
con. Cho nên cái mong ước lúc bấy giờ, tôi chỉ cầu xin làm sao cho các con tôi
đủ ăn, sống một cuộc đời không phải đói rét.”
Trong
bài hồi ký “Chuyện Buồn Người Vợ Tù”bà đã
viết “Thế là xong, là tuyệt vọng cả đời. Lúc đó, tôi sống cũng như chết rồi….”
Bà đã kể thảm cảnh
chết đói của chồng khi đi học tập cải tạo tại Miền Bắc với tâm trạng bồi hồi và
xúc động:
“Cô
Phong Thu biết tù cải tạo không, tức là họ đưa đi vào rừng vào núi để làm một
cái nhà tù lớn để ở trong đó lao động cuốc đất, trồng cây. Nhưng mà hơn một năm
trời không có tin tức gì hết. Sau đó là nhà nước cho đi thăm nuôi. Nhưng tôi
không được may mắn hơn mọi người. Khi ở trong Nam là còn được đi thăm. Nhưng
khi họ chuyển nhà tôi đi ra Bắc. Tôi ra tới chỗ mới biết chồng tôi đã chết ở
Vinh, Nghệ Tĩnh. Theo lời các anh kể lại là lúc bấy giờ không có ăn phải ăn lá
cây chín ngày, không thuốc men là phải chết thôi. Tôi nghĩ là không thể nào
quên được hết cái cảm giác trước khi tôi gục xuống thì tôi thấy như là có vật
gì nó đập vào tôi, tối đen và có ánh sáng li ti phát ra. Tôi ngất đi.”
Khi
tôi hỏi bà suy nghĩ gì về cuộc chiến đã qua và bà có ý kiến gì với chính sách
cai trị của nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội.
Bà chỉ buồn bã nói:
“Chuyện
đã qua thì tôi không có chính trị cho nên tôi cũng chẳng có ý kiến gì nhưng tôi
không đồng ý với những chính sách mới là tại sao cứ phải làm khổ nhau? Tại sao
không dùng những chất xám, những bộ óc siêu việt để mà xây dựng lại đàng này
lại đem người ta vào rừng sâu, nước độc rồi để cho người ta đói khát chết dần,
chết mòn. Rồi để cho vợ con người ta khổ sở đi kinh tế mới. Không có một gia
đình nào tôi thấy trọn vẹn hết. Người ta cố đi tìm tự do. Tại sao người ta phải
đi tìm? Vì người ta khổ quá. Người ta không có ăn. Sống không được nói. Lúc nào
cũng bị kiềm kẹp, lúc nào cũng lo sợ. Thành ra chính tôi đã dẫn những đứa con
tôi đi vượt biên.”
Bà
đã đưa các con đi vượt biên 20 lần nhưng không thoát và phải đi tù nhiều lần.
Trong nhà tù đói khát và hết sức khủng khiếp mà cho đến nay đã mấy chục năm bà
vẫn không bao giờ quên.
Vết thương lòng còn
mãi
Giáo Sư Pauline
Laurent, tác giả cuốn Grief Denied - A Vietnam Widow's Story. Photo courtesy of
griefdenied.com
Ngay
cả trong lòng xã hội Mỹ, cuộc chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt 40 năm nhưng nỗi
ám ảnh vẫn chưa thực sự kết thúc.
Tôi
có dịp trao đổi với Giáo Sư Pauline Laurent, tác giả quyển sách nổi tiếng “Nỗi
Buồn bị Từ Chối- Câu chuyện về người goá phụ trong chiến tranh Việt Nam.” Grief
Denied - A Vietnam Widow's Story).
Bà đã kể cho tôi
nghe câu chuyện cảm động về cuộc đời bà:
“Chồng
tôi tên là Sgt. Howard E. Querry chết trong cuộc tấn công Mini- Tết vào ngày 10
tháng 5 năm 1968. Đó là tuần lễ mà nhiều người lính Mỹ tử trận nhiều nhất trong
cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Lúc
đó, tôi mới 22 tuổi, đang mang thai đứa con đầu lòng được 7 tháng. Đơn vị anh
đến gõ cửa và báo cho tôi biết chồng tôi đã hy sinh tại một thành phố gần Sài
Gòn. Thi hài anh được đưa trở lại Hoa Kỳ hai tuần sau đó. Họ không cho tôi được
mở nắp quan tài để nhìn anh một lần sau cùng. Thật khó khăn biết bao khi tôi
chôn cất anh mà không được nhìn thấy thi thể của anh. Chúng tôi đã làm lễ chôn
cất anh tại nhà thờ mà cách đây một năm chúng tôi đã làm lễ cưới tại đây. Chúng
tôi cưới nhau vào tháng 9 năm 1967, anh hy sinh vào tháng 5 năm 1968, con gái
tôi được sinh ra vào tháng 7 năm 1968.”
Trẻ
trung, thông minh, xinh đẹp và có một địa vị xã hội cao, nhưng bà Pauline đã
không tái giá. Bà sống một mình nuôi con với sự an ủi, trợ giúp của cha mẹ và
gia đình. Trái tim bà không còn rung động lần thứ hai vì cảm xúc yêu thương đã
chết từ khi chiếc quan tài của người chồng thân yêu chôn sâu trong lòng đất. Bà
đã bị bịnh trầm cảm nhiều năm bởi nỗi buồn của bà không được lộ ra ngoài, không
có ai chia sẻ.
Bà nói:
“Tôi
chưa bao giờ lập gia đình lần thứ hai. Trái tim tôi đã tan vỡ và không bao giờ
còn chữa lành được vết thương kể từ khi anh qua đời và lúc đó tôi còn quá trẻ.
