Saturday 23 June 2018

CHUYỆN HAI ANH EM TRÊN BÀN THỜ (Văn Biển)




Văn Biển
22/06/2018

Trong một hẻm nhỏ không tên, cuối hẻm có một ngôi nhà nhỏ thờ hai anh em tuổi trạc 18-20. Hai anh em giống như cặp sinh đôi, có điều hơi khác. Thằng lớn mặc quân phục bộ đội cụ Hồ, đội mũ tai bèo. Thằng em mặc quân phục lính miền Nam. Ảnh hai anh em đứng sát nhau. Mỗi lúc có cán bộ phường tới thăm hoặc làm việc, bà mẹ vội vàng cất tấm ảnh thằng em đi. Đợi khách đi rồi bà mẹ đem ra đặt lại trên bàn thờ, y chỗ cũ.

Hai người lính: bộ đội CSVN Nguyễn Huy Tạo (trái) và người lính VNCH Bùi Trọng Nghĩa (phải), trong bức ảnh nổi tiếng của nhà báo Chu Chí Thành. Ảnh minh họa. Cả hai nhân vật hiện còn sống.

Đợi đến đêm thanh vắng, hai anh em nói chuyện với nha

Anh thấy có tội mẹ không? Sao mẹ không cất quách tấm hình em đi. Những lúc có các ông cán bộ Phường tới, trông bộ mẹ tội nghiệp thế nào ấy. Nếu biết trước thế này, thà mẹ đừng sinh em ra.

Em lại nghĩ xa xôi… vớ vẩn rồi. Nếu có trách hãy trách lịch sử. Tại sao lại sinh ra cuộc chiến tranh Nam – Bắc tàn khốc huynh đệ tương tàn, kéo dài suốt 20 năm.

Thằng em bỗng bật cười: Sao chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng đổ cho lịch sử. Lịch sử là do con người làm ra. Một lát thằng em lại hỏi: Theo anh do đâu?

Hồi đó bọn anh được giải thích là, đồng bào miền Nam sống cực khổ dưới ách đô hộ của Mỹ – Diệm. Bác Hồ thương xót đồng bào miền Nam, đêm quên ngủ, ngày quên ăn.

Sao em nghe nói ngoài đó sợ trong này để càng lâu miền Nam càng giàu có lớn mạnh thì càng khó thống nhất…

Sau này ngoài đó cũng có nhiều người nghĩ như vậy.

Em nghĩ nói “ngoài đó” nghe chung chung và oan cho nhân dân. Chẳng có  người dân nào thích đánh nhau đâu. Cái chết, tang tóc, đau thương bao giờ cũng thuộc về người dân. Có nhà thơ đã nói đúng, trong chiến tranh dẫu bên nào thắng thì kẻ thua thiệt vẫn là người dân (1).

Thằng anh trầm ngâm… Ừ, lịch sử chỉ là cách nói thôi.

Hỏi thật anh, ngồi sát bên em, anh có thấy hổ thẹn không?

Sao em lại nói thế?

Vì em là lính ngụy mà.

Ngụy là do bên kia tự ý đặt ra. Một đằng theo Liên Xô, theo Tàu. Sau mấy chục năm anh cả sụp đổ tan thành mây khói, anh hai ngày càng lộ nguyên hình tên cáo già xỏ lá, âm mưu xâm chiếm Việt Nam. Còn một đằng theo Mỹ. Đi ba đồng bảy đổi cuối cùng bên kia lại trở về với con hổ giấy. Người ta bảo phải mất 70 năm để đi một đường vòng cộng với bao nhiêu xương máu mới làm được chuyện này. Nếu ta thử làm một phép tính cộng.

Thường không ai nghĩ tới chuyện này. Tâm lý người đời chia sẻ niềm vui chứ ít ai cộng lại các nỗi đau, mất mát.

Còn chuyện con hổ giấy là do thằng Tàu đặt ra.

Chính Mao đặt ra. Nhưng hắn là kẻ muốn làm thân với Mỹ nhất. Nghe nói lúc Nixon sang, hắn chờ từng giây từng phút, theo dõi từng bước đi của con hổ giấy.

Tuy là hổ giấy nhưng móng vuốt của nó là móng vuốt thật.

Vậy rốt cục anh em mình chết oan à? Anh bị bom từ máy bay Mỹ trên đường Trường Sơn. Còn em bị chết do mìn phía anh. Em hỏi thật anh, nếu tình cờ… của lịch sử anh em mình mỗi người ở một bên chiến hào, trông rõ mặt nhau, nhận ra nhau, lúc đó anh có bắn thằng em ngụy này không?

Em hỏi hơi ác đấy. Khó trả lời. Còn tùy theo tình huống thực tế lúc đó. Bọn anh được dạy căm thù Mỹ, Ngụy từ lúc còn ngồi ở ghế nhà trường, miệng còn hôi sữa.

