12:01:am
01/04/13
Đài
Bắc kinh ngày 27.3 cho biết, sáng 20.3 hải quân Trung quốc đã truy đuổi 4 tầu
đánh cá của ngư dân VN và bắn một tầu của ngư dân VN đang đánh cá trên biển
Đông gần quần đảo Hoàng sa do Trung quốc chiếm đóng của VN từ 1974. Trong nhiều
ngày những người cầm đầu CSVN–từ Tổng bí thư kiêm Bí thư quân ủy Trung ương
Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
đã im lặng, một sự im lặng lạ lùng! Mãi tới ngày 24.3 tờ Tiền phong mới đưa
tin, nhưng chỉ vài giờ sau đã phải gỡ xuống. Mãi tới ngày 25.3 bộ Ngoại giao VN
mới lên tiếng phản đối và xác nhận tầu đánh cá của ngư dân VN đã bị “tàu Trung
Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin“ (1)! Ngay sau đó Bắc kinh đã nói
trắng là: “Tàu chiến của Hải quân Trung quốc xua đuổi tàu thuyền đi
vào lãnh hải Trung quốc phi pháp, giữ gìn chủ quyền lãnh thổ và
quyền lợi biển quốc gia là hoàn toàn chính đáng.” (2)
Nhưng
giữa khi ấy, một ngày (21.3) sau khi hải quân Trung quốc bắn vào ngư dân VN thì
Nguyễn Phú Trọng lại vẫn điện đàm thân mật trực tiếp chúc mừng tân Chủ tịch
nước và Tổng bí thư Tập Cận Bình nhân dịp ông này được bầu làm Chủ tịch nước
Trung quốc. Sau những lời ca ngợi ĐCS Trung quốc và chúc Tập Cận Bình ”đưa
Trung quốc tới thắng lợi“, ông Trọng đã đã thề với Tập Cận Bình là, “Đảng và
Chính phủ Việt Nam coi trọng cao tình hữu nghị truyền thống Việt –
Trung”. Tuyệt đối không có một lời nào Nguyễn Phú Trọng phê bình hành động sai
trái và tàn bạo của Bắc kinh. Trong cuộc điện đàm Tập Cận Bình đã đáp lại rất
kịch cỡm là “quan hệ Trung – Việt phát triển lành mạnh và ổn định”,
chủ trương “giữ gìn hòa bình của khu vực” và “thúc đẩy quan hệ đối
tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Việt phát triển ổn định
và lành mạnh.“ (3)
Đối
với các quan sát viên chính trị thì những sự kiện quan trọng trên đây cần phải
nhận định và giải thích như thế nào về tình hình nội bộ trung ương ĐCSVN, đứng
đầu là Nguyễn Phú Trọng và mối quan hệ Việt-Trung hiện nay?
Có
một số trường hợp phải được đặt ra để tìm hiểu:
1.
Nguyễn Phú Trọng đã không được thông tin kịp thời và đầy đủ việc sáng ngày 20.3
các tầu hải quân Trung quốc đã truy đuổi và bắn cháy tầu của ngư dân VN. Trong
trường hợp này thì Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và các cơ quan an
ninh đối ngoại đã không thông tin cho ông Trọng, mặc dầu ông là Bí thư Quân ủy
Trung ương, tức là Tổng tư lệnh quân đội VN. Như vậy phải hiểu là uy tín của
ông Trọng đã mất trong nhóm lãnh đạo. Trong điều kiện hiện nay giả thuyết này
khó có thể xẩy ra.
2.
