Việt
Hà, RFA
2016-11-02
2016-11-02
Chuyên
gia quốc tế lên tiếng quan ngại về những hoạt động quân sự hóa và xây lấp các đảo
nhân tạo và đánh bắt hải sản quá mức ở khu vực biển Đông thời gian qua vì cho rằng
những hoạt động này đang tàn phá môi trường biển một cách nghiêm trọng và làm
giảm đáng kể nguồn thủy sản trong khu vực.
Thiệt
hại sẽ còn nhiều hơn nữa
Việt
Hà phỏng vấn giáo sư John McManus, thuộc khoa sinh vật và sinh thái trường đại
học Miami, Hoa Kỳ. Giáo sư là người đã có nhiều năm nghiên cứu về môi trường biển
Đông tại các khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa qua hình ảnh vệ tinh và thực
địa. Lần gần đây nhất ông đến thăm Trường Sa để chứng kiến những tác động của
con người lên môi trường ở đây là vào tháng 2 năm nay. Trước hết nói về hiện
trạng môi trường biển ở khu vực biển Đông, giáo sư McManus cho biết:
GS
John McManus: Những
loài cá ở tầng đáy như cá mackerel, cá ngừ, tất cả đều đang bị nguy hiểm. Đối với
những loại cá từ rạn san hô thì đã có một số loài hoàn toàn biến mất. Đó là điều
tôi chứng kiến khi tôi đến đây. Thay vì thấy những con cá lớn thường có ở đây
tôi chỉ thấy một vài loại cá nhỏ như 7 cm hoặc 10 cm bơi qua các rạn san hô.
Đây là một dấu hiệu rất xấu. Bên cạnh hoạt động đánh bắt cá quá mức làm tình
hình ngày một thêm tệ, chúng tôi cũng thấy sự phá hoại hàng loạt đối với các rạn
san hô. Có hai loại san hô, loại có vĩnh viễn và loại tái phát triển sau hai
mươi năm. Những rạn san hô bị phá hủy bởi các hoạt động xây lấp đảo nhân tạo,
chủ yếu được tiến hành bởi Trung Quốc, ước tính khoảng 99% và một phần nhỏ
hơn là từ các quốc gia khác, ước tính khoảng 1%. Khoảng 14 km vuông san
hô sẽ không bao giờ có thể phát triển trở lại.
Thêm
vào đó rất nhiều rạn san hô khác bị phá hủy bởi hoạt động đánh bắt trai lớn ngoài
biển. Hoạt động này tàn phá khoảng 69 km vuông ở khu vực Trường Sa. Nếu ta cộng
thêm khoảng 35 km vuông ở Hoàng Sa thì chúng ta sẽ thấy có đến 104 km vuông bị
phá hủy bởi hoạt động đánh bắt trai lớn ngoài biển Đông. Tổng số rạn san hô bề
mặt bị phá hủy mất khoảng 10%. Con số thiệt hại của rạn san hô nằm sâu dưới đáy
biển là khoảng 3%. Nó không quá lớn để làm chết hoàn toàn các rạn san hô khi
con số chỉ không quá 10%. Nhưng nếu họ cứ tiếp tục những hoạt động như hiện nay
thì con số thiệt hại sẽ còn cao hơn nữa. Cho nên chúng ta cần phải chấm dứt các
hoạt động này ngay bây giờ.
Việt
Hà: Từ
trước đến nay chúng ta nghe nói nhiều về tầm quan trọng của biển Đông trong
thương mại cũng như vị trí chiến lược. Ít người nói đến vấn đề môi trường ở
đây. Theo ông những gì ông tìm hiểu được về thực trạng môi trường biển ở đây có
ý nghĩa thế nào đối với khu vực?
GS
John McManus: Cá
là nguồn thực phẩm quan trọng ở Đông Nam Á. Ở các vùng ven biển, có khoảng hơn
200 triệu người, và có khoảng 38 triệu người sống trong vòng khoảng 100
km từ bờ biển ở khu vực biển Đông. Khoảng 30% nguồn đạm của họ là đến từ cá. Nếu
không có cá thì sẽ có hàng triệu việc làm bị mất và bạn sẽ gặp khó khăn về thiếu
nguồn đạm mà không có nguồn thay thế. Cho nên về cơ bản là khu vực này sẽ phải
đối mặt với nạn đói khi các nguồn cá biến mất và chúng sẽ biến mất lần lượt vì
lượng cá có sẵn quá ít và chúng cứ biến mất dần. Điều quan trọng là số cá còn
sót lại phải có đủ để tìm nhau để sinh con. Nhưng khi chúng có quá ít thì cũng
không có cá con sinh ra.
