12:45:am
15/04/13
Sau
một tuần lễ ở thành phố Baltimore tiểu bang Maryland, tôi đã trở lại Washington
vào hai ngày 10 và 11 tháng Tư – để tham dự vào công cuộc vận động Nhân quyền
cho Việt nam tại Quốc Hội Mỹ và tại Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo. Cuộc vận động thật
quy mô này do tổ chức BPSOS (Boat People SOS) với nhân vật chủ chốt là Tiến sĩ
Nguyễn Đình Thắng phát động và dự trù kéo dài trong hai năm 2013 – 2014.
Trời nắng đẹp, lại vào đúng lúc Hoa Anh Đào nở rộ, nên trên khắp các nẻo đường thành phố chỗ nào cũng thấy các đòan khách thập phương tấp nập lui tới ngắm cảnh, chụp hình – nét mặt người nào cũng vui tươi phấn khởi. Nhân viên phụ trách cho biết Lễ Hội Mùa Hoa Anh Đào (The National Cherry Blossom Festival) kéo dài từ giữa tháng Ba đến tháng Tư có thể thu hút đến con số hàng triệu du khách đến thăm viếng thành phố Washington lịch sử này.
So
với mọi năm, thì vào giữa tháng Ba năm 2013 này trời trở lạnh bất thường – nên
hoa Anh Đào nở muộn. Vì thế mà phần đông các chị em nữ sinh Trưng Vương từ xa
về tham dự Đại Hội Tòan Cầu được tổ chức trong ba ngày 22, 23 và 24 tháng Ba –
đã không được ngắm hoa như lòng ước ao mong muốn. Trong khi tôi, thì nhân cái
vụ vận động Nhân quyền nói trên lại được dịp thưởng ngọan cả một rừng hoa tưng
bừng nở rộ – tô điểm thêm khởi sắc cho khung cảnh vốn đã xinh tươi hài hòa êm
dịu của vùng thủ đô nước Mỹ. Xin mời bạn đọc cùng đi ngắm cảnh và theo dõi
chuyện vận động Nhân quyền tại Washington vào mùa Xuân năm nay.
I
– Tại khu vực Tidal Basin và công viên trước Điện Capitol.
Vào
ngày thứ Năm 11/4 lúc 6 giờ sáng, anh Nguyễn Quốc Khải đã chở tôi đến khu vực
Tidal Basin (Đầm Thủy Triều) nơi sát với Đài Tưởng niệm Tổng thống Jefferson
(Jefferson Memorial). Trời còn mờ tối, ấy thế mà đã có rất nhiều xe đậu dọc
theo bờ sông Potomac và bà con lũ lượt kéo nhau đi với máy ảnh các lọai để
chuẩn bị chụp phong cảnh cả một rừng cây Anh Đào đang ở độ nở mãn khai – tập
trung nhiều nhất trong chu vi dài đến ba bốn dặm của cái Đầm ăn thông với sông
Potomac là ranh giới giữa Washington với tiểu bang Virginia.
Tôi đã lững thửng thả bộ suốt 3 tiếng đồng hồ xung quanh Tidal Basin này, luôn tiện còn ghé thăm Đài Tưởng niệm Tổng thống Franklin Delano Roosevelt (FDR) cùng với Đệ Nhất Phu nhân Eleanor và Đài Tưởng niệm Mục sư Martin Luther King. Các lời phát biểu lịch sử của cả hai vị danh nhân này được khắc họa thật rõ nét trên các bức tường quanh Đài Tưởng niệm – quả thật người Mỹ đã rất lấy làm tự hào và tỏ lòng kính trọng đối với những nhân vật xuất chúng như vậy ngay trong những năm vào giữa thế kỷ XX gần đây thôi.
Các
người bạn ưa thích nghệ thuật chụp ảnh như chị Như Lan bà xã của anh Chánh án
Nguyễn Văn Thành hay anh Nguyễn Quốc Khải, thì cho biết là phải tranh thủ mà
chụp ảnh trước lúc mặt trời lên cao – như vậy mới có thể có hình ảnh đẹp được.
