Wednesday 3 April 2013

1975 : VIỆT NAM CÓ THẮNG MỸ ? (Nguyễn Hưng Quốc)




02.04.2013

Trong bài Thắng và bại”, từ kinh nghiệm chiến tranh ở Iraq, tôi nêu lên nhận định: Thắng và bại là một vấn đề phức tạp, gắn liền với một chu cảnh (context) nhất định. Có khi người ta thắng một trận đánh nhưng lại thua một cuộc chiến tranh; có khi thắng một cuộc chiến tranh nhỏ nhưng lại thua một cuộc chiến tranh lớn. Hoặc ngược lại. Cũng có khi người ta thua hẳn một cuộc chiến tranh nhưng lại thắng trong hòa bình, sau đó.

Từ chuyện thắng và bại, nhân tháng Tư, thử nhìn lại chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1954-75.

Liên quan đến cuộc chiến tranh ấy, cho đến nay, hầu như mọi người đều khẳng định: Việt Nam (hiểu theo nghĩa là miền Bắc Việt Nam) đã thắng Mỹ. Bộ máy tuyên truyền Việt Nam lúc nào cũng ra rả điều đó. Ngay người Mỹ cũng tự nhận là họ thua: Đó là cuộc chiến tranh đầu tiên mà họ thua trận! Điều đó đã trở thành một chấn thương dữ dội đối với một siêu cường quốc số một thế giới như Mỹ khiến nhiều người trong họ không ngừng trăn trở. Chiến tranh Việt Nam, do đó, với họ, trở thành một cuộc-chiến-chưa-kết-thúc (unfinished war) hoặc một chiến tranh vô tận (endless war) theo cách gọi của các học giả.

Dĩ nhiên, nhiều người nghĩ khác. Họ không chấp nhận họ thua trận với một trong ba lý do chính.

Một, một số người cho, về phương diện quân sự, quân đội Mỹ hầu như luôn luôn chiến thắng, hơn nữa, tính trên tổng số thương vong, họ bị thiệt hại ít hơn hẳn đối phương: trong khi Mỹ chỉ có 50.000 người chết, phía miền Bắc, có khoảng từ một triệu đến một triệu rưỡi người bị giết (từ phía người Việt Nam, chúng ta biết rõ điều này: Trong đó có rất nhiều dân sự ở cả hai miền!) Những người này cho họ chỉ thua trên mặt trận chính trị; và trong chính trị, họ không thua Bắc Việt, họ chỉ thua… những màn ảnh tivi hằng ngày chiếu những cảnh chết chóc ghê rợn ở Việt Nam trước mắt hàng trăm triệu người Mỹ, từ đó, làm dấy lên phong trào phản chiến ở khắp nơi. Nói cách khác, Mỹ không thua Bắc Việt: Họ chỉ thua chính họ, nghĩa là họ không thể tiếp tục kéo dài chiến tranh trước sự thiếu kiên nhẫn của quần chúng, trước quyền tự do ngôn luận và phát biểu của quần chúng, trước nhu cầu phát triển kinh tế trong nước.

Hai, một số người khác lại lý luận: Mặc dù Mỹ thua trận năm 1975, nhưng nhìn toàn cục, họ lại là người chiến thắng. Một người Mỹ gốc Việt, Viet D. Dinh, giáo sư Luật tại Đại học Georgetown University, trên tạp chí Policy Review số tháng 12/2000 và 1/2001, quan niệm như vậy, trong một bài viết có nhan đề “How We Won in Vietnam” (tr. 51-61): “Chúng ta thắng như thế nào tại Việt Nam.” Ông lý luận: Mỹ và lực lượng đồng minh có thể thua trận tại Việt Nam nhưng họ lại thắng trên một mặt trận khác lớn hơn và cũng quan trọng hơn: Cuộc chiến tranh lạnh chống lại chủ nghĩa Cộng sản trên toàn thế giới (tr. 53). Hơn nữa, cùng với phong trào đổi mới tại Việt Nam cũng như việc Việt Nam tha thiết muốn bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ, Mỹ cũng đã thắng trên mặt trận lý tưởng và thiết chế: Cuối cùng thì Việt Nam cũng đã theo Mỹ ít nhất một nửa: tự do hóa thị trường (Còn nửa kia, dân chủ hóa thì chưa!) (tr. 61).