Việt
Hà: Trung
Quốc từ lâu cũng áp đặt một lệnh đánh bắt cá đơn phương trên biển Đông hàng năm
mà theo họ nói là để bảo vệ nguồn cá. Theo ông lệnh cấm này có thực sự giúp ích
gì cho việc bảo vệ và khôi phục nguồn cá đang sụt giảm ở đây hay không?
GS
John McManus: Trung
Quốc có cố gắng đặt ra những lệnh đánh bắt cá trong một số tháng trong năm. Nó
không bao gồm hết cả các tàu cá của Trung Quốc nhưng chủ yếu là đối với các tàu
cá của Philippines và Việt Nam. Họ đưa ra lệnh đánh bắt cá để cá có cơ hội phục
hồi trở lại. Nhưng đây là lệnh cấm đơn phương dẫn đến các phản đối và nó cũng
có thể khiến các nước khác khuyến khích các hoạt động đánh bắt cá hơn nữa để chống
lại lệnh cấm đơn phương bởi vì đây là khu vực đang tranh chấp.
Để
có thể kiểm soát tốt hơn các hoạt động đánh bắt cá thì điều quan trọng là các
nước phải đóng băng các hoạt động đòi chủ quyền của mình. Nếu một nước nào đó
đòi chủ quyền với một khu vực A mà một nước khác cũng đòi chủ quyền thì mọi người
có thể nói đó là đòi hỏi chủ quyền của anh nhưng anh sẽ không được làm thay đổi
gì hết trong khoảng thời gian của hiệp ước ví dụ như là 30 năm sau mới gia hạn
giống như hiệp ước Nam Cực chẳng hạn. Tức là trong suốt khoảng thời gian đóng
băng theo hiệp định không có bất cứ hành động nào của anh sẽ được dùng để củng
cố những đòi hỏi về chủ quyền của anh. Lú đó các bên có thể nói chuyện hợp tác
với nhau trong khai thác thủy sản, hay những lệnh cấm tạm thời.
Việt
Hà: Ông
đánh giá thế nào về tác động của phán quyết của tòa Trọng tài Quốc tế PCA trong
vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc xét về khía cạnh môi trường?
GS
John McManus: Phán
quyết của tòa là một bước đột phá quan trọng trong luật quốc tế. Luật có liên
quan đến mục đích của luật dựa trên lịch sử, những gì đã được nói vốn đã không
rõ ràng, và dựa vào những vụ kiện tương tự trong quá khứ. Vì vậy phán quyết này
rất quan trọng. Nó tạo một tiền lệ để tận dụng cơ hội này làm rõ luật có nghĩa
gì. Điều này là rất tốt. Bên cạnh những điểm khác của phán quyết mà mọi người đều
biết về các thực thể tại Trường Sa và đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc,
có một điểm thứ ba rất quan trọng là luật cũng nói rõ về việc bảo vệ môi trường
biển. Ngay cả nếu đó là vùng nội thủy hay những vùng nước thuộc chủ quyền khác
của anh đi chăng nữa thì anh cũng có trách nhiệm bảo vệ môi trường biển. Việc
phá hoại môi trường biển trong vùng biển của anh và các vùng nước xung quanh là
sai luật quốc tế. Tức là trước kia thì quy định này chưa rõ ràng nhưng giờ thì
đã rõ và trường hợp này có nghĩa là một nước có thể mang một nước khác ra tòa
kiện nếu thấy nước đó phá hoại môi trường biển.
Vấn
đề môi trường lúc đầu không phải là chủ đích chính của vụ kiện nhưng sau đó đã
được bổ sung. Giờ thì đã rõ là Trung Quốc đã có các hoạt động phá hoại môi trường
biển. Tất nhiên các nước khác cũng vi phạm luật quốc tế khi có các hoạt đông
phá hoại môi trường biển dù chỉ chiếm khoảng 1% hư hại. Tôi hy vọng là điều này
sẽ làm rõ là tất cả các nước trên thế giới phải bảo vệ môi trường biển.
Việt
Hà: Xin
cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.
No comments:
Post a Comment