Sunday, 20 November 2016

TRUMP, TPP & TRUNG QUỐC (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng 
November 15, 2016

Hai chính sách của Tổng Thống Barack Obama ảnh hưởng tới Việt Nam và Trung Quốc: Chuyển trục sang Châu Á về quân sự, và hiệp ước thương mại tự do với 11 nước Thái Bình Dương, quen gọi là TPP. Tân Tổng Thống Donald Trump chắc sẽ không thay đổi chính sách chuyển trục; ông còn có thể còn mạnh tay hơn người tiền nhiệm. Việc chuyển trục sẽ đưa 60% hải quân qua Thái Bình Dương, chắc tỷ lệ đó sẽ không giảm. Ông Trump đã hứa sẽ tăng ngân sách quốc phòng Mỹ; một ngày sau khi ông đắc cử, cổ phiếu các công ty quốc phòng tăng thêm 5% tới 7%. Ông sẽ nâng số tầu chiến từ 274 lên 346 hoặc 350. Số tầu thủy và tầu ngầm mới, ít nhất 60%, sẽ được chuyển qua vùng biển gần Trung Quốc. Ông cũng hứa sẽ cho không quân mua thêm những hỏa tiễn và oanh tạc cơ mới, tăng cả số bộ binh và thủy quân lục chiến. Một phần những lực lượng mới này chắc sẽ được đưa qua Á Châu.

Nhưng ông Trump đã hứa sẽ xé bỏ Hiệp Ước TPP. Ðó là điều khiến các nước Châu Á như Nhật Bản, Malasia, Singapore, Việt Nam đang lo ngại. Hành động này sẽ thay đổi bàn cờ cả vùng Á Ðông. Cộng Sản Trung Quốc rất vui mừng chờ ông Trump thực hiện lời hứa này. Ông Trump không thể rút lại những lời đã hô hào lớn tiếng trong khi tranh cử; nhưng chúng ta chưa thể đoán ông Trump thực sự sẽ làm gì.

Chính các đại biểu Dân Chủ trong Quốc Hội Mỹ chống TPP mạnh nhất. Ða số các đại biểu thuộc đảng Cộng Hòa ủng hộ TPP; vì tự do mậu dịch là chủ trương cố hữu của đảng. Ðảng Cộng Hòa sẽ kiểm soát cả hai viện Quốc Hội ít nhất trong hai năm tới, mà Quốc Hội Mỹ không có thói quen gật đầu theo ý ông tổng thống.

Một điểm quan trọng là giới lãnh đạo ở Mỹ đều đồng ý rằng trong việc đối phó với kế hoạch bành trướng của Trung Cộng ở Châu Á thì một vũ khí hiệu quả nhất của nước Mỹ chính là sức mạnh của kinh tế tự do và thương mại tự do. Nhiều lãnh tụ Cộng Hòa thuộc cả hai viện Quốc Hội không ủng hộ ông Trump khi ông ứng cử trong đảng. Nhiều người như Nghị Sĩ John McCain hay Dân Biểu Paul Ryan, chủ tịch Hạ Viện, đã từng bị ông Trump công kích nặng nề, có khi sỉ nhục. Họ có thể bỏ qua chuyện cá nhân nhưng sẽ không nhượng bộ trên những chính sách quan trọng nhất của đảng.

TPP là một chính sách đối phó với chương trình bành trướng thế lực của Trung Cộng; khi Tổng Thống Obama cố ý không mời Bắc Kinh tham dự. TPP sẽ xác định vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trong một vùng rộng lớn, chiếm 40% sản lượng toàn cầu. Quan hệ kinh tế sẽ nối chặt thêm những quan hệ an ninh. Nếu TPP bị xóa sổ mà không có gì thay thế, các nước Châu Á không phải chỉ nhìn đó như một quyết định kinh tế, thương mại, mà họ sẽ thẩm định mức độ dấn thân và cam kết của nước Mỹ trong vùng này. Các quốc gia khác cũng sẽ dè dặt không biết có thể tin tưởng vào những hiệp ước kinh tế sẽ ký kết với chính phủ Mỹ trong tương lai hay không. Nhất là khi ông Trump cũng tỏ ý có thể rút lại việc bảo đảm an ninh của các đồng minh lâu đời như Nhật Bản và Nam Hàn, nếu họ không đóng góp chi phí. Các chính phủ trước đây đã đưa quân đội Mỹ tới hai nước đó, cũng như đang đưa quân đến các nước Ba Lan, Estonia, vân vân, ở châu Âu chính là để bảo vệ an ninh lâu dài cho nước Mỹ, hoàn toàn không phải vì những tính toán tài chánh nhất thời.