Một số người khác lại cho, sau khi rút quân khỏi Việt Nam, nhìn lại, người Mỹ thấy Việt Nam đang lủi thủi chạy theo sau mình trên con đường tư bản hóa. Họ khẳng định: “Chúng ta đã chiến thắng
cuộc chiến tại Việt Nam bằng cách rút quân ra khỏi nơi đó.”


Ba, một số người khẳng định dứt khoát: Mỹ không hề thua Bắc Việt. Chiến thắng của miền Bắc vào tháng Tư 1975 là chiến thắng đối với miền Nam chứ không phải đối với Mỹ. Lý do đơn giản: Lúc ấy, hầu hết lính Mỹ đã rút khỏi Việt Nam. Trước, ở đỉnh cao của cuộc chiến, Mỹ có khoảng nửa triệu lính ở Việt Nam. Sau Tết Mậu Thân, thực hiện chính sách Việt Nam hóa chiến tranh, lính Mỹ dần dần rút khỏi Việt Nam: Tháng 8/1969, rút 25.000 lính; cuối năm, rút thêm 45.000 người nữa. Đến giữa năm 1972, lính Mỹ ở Việt Nam chỉ còn 27.000. Tháng 3/1973, 2.500 người lính cuối cùng rời khỏi Việt Nam. Từ đó, ở Việt Nam, Mỹ chỉ còn khoảng 800 lính trong lực lượng giám sát đình chiến và khoảng gần 200 lính Thủy quân lục chiến bảo vệ Tòa Đại sứ ở Sài Gòn. Trong trận chiến cuối cùng vào đầu năm 1975, lúc Bắc Việt tiến vào Sài Gòn, không có cuộc giao tranh nào giữa Việt Nam và Mỹ cả. Chính vì vậy, một số người Mỹ đặt câu hỏi: Tại sao có thể nói là chúng ta thua trận khi chúng ta đã thực sự
chấm dứt cuộc chiến đấu cả hơn hai năm trước đó?

Có thể tóm tắt lập luận thứ ba ở trên như sau: Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ chỉ bỏ cuộc chứ không thua cuộc.

Một số người phản bác lập luận ấy. Họ cho: bỏ cuộc tức là không hoàn thành được mục tiêu mình đặt ra lúc khai chiến; không hoàn thành mục tiêu ấy cũng có nghĩa là thua cuộc. Không có gì khác nhau cả.

Nhưng ở đây lại nảy ra một vấn đề: Mục tiêu Mỹ đặt ra lúc tham gia vào chiến tranh Việt Nam là gì?

Có hai mục tiêu chính:

Một, giúp đỡ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam trong cuộc đối đầu với chế độ Cộng sản ở miền Bắc.

Hai, ngăn chận làn sóng Cộng sản từ Trung Quốc đổ xuống Việt Nam, và từ đó, toàn bộ vùng Đông Nam Á.

Tập trung vào mục tiêu thứ nhất, nhiều người cho Mỹ thua trận ở Việt Nam. Đó là điều không thể chối cãi được: cuối cùng, vào ngày 30/4/1975, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã sụp đổ.

Tuy nhiên, xin lưu ý: trong hai mục tiêu trên, mục tiêu thứ hai mới là quan trọng nhất. Khi lính Mỹ mới được điều sang Việt Nam, họ luôn luôn được nhắc nhở đến mục tiêu thứ hai: “Nếu chúng ta không đến đây để ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản, chúng ta có thể sẽ phải chiến đấu chống lại nó ở San Francisco sau này.” Mục tiêu đầu, nhằm xây dựng một chế độ dân chủ
không Cộng sản ở miền Nam, chỉ thỉnh thoảng mới được nhắc đến.