Nguyễn Phú Trọng đã được thông tin đầy đủ biến cố sáng ngày 20.3 nhưng ông vẫn
giữ kín, đồng thời còn ra lệnh không cho phép các báo và đài tường thuật kịp
thời và đầy đủ cho nhân dân VN và dư luận quốc tế về hành động cực kì ngang
ngược và tàn ác với ngư dân VN của nhà cầm quyền Bắc kinh. Ông Trọng làm như
vậy chỉ vì muốn giữ cuộc điện đàm ngày hôm sau (21.3) với Tập Cận Bình. Như đã
trình bày ở phần trên, trong cuộc điện đàm này, mặc dù vẫn nói là trong tinh
thần “đồng chí“ và “anh em“ nhưng Nguyễn Phú Trọng đã không dám phê bình những
hành động vô cùng sai trái và tàn bạo của hải quân Trung quốc. Không những thế,
ông Trọng lại chỉ thề là, “Đảng và Chính phủ Việt Nam coi trọng cao tình
hữu nghị truyền thống Việt – Trung”. Trong trường hợp này, ông Trọng đã
chứng tỏ thái độ cúi đầu quị lụy với Bắc kinh. Không những thế Nguyễn Phú Trọng
đã lạm dụng quyền lực để cấm đoán các cơ quan của Đảng và Nhà nước thông tin
nhanh chóng và trung thực, như vậy là cố tình đánh lừa nhân dân VN và dư luận
thế giới trước hành động cực kì sai trái và bạo ngược của Bắc kinh. Như vậy
Nguyễn Phú Trọng đã không thực hiện đúng trách nhiệm của Tổng bí thư và Bí thư
Quân ủy Trung ương!
Hãy
hình dung một biến cố: Người hàng xóm đã đánh đập tàn nhẫn con cái mình, nhưng
người cha vẫn mở miệng ca tụng ông hàng xóm là “láng giềng thân thiện“. Khi đó
phải đặt lại tư cách và trách nhiệm của người cha!
***
Tuy
mới chỉ hơn hai năm làm Tổng bí thư ông Trọng đã để lại nhiều dấu ấn rất đặc
biệt:
Đối
với Bắc kinh: Sau chuyến thăm Trung quốc với tư cách Tổng bí thư (10.2011)
Nguyễn Phú Trọng đã nhượng bộ Bắc kinh thỏa thuận giải quyết tranh chấp giữa
hai nước trên nguyên tắc song phương giữa hai bên. Chính nhượng bộ sai lầm này
của Nguyễn Phú Trọng đã mở đường cho chế độ Bắc kinh ngang ngược theo sách lược
được đằng chân lân đằng đầu. Họ đã thiết lập quận huyện hành chánh trên hai
quần đảo Hoàng sa và Trường sa của VN, tăng cường hải quân và mở các cuộc tập
trận, đồng thời còn tàn bạo săn đuổi và bắn vào các tầu đánh cá của ngư dân VN.
Từ khi nắm quyền Tập Cận Bình đã giương cao khẩu hiệu “Thực hiện giấc mơ vĩ đại
của Trung quốc”, nghĩa là làm sống dậy chủ nghĩa bá quyền theo kiểu Thiên triều
đối với các thuộc quốc lân bang như vài thế kỉ trước đây! (4)
Nguyễn
Phú Trọng đã thất bại trong việc chống tham nhũng, một tệ trạng rất nhức nhối
trong toàn bộ xã hội VN, khi bất lực không đẩy được Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi
chức Thủ tướng tại Hội nghị Trung ương 6 (10.2012). Trong Đảng và ngoài xã hội
đều biết rất rõ, suốt hơn 6 năm làm Thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng đã sai lầm và
thất bại nghiêm trọng trong kinh tế tài chánh, nhất là lãnh vực Kinh tế Nhà
nước, làm thua lỗ và thất thoát hàng trăm ngàn tỉ đồng tiền thuế của nhân dân.