Dọc lối đi dọc theo chu vi của Đầm, tôi thấy các nhiếp ảnh gia tài tử bố trí la
liệt những máy hình gắn chặt trên chân đỡ máy để chụp liên tục nhiều tấm ảnh
dưới những tàng cây chi chít những hoa màu trắng tinh hay màu phớt hồng. Có
người còn chụp riêng một vài cánh hoa lẻ loi mọc từ trong thân cây nữa, có lẽ
họ cho là mấy cánh hoa hiếm hoi đó mới thật là độc đáo chăng?
Bữa
hôm trước là cỡ 8 giờ sáng ngày thứ Tư 10/4, lúc vừa từ nhà ga Union Station đi
tới khu công viên ở hướng Bắc của Điện Capitol trụ sở Quốc Hội – tôi đã thật
ngây ngất trước những cụm cây Anh Đào đang rộ nở những chùm hoa dày đặc với
cánh mỏng như tơ lụa và màu hồng lạt. Từng cụm cây xen kẽ với những cây thông
xanh ngắt và cả với những cây sồi, cây phong vẫn còn khẳng khiu trụi lá – cảnh
tượng trái nghịch đó lại càng làm tăng vẻ cao quý của lọai hoa được du nhập mãi
từ nước Nhật vào nơi đây đã trên một thế kỷ nay. Tính chất đa dạng sinh học
thật là rõ nét nơi vùng thủ đô này.
Sau
không bao lâu, tôi lại gặp các anh Đỗ Như Điện, Hùynh Hữu Thuận cũng mới từ
thành phố San Diego California đến để tham dự cuộc Họp Báo ngòai trời ngay dưới
bậc thềm của Trụ sở Hạ Nghị Viện phía góc đường Independence và First street
khu Đông Nam của Capitol. Vì chưa đến giờ khai mạc cuộc Họp báo, chúng tôi đã
tranh thủ chụp một số hình kỷ niệm nơi công viên kỳ thú này.
Anh
Điện mang theo một số ấn bản tiếng Anh của “ Báo cáo về Tình hình Nhân quyền
tại Việt nam trong năm 2012” – mà Mạng Lưới Nhân Quyền VN cho phổ biến vào ngày
11 tháng Tư trong một cuộc Họp Báo ở California. Tài liệu này đã được trao tận
tay cho một số Dân biểu và giới báo chí truyền thông
II
– Hai ngày Hội Họp liên miên.
Phái
đòan do Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng tổ chức mời gọi gồm đến vài chục người thuộc
giới Tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, thuộc Sắc tộc Thiểu số như
Hmong, Montagnard và Đại diện của Mạng Lưới Nhân Quyền v.v… Phải nói ngay rằng
trong hai ngày 10 và 11 tháng Tư này, phái đòan đã phải làm việc rất căng thẳng
theo sự sắp xếp thật sít sao của Ban Tổ chức với các văn phòng và cơ quan tiếp
đón.
1
– Chỉ riêng trong một ngày 10/4 thôi, thì bà con trong phái đòan đi vận động đã
phải tham dự liền liền ba cuộc sinh họat như sau :
- Thứ nhất là cuộc Họp Báo ngòai trời trong công viên sát bậc thềm của trụ sở Hạ Nghị Viện đã khai mạc vào đúng 10.45 AM. Dân biểu Chris Smith là người chủ trì đã phát biểu khởi đầu và lần lượt giới thiệu với giới truyền thông báo các diễn giả Việt nam là Cựu Dân biểu Cao Quang Ánh, Hòa Thượng Thích Giác Đẳng, Hòa Thượng Thích Viên Lý, Mục sư Nguyễn Minh Thắng, Kỹ sư Đỗ Như Điện, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng – để trình bày về tình trạng vi phạm Nhân quyền ở Việt nam hiện nay. Trong vòng chưa đày một giờ, các diễn giả này đã thu hút được sự chú ý của các ký giả đại diện những cơ sở truyền thông lớn ở Mỹ và chi tiết của cuộc Họp Báo đã được phổ biến rộng rãi ngay vào buổi chiều tối ngày hôm 10/4 đó.