Có thể nói mục tiêu thứ nhất được đặt ra để cụ thể hóa mục tiêu thứ hai. Nói cách khác, chính vì muốn ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản, Mỹ mới nhảy vào giúp chính quyền miền Nam. Mục tiêu thứ nhất, như vậy, chỉ là hệ luận của mục tiêu thứ hai. Nó chỉ là mục tiêu phụ.

Liên quan đến mục tiêu thứ hai, nên nhớ đến thuyết Domino vốn xuất hiện từ năm 1951, thời kỳ đầu của chiến tranh lạnh, và được xem là nền tảng lý thuyết cho các chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ đầu thập niên 1960 trở đi. Dựa trên thuyết Domino, chính phủ Mỹ tin là: Nếu Đông Dương rơi vào tay Cộng sản, Miến Điện và Thái Lan sẽ bị Cộng sản chiếm gần như ngay tức khắc. Sau đó, sẽ rất khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả, để cho Indonesia, Ấn Độ và các nước khác tiếp tục nằm ngoài quỹ đạo thống trị của Cộng sản Xô Viết.” Nghĩ như thế, chính phủ Mỹ đã xem Miền Nam như một tiền đồn để ngăn chận
hiểm họa cộng sản.

Nếu chỉ nhìn vào mục tiêu thứ hai này - mục tiêu ngăn chận làn sóng Cộng sản ở Đông Nam Á - không thể nói là chính phủ Mỹ thất bại. Ngược lại. Năm 1972, sau chuyến viếng thăm Trung Quốc của Tổng thống Nixon, Mỹ đã thành công ở ba điểm: Một, bước đầu bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước để, tuy chưa hẳn là bạn, họ cũng không còn thù nghịch với nhau như trước nữa; hai, khoét sâu mối mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Liên Xô để hai nước đứng đầu khối Cộng sản này không còn thống nhất với nhau; và ba, làm giảm bớt sự ủng hộ và trợ giúp của Trung Quốc đối với Bắc Việt.

Với ba sự thành công ấy, Mỹ an tâm được ba điều: Một, khi Trung Quốc và Liên Xô đã bị phân hóa, khối Cộng sản không còn mạnh và do đó, cũng không còn quá nguy hiểm như trước. Hai, khi khối Cộng sản không còn mạnh, đặc biệt khi Trung Quốc đang rất cần duy trì quan hệ hòa bình với Mỹ để phát triển kinh tế và tranh giành ảnh hưởng với Liên Xô, Trung Quốc sẽ không còn tích cực “xuất cảng cách mạng” ở các nước khác trong vùng Đông Nam Á. Và ba, như là hệ quả của hai điều trên, Mỹ tin chắc: ngay cả khi miền Bắc chiếm được miền Nam và ngay cả khi cả Campuchia và Lào đều rơi vào tay Cộng sản thì chủ nghĩa Cộng sản cũng không thể phát triển sang các nước khác như điều họ từng lo sợ trước đó.

Với ba sự an tâm trên, Mỹ quyết định rút quân ra khỏi Việt Nam. Với họ, mục tiêu thứ hai, tức mục tiêu quan trọng nhất, đã hoàn tất thì mục tiêu thứ nhất trở thành vô nghĩa. Miền Nam chỉ còn là một nước cờ chứ không phải là một ván cờ. Họ thua một nước cờ nhưng lại thắng cả một ván cờ.

Thắng ở ba điểm:

Một, sau năm 1975, chủ nghĩa Cộng sản không hề phát triển ra khỏi biên giới Lào và Campuchia. Các nước láng giềng của Đông Dương vẫn hoàn toàn bình an trước hiểm họa Cộng sản.

