Saturday, 19 November 2016

VIETNAM FILM CLUB (VFC) RA MẮT PHIM "HỒN TỬ SĨ " nói về NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI BIÊN HÒA (Việt Báo)




19/11/2016

Westminster (Bình Sa)- - Tại hội trường Thành Phố Westminster, Nam California vào lúc 1 giờ chiều Chủ Nhật ngày 13 Tháng 11 năm 2016, Vietnam Film Club (VFC) đã tổ chức buổi ra mắt phim Hồn Tử Sĩ nói về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.

Mặc dù một buổi chiều Chủ Nhật rất bận rộn với nhiều sinh hoạt của cộng đồng, nhưng rất đông đồng hương đến tham dự, trong đó cựu Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị, Nữ Tài Tử Kiều Chinh, Giáo Sư Lê Văn Khoa, GS. Trần Huy Bích, Nhà văn, nhà báo Đỗ Tiến Đức, Bà cựu Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, ông Nguyễn Văn Ức, ông Nguyễn Minh Chánh, Anh Lý Vĩnh Phong, Phụ Tá Dân Biểu Lowenthal, một số qúy vị đại diện cộng đồng, hội đoàn, đoàn thể, các cơ quan truyền thông và đồng hương.

Điều hợp chương trình Nhà văn Trần Phong Vũ cùng các thành viên trong Ban tổ chức có Nhà Văn Huy Phương, ông Ngô Chí Thiềng, Bà Ngọc Đan Thanh.

Trước khi vào lễ chính thức, Nhà văn Trần Phong Vũ cho biết: “Hôm nay, anh em chúng tôi được hợp tác với Vietnam Film Club tổ chức một buổi gặp gỡ đồng hương ở Orange County để giới thiệu một bộ phim mới vừa được thực hiện xong, và đã ra mắt lần đầu tại Washington, DC. Hôm nay là lần thứ hai giới thiệu bộ phim này, đó là phim Hồn Tử Sĩ-Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Nhân dịp nầy chúng tôi rất mong được quý đồng hương hưởng ứng để yểm trợ cho công trình của nhóm thực hiện phim này. Đây là một phim tài liệu về lịch sử có giá trị để cho mai sau, khi con em của chúng ta sinh ra và lớn lên ở hải ngoại hiểu được về cuộc chiến Việt Nam, đồng thời cũng giới thiệu cho những người ngoại quốc muốn biết gì về cuộc chiến đó.”


Sau phần nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ, phút mặc niệm.

Tiếp theo Nữ nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh lên nói qua vài nét về VFC.

Bà cho biết: “VFC được thành lập ngày 25 tháng 9 năm 2010, do Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích và anh Chu Lynh đồng chủ trương. Sau đó, Giáo Sư Bích đột ngột qua đời ngay trên chuyến bay qua Manila, Philippines, để tham dự hội thảo về Biển Đông. Đó là một mất mát to lớn cho cuộc đấu tranh chung của tập thể người Việt tị nạn Cộng Sản, Bà cho biết tiếp, tất cả những thành viên đến với VFC đều xuất phát từ tinh thần thiện nguyện. Mọi nhu cầu về phương diện điều hành gần như tự túc. Tuy nhiên, nhờ sự hưởng ứng của đồng hương khắp nơi, VFC đã thiết lập được một mạng lưới nhân sự từ Úc, Âu Châu, Canada tới khắp các tiểu bang Hoa Kỳ để thực hiện các phim tài liệu lịch sử liên quan đến cuộc chiến Việt Nam.”

Ông Chu Lynh nói. “Cuốn phim này có được ngày hôm nay là nhờ sự đóng góp tất cả các nơi, vì thế, chúng tôi, những người thực hiện cảm thấy rằng, cuốn phim này là tài sản chung của người Việt hải ngoại, không còn là tài sản của VFC nữa.

Ông cho biết, ông và những người đồng sáng lập VFC trở về Việt Nam 2003 thăm gia đình, ông đã đến viếng thăm nghĩa trang và nhận thấy tình trạng hoang phế với sự tàn phá có chủ đích. Dù bị cấm đoán, nhưng ông may mắn thu được một số hình ảnh của nghĩa trang cùng một đoạn phim ngắn khoảng 15 phút. Chuyến thăm được thuật lại trong bài viết “Hồn Ai Trong Gió,” nhưng hơn 10 năm sau, VFC mới có dịp thực hiện phim tài liệu về nghĩa trang này. “Chúng tôi không nói về nội dung của cuốn phim, nhưng xin quý vị, một buổi tối nào trong gia đình, cho con cháu xem cuốn phim này, và nói với họ rằng, đây là nơi an nghỉ của những người đã chiến đấu cho quê hương, họ là những chiến sĩ đã vị quốc vong thân,”


Sau đó Ban tổ chức cho chiếu một đoạn phim cho những người tham dự xem.