Thế còn em. Liệu có bắn anh không?

Chắc chắn là không. Lúc anh đi rồi, mẹ kể nhiều chuyện về anh, chuyện của hai đứa mình. Lúc nào anh cũng nhường nhịn em. Miếng bánh chia đôi, phần lớn anh nhường cho em. Em chỉ mong gặp anh… Nhưng không phải gặp anh trong trường hợp cả hai đứa đều trên bàn thờ.

Buồn thật.

Buồn và đau khổ nhất vẫn là mẹ. Mẹ đều thương hai đứa như nhau. Chắc mẹ nghĩ chẳng có thằng nào bên ta, bên địch cả.

Sao hồi đó anh không trốn quân dịch. Em trốn quân dịch mấy lần, cuối cùng cũng bị bắt.

Lúc đó anh đang học ở Liên Xô, nghe tin miền Nam đang bị Mỹ xâm chiếm, anh và vài anh em khác hăng hái viết đơn xin về nhập ngũ rồi vượt Trường Sơn vào trong này.

Bây giờ anh có tiếc không?

Bi kịch của lịch sử mà. Mình chỉ là con bài, con tốt của số phận.

Bất ngờ cậu em hỏi:
Anh có biết cuộc giải phóng miền Nam đã cứu bà con miền Bắc không?

Anh chưa từng nghe nói chuyện đó. Trông thằng anh vẻ ngạc nhiên.

Người ta bảo nếu miền Bắc không bận tâm suốt 20 năm trời vào công cuộc giải phóng miền Nam thì rảnh rỗi thế kia làm gì không tính chuyện làm một cuộc cách mạng văn hóa long trời lở đất như người thầy vĩ đại bên kia. Mà hậu quả của cách mạng văn hóa còn kinh khủng gấp mấy cuộc cải cách ruộng đất. Cải cách ruộng đất chỉ tập trung trong mấy vùng nông thôn, còn cách mạng văn hóa thì có thể chơi luôn toàn quốc, muốn đánh ai thì đánh bất kể người đó là ai kể từ ông Chủ tịch nước trở đi. Người ta tính cuộc cách mạng văn hóa ở Tàu đã giết chết hàng mấy chục triệu đồng chí, đồng bào, những phần tử ưu tú của Đất nước.

Thằng anh nghe nói bỗng rùng mình. Ừ, cũng có lý.

Có bao giờ anh tự hỏi giá ngày đó miền Bắc đừng đánh miền Nam thì bây giờ miền Nam sẽ thế nào.

Trước mắt sẽ không phải chờ mấy chục năm sau cả hai miền mới đuổi kịp thằng Thái Lan bây giờ. Vậy cái người ta gọi là được, hóa ra… thằng em bỗng dừng lại quay sang chuyện khác. Giả sử hồi đó hai miền thống nhất theo một kiểu khác, nếu miền Nam thắng chắc chắn không có chuyện hàng triệu người bỏ nước mà đi bằng mọi giá. Và sau mấy chục năm nhân dân cả hai miền sẽ không nghèo đói cực khổ, xã hội ngày càng xuống cấp, tha hóa mọi mặt như bây giờ. Em lại giả sử hồi đó…

Thằng anh cảm thấy ớn lạnh vội cắt ngang:
Lịch sử không có chuyện nếu với giả sử. Cái gì phải tới thì cũng tới rồi. Thôi, ta nói sang chuyện khác đi. Nói mãi chuyện thế sự thì sẽ có hàng trăm ngàn câu hỏi “tại sao” mà không phải ai cũng trả lời được và câu nào cũng giải thích được.

Em vẫn không hiểu…

Thì anh có hiểu gì hơn em đâu. Nói chung do lịch sử cả mà.

Thằng em không nín được cười.

Ừ, đúng. Cứ đổ hết cho lịch sử là êm chuyện.

Hóa ra lịch sử là cái bồ chứa đựng những điều may rủi định đoạt số phận cả đất nước nhưng lại lệ thuộc vào ý chí của một vài người, mà khổ thay, không phải lúc nào cũng đúng. Thậm chí sai lầm lại nhiều hơn. Những sai lầm chết người.

… Thằng em như vẫn còn áy náy:
Em nghĩ giả sử hồi đó…

Lần này thằng anh giả vờ lim dim ngủ để tránh những câu hỏi không thể trả lời được… Nếu cứ giả sử mãi thì rốt cục cũng sẽ thành chuyện “Nghìn lẻ một đêm”… Mà toàn chuyện đau lòng… dầu cho vài trăm năm sau có trở thành chuyện cổ tích. Lịch sử không quên, không bỏ sót một điều gì.

(1) Nguyễn Duy
____

Bài viết trên trích từ sách Que Diêm Thứ Tám của tác giả Văn Điển gửi tới Tiếng Dân.

Mời đọc lại: 














No comments:

Post a Comment

View My Stats