Vai trò của nước Mỹ trên thế giới trong 70 năm qua được bảo đảm bằng những hiệp ước an ninh và trao đổi kinh tế, thương mại. Người dân các nước khác kính trọng những giá trị tinh thần của nước Mỹ, như chế độ chính trị dân chủ, kinh tế tự do, tôn trọng nhân quyền, tinh thần trọng pháp, vân vân. Họ mong có ngày quốc gia họ cũng sống với các giá trị đó. Phải mất cả thế kỷ các chính quyền Mỹ mới chinh phục được mọi người về niềm tin này; nhờ vậy chính quyền các nước khác có thể liên minh với nước Mỹ mà không phải hổ thẹn. Ðây là một sức mạnh không thể tính ra bằng tiền bạc.

Ðây là những vấn đề lớn của nước Mỹ mà một ông tổng thống không thể đơn phương quyết định. Ðảng Cộng Hòa trong Quốc Hội Mỹ sẽ tạo áp lực để ông Trump phải thay thế TPP bằng những hành động có tác dụng tương tự: Tạo một vòng đai kinh tế, thương mại chung quanh nước Trung Hoa đang bành trướng, dù đó là TPP hay gọi bằng những danh hiệu khác.

Nhưng thế giới bên ngoài không ai ngồi yên chờ chính quyền và Quốc Hội Mỹ trong một, hai năm sẽ mặc cả với nhau như thế nào về vụ TPP. Trong tuần tới, chúng ta sẽ chứng kiến các vận động bên lề hội nghị APEC họp ở thủ đô Peru, một quốc gia đã ký TPP nằm bên bờ Thái Bình Dương của Nam Mỹ.

Mười hai quốc gia ký hiệp ước đều thuộc khối Châu Á Thái Bình Dương (APEC), trong đó có 21 nước, kể cả Nga và Trung Quốc. Trước khi cuộc họp khai mạc, tân tổng thống Peru, ông Kuczynski đã ngỏ ý các nước trong vùng nên thiết lập một thỏa hiệp mới, thay thế cho TPP. Nhưng nếu một hiệp ước mới không có Mỹ và Nhật Bản thì trọng lượng kinh tế sẽ giảm bớt 60%; muốn tạo thêm sức nặng thì phải bao gồm cả Nga và Trung Quốc. Hai chính phủ độc tài này sẽ nắm quyền thao túng tổ chức thương mại mới, dù Nhật Bản vẫn có mặt.

Cộng Sản Trung Quốc không ngần ngại tỏ ý khai thác cơ hội này. Ông Tập Cận Bình sẽ có mặt ở Peru, rồi đi thăm các nước Nam Mỹ khác, Ecuador và Chile. Trước khi ông lên đường, thứ trưởng bộ ngoại giao Trung Cộng Lý Bảo Ðông (Li Baodong) đã tuyên bố rằng Châu Á cần có một hiệp ước mậu dịch tự do càng sớm càng tốt. Tại Peru, ông Tập Cận Bình sẽ thúc đẩy cho ý kiến này thành hình, càng sớm càng tốt.

Bắc Kinh có đủ lý do vui mừng nếu TPP bị vứt bỏ. Trương Triết Hân ( Zhang Zhexin), thuộc Viện Nghiên Cứu các vấn đề quốc tế ở Thượng Hải nói rằng, “Trung Quốc sẽ nhân cơ hội thúc đẩy các thỏa ước mậu dịch song phương trong vùng, và cổ động cho kế hoạch ‘Nhất Ðới, Nhất Lộ.’” Ông nhận định: “Vai trò lãnh đạo kinh tế của nước Mỹ sẽ bị nghi ngờ, mở cửa cho Trung Quốc thắt chặt quan hệ kinh tế với các nước Châu Á Thái Bình Dương.”

Tổng Thống Barack Obama đã tự đóng vai một sứ giả của tổng thống tân cử Donald Trump, tới Peru tìm cách trấn an giới lãnh đạo các nước khác, Ngày Thứ Hai, 14 tháng 11, trước khi lên đường ông Obama đã nói về ông Trump: “Ông ấy không phải là một người giáo điều (ideological), tôi nghĩ ông ta rất thực tế.” Ông Obama biện hộ rằng ông Trump sẽ không thay đổi chính sách đối ngoại bằng một hình ảnh, “Chính phủ liên bang và thể chế dân chủ của nước Mỹ không giống như một chiếc thuyền máy chạy nhanh (speedboat), nó là một chiếc tàu đi biển (ocean liner)” tức là không thể quay ngược chiều một cách nhanh chóng; và ông Obama nêu thí dụ những cam kết với các nước NATO. Ông nói, “Khi đàm đạo với vị tổng thống tân cử, tôi thấy ông rất quan tâm giữ nguyên những quan hệ chiến lược của nước chúng tôi.”

