27-4-2013 / 4
Comments
Đã
38 năm trôi qua, một thời gian khá dài có những việc với trí nhớ của con người
có thể quên đi hoặc có nhớ lại hình như nó rất mơ hồ. Nhưng có những việc người
ta không quên được, mỗi một lần có dịp hồi tưởng, nó lại hiển hiện trước mắt y
như vừa mới xảy ra. Sự kiện đó trở thành một dấu ấn khắc sâu vào tâm trí con
người, và nó mãi mãi in đậm vào lòng có khi đến chết vẫn còn mang theo. Những
người thuộc thế hệ 4X của thiên niên kỷ trước được sinh ra và lớn lên trong
khói lửa chiến tranh, có thể nói chúng tôi là chứng nhân hay nạn nhân của một
cuộc chiến kéo dài trên 20 năm.
Vào
đầu thập niên 60 chúng tôi là những thanh niên mang bầu nhiệt huyết. Chúng tôi
biết chiến tranh đang xảy ra trên quê hương. Chúng tôi tham gia vào cuộc chiến
với lí tưởng muốn phục vụ quốc gia dân tộc. Ở lứa tuổi chúng tôi không có nhiều
con đường để lựa chọn, nếu không được vào các trường đại học chuyên nghiệp như
kỹ thuật, luật khoa, y, nha, dược, sư phạm… để tiếp tục con đường học vấn thì
trước sau gì cũng phải thi hành nghĩa vụ quân sự. Vào quân trường học bài học
đầu tiên “Quân trường đổ mồ hôi, sa trường bớt đổ máu.” Qua thời gian huấn
luyện, ra chiến trường chúng tôi đối diện với bom đạn mìn bẫy, với cái chết
trong gang tấc. Bao nhiêu người bạn, người đồng đội không trở về hậu cứ sau
những cuộc hành quân. Những chiếc khăn tang quấn trên đầu người góa phụ. Trong trái tim
chúng tôi trở thành chai đá. Bất cần đời, sống nay chết mai.
Ngày
30 tháng 4 năm 1975, tôi người lính theo khai sinh có 30 năm và 4 tháng tuổi,
với 9 năm quân vụ, từ quân khu thuyên chuyển về tiểu khu được 2 tuần. Chưa nhận
nhiệm vụ gì hết, mấy ông đơn vị trưởng khi đọc tướng mạo quân vụ của tôi đền
ngần ngại không muốn thu dụng tôi. Thế thì, sáng cà phê, trưa hủ tiếu, chiều đi
nhậu với bạn bè. Thanh niên trong thời khói lửa chắc không mấy người được như
vậy. Hơn nữa lúc này tình hình đang sôi động, an nhàn lúc nào hay lúc đó. Sáng
ngày 30 sau khi vào đơn vị cho có mặt xong tôi chuồn ra quán nhâm nhi ly cà phê
đen. Nhạc tình ru hồn người buổi sáng nó nhạt nước ốc. Đột nhiên quán tắt nhạc
và mở radio để nghe đài phát thanh Sài Gòn phát đi lời kêu gọi của Tổng Thống
Dương Văn Minh. Bây giờ trong lời tuyên bố phần đầu, tôi không nhớ rõ lắm nhưng
tôi còn nhớ tổng quát lời ông Minh nói: “...Tôi yêu cầu các anh em chiến sĩ
VNCH hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu ở đó…” Tôi như người vừa tỉnh
giấc mơ hư thực thế nào đây? Lập tức trả tiền ly cà phê chạy về đơn vị xem sao.
Một
không khí nặng nề bao trùm cả trung tâm yễm trợ tiểu khu, mọi người đều ngơ
ngác, không biết phải làm gì. Quân địch còn chưa đến, vậy đầu hàng với ai? Tôi
về nhà ăn trưa và không định trở lại đơn vị. Nằm nhà mở ra radio để nghe tin,
nhưng tất cả đều im lặng. Vào lúc 2 giờ trưa hôm đó đài phát thanh Sài Gòn phát
bài hát “Nối Vòng Tay Lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do chính tác giả
hát sau đó ông còn kêu gọi mọi người nên họp tác với chánh quyền cách mạng. Tôi
tự hỏi Trịnh Công Sơn là Việt cộng hay là kẻ cơ hội.
