Monday 4 June 2018

BỐN THÀNH VIÊN 'HỘI ANH EM DÂN CHỦ' BỊ Y ÁN SƠ THẨM (tin tổng hợp)




June 4, 2018

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bốn thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ (HAEDC) kháng án đã bị y án bản án sơ thẩm bất chấp các phản đối trong ngoài nước kể cả các chính phủ Mỹ và Liên Âu.

Trong một phiên tòa chiếu lệ ngày 4 Tháng Sáu, 2018, để xử các vụ án chính trị với những bản án được mô tả “án bỏ túi” vốn được Bộ Chính Trị CSVN quyết định sẵn từ trước, các ông Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Văn Trội và Mục Sư Nguyễn Trung Tôn đã bị giữ nguyên bản án sơ thẩm gồm cả án quản chế sau khi ra khỏi nhà tù nhỏ.

Mục Sư Nguyễn Trung Tôn bị y án 13 năm tù giam và 3 năm quản chế. Luật gia Nguyễn Bắc Truyển bị y án 11 năm tù giam và 3 năm quản chế. Nhà báo độc lập Trương Minh Đức bị y án 12 năm tù giam và 3 năm quản chế. Kỹ sư Phạm Văn Trội y án 7 năm tù giam và 1 năm quản chế.

Luật Sư Nguyễn Văn Đài bị kết án 15 năm tù và 5 năm quản chế, chị Lê Thu Hà bị 2 năm tù đã không kháng cáo vì cho rằng chế độ Hà Nội sẽ không giảm án. Cả 6 người vừa kể là các thành viên chính yếu của HAEDC bị lôi ra tòa án tại Hà Nội trong khi 4 người khác thì bị xử tại các địa phương.

Tất cả đều bị vu cho tội “Âm mưu lật đổ” chế độ độc tài đảng trị và cực kỳ tham những tại Hà Nội dù họ chỉ kêu gọi dân chủ hóa đất nước một cách ôn hòa.

CSVN có khuynh hướng áp đặt các bản án nặng hơn đối với những người ra mặt vận động thay đổi, thấy họ như những kẻ “phản động” cần phải trừ diệt.

“Ông Truyển và ông Đức tại lời nói sau cùng đã rất mạnh mẽ và khẳng khái với tâm thế chấp nhận bản án đã và sẽ tuyên dù là mức án nào đi nữa, mặc dù với họ, họ nhận thấy rằng mình hoàn toàn vô tội vì mục tiêu đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền mà mình đã thực hiện, trong đó đòi hỏi sự vận hành một nền kinh tế tư nhân làm nền tảng, thể chế đa nguyên, đa đảng và tổ chức theo mô hình tam quyền phân lập. Ông Trội và ông Tôn cũng luôn giữ được tinh thần vững vàng và sự nhiệt huyết,” Luật Sư Lê Luân viết tường thuật trên trang Facebook cá nhân.

Theo đài RFA, ngay sau khi Tòa Phúc thẩm giữ y án đối với 4 thành viên Hội Anh Em Dân chủ, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế lên tiếng cho rằng biện pháp đó là ‘cú đánh’ vào quyền tự do bày tỏ ý kiến tại Việt Nam.

Một ngày trước phiên tòa phúc thẩm, Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) thúc giục chế độ Hà Nội chấm dứt đàn áp nhân quyền trong nước. Họ kêu gọi các tổ chức quốc tế cùng lên tiếng đòi CSVN trả tự do cho tất cả tù chính trị.

Tháng trước, ngày 17 Tháng Năm, 2018, đại diện chính phủ Mỹ đã đối thoại nhân quyền với phía CSVN. Một viên chức Bộ Ngoại Giao Mỹ cho hay họ thúc giục Hà Nội thả hết các tù nhân lương tâm và đặc biệt đề cập đến những người như LS Nguyễn Văn Đài, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Kết quả phiên tòa phúc thẩm ngày 4 Tháng Sáu, 2018, tại Hà Nội chứng tỏ CSVN coi thường những lời khuyến cáo của các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, các chính phủ Tây phương. Ủy Ban Nhân Quyền LHQ từng đòi hỏi CSVN bỏ các điều luật hình sự bỏ tù người dân với các quy chụp mơ hồ như “Tuyên truyền chống nhà nước…,” “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…,” “Âm mưu lật đổ…” cũng không hề có tác dụng.

