Friday 22 June 2018

"THẢO DÂN VÔ MINH" & DÂN CHỦ (Nguyễn Quốc Tấn Trung - Luật Khoa)




Posted on 21/06/2018

Điều gì khiến cho nhiều người có địa vị trong xã hội Việt Nam giờ đây khinh rẻ khả năng của những công dân bình thường, và từ đó đánh giá thấp dân chủ?

Giới trí thức Việt Nam không đơn độc với thái độ khinh đời của họ. Rất nhiều nhà khoa học xã hội lừng danh trên thế giới đã không còn tin rằng dân chủ (democracy) luôn tốt hơn chủ nghĩa thông thái chính trị (espitocracy).

Có cội nguồn từ cuốn “Cộng hòa” của triết gia Plato vốn cho rằng “mặt trời chân lý” (the sun of truth) mới là người quản lý đám đông sống trong vực thẳm ngu muội, chủ nghĩa thông thái chính trị vì vậy không trao quyền bầu cử như nhau cho mọi công dân, mà lá phiếu của những công dân có kiến thức hơn, thông tuệ hơn sẽ có giá trị lớn hơn.

Quan điểm này không phổ biến nhưng vẫn được lưu giữ và truyền tải qua nhiều giai đoạn. Năm 1922, Walter Lippmann, người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “Cold War” và định hình nên cách hiểu mô hình chính trị quốc tế thời Chiến tranh lạnh, cũng ra mắt quyển Public Opinion (Công luận), trong đó cho rằng những chuyên gia khoa học xã hội mới cần là những người quản lý xã hội sau bức màn nhung, và người dân cần bị hệ thống tuyên giáo kiểm soát – chi phối.

Hay trong tác phẩm Democracy for Realists (Dân chủ cho người duy thực), các tác giả Achen và Bartels cũng cật lực lên án thứ mà họ gọi là thứ “lý thuyết dân gian” truyền tụng về dân chủ. Họ khẳng định mô hình dân chủ đại diện không thể giúp đại biểu chuyển đổi quan điểm chính trị của cử tri thành chính sách công, bởi vì chính những người đi bầu chẳng có quan điểm chính trị gì cả. Họ chỉ bầu dựa trên danh tính nhóm hay phe phái mà thôi.

Làn sóng chống dân chủ được “gìn giữ” qua nhiều thế hệ chuyên gia khoa học xã hội cũng như những chuyên gia chính trị. Tựu chung, những nhóm chuyên gia này cho rằng công dân biết rất ít về chính trị. Nhiều nhóm công dân còn nguy hiểm hơn là không biết gì về chính trị, họ tham gia một cách chủ động vào chính trị mà chẳng hiểu gì về bản thân môi trường chính trị của họ. Như thế vẫn chưa hết, nhiều nhà quan sát như Giáo sư Dunning phê phán rằng rất nhiều công dân không chỉ hiểu sai về chính trị mà còn đánh giá sai về năng lực và khả năng thấu hiểu chính trị của bản thân mình.

Đến năm 2016, sau khi người đàn ông tai tiếng Donald Trump đắc cử làm Tổng thống thứ 45 của của Hoa Kỳ, làn sóng chống dân chủ và ủng hộ chủ nghĩa tinh hoa thật sự trở lại với nền chính trị phổ thông. Ngoài việc các bên cử tri công kích nhau là thất học (“uneducated”), là những kẻ ngu muội đáng nguyền rủa (“deplorable”), các học giả danh tiếng bắt đầu đường đường chính chính giới thiệu cho bạn đọc trên thế giới nhiều tác phẩm khoa học chi tiết về chống dân chủ, mà quyển Against Democracy của Jason Brennan, Giáo sư triết học và khoa học chính trị của Đại học Georgetown danh tiếng chắc chắn là một minh chứng cụ thể.

Trong tác phẩm của mình, Brennan nhìn nhận rằng sự vô minh của mỗi công dân tự nó khó tác động lên môi trường chính trị xã hội, nhưng những cuộc bầu cử giúp tập trung sự mông muội này với liều lượng cao. Sự vô minh sẽ có ảnh hưởng không lường trước được đến sự tồn vong của một quốc gia khi nền dân chủ trao quyền quyết định cho phe đa số.