Tình
hình ở đây vào lúc nầy giống như các tỉnh miền Trung. Việt cộng chưa đến, chính
quyền bỏ dân chạy trước. Không riêng gì tỉnh lỵ tôi, hầu hết quân khu IV quân
lính và vũ khí vẫn còn đầy đủ. Mặc dù chúng tôi nghe đài phát thanh bảo bỏ súng
đầu hàng Việt cộng, nhưng buổi trưa hôm đó ông Đại tá tỉnh trưởng đứng trước
Tòa Hành Chánh bảo binh sĩ phải tử thủ. Tôi không biết ông nhận lệnh ai. Cá
nhân tôi cũng không biết nghe ai. Mỉa mai thay đến chiều tối lại mới hay tin
ông Tỉnh trưởng lấy máy bay trực thăng đi mất. Tội thật sự thất vọng về vị chỉ
huy nầy, tôi có cảm tưởng như mình bị lừa dối. Một hình ảnh luôn ám ảnh tôi cho
đến ngày hôm nay, tôi muốn tìm một lí do để giải thích. Tiếp quản đơn vị tôi
không phải là những anh bộ đội mà là những tên du kích cộng với dân nằm vùng và
một vài tên 30/4 trên cánh tay buộc khăn đỏ. Giá như trước đây tôi chỉ ho một
tiếng thì mấy tên này cũng chạy té khói. Bây giờ đúng là mèo vuốt râu cọp.
Cuộc
chiến tranh kéo dài từ bao năm nay, bỗng dưng chấm dứt một cách đột ngột. Lời
tuyên bố đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh làm mọi người hoang mang, mới
nghe tưởng như lời nói đùa, nhưng có lời chấp thuận đầu hàng của phía bên kia
và những lời phát thanh nầy được phát liên tục. Như vậy cuộc chiến nầy không
đánh nữa mà phải bỏ vũ khí đầu hàng kẻ địch. Với tôi việc ra trận mà buông súng
đầu hàng địch trong khi chưa bắn một viên đạn nào là một điều sỉ nhục trong
lòng tôi tự hỏi và rất băn khoăn. Đời mình sẽ ra sao? Con đường binh nghiệp coi
như chấm dứt, chắc phải về nhà đuổi gà cho vợ. Cái suy tính đầu tiên là làm sao
tìm một lối thoát an toàn cho cá nhân. Câu hỏi đi đâu bây giờ? Tổ chức nào dung
chứa mình. Chạy ra nước ngoài phương tiện đâu? Hoàn cảnh mình bây giờ có thể ví
như con cá trong rọ.
Năm
1973 Hiệp định Paris được bốn bên tham chiến ký kết nhằm mục đích chấm dứt
chiến tranh và lập lại hòa bình cho Việt Nam đã không được thi hành. Chỉ có
người Mỹ thực thi là rút quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam và cắt giảm viện
trợ cho chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 17 tháng 4 năm 1975 Thượng Viện Hoa
Kỳ từ chối viện trợ khẩn cấp 722 triệu đô la mà Tổng Thống Gerald Ford đề nghị.
Ngày
20 tháng 4 năm 1975 Đại sứ Mỹ ông Martin thuyết phục ông Thiệu từ chức. Tối
ngày 21 tháng 4 năm 1975 Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đọc diễn văn từ chức trước
Quốc hội và trao quyền lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Trong bài diễn
văn của Tổng Thống Thiêu, ông không quên tố cáo người Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng
Hòa. Ông còn hứa sẽ trở về với quân đội để cùng anh em chiến sĩ để chiến đấu
chống quân xâm lược. Nhưng lời hứa của ông không thực hiện, sau đó ông và gia
đình được tòa đại sứ Mỹ bí mật đưa ra phi cơ trong đêm tối để rời Việt Nam.
Việc ông rời Việt Nam không mang theo 16 tấn vàng đã bạch hóa về sau.
Ngày
19 tháng 4 năm 1975 quân trú phòng Xuân Lộc được lệnh rút về phòng thủ Sài Gòn.
Mười ngày trước đó cộng sản đã tập trung 3 sư đoàn đánh chiếm thị xã Xuân lộc.