-
Tiếp theo là cuộc Trao đổi với các chuyên viên là Phụ tá của Tiểu ban Nhân
quyền thuộc Ủy ban Ngọai vụ diễn ra tại Tòa nhà Rayburn của Hạ Nghị Viện. Buổi
Sinh họat này kéo dài từ 12.00 đến 13.00 Giờ – để phía đại biểu Việt nam thông
báo chi tiết hơn về tình trạng vi phạm Nhân quyền ở Việt nam – nhằm giúp cho việc
chuẩn bị cho buổi Điều trần mở rộng cho công chúng (Public Hearing) sẽ diễn ra
tại phòng họp của Ủy ban Ngọai vụ vào ngày hôm sau 11/4. Các chuyên viên của
Quốc Hội đều tỏ ra thông hiểu rành rẽ về tình hình chính trị xã hội ở Việt nam,
nên cuộc trao đổi đã diễn ra trong bàu không khí rất cởi mở thông cảm về cả hai
phía Việt và Mỹ.
-
Phái đòan cùng nhau xuống ăn trưa tại Phòng ăn dưới tầng hầm của Rayburn
Building – ai nấy chọn đồ ăn và thanh tóan theo lối self-service Và đến 3.00
PM, phái đòan lại di chuyển đến trụ sở của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo (USCIRF = US
Commission on International Religious Freedom) để trao đổi với giới lãnh đạo
của cơ quan này. Chủ tịch USCIRF là Bà Katrina Lantos Swett và Tiến sĩ Scott
Flipse là Phó Giám Đốc đã trao đổi thảo luận với phái đòan trong hai giờ liền
và các đại biểu đã có dịp trình bày cặn kẽ hơn về khía cạnh đàn áp các tu sĩ,
tín đồ cũng như hạn chế sinh họat tôn giáo ở Việt nam. Lãnh đạo USCIRF đã tỏ ra
rất thông cảm với tình trạng khó khăn ngặt nghèo của các tổ chức tôn giáo dưới
chế độ độc tài khắc nghiệt của chính quyền cộng sản ở Việt nam từ nhiều năm
nay. Nhân tiện, cũng xin ghi là Bà Katrina chính là ái nữ của Cố Dân biểu nổi
danh Tom Lantos (1928 – 2008).
2
– Phiên Điều trần trước Tiểu Ban Nhân Quyền vào ngày 11/4.
Đây
mới là buổi Điều trần có quy mô nhất trong lọat sinh họat của hai ngày vận động
này tại Quốc Hội Mỹ. Dân biểu Chris Smith, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền một lần
nữa đã chủ trì phiên họp được diễn ra tại văn phòng của Ủy ban Ngọai vụ – với
sự tham dự của 6 Dân biểu trong đó có cả Dân biểu Ed Royce Chủ tịch Ủy ban
Ngọai vụ vốn là một nhân vật quen thuộc của cộng đồng người Việt tại miền Nam
California. Các Dân biểu được vị chủ tọa mời phát biểu trước, rồi mới đến phần
Điều trần của đại diện phái đòan Việt nam.
Nói
chung, các Dân biểu đều xác nhận tình trạng vi phạm Nhân quyền do chính quyền
Hanoi gây ra. Đặc biệt Nữ Dân biểu Karen Bass đại diện đơn vị 37 California còn
nhắc đến các báo cáo đáng tin cậy của các tổ chức Amnesty International, Human
Rights Watch và của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt nam đều ghi nhận rõ ràng các vi
phạm này.