Hai, sau khi chiếm miền Nam, chủ nghĩa Cộng sản ở Á châu không những không mạnh hơn, mà ngược lại, còn yếu hơn hẳn. Yếu ở rất nhiều phương diện. Về kinh tế, họ hoàn toàn kiệt quệ. Về quân sự, họ liên tục đánh nhau. Về đối nội, họ hoàn toàn đánh mất niềm tin của dân chúng, từ đó, dẫn đến phong trào vượt biên và vượt biển rầm rộ làm chấn động cả thế giới. Về đối ngoại, họ hoàn toàn bị cô lập trước thế giới với những hình ảnh rất xấu: Ở Khmer Đỏ là hình ảnh của sự diệt chủng; ở Việt Nam là hình ảnh của sự độc tài và tàn bạo; ở Trung Quốc, sự chuyên chế và lạc hậu. Cuối cùng, về ý thức hệ, ở khắp nơi, từ trí thức đến dân chúng, người ta bắt đầu hoang mang hoài nghi những giá trị và những tín lý của chủ nghĩa xã hội: Tầng lớp trí thức khuynh tả Tây phương, trước, một mực khăng khăng bênh vực chủ nghĩa xã hội; sau, bắt đầu lên tiếng phê phán sự độc tài và tàn bạo của nó. Một số trí thức hàng đầu, như Jean-Paul Sartre, trở thành những người nhiệt tình giúp đỡ những người Việt Nam vượt biên.

Ba, vào năm 1990, với sự sụp đổ của Liên Xô, của bức tường Berlin và của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Mỹ toàn thắng trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa Cộng sản. Ván cờ kéo dài nửa thế kỷ giữa chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa tư bản đã kết thúc.

Nhìn vào ba sự thành công ấy, khó có thể nói Mỹ đã thua trận ở Việt Nam. Lại càng không thể nói là miền Bắc Việt Nam đã thắng Mỹ.

Cũng cần lưu ý đến những sự thay đổi trong bản chất của chiến tranh. Từ giữa thế kỷ 20 trở về trước, hầu hết các chiến lược gia, khi nghĩ về chiến tranh, đều cho cái đích cuối cùng là phải chiến thắng một cách tuyệt đối. Tiêu biểu nhất cho kiểu chiến thắng tuyệt đối ấy là cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai. Ở cả hai lần, những kẻ thù của phe Đồng minh đều tuyên bố đầu hàng. Ranh giới giữa thắng và bại rất rõ. Rõ nhất là ở Nhật Bản. Sức tàn phá kinh hồn của hai trái bom nguyên tử do Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki đã chứng tỏ sức mạnh vô địch không thể chối cãi được của người chiến thắng.

Tuy nhiên, sau hai quả bom ấy, bản chất chiến tranh và cùng với nó, ý nghĩa của chiến thắng, hoàn toàn thay đổi. Trong chiến tranh lạnh, cả Mỹ lẫn Liên Xô đều có bom nguyên tử. Lúc nào cũng muốn tiêu diệt nhau nhưng cả hai đều biết rất rõ cái điều Albert Einstein từng cảnh cáo: “Tôi không biết trong chiến tranh thế giới lần thứ ba người ta đánh bằng gì, nhưng trong chiến tranh thế giới lần thư tư, người ta sẽ chỉ có thể đánh nhau bằng gậy và đá.” Thành ra, người ta vừa chạy đua chế tạo thật nhiều, thật nhiều vũ khi nguyên tử vừa biết trước là chúng sẽ không được sử dụng. Không nên được sử dụng. Không thể được sử dụng. Để tránh điều đó, chiến tranh toàn diện (total war) biến thành chiến tranh giới hạn (limited war); chiến tranh thế giới biến thành chiến tranh khu vực, ở một số điểm nóng nào đó. Ý nghĩa của cái gọi là chiến thắng, do đó, cũng đổi khác: bên cạnh cái thắng/bại về quân sự có cái thắng/bại về chính trị và bên cạnh cái thắng/bại có tính chiến thuật có cái thắng/bại có tính chiến lược.

Với những thay đổi ấy, chuyện thắng hay bại lại càng trở thành phức tạp hơn.

Phần kết luận, có hai điểm tôi xin nói cho rõ:

Thứ nhất, tôi chỉ muốn tìm hiểu một sự thật lịch sử chứ không hề muốn bênh vực cho Mỹ.