Trước phiên tòa phúc thẩm tại Hà Nội, người ta thấy tại một số tỉnh thị ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, có nhiều chữ “HAEDC” được viết từ gốc cây, biểu ngữ, quảng cáo, vách tường, cột điện, nhắc nhở mọi người tới một tổ chức gồm những người vì yêu dân chủ, yêu quê hương đất nước mà bị đày đọa bởi nhà cầm quyền độc tài và tham nhũng. (TN)

---------------------------

Cali Today news    -   June 4, 2018

------------------------------

04/06/2018

-------------------------------

RFA
2018-06-04

----------------------------------

BIÊN BẢN PHIÊN TÒA PHÚC THẨM TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI XÉT XỬ VỤ ÁN “HOẠT ĐỘNG NHẰM LẬT ĐỔ CHÍNH QUYỀN NHÂN DÂN” THEO ĐIỀU 79 BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999 ĐỐI VỚI 4 BỊ CÁO HỘI ANH EM DÂN CHỦ.

Hội đồng xét xử phúc thẩm TANDCC tại Hà Nội:
- Thẩm phán: Nguyễn Văn Sơn - Chủ tọa phiên tòa
- Thẩm phán Đặng Bảo Vĩnh
- Thẩm phán Điều Văn Hằng.
Kiểm sát viên: Hoàng Minh Thành - Kiểm sát viên cao cấp VKSNDCC tại Hà Nội.
Thư ký phiên tòa: Phạm Minh Tùng.

Những người kháng cáo: ông Trương Minh Đức, ông Phạm Văn Trội, ông Nguyễn Bắc Truyển, ông Nguyễn Trung Tôn.

Những người không kháng cáo: ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thu Hà.

Luật sư tham gia tố tụng bào chữa cho các bị cáo:
- Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Truyển và bị cáo Nguyễn Trung Tôn
- Luật sư Nguyễn Văn Miếng bào chữa cho bị cáo Trương Minh Đức
- Luật sư Đặng Đình Mạnh bào chữa cho bị cáo Nguyễn Trung Tôn
- Luật sư Đoàn Thái Duyên Hải bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Truyển
- Luật sư Lê Văn Luân bào chữa cho bị cáo Trương Minh Đức
- Luật sư Ngô Anh Tuấn bào chữa cho bị cáo Phạm Văn Trội.

-------------------------------------
VOA Tiếng Việt
04/06/2018

Một tòa án ở Hà Nội vừa ra quyết định giữ nguyên mức án tù tổng cộng 66 năm đối với 6 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ (AEDC) trong phiên xử phúc thẩm ngày 4/6, sau khi “liên tục cản trở” các bị cáo và luật sư phát biểu.

Theo một luật sư tham gia bào chữa, tòa án cũng từ chối yêu cầu công bố file ghi âm đã được sử dụng làm chứng cứ chống lại các bị cáo.

6 thành viên của Hội AEDC gồm: Luật sư Nguyễn Văn Đài, cộng sự Lê Thu Hà, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, ký giả Trương Minh Đức, kỹ sư Phạm Văn Trội và nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển bị kết án tổng cộng 66 năm tù giam vào ngày 5/4 với cáo buộc tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một trong 6 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, cho biết, phiên tòa phúc thẩm ngày 4/6 đã diễn ra đầy “kịch tính” khi các bị cáo tự bào chữa với “khí phách mạnh mẽ” và các luật sư cố gắng hết sức để đối đáp với Viện Kiểm sát trong tình trạng “liên tục bị cản trở, ngắt lời”.

Luật sư Phúc nói với VOA:

“Tòa hạn chế quyền phát biểu của các bị cáo và các luật sư. Bị cáo nói chưa hết câu thì đã chặn lại. Luật sư mới mở đầu nói, chưa có chủ ngữ, mới thành phần phụ, mệnh đề câu mới đưa ra thì đã bị chặn lại, nói rằng ‘Không được đề cập, những việc đó đã nói rồi’ trong khi chưa biết người ta sẽ nói gì”.