Nhìn chung, những tác phẩm chống dân chủ tiêu biểu trong xã hội đương đại Hoa Kỳ  và thế giới như Against Democracy (Chống dân chủ) của Brennan, Democracy and Political Ignorance (Dân chủ và Sự vô minh chính trị) của Somin hay Democracy for Realists (Dân chủ cho người duy thực) của Achen và Bartels đều có cùng một góc nhìn: giới hoạt động chính trị cần chấp nhận giới hạn của các công dân trong hoạt động chính trị nói chung và cần có những lằn ranh nhất định khi họ tham gia quyết định quyết sách chính trị.

Trong quyển Dân chủ cho người duy thực, Achen và Bartels cũng ví dụ về sự vô minh và cảm tính của người dân trong cuộc bầu cử ở tiểu bang New Jersey (Hoa Kỳ) tận năm 1916.

Số là mùa hè năm 1916, những người du lịch biển ở New Jersey đã phải trải nghiệm nhiều đợt cá mập tấn công khá tồi tệ. Đến tháng 11 cùng năm khi diễn ra kỳ bầu cử tổng thống mới, các thị trấn ven biển của New Jersey quyết định không bầu cho Tổng thống đương nhiệm Woodrow Wilson nữa; đặc biệt khi so với tỉ lệ bầu với các thị trấn không ven biển cũng thuộc New Jersey. Có vẻ như cư dân ven biển của New Jersey đang trừng phạt Wilson vì đã để những vụ cá mập tấn công này xảy ra.

Achen và Barteles từ đó bình luận rằng khả năng đưa ra các phán đoán, nhận định hợp lý về trách nhiệm và lỗi của các nhóm cử tri khá … hạn chế; một cách nói lịch sự của việc cho là cử tri không đủ thông minh để nhận ra rằng Tổng thống Wilson không phải là người chịu trách nhiệm cho những vụ tấn công này. Vậy nên, hai tác giả khẳng định, soạn chính sách, viết chính sách, thông qua chính sách là chuyện của những chuyên gia, không phải nơi người dân có thể chõ mũi vào.

Xã hội phân công
Một điều chúng ta cần nhớ rằng, việc cá nhân thông tuệ chính trị hay pháp luật không hẳn vì họ hơn người, họ thuộc tầng lớp tinh hoa thần thông quảng đại. Đó đơn giản là vì xã hội phân công, vì bản thân người đó tìm thấy sự yêu thích, tìm ra thời gian và nguồn lực để theo đuổi việc học tập pháp luật, nghiên cứu chính trị và xây dựng chính sách. Những cử tri, công dân thông thường không hẳn không giỏi giang bằng, mà bởi vì họ thiếu thời gian và năng lượng để tự cuốn mình vào những vấn đề kỹ thuật của chính sách công và pháp luật. Họ dành thời gian làm việc mình yêu thích hơn, tạo ra sản phẩm xã hội hay vận hành các mắc xích khác nhau của nền kinh tế.

Chính phủ, giới trí thức, vì vậy, cần đối xử với công dân như những người trưởng thành có năng lực đưa ra các quyết định thấu đáo và thực hiện những hành động đạo đức, hơn là xem họ là những đứa trẻ cần phải được giật dây sau lưng mới có thể hành động đúng. Thay vì lên án và dè bỉu những sai lầm nhỏ bé, cách tốt nhất để truyền cảm hứng cho người dân, là trao thêm cho họ nhiều thông tin, nhiều cơ hội để tham gia vào các tiến trình chính trị.

Từ Thomas Jefferson đến Alexis de Tocqueville, rất nhiều nhà chính trị thành công trong việc xây dựng chính quyền luôn ủng hộ việc phân quyền rộng rãi ở mức cao nhất có thể cho cư dân quốc gia. Chúng phục hồi niềm tin chính trị, thúc đẩy ý thức tự giáo dục chính trị cũng như tăng cường bản lĩnh chính trị của bất kỳ người dân nào, không cần đến một tổ chức tuyên giáo hay cơ quan trung ương bên ngoài căn dặn.