Trong khi ấy Nguyễn Tấn Dũng vẫn chỉ lo thu vén cho gia đình và vây cánh theo
tiêu chí “lợi ích nhóm” đặt trên quyền lợi chung từ trong trung ương tới các
địa phương. Hiện nay phe cánh của Nguyễn Tấn Dũng đã lấn lướt và qua mặt cả
trong Bộ chính trị lẫn Trung ương đảng. (5)
Nguyễn
Phú Trọng còn đang hồ hởi tung ra chiêu bài sửa đổi Hiến pháp xuyên qua Dự thảo
Hiến pháp 1992 và giả bộ kêu gọi nhân dân đóng góp ý kiến với tiêu đề “không
cấm kị” cả những ý kiến trái chiều. Nhiều trí thức, nhân sĩ, nhà báo, thanh
niên, các tôn giáo và cả những đảng viên tiến bộ đã nhiệt tâm đóng góp ý kiến
với mục tiêu xây dựng một đất nước dân chủ, văn minh và phú cường. Họ đã tố cáo
ý đồ giả dối tìm cách đánh lừa nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp. Vì nội
dung Dự thảo Hiến pháp sửa đổi hầu như giống hệt Hiến pháp phản dân chủ 1992.
Như Điều 4 trong Dự thảo Hiến pháp hầu như vẫn giữ nguyên tiếp tục để ĐCS độc
quyền trong mọi lãnh vực của xã hội, quân đội vẫn phải trung thành với Đảng
thay vì trung thành với tổ quốc và nhân dân và đất đai vẫn là quyền sở hữu của
Nhà nước… Chỉ trong vòng ít tuần lễ đã có hàng chục ngàn người kí tên ủng hộ
các “Tuyên bố” và “Kiến nghị”. Nguyễn Phú Trọng đã không cám ơn những sự đóng
góp chân thành này, ngược lại đã lo sợ, lúng túng và bộc lộ tư cách rất phản
động, cao ngạo kết án và phê phán rất ngang ngược là “suy thoái tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống“ và ra lệnh cho cấp dưới phải ra tay “xử lí“ (6), nghĩa
là mở phong trào bôi nhọ, đe dọa và cưỡng ép viết bài hay trả lời trong các báo
đài tỏ ý ăn năn.
***
Ông
Trọng cần phải nhận thức sớm một sự thực không ai có thể phủ nhận được là,
trong thời đại toàn cầu hóa và thông tin điện tử thì chủ trương một vài người
suy nghĩ cho tất cả mọi người đã vĩnh viễn đi qua rồi. Ngày nay mọi hành động
sai lầm và đàn áp nhân dân bất cứ ở đâu chỉ trong vài giây sẽ được truyền đi
khắp thế giới và tạo ra phản ứng và thái độ đồng loạt, không có cách nào có thể
bưng bít được và tạo ra sức mạnh của quần chúng khó liệu được!
Nhiều
trí thức, nhân sĩ, nhà báo, thanh niên và cả những đảng viên tiến bộ biết quí
lòng tự trọng đang thấy rõ thái độ rất ngạo mạn quyền lực của Ông đối với nhân
dân, nhưng lại rất quị lụy hèn nhát với kẻ thù của dân tộc. Chính những việc
làm của Ông đang tự phơi bày sự sa đọa của quyền lực, sự suy thoái đạo đức của
người có quyền lực! Chính Ông đã bộc lộ tư cách cực kì phản động khi kết án
những đóng góp chân thành của các giới là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống “, trong khi đó Ông lại coi sự cúi đầu quị lụy Bắc kinh là chính
đáng, là “đỉnh cao đạo đức“!
Ông
Trọng nên biết rằng, khi các tầng lớp nhân dân ý thức được quyền chính đáng của
mình và biết rõ được tâm địa tồi tệ của người cầm quyền thì khi đó tương lai
của bạo quyền chắc chắn không còn xa!
©
Âu Dương Thệ
©
Đàn Chim Việt
—————————————————
Ghi chú:
1.
Cộng sản điện tử 25.3
2.
Đài Bắc kinh 27.3
3.
Đài Bắc kinh 22.3, Cộng sản 21.3
4.
và 5. Xem cùng tác giả “Hai năm làm Tổng bí thư (1.2011 – 1.2013) Nguyễn Phú
Trọng đang đưa chế độ và đất nước đi về đâu?“,
http://dcpt.org/thoisu/baithoisu2013/adt1.htm
6.
BBC 26.2
No comments:
Post a Comment