Thứ hai, dù Mỹ thắng hay bại, sau biến cố tháng 4/1975, miền Nam vẫn là nạn nhân. Trên phạm vi quốc tế, ngoài miền Nam Việt Nam, Đài Loan là một nạn nhân khác, tuy không đến nỗi bất hạnh như chúng ta.


Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.


25.03.2013

Kỷ niệm 10 năm chiến tranh Iraq, mấy tuần vừa qua, giới bình luận chính trị Tây phương bàn tán sôi nổi về vấn đề: cuối cùng, Mỹ đã thắng hay bại?

Nhìn chiến tranh Iraq như một trận đánh, đương nhiên là Mỹ thắng. Thắng rất dễ dàng. Quân Mỹ và đồng minh bắt đầu tấn công vào ngày 20 tháng Ba năm 2003. Đến ngày 9 tháng Tư, tức 20 ngày sau, họ đã chiếm được thủ đô Baghdad. Bên Iraq, có 9.200 binh sĩ bị giết chết; phía đồng minh, Mỹ có 139 và Anh có 33 binh sĩ bị tử vong.

Nhìn rộng hơn một tí, toàn bộ cuộc chiến tranh, từ lúc khởi chiến (tháng 3/2003) đến lúc rút quân (tháng 12/2011), cũng có thể nói Mỹ thắng. Mỹ chiếm được Iraq, bắt và treo cổ Saddam Hussein, đập đổ được chế độ độc tài, dần dần hình thành nên một chế độ dân cử tương đối dân chủ, và cuối cùng, rút quân ra khỏi Iraq một cách an toàn. Như vậy là thắng chứ còn gì nữa?

Thế nhưng, nhiều người vẫn cứ băn khoăn. Lý do đơn giản: Cần phải đặt
cuộc chiến Iraq vào hai chu cảnh lớn: Một, trong một cuộc chiến tranh lớn hơn: chiến tranh chống khủng bố và độc tài; và hai, trong thế địa chính trị tại vùng Trung Đông.
Nhớ, tướng Tommy Franks của Mỹ đã đặt ra tám mục tiêu chính khi đánh Iraq năm 2003: “Một, chấm dứt chế độ Saddam Hussein. Hai, phát hiện, cô lập và tiêu hủy các loại vũ khí sát thương hàng loạt (mass destruction). Ba, tìm kiếm, bắt và trục xuất khủng bố ra khỏi Iraq. Bốn, sưu tầm tài liệu tình báo liên quan đến các mạng lưới khủng bố. Năm, sưu tầm các tài liệu liên quan đến mạng lưới vũ khí hủy diệt hàng loạt phi pháp trên phạm vi toàn cầu. Sáu, giải tỏa lệnh cấm vận và tiến hành tức khắc các cuộc viện trợ nhân đạo cho dân chúng Iraq. Bảy, bảo đảm an toàn cho các mỏ dầu khí và tài nguyên thiên nhiên vốn thuộc về nhân dân Iraq. Và cuối cùng, giúp người dân Iraq tạo điều kiện chuyển tiếp sang một chính phủ đại biểu do dân bầu để quản trị đất nước của họ.”

Không phải mục tiêu nào ở trên cũng được hoàn thành. Ngoài chuyện không có các loại vũ khí sát thương hàng loạt hay các mạng lưới khủng bố toàn cầu nào ở Iraq, thất bại chính của Mỹ không chừng là nằm ở mục tiêu cuối cùng. Sau khi Mỹ chiếm Iraq một cách dễ dàng, Iraq trải qua những năm tháng nội chiến triền miên. Khủng bố nối tiếp khủng bố. Chỉ riêng tại thủ đô Baghdad, người ta ước tính mỗi ngày có khoảng từ
11 đến 33 người bị giết chết trong các cuộc đặt bom ở các khu dân sự, kể cả chợ búa và đền thờ.

Về phương diện chính trị, các phe phái liên tục chống đối nhau. Đúng là Iraq đã bắt đầu xây dựng được một số nền tảng cho một
chế độ dân chủ, tuy nhiên, tương lai chính trị của nước này vẫn đầy bất an.