Quần chúng nhân dân không ngu ngốc, họ mắc phải sai lầm chính trị vì bị kiềm kẹp trước đó mà thôi. Vì những lý do này, tôi tin tưởng rằng nhiệm vụ cần được nhấn mạnh hiện nay, và càng quan trọng hơn trong môi trường chính trị Việt Nam, là bảo vệ và mở rộng khả năng tham gia thực hành chính trị, không phải giới hạn, chê bai hay dẹp bỏ chúng chỉ vì dân chúng không phải chuyên gia đầu ngành.

Mỗi ngày, hàng triệu cư dân trên đất nước Việt Nam đang chứng minh khả năng học tập của mình. Họ học thêm ngôn ngữ thứ ba, chuyển đến một thành phố hoàn toàn xa lạ để sinh sống, học thêm kỹ năng để tìm việc mới, quản trị tất cả những chi tiết phức tạp trong môi trường sống hiện đại bằng khả năng tự thân.

Hiển nhiên, con người luôn có thái độ thờ ơ trước những thứ không ảnh hưởng đến đời sống của họ. Bạn không thể yêu cầu một tiểu thương chợ Bà Chiểu có kiến thức chuyên môn và khả năng phân biệt độ nặng nhẹ giữ hai dự thảo Luật An ninh mạng và Luật Đặc khu, rồi phê phán rằng họ đặt nặng luật này, xem nhẹ luật kia; không yêu nước hay không yêu tự do.

Hay ngược lại, chính quyền lại càng không thể cho rằng một tiểu thương bán buôn nhỏ thì không được quyền lên tiếng phản đối hai dự thảo. Không chính sách quốc gia nào lại không ảnh hưởng đến dân chúng, không đạo luật nào ban ra không cần quan điểm đến cử tri.

Hơn nữa, khác với giới chính trị gia và những chuyên gia tinh hoa “chém sắt như chém bùn”, dân chúng nhận biết được sự vô minh của họ. Họ là những người chấp nhận lắng nghe nhất trong tất cả số những đối tượng nắm chủ quyền quốc gia mà chúng ta có thể liệt kê trong lịch sử loài người. Giữa đám đông quần chúng vô minh nắm quyền và những kẻ độc tài thân hữu nắm quyền, tôi tin rằng luôn dễ dàng hơn để đối thoại và thuyết phục nhóm đầu tiên.

Đừng ép người dân vào con đường vô minh
Cần khẳng định rằng cả quá trình vội vã chia sẻ những thông tin chưa chính xác về dự thảo Luật Đặc khu không hẳn là lỗi của người dân.

Việc bị hạn chế tiếp cận thông tin, bị nhồi nhét quá nhiều thông tin một chiều từ nhà nước, việc họ nhận ra cách phản ứng thiếu quyết đoán và thiếu phù hợp của chính phủ đối với các tai nạn biển từ “tàu lạ” đang xảy ra với mực độ dày đặc là những lý do khiến cho người dân bị cảm xúc lấn át.

Họ có ác cảm với Trung Quốc như là một thói quen. Và để loại bỏ thói quen, để dân chúng có một cái nhìn rộng hơn, cần có sự đồng cảm với những cư dân khác, cần có một khái niệm về lợi ích công cộng. Như John Stuart Mill từng nhận định, những thứ ấy chỉ có thể có được nếu người dân được tham gia vào chính trị, không phải tránh né chúng.

Không một con người hiện đại nào thích được nghe: “Làm như tao bảo”. Họ cũng không thích phải nghe những lời dạy dỗ đừng đấu tranh thế này, phải đấu tranh thế kia, đấu tranh cách đấy là thiếu hiểu biết, v.v.

Sự cô lập tương tự dành cho những công dân bình thường chỉ càng khiến họ xa lánh chính trị hơn mà thôi. Hệ quả là cuộc chiến tranh giành quyền lực lại sẽ chỉ tiếp tục diễn ra giữa những nhà kỹ trị và những kẻ dân túy, hai lực lượng có năng lực … độc tài, thoái hóa không kém gì nhau.

Dân chủ luôn có lựa chọn thứ ba. Và những công dân bằng xương bằng thịt, được thông tin đầy đủ, được trao cơ hội và có quan tâm chung đến lợi ích quốc gia là nguồn lực chính cho lựa chọn đó.








No comments:

Post a Comment

View My Stats