Minh Diện
Được
đăng bởi Bùi Văn Bồng vào
lúc 09:08
Thứ
bảy, ngày 06 tháng tư năm 2013
Đó là một buổi sáng cuối Đông, chỉ còn đúng 10 ngày nữa là tiễn
ông Táo về Trời, đón tết cổ truyền Ất Sửu.
Lê Văn Hiền, chủ tịch, Bùi Thế Nghĩa , bí thư huyện Tiên Lãng và
giám đốc công an thành phố Hải Phòng, đại tá Đỗ Hữu Ca, chỉ huy hơn 100 cảnh
sát, bộ đội cưỡng chế đầm tôm của gia đình anh Đoàn Văn Vươn . Bị dồn vào đường
cùng, những người nông dân ấy đã sử dụng mìn tự tạo, súng hoa cải chống lại lực
lượng cưỡng chế, làm 7 người bị thương. Lập tức chính quyền ra lệnh ủi nhà, hủy
hoại tài sản của gia đình anh Đoàn Văn Vươn, ra lệnh bắt giam 4 người đàn ông,
đẩy 2 người đàn bà và 4 đứa trẻ vào cảnh màn trời chiếu đất. Một sự kiện tương
tự với sự kiện đổng Nọc Nạn 84 năm trước ở Nam bộ dưới chế độ thực dân Pháp.
Thủ tướng chính phủ đã kết luận, các quyết định thu hồi đất và
cưỡng chế của Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng đều trái luật. Gần 50 cán bộ ,
đảng viên huyện Tiên Lãng bị kiểm điểm, xử lý kỷ luật. Tập thể ban cán sự UBND
thành phố Hải Phòng bị khiển trách. Chủ tịch , phó chủ tịch , trưởng phòng tài
nguyên môi trường huyện Tiên Lãng, chủ tịch, bí thư xã Vinh Quang bị khởi tố
hình sự. Từ thực tế trên đã chứng tỏ nguyên nhân gây là do chính quyền.
Thủ tướng chính phủ chỉ đạo phải tiến hành thật khẩn trương điều
tra , đưa ra xét xử công khai và giảm nhẹ tối đa hình phạt đối với gia đình anh
Đoàn Văn Vươn.
Một năm và 93 ngày đã trôi qua.
Hơn 7.500 bài báo đã viết về vụ án gây chấn động dư luận ấy.
Chiều 5-4-2012, sau 3 ngày xét xử , Tòa án nhân dân thành phồ Hải
Phòng đã kết thúc phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt anh Đoàn Văn Vươn , Đoàn Văn
Qúy và những người trong gia đình từ 2 đến 5 năm tù, tội giết người và chống
người thi hành công vụ. Kết quả phiên
tòa hoàn toàn trái với những gì mọi người mong đợi.
Tôi không được dự khán phiên tòa , chỉ đọc những bài tường thuật
và xem những đoạn băng Video của đồng nghiệp. Một người dân đã thốt lên trên
trang mạng : “ Thật mỉa mai khi nhớ lại lời phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan :
“ Chế độ ta dân chủ gấp vạn lần chế độ tư bản !”
Một vụ án được khẳng định truy tố đúng người, đúng tội, một phiên
tòa được tuyên bố xét xử công khai, nhưng an ninh lại thắt chặt chưa từng thấy.
Các ngả đường dẫn vào phòng xử án bị rào chắn cấm người qua lại, lực lượng công
an canh giữ nghiêm ngặt. Những đám đông bị xua đuổi. Sóng điện thoại di động bị
cắt . Trong phòng xử án , cảnh sát đông nghịt, kè sát từng bị cáo, phóng viên
báo chí bị kiểm soát gắt gao.