Tình yêu đó vẫn chưa tan trong tim tôi. Tôi cũng có quen một vài người đàn ông
sau này nhưng chưa ai làm cho tôi rung động và dẫn đến quyết định kết hôn và
chung sống với họ. Không bao giờ tôi tìm được người đàn ông nào tuyệt vời như chồng
tôi. Và anh cũng yêu tôi biết bao. Tôi sống chung với một vài người bạn gái
nhưng chưa bao giờ chung sống với bất cứ người đàn ông nào.”
Sau
đó, bà đã viết sách để bày tỏ nỗi lòng của mình. Đó là giải pháp để bà tự chữa
lành vết thương, giải thoát cho bà ra khỏi sự im lặng, nỗi buồn dai dẳng và bà
đã nhiều lần có ý định tự sát.
Bà tâm sự:
“Tôi
đã bỏ ra 10 năm để viết quyển sách (Grief Denied-A Vietnam Widow's Story - Nỗi
Buồn Bị Từ Chối - Câu chuyện của một goá phụ trong cuộc chiến tranh Việt
Nam”).Tôi bắt đầu viết khi tôi rơi vào trạng thái đau khổ, buồn chán và muốn tự
sát. Tôi không thể tự kết liễu đời mình vì tôi còn nghĩ đến con gái của tôi.
Quyển sách của tôi đang bán tại website: http://www.griefdenied.com.
Nó cũng bán trên Amazon.com.
Nội
dung quyển sách nói về chuyện tại sao tôi im lặng, chịu đựng suốt cuộc chiến
tranh Việt Nam, và tôi muốn nói cho mọi người hiểu những đau khổ của những
người phụ nữ có chồng là một người lính Mỹ đã tử trận. Tôi cũng muốn nói cho
mọi người biết làm thế nào để tự chữa lành vết thương trong trái tim mình. Phần
sau cùng của quyển sách là niềm vui của tôi khi Alexis Monhoff, đứa cháu trai
đầu tiên của tôi ra đời.”
Còn nỗi lòng của bà
Trần Thanh Minh thì sao? Bà đang mơ ước những gì vào cuối cuộc đời sau biết bao
bể dâu, cay đắng? Bà đã viết rằng “Tôi chắc chồng tôi cũng nuối tiếc như tôi
và đang chờ tôi đi với anh. Chúng tôi phải nối tiếp lại những ngày hạnh phúc
ngắn ngủi xa xưa. Tôi không thể sống mãi trong cô đơn để run sợ trước những ám
ảnh của dĩ vãng và những nhung nhớ khôn nguôi người chồng mà tôi mãi mãi yêu
thương như buổi đầu gặp gỡ” (Trích trong bài hồi ký “Chuyện Buồn Người Vợ
Tù của bà Trần Thanh Minh).
Bà tâm sự:
“Những
người Mỹ nhân đạo đã đưa mẹ con tôi qua đây theo diện HO. Gia đình có người
chết trong trại cải tạo thì họ cho tôi đi. Mẹ con chúng tôi qua đây được mười
mấy năm. Cuộc sống rất là ổn định. Các cháu học hành thành tài, có gia đình
hạnh phúc. Lúc này, tôi chẳng còn mơ ước gì hơn là mình sẵn sàng ra đi. Cũng hy
vọng là ra đi để được đoàn tụ với người chồng mà tôi chỉ được chung sống có năm
năm. Đó là nguyện ước cuối cùng của tôi. Tại vì sống ở trên đời này, mình không
tìm thêm được một nửa người của mình nữa thành ra mình hy vọng nếu có thế giới
bên kia thì mình sẽ được gặp lại phải không cô Phong Thu.”
Tôi
cũng hỏi bà Pauline về niềm hy vọng cho những goá phụ Việt Nam và Hoa Kỳ trong
cuộc chiến tranh Việt nam, bà Pauline không nói gì về thù hận. Bằng một tấm
lòng đầy vị tha và đầy tình người.
Bà nói:
“Tôi
rất đau buồn cho người Mỹ cũng như người Việt Nam về những gì đã diễn ra. Bởi
vì người Mỹ không có ai nói về cuộc chiến tranh Việt Nam cho nên vết thương
lòng không thể hàn gắn lại được. Hãy tiếp tục tự chữa lành những vết thương
lòng và hãy tha thứ, quên đi những bi kịch đau buồn của cuộc chiến tranh đó. Vì
nó đã gây ra đau thương cho rất nhiều người, cả người Mỹ và người Việt Nam.”
Người chết là hết. Họ trở về với cát bụi. Nhưng người còn sống luôn khắc khoải, sống trong nỗi tuyệt vọng, nhung nhớ và đón nhận mọi giông bão của cuộc đời.
Xin
dành một vòng hoa đẹp nhất, trang trọng nhất để vinh danh những người mẹ, những
người vợ đã hy sinh thầm lặng một đời để thờ chồng và nuôi các con khôn lớn.
Tình yêu của họ là một viên ngọc quý báu để người đời suy gẫm và biết trân
trọng hạnh phúc mà mình đang có trong tay./.
Tài liệu tham khảo:
Những tài liệu liên
quan:
Chiến
tranh Việt Nam, © 1996 bởi Paul Shannon. Với một số cập nhật. Tháng 4 năm 2000.
Ngô
Vĩnh Long, trong "Triển vọng Việt Nam," Bách khoa toàn thư của chiến
tranh Việt Nam, ed. Stanley Kutler (New York: Scribner, 1996)
Vietnam
Agent Orange Relief& Responsibility Campaign • P.O. Box 303 Prince Station,
New York, NY 10009 )
No comments:
Post a Comment