Cái giá của
cuộc chiến này khá cao. Về nhân mạng, 115.376 người Iraq bị giết chết từ năm 2003 đến 2011.

Về phía đồng minh, số binh sĩ bị chết của Mỹ là 4.488; của Anh là 179, của Ý 33, của Ba Lan 30, của Ukraine 18, Bulgaria 13, v.v.. Về tài chính, chi phí cho cuộc chiến tranh ấy, về phía Mỹ, là khoảng trên 845 tỉ đồng.

Chính vì vậy, nhiều học giả Mỹ đặt vấn đề: Một, liệu cuộc chiến tranh ấy có đáng không? Và hai, có thể xem là Mỹ thắng trận không?

Không có câu trả lời nào thật dứt khoát và thuyết phục hẳn. Eric S. Margolis, tác giả cuốn sách
American Raj: Liberation or Domination? trả lời thẳng thừng: Mỹ thất bại. Fred Kaplan cho đó là một cuộc chiến tranh không cần thiết nhưng cũng cho rất khó trả lời câu hỏi ai thắng ai.

Christian Whiton, chủ tịch Hamilton Foundation, lại cho là Mỹ thành công, hơn nữa, hai lần thành công: vừa lật đổ được một chế độ được xem là độc tài và tàn bạo nhất thế giới vừa xây dựng được cơ sở cho một nền dân chủ lâu dài tại Iraq.

Một số người đề nghị chờ thời gian trả lời: Mỹ thành công nếu chính phủ dân chủ mới phôi thai ở Iraq càng ngày càng vững mạnh; ngược lại, Mỹ thất bại nếu nó sụp đổ và
Iraq lại sống dưới chế độ độc tài như thời Sadam Hussein.

Gai góc hơn là vấn đề địa chính trị (geopolitics). Một trong những động cơ chính của Mỹ khi quyết định tấn công và xâm chiếm Iraq là biến Iraq thành một quốc gia dân chủ thân Mỹ, từ đó, biến nước này thành một trung tâm quyền lực của Mỹ để, một mặt, thúc đẩy quá trình dân chủ hóa ở các nước Hồi giáo Trung Đông, mặt khác, sẵn sàng trấn áp mọi cuộc chiến tranh chống Mỹ trong tương lai. Cả hai đều gắn liền với địa chính trị.

Tuy nhiên, ở cả hai khía cạnh này, dường như Mỹ không thành công, hoặc ít nhất, chưa thành công.

Thứ nhất, nền dân chủ ở Iraq còn rất mỏng manh và yếu ớt.

Thứ hai, do tính chất mỏng manh và yếu ớt ấy, Iraq cũng không thể đóng vai trò một căn cứ địa chính trị hay quân sự đáng tin cậy cho Mỹ. Sau năm 2003, Mỹ đã xây dựng Tòa Đại sứ tại Baghdad, một Tòa đại sứ lớn và tốn kém nhất của Mỹ với chi phí hơn 750 triệu trên một mảnh đất rộng trên 104 mẫu Anh, nơi, thoạt đầu, chứa đến 16.000 nhân viên, trong đó, có đến 2.000 nhân viên ngoại giao, với tham vọng xem đó như một đầu não ngoại giao và an ninh trong khu vực. Tuy nhiên, với lý do nêu trên, tham vọng này dường như chỉ là một ảo tưởng.

Thứ ba, việc xâm lăng Iraq - nhất là việc không phát hiện bất cứ một thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt nào ở Iraq cũng như việc không thể tìm ra chứng cứ nào về mối quan hệ giữa Saddam Hussein và al-Qaeda vốn là những lý do chính được đưa ra để gây chiến - đã gây bất bình cho cộng đồng Hồi giáo tại Trung Đông.