Đảng nói
dân tuyệt đối tin đảng, và đảng lấy dân làm gốc, sao lại hành xử như vậy với
dân? Những tiếng hô “Công lý, công lý!”,
những bàn tay cầm tấm bìa in dòng chữ “ Gia đình anh Vươn vô tội!”
giơ cao biểu hiện sự bức xúc của dân ! Không hiểu những người lãnh đạo Hải Phòng
có nhìn thấy, nghe thấy và nghĩ gì trước thực tại đó?
Từ khi có kết luận điều tra, hàng trăm bài báo đã phản bác hai
tội danh “ Giết người và chống người thi hành công vụ” gán cho gia đình anh
Đoàn Văn Vươn. Nhưng tại phiên tòa này, Hội đồng xét xử vẫn giữ nguyên hai tội
danh ấy. Luật sư Nguyễn Minh Tâm nói với tôi : “ Một sự gò ép khiên cưỡng!”
Công vụ là một hoạt động do công chức nhân danh nhà nước thực hiện
theo quy định của pháp luật , được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích nhân
dân và xã hội. Khái niệm cơ bản ấy là bài học vỡ lòng, bất cứ công chức nào
cũng phải thuộc . Mấu chốt của hoạt động công vụ là nhân danh nhà nước và phải
bảo đảm đúng pháp luật.
Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi đất trái luật,
ra quyết định cưỡng chế trái pháp luật, điều quân đội làm nhiệm vụ cưỡng chế
càng trái luật. Ba quyết định trái luật cùng một lúc chồng lên nhau không phải
do vô tình, thiếu trách nhiệm , mà là cố
ý làm trái. Do đó bản chất cái gọi là công vụ, trong vụ án Tiên Lãng là
trái luật, là phạm pháp! Vì vậy không thể quy tội gia đình anh Đoàn Văn Vươn
chống người thi hành công vụ. Thực tế, họ chống lại hành động
phạm pháp.
Thật lạ lùng khi ông ủy viên công tố nói rằng, những cán bộ chiến
sỹ quân đội, công an tham gia lực lượng cưỡng chế không biết cưỡng chế trái
luật! Nguyên tắc lãnh đạo tập thể, công khai dân chủ để đâu? Những cán bộ chiến
sỹ công an,quân đội, trong đó có người cấp thượng tá, trưởng công an huyện, có
chân trong cấp ủy, chẳng lẽ không hiểu biết? Họ đâu phải là những Rô-bốt? Một
thực tế là lực lượng cưỡng chế đã dùng súng quân dụng bắn trước vào nhà ông
Quý, sau đó chính quyền và công an lại vội vàng nghĩ cách "phi tang"
bằng việc điều ngay xe ủi phá nhà ông Quý. Như vậy, dú trước tòa có sự cố tình
che giấu, không chịu khai ra sự thật, nhưng ai chủ động gây ra lỗi? Ai là thủ
phạm? Và ai là nạn nhân thì đã rõ!
Anh Đoàn Văn Vươn là một cựu chiến binh, được học hành tử tế, và
hơn hết là một công dân hiểu và tôn trọng pháp luật. Anh đã cảnh báo cho những
người lãnh đạo đảng, chính quyền ở huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng, rằng
họ vi phạm pháp luật, và nói thẳng : “ Nếu cưỡng chế sẽ sảy ra đổ máu!” Nhưng
Lê Văn Hiền và những người cùng phe nhóm bất chấp , cứ cưỡng chế.
Dù đã bị dồn vào đường cùng, Đoàn Văn Vươn vẫn “không muốn sảy ra
đổ máu trên mảnh đất của mình” . Anh nhồi thuốc đạn ở mức sát thương thấp, và
cho nổ trái mìn tự tạo ở khoảng cách không gây sát thương lực lượng cưỡng chế. Từ ý thức đến việc làm , Đoàn Văn Vươn đều không muốn giết người. Đó là
sự thật . Và thực tế không có ai bị giết. Vậy mà buộc tội giết
người, thì đúng như luật sư Nguyễn Minh Tâm nói, là quá khiên cưỡng!