Trước khi diễn ra phiên phúc thẩm, một trong các bị cáo, ký giả Trương Minh Đức, đã nhiều lần yêu cầu tòa án công bố các file ghi âm về các cuộc họp định kỳ của Hội AEDC đã được sử dụng làm vật chứng chống lại các bị cáo.

Ông Trương Minh Đức khẳng định không có chuyện âm mưu lật đổ trong các file ghi âm này. Tuy nhiên, theo luật sư Phúc, yêu cầu của ông Đức một lần nữa bị bác bỏ trong phiên tòa ngày 4/6.

Ông cho biết thêm:

“Bị cáo Trương Minh Đức có yêu cầu tòa cung cấp vật chứng là các file ghi âm, mở ra cho các bị cáo và luật sư nghe vì nghi ngờ việc chuyển thể từ file ghi âm ra chữ viết trên giấy là không đúng với nội dung thực. Nhưng tòa không chấp nhận, cũng không đưa ra vật chứng, không công bố ra, vẫn dựa trên nội dung đã được cơ quan điều tra thu thập trước đó”.

Mặc dù đã dự đoán trước kết quả, nhưng theo lời luật sư Phúc, các bị cáo và luật sư vẫn muốn kháng cáo để có một “không gian lên tiếng” và để cộng đồng biết được phần nào việc xử lý một vụ án “khuất tất” và “không tuân thủ theo chính Luật tố tụng hình sự của Việt Nam”.

Như vậy, với kết quả xử phúc thẩm, Luật sư Nguyễn Văn Đài, một trong những người sáng lập ra Hội Anh em Dân chủ, vẫn bị giữ nguyên mức án 15 năm tù giam và 5 năm quản chế. Mục sư Nguyễn Trung Tônnhà báo tự do Trương Minh Đức giữ mức án 12 năm tù giam và 3 năm quản chế. Nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển bị kết án 11 năm tù. Bà Lê Thu Hà, cộng sự của Luật sư Đài, nhận bản án 9 năm tù. Kỹ sư Phạm Văn Trội giữ mức án 7 năm tù giam.

VIDEO :
Phúc thẩm: Thành viên Hội Anh em Dân chủ bị y án (VOA)

------------------------------
BBC Tiếng VIệt
4 tháng 6 2018

Bốn thành viên Hội Anh Em Dân Chủ bị xử y án trong phiên tòa phúc thẩm được tổ chức trong vòng một ngày tại Hà Nội hôm 4/6/2018.

Các ông Trương Minh Đức, Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển và Mục sư Nguyễn Trung Tôn bị đưa ra xử sơ thẩm hôm 5/4/2018 cùng Luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà, trong vụ án "nhằm lật đổ chính quyền", quy định tại Điều 79, Bộ luật Hình sự năm 1999.


Mức án dành cho ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thu Hà, hai người không kháng cáo, đã không được tòa phúc thẩm xem xét đến, luật sư Lê Luân nói với BBC sau khi phiên tòa kết thúc.

'Phiên phúc thẩm chưa làm rõ những điểm quan trọng'
Tuy nhiên, việc ông Đài, người mà cơ quan công tố cáo buộc là đã tổ chức hành vi phạm tội, không được đưa ra trong phiên phúc thẩm, cũng như sự vắng mặt của giám định viên, đã khiến quá trình xét xử không làm rõ được những điểm cần thẩm vấn liên quan đến các nội dung kháng cáo của bốn người còn lại, Luật sư Lê Luân nói thêm.

Trong thông cáo báo chí đăng hôm 2/6, Hội Anh Em Dân Chủ yêu cầu tòa phúc thẩm "làm rõ về năm người giám định viên vắng mặt" và kêu gọi công bố các file ghi âm được dùng để buộc tội các bị cáo.

Hội này nói các giám định viên "trong phiên tòa sơ thẩm đã trốn tránh trách nhiệm giám định và từ chối đưa ra bằng chứng kết tội là những file ghi âm."

Bốn người kháng án với lý do họ bị xử oan sai.