Thứ tư, quan trọng hơn hết, cuộc chiến tranh Iraq dường như làm cho Iran, kẻ thù của cả Mỹ lẫn Iraq trước đây, mạnh hơn hẳn. Mạnh vì hai lý do: Một, đối thủ chính và nguy hiểm nhất của Iran là Saddam Hussein đã bị tiêu diệt; và hai, phái Shia, một giáo phái thuộc Hồi giáo đang cầm quyền tại Iran càng ngày càng phát triển mạnh, nắm rất nhiều quyền lực tại Iraq, thay cho giáo phái Sunni trước đây. Với sự thắng thế của phái Shi’ite, Iran có thể sẽ có một lực lượng đồng minh rất đáng kể ở Iraq.

Dĩ nhiên, vẫn có người phản bác các nhận định trên với lý do chính: Bất kể những thất bại ở lãnh vực này hay lãnh vực khác, Mỹ cũng đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh khủng bố vốn mở màn sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001. Lực lượng khủng bố, trên cơ bản, đã bị dẹp tan, không còn là một đe dọa lớn đối với Mỹ cũng như trên thế giới nữa. Vì thế, Mỹ có thể an tâm quay về với một đối thủ mới xuất hiện ở phương Đông: Trung Quốc.

Như vậy, cuộc bàn cãi về chuyện thắng hay bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh Iraq từ năm 2003 cho đến nay vẫn còn tiếp tục và có lẽ sẽ còn tiếp tục dài dài.

Thật ra, đó cũng là điều bình thường. Chuyện thắng hay bại là một vấn đề phức tạp hơn hẳn những gì chúng ta thường nghĩ. Thường, nghĩ về chiến tranh hay chính trị, chúng ta hay tự giới hạn mình ở một biến cố hay một sự kiện nào đó. Như một cái gì biệt lập và đơn lập. Trong khi, trên thực tế, bất cứ sự kiện hay biến cố nào cũng nằm trong một chu cảnh (context) với nhiều quan hệ chằng chịt theo nhiều chiều và với nhiều kích thước khác nhau, từ kích thước địa chính trị đến kích thước lịch sử. Bởi vậy, không hiếm trường hợp thắng một trận đánh nhưng lại thua một cuộc chiến tranh hay thua một cuộc chiến tranh nhỏ nhưng lại thắng một cuộc chiến tranh lớn. Hoặc ngược lại.

Thời Chiến tranh lạnh, Mỹ hòa ở chiến tranh Triều Tiên, và có thể gọi là thua, như nhiều người đã nói, cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhưng lại thắng trong toàn bộ cuộc chiến tranh lạnh, nghĩa là thắng toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Cũng có thể nói, phần nào, Mỹ thắng Liên Xô ở cuộc chiến tranh tại Afghanistan từ 1979 đến 1989. Dù hai bên không hề trực tiếp đụng độ với nhau, nhưng ai cũng biết suốt thời gian chín năm ấy, Mỹ và nhiều đồng minh của Mỹ, từ Pakistan đến Anh, Saudi Arabia (và, kể cả Trung Quốc) đã đổ tiền giúp đỡ các kháng chiến quân người Afghanistan rất nhiều. Không những giúp đỡ tiền bạc mà còn giúp vũ khí và cả việc huấn luyện quân sự, bao gồm các chiến thuật du kích và, thậm chí, các phương pháp khủng bố. Cuối cùng, không chịu đựng nổi, từ đầu năm 1987, Liên Xô quyết định rút quân: Giữa năm 1988, rút một nửa, đến đầu năm 1989 thì rút toàn bộ. Phe tự do hoan hỉ xem đó như một chiến thắng.

Nhưng chiến thắng ấy, oái oăm thay, lại mở đầu cho một thất bại của Mỹ trong trận chiến chống khủng bố: Một trong những lực lượng được Mỹ giúp đỡ và huấn luyện để chống lại Liên Xô thời ấy, sau này, đã trở thành một lực lượng Hồi giáo cực đoan mang tên al-Qaeda, trong đó có cả Osama bin Laden: Chính những người ấy, vào năm 2001, đã tổ chức cuộc tấn công khủng bố khủng khiếp ngay trên đất Mỹ.


Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.






No comments:

Post a Comment

View My Stats