Cái
gốc của vụ án Tiên Lãng là quyết định thu hồi đất sai, quyết định cưỡng chế
sai. Cái sai tày đình ấy đã được Thủ tướng chính phủ chỉ rõ và nghiêm khác yêu
cầu xử lý.
Nhẽ ra “con dại cái mang” , cấp trên của ban lãnh đạo Tiên Lãng
phải xin lỗi dân, kỷ luật đến nơi đến chốn Lê Văn Hiền và những người liên quan
thì họ lại bênh che nhau, đổ tội cho dân.
Từ năm 1939, Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ đã “Tự trì trích” , thẳng
thắn phê bỉnh những yếu kém , sai lầm của bản thân cũng như nội bộ đảng. Ông
viết : “ Thấy sai mà không sửa lại bao che cho nhau, đổ lỗi cho người khác, sợ
nhận sai mất uy tín thì càng mất uy tín hơn!”
Mang cái sai của lãnh đạo Tiên Lãng
chụp lên đầu gia đình anh nông dân Đoàn Văn Vươn , bằng bản án giết người và
chống người thi hành công vụ, dù có tuyên án dưới khung hình phạt cũng không
hợp lòng dân, càng không giữ được uy tín của đảng như mong muốn .
Hơn tám mươi năm trước , ngày 17-8-1928, tại phiên tòa đại hình
Cần Thơ, ông hội thẩm viên đã nói với Băng Tác, người trong chính quyền đồng
lõa với bọn cường hào cướp đất của gia đình anh nông dân Biện Toại, dẫn đến vụ
án Nọc Nạn, làm chết viên cò Tounier tham gia lực lượng cưỡng chế đất: “Dân
chúng nói, đáng lẽ ra ông phải chết thay cho viên cò Tounier”. Còn viên công tố
Moreau thì phát biểu : “Vụ này chứng tỏ bất ổn xã hội về đất đai đang gia tăng
hết sức nghiêm trọng. Tình cảnh gia đình anh Biện Toại rất đáng thương, bị
những kẻ không có trái tim đến cướp đất, rồi bọn có quyền thế tiếp tay!”
Trong phiên tòa sơ thẩm xét xử gia đình anh Đoàn Văn Vươn, ghi
nhận một thái độ ôn hòa của chủ tọa phiên tòa, công tố viên. Các luật sư cũng
thể hiện được bản lĩnh nghề nghiệp và lương tâm của mình. Nhưng cán cân công lý
còn nghiêng lệch. Bản chất vụ án chưa được đào bới tân gốc để làm sáng tỏ chân
lý, mang lại công bằng, không chỉ riêng cho gia đình anh Đoàn Văn Vươn. Cần
truy nguyên vụ việc, nguyên nhân chính, đồng thời là thủ phạm gây ra vụ này
không phải anh em họ Đoàn (gia đình họ là nạn nhân, là bên bị hại) mà là
cấp ủy, chính quyền, công an Tp Hải Phòng và huyện Tiên Lãng. Và nhất là trong
xã hội ta đừng để tái diễn mãi những vô lý, bất công “quan xử theo lễ, dân
xử theo hình!”.
Hy vọng phiên tòa phúc thẩm sẽ khác. Lê Văn Hiền sẽ phải ra làm
nhân chứng như Bang Tá trong vụ án Nọc Nạn và công tố viên sẽ chỉ tay vào mặt
Lê Văn Hiền nói: “Dân chúng nói lẽ ra ông phải đổ máu thay cho những cán bộ
chiến sỹ bộ đội, công an, và chính ông phải ngồi tù chứ không phải anh nông dân
đáng thương Đoàn Văn Vươn!”.
Tôi và những người dân rất hy vọng sau vụ xử án anh em, gia đình
của kỹ sư, CCB, nông dân nghèo Đoàn Văn Vươn sớm có một phiên tòa như thế!” .
M.D
No comments:
Post a Comment