Tuy nhiên, khi nghe tòa phúc thẩm tuyên án theo đó bác toàn bộ các nội dung kháng cáo và y án sơ thẩm, họ đều "giữ nguyên thái độ và chấp nhận bản án", Luật sư Lê Luân nói.

Gia đình Mục sư Nguyễn Trung Tôn cho BBC biết trong lời nói cuối cùng trước khi tòa tuyên án, ông nói: "Luật pháp có tình yêu con người thì đất nước sẽ có tương lai."

Mối quan tâm của quốc tế
Ngay sau khi án phúc thẩm được tuyên, Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) ra thông cáo nói đây là cú đánh vào quyền tự do ngôn luận.
"Việc ra án tù nhiều năm là quyết định bất công đối với bốn người vốn không làm gì ngoài việc bảo vệ nhân quyền một cách ôn hòa," Minar Pimple, Giám đốc Cao cấp phụ trách Hoạt động Toàn cầu của Amnesty International, nói.
"Các nhà hoạt động này đã bị giới chức Việt Nam bắt phải im lặng do họ đã dũng cảm lên tiếng tại một quốc gia nơi mà quyền tự do ngôn luận bị công kích."
"Việt Nam cần ngay lập tức dừng việc trấn áp giới bất đồng chính kiến và chấm dứt việc tống giam những người bảo vệ nhân quyền. Những tù nhân này, cùng với những người khác đã bị cầm tù một cách bất công, cần phải được trả tự do," quan chức của Amnesty International nói.


Tin cho hay phiên xử phúc thẩm có sự tham dự và quan sát của các đại diện của Đại Sứ Quán Mỹ, Đức cùng với đại diện của một số đại sứ quán khác.

Tổ chức Human Rights Watch, qua một thông cáo do ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á, gửi đi hôm 3/6, viết:

"Bốn nhà hoạt động này đã vận động không mệt mỏi để yêu cầu Việt Nam tôn trọng nhân quyền và áp dụng các nguyên tắc dân chủ, và giờ đây họ đang trở lại nhà tù với những án tù lâu dài một cách bất công, chỉ vì họ dám kêu gọi sự thay đổi một cách ôn hòa."
"Việt Nam phải chấm dứt chính sách đàn áp có hệ thống với những người bảo vệ nhân quyền, những người chỉ đơn giản là tìm cách cải cách chính phủ ở quốc gia họ sinh sống."
"Các nhà tài trợ quốc tế và các đối tác thương mại nên áp lực Việt Nam chấm dứt những vi phạm nhân quyền trắng trợn, giải phóng tất cả các tù nhân chính trị và cải cách hệ thống pháp luật để chấm dứt sự thống trị của đảng cầm quyền trên nền tư pháp khiến những phiên tòa như thế này thành ra sự nhạo báng công lý."

Luật sư Nguyễn Văn Đài (giữa) đã không nộp đơn kháng cáo, chấp nhận mức án tuyên trong phiên tòa sơ thẩm 5/4/2018

Bốn bị cáo ra tòa hôm nay bị bắt vào tháng 7/2017 vì liên quan đến Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức được luật sư Nguyễn Văn Đài và các nhà hoạt động thành lập vào tháng 4/2013.

Hội này tuyên bố tôn chỉ của hội là nhằm "bảo vệ nhân quyền được Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế công nhận" và "thúc đẩy xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ, văn minh và công bằng cho Việt Nam".


Trong số các hoạt động mà thành viên của Hội từng thực hiện có việc tổ chức các khóa đào tạo về xã hội dân sự, nhân quyền và dân chủ; tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, ủng hộ môi trường; và các hoạt động nhân đạo như giúp đỡ nạn nhân thiên tai và cựu chiến binh khuyết tật; hỗ trợ pháp lý cho các nhà hoạt động bị bắt.

Tuy nhiên, giới chức cho rằng "các bị cáo đã lợi dụng cuộc đấu tranh cho 'dân chủ, nhân quyền, xã hội dân sự' để che giấu mục đích của Hội Anh Em Dân Chủ", theo nội dung cáo trạng tại phiên tòa sơ thẩm hồi đầu tháng Tư.








No comments:

Post a Comment

View My Stats