Trong phần phát biểu Nhà Văn Huy Phương đã cho biết: Câu chuyện Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa được mọi người quan tâm không phải bây giờ mà cách đây đã khá lâu, khi một số người tị nạn Cộng Sản đã ra được nước ngoài, vẫn canh cánh bên lòng câu chuyện đau lòng của nghĩa trang miền Nam, nơi đã chôn cất hàng chục nghìn tử sĩ của miền Nam. Nghĩa trang này sau khi miền Nam thất thủ, đã không được chính quyền Cộng Sản, những người thắng cuộc tôn trọng và cư xử với đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận” của người phương Đông hay với tính cách nghĩa hiệp của người văn minh phương Tây, đối với những người cùng chung một nước, như sự cư xử của Bắc quân khi miền Nam thất trận trong cuộc Nội Chiến (Civil War 1861-1865) của Hoa Kỳ.

Ngay đối với đội quân xâm lược từ một quốc gia khác, khi tiếng súng đã ngưng, những đối thủ ngày trước, bây giờ cũng phải được tôn trọng, nhất là đối với những người đã chết.

“Nhắc đến Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa là nhắc đến một sự đau lòng, và giờ này, VFC mới nói ra. Cách đây cũng lâu, khi người tị nạn đến Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới đều nghĩ đến những người đã chết, chỉ tiếc rằng, kẻ thù của chúng ta đang là kẻ thắng trận không có đạo đức của người Đông Phương là nghĩa tử là nghĩa tận, cũng không được cái hào hiệp của người Âu Châu, cho nên chúng ta lâm vào cảnh có một nghĩa trang hoang tàn như ngày hôm nay. Không ai mà không đau lòng về việc này, trong khi chúng ta sung sướng ở đây, chúng ta phải nghĩ những người ở lại, những thương binh thì chúng ta đã lo cho họ phần nào, nhưng người chết trong nghĩa trang, chúng ta chưa tròn bổn phận. Đối với những nước văn minh, khi tiếng súng đã ngưng, thì đối thủ ngày trước, bây giờ không còn là kẻ thù nữa, và những người đã chết cần được đối xử tử tế. Nhưng Cộng Sản Việt Nam đã nhẫn tâm trả thù bằng một cách hèn hạ là, đào mồ cuốc mả của những tử sĩ của VNCH…”


Nữ nghệ sĩ Kiều Chinh kể về thời gian bà từng quay phim một tuần lễ ở nghĩa trang. Bà cho biết: “Mỗi ngày tại đó, Kiều Chinh đã nhìn thấy những quan tài được chở tới, Kiều Chinh đã nhìn thấy những thước đất được đào lên, Kiều Chinh đã nhìn thấy những hình ảnh người mẹ, những người vợ, những người con khóc rũ rượi trước xác chết người yêu thương của mình. Hơn một tuần lễ sống tại đó, hàng ngày tôi thường đi lang thang bên dãy mộ bia, có những mộ bia mang tên từ cấp tướng, tá cho đến binh nhì, nhưng có rất nhiều ngôi mộ được ghi tên Chiến sĩ vô danh, nhưng họ là linh hồn. Tôi không biết nói gì hơn là xin cám ơn những người chiến sĩ có danh hay vô danh, xin cám ơn những người đã chết, và xin cám ơn những người còn sống cố gìn giữ danh dự của những người đã chết.”

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa kể lại ngày xưa ông từng xin phép chính quyền để được vào nhà tù của những thiếu niên bụi đời trẻ tuổi phạm tội, và ông đã khuyên họ nên làm việc gì có ích lợi cho xã hội và đất nước hơn là đi phá làng phá xóm. Rồi sau đó, đến ngày Tết Trung Thu, ông mượn một chiếc xe buýt để đưa những người trẻ bụi đời đến thăm Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.

Ông Ngô Chí Thiềng, một quốc gia nghĩa tử, cựu thiếu sinh quân, nói về sự thành lập Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Ông cho biết, vào năm 2007, ông và một số cựu thiếu sinh quân có ý tổ chức một hội để làm việc tu sửa những ngôi mộ trong nghĩa trang. Và sau này ông đã hợp tác với VFC để cùng thực hiện cuốn phim này.

Ban tổ chức cho biết, sau năm 1965, Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa được xây dựng bên cạnh xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa. Từ đó, tử sĩ khắp nơi được đưa về an táng tại nghĩa trang này. Đây là một dự án quy mô với sự hợp tác của nhiều cơ quan trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, dự trù cho khoảng 30,000 ngôi mộ. Nghĩa trang này được xây dựng theo mô hình “Con Ong,” với ý nghĩa: Con ong không thờ hai chúa. Người lính chỉ chết cho ngọn cờ dân tộc.

Cuốn phim được thực hiện có phụ đề song ngữ Anh-Việt, dài 45 phút.

Mọi chi tiết, xin liên lạc: Vietnam Film Club, P.O. Box 5036, Springfield, VA 22150, USA, hoặc email: vietnamfilmclub@aol.com , hay điện thoại số (703) 732 3194.



No comments:

Post a Comment

View My Stats