Tiếp
theo là đến phần trình bày của phái đòan Việt nam với các đại diện là Cựu Dân
biểu Cao Quang Ánh, Giáo sư Võ Văn Ái, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng và đặc biệt là
hai nhân chứng Danh Hui (về nạn Buôn Người tại nước Nga) và Trần Thanh Tiến (về
sự đàn áp tại giáo xứ Cồn Dầu). Hai nhân chứng này phát biểu bằng tiếng Việt và
được Tiến sĩ Thắng dịch ra Anh ngữ rất chính xác. Cả hai người đều đưa ra được
những chứng từ cụ thể về sự đối xử tàn ác rất thương tâm đối với các nạn nhân –
đo đó mà có sức thuyết phục cao độ đối với cử tọa.
Hai bức ảnh phóng lớn về cảnh Linh mục Lý bị bịt miệng trước Tòa án và về nạn nhân Nguyễn Thành Năm bị tra tấn đến chết ở Cồn Dầu – đã được đưa ra để minh họa cho sự chà đạp nhân quyền ở Việt nam hiện nay.
Người
phát biểu cuối cùng trong buổi Điều trần này là ông John Sifton đặc trách văn
phòng Đông Nam Á của Human Rights Watch – ông Sifton cũng xác nhận có sự vi
phạm trầm trọng về nhân quyền ở Việt nam trong những năm gần đây – chứng từ này
có giá trị bổ túc rất vững vàng cho lời trình bày của các nhân chứng Việt nam.
III
– Để tóm lược lại.
Đang
là Mùa Xuân, khí hậu tại Washington thật mát mẻ dịu dàng với nắng nhẹ chan hòa
và hoa Anh đào đang độ nở mãn khai. Khắp công viên trước điện Capitol lúc nào
cũng tấp nập các nhóm du khách viếng thăm – mà cũng còn là cử tri từ các địa
phương đến thăm vị đại diện dân cử của mình. Trước cửa các văn phòng của Hạ
Nghị Viện, luôn luôn có nhiều người như chúng tôi xếp hàng để được vào gặp gỡ
thăm viếng hay hội họp với các Dân biểu. Quang cảnh thật là sinh động phấn
khích.
*
Nói chung, cuộc vận động Nhân quyền của phái đòan Việt nam trong hai ngày 10 –
11 tháng Tư năm 2013 tại Quốc Hội Mỹ đã gây được một ấn tượng tốt nơi các vị
Dân biểu. Và điều đáng ghi nhất là phát biểu của vị Chủ tọa phiên Điều trần
chính là Dân biểu Chris Smith, người có thâm niên kỳ cựu – đại diện đơn vị 4
tiểu bang New Jersey liên tục từ năm 1980 . Ông Chris Smith đã
nói dứt khóat không úp mở rằng : “Cần phải đặt Việt nam vào lại danh sách CPC”
( đó là danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt vì sự vi phạm trầm trọng
về Nhân quyền = Countries of Particular Concern).
*
Tuy đây mới chỉ là bước đầu trong tiến trình vận động kéo dài suốt hai năm 2013
– 2014, việc làm của phái đòan VN lần này đã tỏ ra được sự chú ý thuận lợi của
giới dân cử cũng như giới truyền thông báo chí. Trong thành phần phái đòan kỳ
này, thì giới am hiểu tình hình sinh họat tại Quốc Hội Mỹ đã có sự ghi nhận
rằng : Cựu Dân biểu Cao Quang Ánh cùng với Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng rõ ràng là
hai nhân vật đã gây được sự tin tưởng và mối thiện cảm đáng kể nơi một số Dân
biểu – đặc biệt là với Dân biểu Chris Smith vốn từ lâu đã từng được coi như là
một “người bạn tốt” của lớp người tỵ nạn chính trị Việt nam tại Hoa Kỳ.
*
Với cái đà tiến triển trong công cuộc vận động rộng rãi như thế, chúng ta có
quyền tin tưởng được nơi sự thắng lợi tất yếu của chính nghĩa Tự do, Dân chủ và
Nhân quyền của tòan thể nhân dân Việt nam chúng ta trong tương lai không bao xa
nữa vậy./
Baltimore
Maryland ngày 14 tháng Tư 2013
©
Đoàn Thanh Liêm
©
Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment