Friday, 18 November 2016

TÚ TÀI IBM (Nguyễn Việt)




Nguyễn Việt
19/11/2016

Kỳ thi tú tài (TT) niên khóa 1973-1974 có nhiều điều đáng nói. Đây là kỳ thi TT cuối cùng của “chế độ Sài Gòn” và là lần đầu tiên Bộ Giáo dục (BGD), dĩ nhiên cũng của “Sài Gòn”, dùng máy điện toán IBM (International Business Machines) chấm bài. BGD (lúc bấy giờ và bây giờ), thường kèm theo cái “đuôi” những chức năng khác nữa, như BGD + nầy, + kia, nhưng thôi, gọi BGD cho tiện.

Mặc dù máy điện toán đã có khá lâu, khoảng 1924, nhưng ở miền Nam vào những năm 1970 thì còn hiếm, ngay cả mấy tiếng “máy điện toán, máy tính điện tử” cũng chưa được phổ thông. Và BGD cũng không có máy đó nên phải hợp đồng với một đơn vị quân đội Mỹ. Máy IBM dùng cho quân đội nên đặt trong căn cứ quân sự và chuyên viên điều hành là lính. Máy (nhìn hình) to như một chiếc tủ lớn, dây điện chằng chịt nối các máy với nhau.

Máy IBM chỉ chấm bài trắc nghiệm theo mẫu. Bài trắc nghiệm học sinh đã được làm thử trước, được dặn dùng loại bút nào, chọn đánh “X” , hay “khoanh” câu trả lời thế nào, nếu bỏ câu trả lời này, chọn câu kia thì làm thế nào cho hợp lệ. IBM đọc như “máy”, không thông cảm, du di. Bài nào không đúng kỹ thuật sẽ bị loại. Nha khảo thí đã dự liệu có trường hợp “vô tình hay cố ý” không hợp lệ, nên điều thêm một số giám khảo chấm “tay” những bài này. Dù có cả người và máy chấm, nhưng kỳ thi đó vẫn gọi là tú tài IBM.

Trước kỳ thi trên cũng có nhiều ý kiến, kẻ cho rằng “bộ” chưa chuẩn bị kỹ, người nói chấm thi mà vào căn cứ quân sự là không văn hóa, v.v. Nhưng một trong những người có trách nhiệm tổ chức, ông Nguyễn Thanh Liêm, chánh thanh tra, thứ trưởng giáo dục, trong bài “Nền giáo dục ở miền Nam 1954-1975” cho biết: (https://hocthenao.vn/2013/10/16/nen-giao-duc-o-mien-nam-1954-1975-trich-nguyen-thanh-liem/comment-page-1): “Về thủ tục, giấy tờ đầu thập niên 70 Nha khảo thí đã ký khế ước với công ty IBM để điện toán hóa toàn bộ hồ sơ thí vụ, từ việc ghi danh, làm phiếu báo danh, chứng chỉ trúng tuyển, đến các con số thống kê cần thiết. Đề thi trắc nghiệm khách quan thì cũng đã được đem vào các kỳ thi TT I và II cho môn Công dân - Sử Địa từ niên khóa 1965-66. Nhưng phải đến 1974 thì toàn bộ các môn thi trong kỳ thi TT mới gồm toàn những câu trắc nghiệm khách quan có nhiều lựa chọn (multiple choice). Các vị thanh tra trong ban soạn đề thi đều có dự lớp huấn luyện về cách thức soạn câu hỏi, thử nghiệm các câu hỏi với trên 1800 học sinh ở nhiều nơi, phân tích câu trả lời (làm item analysis) của học sinh để định độ khó (difficulty index, độ khó ở đây là 60) của câu hỏi và trả lời để lựa chọn hoặc điều chỉnh câu trắc nghiệm cho thích hợp. Tín độ (reliability; hệ số tín độ của các bài trắc nghiệm ở đây là từ 91 đến 94) và hiệu độ (validity; hệ số hiệu độ của các bài trắc nghiệm ở đây là từ 60 đến 73) của bài trắc nghiệm được tính theo đúng phương pháp thống kê khoa học. Bảng trả lời được đặt từ Mỹ, và bài làm của thí sinh được chấm bằng máy IBM 1230; điểm chấm xong từ máy chấm được chuyển sang máy 534 (punching machine) để đục lỗ. Những phiếu đục lỗ nầy (punched cards) được đưa vào máy IBM 360 để đọc điểm, nhân hệ số, cộng điểm, tính điểm trung bình (mean), độ lệch tiêu chuẩn (standard deviation), chuyển điểm thô (raw score) ra điểm tiêu chuẩn (standard score), tính percentile và thứ hạng trúng tuyển. Nhóm mẫu (sample) và nhóm định chuẩn (norm group) được lựa chọn kỹ càng theo đúng phương pháp khoa học của thống kê học, để tính điểm trung bình và độ lệch tiêu chuẩn”.

Đúng như thế, bằng TT IBM có ghi hạng trúng tuyển (thứ, bình thứ, bình, ưu...) và điểm từng môn thi.

Nhân đây sơ lược về các kỳ thi trước và sau 1975.

Ở miền Nam từ 1954 đến 1974, một năm có các kỳ thi Tiểu học (lớp 5), Trung học đệ nhất cấp (THĐIC - lớp 9), TT1 lớp 11, TT2 lớp 12. Khá lâu về trước còn rườm rà hơn, mỗi kỳ thi lại có hai phần, thi viết (écrit) và vấn đáp (oral). Thí sinh qua “viết” mới được vào “vấn đáp”, ai qua khỏi cả hai phần mới đậu hẳn. Riêng TT2 lại tổ chức hai khóa (lần) trong một năm, khóa 1 (premiere session) tổ chức vào đầu hè, khóa 2 (duexieme session) vào cuối hè.

Việc thi cử như thế, lúc ấy đã bị chê là nặng nề, từ chương, lạc hậu. BGD biết thế, nên đã chỉnh dần, bắt đầu bỏ thi Tiểu học, năm 1967 bỏ thi THĐIC, năm 1973 bỏ thi TT 1. Năm 1974 chỉ có một kỳ TT IBM (khỏi gọi thêm TT 1, 2 gì cả). Như vậy, thi cử ở miền Nam từ 1974, theo kế hoạch, chỉ còn một kỳ thi cho 12 năm học bậc phổ thông. Kế hoạch là vậy, nhưng không thành hiện thực nên không thể biết dự tính kia xấu tốt như thế nào.

Sau 1975, thống nhất đất nước, thống nhất giáo dục, các kỳ thi lại được phục hồi, thi Tốt nghiệp cấp I (có năm gọi là Tiểu học), thi Tốt nghiệp cấp II (THCS), thi Tốt nghiệp cấp III (THPT). Cấp I, cấp II có năm không thi, trường lập hội đồng xét công nhận, có năm thi theo trường, theo cụm. Ngoài ra còn có các kỳ thi tuyển vào các trường chuyên. Gần đây “bộ” quyết bỏ thi Tiểu học và THCS, nhưng giữ lại kỳ thi vào lớp 10. Cách thức cũng đã cải tiến, có tự luận và trắc nghiệm.

Mấy năm gần đây, năm nào BGD cũng thông báo một cách thi THPT, ĐH “mới” (khác) so với năm trước! Có năm hai kỳ THPT, ĐH thi riêng, có năm dùng “2 trong1”, có năm cho một số trường ĐH thi tuyển trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Có năm bài thi, điểm số tập trung lên bộ, có năm giao về cơ sở. Trong buổi chất vấn bộ trưởng giáo dục của Quốc hội ngày 16.11 này, nhiều đại biểu nêu ý kiến về cách tổ chức thi thay đổi xoành xoạch của bộ. Riêng học sinh, phụ huynh vẫn “chấp hành” tốt. Có người bảo “bây giờ học để thi”.

Hơn 40 năm trước việc chấm thi bằng máy thì quả là mới, người ta nghi ngờ việc nầy là điều đương nhiên. Việc thi cử của một đất nước, tương lai của hằng trăm nghìn học sinh không thể làm thí nghiệm được. May sao, kỳ thi đó tương đối yên lành, nếu có trục trặc, chắc chắn báo chí + dư luận bấy giờ “chửi” không đẹp thì thôi.

Bốn mươi năm sau, bây giờ nhìn lại thấy “IBM” cũng không là gì. Nay là thời của công nghệ cao, trực tuyến, phần mềm nọ, mạng kia, chắc chắn BGD sử dụng các phương tiện trên vào các kỳ thi. Nhưng có một năm mạng bị nghẽn, chuyện xem điểm, đăng ký, thay đổi nguyện vọng cũng làm học sinh và phụ huynh “phát sốt”, có phụ huynh phải dùng đến xe “cấp cứu” (115) chạy cho kịp “ưu tiên”.

Ngày trước ít có chuyện thi đậu 100%, kỳ thi TT IBM cũng thế. Ông NTL đã ghi lại kết quả như sau: “Thí sinh ghi tên trong khóa 1, 1974 là 142.356, nhưng thật sự dự thi chỉ có 129.406. Trong số nầy có 53.868 thi đậu (41,6%). Tổng số thí sinh dự thi khóa II là 94.606, nhưng thật sự dự thi chỉ có 76.494. Trong số nầy có 8.607 thi đậu (11,3%). Số người thi đậu TT (tốt nghiệp trung học) nhiều hơn xưa nhiều lắm (hơn 45% cho cả hai khóa, so với khoảng 10% trong những thập niên trước). Kỳ thi quốc gia không còn có mục đích gạn lọc, loại bỏ như xưa nữa. Từ đó sẽ có nhiều người có cơ hội được học đại học, và nước nhà sẽ có nhiều người ở trong thành phần trí thức, trình độ dân trí sẽ được nâng cao”.

Người đậu TT thì có nhiều lựa chọn, nhưng kẻ rớt thì sao?

“Rớt tú tài anh đi trung sĩ”. Trừ nữ sinh và những người còn điều kiện tiếp tục học thi lại, những thanh niên thi rớt thì đa phần vào lính. Tình hình chiến sự từ 1970- 1975 vô cùng ác liệt, hàng triệu thanh niên, những người trong độ “tuổi tú tài” bị gọi vào quân đội. Có những người dù đậu nhưng cũng phải bỏ ngang việc học như những lời ca ngày ấy:
“Trả lại em yêu khung trời đại học,
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
...
Anh sẽ ra đi về miền cát trắng,
Nơi có quê hương mịt mù thuốc súng
...
Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về (Trả lại em yêu - nhạc Phạm Duy).

“Tú tài” ngày trước 75 hơi ít, và càng về trước nữa, càng ít hơn, không phải vì nó cao xa, khó khăn gì mà vì lúc ấy trường trại còn thưa thớt. Thực, thì “tú tài” cũng chưa chuyên khoa. Tuy nhiên những lớp “tú tài” được gọi theo tiếng Pháp “bấc ôn , bấc đơ” (TT1, TT2) thì hiếm và oai lắm. Nhiều vị “tú tài” ngày ấy đã nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực, ngay cả trong hàng ngũ lãnh đạo của cả hai miền Nam, Bắc. Được vậy, một phần nhờ tài riêng, nhưng cũng nhờ giáo dục. Chính nhờ chỉ học chữ Pháp từ môn thể dục, vẽ đến văn toán mà họ thông thạo ngoại ngữ này. Họ nói tiếng Tây “như gió”, đọc sách Pháp dễ dàng nên tiếp cận được với những tư tưởng mới của thế giới. Họ dịch các sách Pháp ra chữ Việt. Họ có những đóng góp không nhỏ cho văn hóa nước nhà mà ảnh hưởng còn đến hôm nay.

“Tú tài” bây giờ thì quá nhiều, cũng thực tình thì các em có hơi “non” một tí, nhưng một mặt nào đấy, khoa học kỹ thuật, thì họ lại có ưu thế khác (hơn?) lớp cha chú ngày xưa. Đáng mừng. Và điều nầy cũng đương nhiên vì họ được hưởng những tiến bộ của khoa học. Với một chiếc máy tính, một iphone, người ta có thể chu du khắp thế giới, ngồi nhà mà biết tức thời kết quả bầu cử ở đâu đâu.

Kỳ TT IBM và các kỳ tú tài trước đó là “chuyện dĩ vãng” hay dở thì cũng đã rồi, BGD (cũ) không còn cơ hội nữa. Nhưng những người có trình độ tú tài” (dưới, bằng hoặc trên) thì vẫn còn.

Sau 1975, nhiều “anh em” làm chung với nhau trong một đơn vị, người ta thấy được kỹ năng, trình độ của những người “trong nầy”. Dù là “lính mới”, họ không ngỡ ngàng với xã hội mới, họ có thể tiếp thu, vận dụng. Nhờ đâu? - Chắc chắn nhờ Thầy, nhờ sự giáo dục có đặc tính dân tộc, nhân bản, khai phóng mà khi đi học họ nào có biết.

Về giáo dục, ai muốn có cái nhìn khái quát có thể đọc thêm các bài sau của các ông:

- Trần Văn Chánh “Giáo dục miền Nam Việt Nam (1954-1975) trên con đường xây dựng và phát triển” (http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-hoc-ung-dung/van-hoa-giao-duc-khoa-hoc/2724-tran-van-chanh- giao dục-mien-nam-viet-nam). Bài viết hơi dài, có khen, có chê khách quan.

-Nguyễn Thanh Liêm, bài đã dẫn.

- Hoàng Tụy, một ông thầy tâm huyết, một giáo sư (của các giáo sư) Toán, viết về giáo dục hiện tại.

Ai đã đi học, học chữ hay học nghề, đều có Thầy. Trước đây chưa có “ngày 20 tháng 11”, nhưng có sự biết ơn Thầy Cô.

Bây giờ, hồi tưởng, nhân “20.11” viết đôi dòng.

N.V.

Tác giả gửi BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:14 

---------------------------------------

TÀI LIỆU về GIÁO DỤC VIỆT NAM

.
.








No comments:

Post a Comment

View My Stats