Nhưng bên VNCH đưa Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, Sư Đoàn 18 bộ binh, tiểu đoàn 83 Biệt
Động Quân với sự yễm trợ của Sư đoàn 3 Không Quân đã đánh bật quân cộng sản ra
khỏi cứ địa Xuân Lộc. Đây là trận thư hùng cuối cùng của hai bên trước khi
chiến tranh kết thúc. Trên võ đài hai võ sĩ đấu với nhau phải có sự cân xứng
thì trận đánh mới phân biệt cao thấp. Phía Việt Nam Cộng Hòa bị trói chặt tay
chân phải lệ thuộc vào quân viện từ 2,1 tỷ năm 1973 đến năm 1975 chỉ còn 700 triệu
nhưng Quốc hội Hoa Kỳ không chịu tháo khoán. Như vậy làm sao quân đội Việt Nam
Cộng Hòa có thể đánh trận được?
Ngày
10 tháng 3 năm 1975 miền Nam mất Ban Mê Thuộc. Quân Đoàn II bị áp lực của cộng
sản. Tổng Thống Thiệu ra lệnh triệt thoái khỏi cao nguyên. Phía Bắc lính Bắc
Việt vượt sông Bến Hải trắng trợn xâm lăng miền Nam. Ngày 23 tháng 3 mất Huế
rồi Đà Nẵng. Trong khi đó Mỹ không có một hành động can thiệp nào nhưng Tổng
thống Mỹ vẫn cam kết với Tổng thống Thiệu luôn đứng sau lưng Việt Nam Cộng Hòa.
Ban đêm nghe đài phát thanh BBC tường thuật các thành phố miền Trung bỏ ngỏ
trước khi quân Bắc Việt tiến vào. Ngày hôm sau hoặc ngày kế tiếp đài phát thanh
bên ta mới cho biết tình hình chiến sự. Quân trang quân dụng của ta bị quân
địch chiếm dụng và tiếp tục đánh mạnh thêm. Quân lính Việt Nam Cộng Hòa bị bắt
làm tù binh lên đến mấy chục ngàn người.
Ngày
27 tháng 4 năm 1975 thành phố Sài Gòn bị quân đội cộng sản pháo kích. Ba loạt
hỏa tiển rơi vào trung tâm Sài Gòn báo cho biết quân đội Bắc Việt đang tiến gần
đến thủ đô. Trung tuần tháng 4 năm 1975 sứ quán Mỹ bắt đầu cho người Mỹ và thân
nhân của họ rời Việt Nam với một thủ tục đơn giản, tốc độ ra đi càng nhanh theo
đà tiến quân của Việt cộng. Người Mỹ bắt đầu cho di tản các công dân Mỹ và
những người Việt làm cho các cơ quan Mỹ một cách ồ ạt sau khi ông Vũ Văn Mẫu
yêu cầu người Mỹ phải rời khỏi Việt Nam trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Làn sóng
người Việt chạy đến các sứ quán ngoại quốc, đến phi trường Tân Sơn Nhất hay các
bến tàu để tìm đường vượt thoát khỏi Việt Nam đã tạo ra cảnh hỗn loạn. Trong
khi đó ngoài mặt trận các sĩ quan và quân lính Việt Nam Công Hòa vẫn còn chiến
đấu ngăn chận quân địch. Họ không hay biết gì về tình hình thủ đô Sai Gòn đang
thay đổi từng giờ.
Ngày
28 tháng 4 năm 1975 Đại tướng Dương Văn Minh nhận lãnh vai trò Tổng Thống để
điều đình với Việt cộng. Tướng Vĩnh Lộc thay thế Đại tướng Cao Văn Viên. Tướng
Lộc kêu gọi binh sĩ phải chiến đấu đến cùng và không được bỏ chạy như một số
tướng tá đã làm. Nhưng cuối cùng ông cũng phải tìm đường thoát thân trước với
những phương tiện có sẵn trong tay.
Sáng
ngày 29 tháng 4 một số lớn cứ điểm phòng thủ trong vòng đai Sài Gòn đã bị quân
Bắc Việt phá vỡ. Phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích nặng nề và một số phi cơ
bị hư hại khiến cho cuộc di tản trở nên khó khăn. Một số phi cơ đi yễm trợ các
đơn vị bạn khi trở về không thể hạ cánh ở phi trường nên đành phải bay qua Thái
Lan hay ra hạm đội 7 của Mỹ đang chờ ngoài bờ biển Việt Nam. Họ ra đi một cách
bất ngờ không có dự tính trước.
8
giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiếc trực thăng cuối cùng rời khỏi nóc nhà
tòa đại sứ Mỹ. Ông Graham Martin Đại sứ Mỹ là người rời sứ quán sau cùng. 10
giờ 45 phút chiến xa T54 mang số hiệu 843 tiến vào cổng phụ của dinh Độc Lập và
dừng lại đây, cùng trong lúc đó một chiếc T54 khác mang số 390 húc vào cổng
chính của Dinh Độc Lập và chạy thẳng vào phủ Tổng Thống. Cờ Mặt Trận Giải Phóng
Miền Nam đã được treo lên nóc Dinh Độc Lập. Kể từ giây phút đó chế độ Việt Nam
Công Hòa không còn nữa.
Ngày
30 tháng 4 năm 1975 trong lòng mỗi người Việt Nam mang một nghĩa khác nhau.
Người Việt tị nạn Cộng sản gọi Ngày Quốc Hận, Ngày Quốc Nhục hay Tháng Tư Đen.
Riêng cán binh Cộng sản thì họ ăn mừng ngày chiến thắng. Đặc biệt có một nhà
văn nữ miền Bắc sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi bà vào tham quan thành phố Sai
Gòn đã phát biểu: “Sau ngày 30 tháng 4 người miền Bắc tràn vào Sài Gòn và vui
mừng như điên dại. Chỉ riêng Bà như một con điên. Bởi vì mọi người đang vui
mừng thì bà lại khóc như Bố chết.” Bà giải thích tại sao bà khóc, vì bà cảm
thấy cuộc chiến tranh nầy là một trò đùa rất ngu xuẩn của lịch sử. Tất cả năng
lực của một dân tộc bị dồn vào cuộc chiến phi lí. Bà còn nói thêm “Bên quân
thắng trận lại thuộc một thể chế man rợ hơn bên người thua trận. Bà cảm thấy
tuổi trẻ của bà đã mất đi một cách oan uổng, đồng thời mang theo một nỗi hoang
mang và cay đắng.”
Bà còn chiêm nghiệm
thêm không phải
bao giờ cái đẹp (cái thiện)
cũng chiến thắng
cái xấu. Có
khi nó còn bị tan nát,
vùi dập. Nền
văn minh phải chịu thua đôi khi phải qui hàng những thứ
man rợ rừng rú!
Sau
ngày 30 tháng 4 năm 1975 người dân miền Nam phải chịu những nỗi nhọc nhằn. Tủi
nhục nhất là những người đã làm việc cho chế độ VNCH bị những người chủ mới
phân biệt đối xử. Bị gọi là bọn ngụy quân, ngụy quyền làm tay sai cho đế quốc
Mỹ..., và còn nhiều tên gọi rất khó nghe. Người dân miền Nam không sợ mấy ông
cách mạng (cán binh cộng sản được gọi cách mạng) bằng bọn 30/4 là những người
cơ hội chủ nghĩa làm cách mạng một ngày 30. Chính thành phần nầy thừa dịp trắng
đen lẫn lộn, ám hại người ngay để trả thù riêng. Còn biết bao nhiêu việc làm
sai lầm khác mà người Cộng sản đang áp đặt cho người dân từ mấy chục năm nay.
Mỗi năm đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 cá
nhân tôi cũng như các anh em đồng đội khác xin thắp nén nhang thơm để tưởng nhớ
năm vị tướng lãnh anh hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã hiên ngang tuẫn
tiết, xứng danh “Sanh Vi Tướng Tử Vi Thần”. Ngoài 5 vị tướng lãnh còn có những
binh si, sĩ quan khác đã tự sát trong ngày 30 tháng 4 năm 1975. Việc làm của
các Anh đã rửa mặt cho anh em chúng tôi. Ai là Ngụy Quân xin để lịch sử ngàn
sau phán xét. Không phải chờ lâu thêm nữa, ngay bây giờ người dân Việt Nam đã
thấy rõ Cộng sản là thứ Ngụy cực kỳ tàn ác, man rợ hơn dã thú.
No comments:
Post a Comment