Trước mắt, các quốc gia Châu Á đều lo ngại. Sau khi ông Trump thắng cử, Quốc Hội Nhật Bản đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp Ước TPP. Nhưng sau đó, chính phủ Nhật đã bãi bỏ một cuộc họp báo chung với đại sứ các nước Singapore, Australia và New Zealand tại Washington, được dự trù vào ngày Thứ Năm tuần trước để nói về Hiệp Ước TPP. Ông Trump từng ca ngợi nước Nhật đã đánh bại Trung Quốc trong thế kỷ trước. Ông tỏ ra kính trọng Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe, vị lãnh đạo chính phủ ngoại quốc đầu tiên mà ông sẽ gặp trong tuần này.

Nhật Bản, cũng như Nam Hàn, Việt Nam, Malaysia đang lo rằng nếu những cam kết trong TPP bị xóa bỏ, thì họ sẽ phải đối đầu với Trung Cộng một cách đơn độc. Và họ sẽ phải nhượng bộ Bắc Kinh nhiều hơn. Nhất là sau khi ông tổng thống mới ở Philippines đang tìm cách kết thân với Trung Cộng; Malaysia đã đặt mua vũ khí bên Tàu mặc dù vẫn phản đối đường lưỡi bò xâm lấn hải phận nước họ. Trung Cộng sẽ có cơ hội khai thác tương quan lỏng lẻo giữa các nước trong vùng Á Ðông; như họ đã thành công trong việc chia rẽ các nước ASEAN, dù chỉ cần dùng một con bài là chính phủ Campuchia.

Trước tình thế này, chắc chắn giới lãnh đạo đảng Cộng Hòa ở Quốc Hội Mỹ sẽ không để ông Trump xé bỏ những cam kết trong Hiệp Ðịnh TPP. Một vị tổng thống Mỹ không thể nào đưa quốc gia trở về tình trạng cô lập, như trong thế kỷ 19. Ngay cả khi ông Trump xóa bỏ TPP thì cũng là để bắt đầu những màn đàm phán mới thiết lập các quan hệ kinh tế với 11 quốc gia đã ký kết.

Ông Trump có thể dùng “món võ” TPP làm một đòn mặc cả với Trung Quốc trong các vấn đề mậu dịch giữa hai nước. Chúng ta đều biết Trung Quốc cần giao thương với Mỹ để xuất cảng hàng hóa, nhưng cũng nên biết rằng Trung Quốc là nước đứng thứ ba sau Canada và Mexico đang nhập cảng hàng hóa Mỹ. Trong cuộc thương thảo với Trung Cộng sẽ diễn ra, ông Trump có thể dùng một thứ “TPP mới” làm đòn bẩy, một người vẫn tự hào về tài thương lượng như ông không thể bỏ qua.

Ông Trump đã hứa sẽ xóa bỏ TPP trong 100 ngày đầu tiên, và đòi Canada và Mexico thảo luận lại hiệp ước NAFTA trong 100 ngày kế tiếp, nếu không sẽ xóa nốt. Nhưng trong 150 năm qua các chính phủ Mỹ chưa bao giờ xóa bỏ một hiệp ước thương mại nào. Và giới kinh doanh Mỹ sẽ không thể chấp nhận một cuộc thay đổi lớn nếu NAFTA hết hiệu lực. Hơn 6 triệu công nhân Mỹ đang sống nhờ hàng xuất cảng qua Mexico hoặc làm những bộ phận mà Mexico phải nhập cảng để ráp thành hàng hóa bán sang Mỹ.

Thương mại quốc tế không phải là một cuộc chơi chỉ có người thắng và người thua, Zero-sum game; khác với cuộc cạnh tranh giữa các sòng bài và các khách sạn – mặc dù ngay trong các lãnh vực đó người ta vẫn cùng hưởng lợi khi vừa cạnh tranh vừa cộng tác. Giới lãnh đạo kinh tế, ngân hàng, và các nhà kinh doanh sẽ thuyết phục được ông Trump về ý nghĩa của thuyết “Lợi thế tương đối” do Ricardo đưa ra từ hai thế kỷ trước.

Nếu trong vòng một, hai năm, ông Trump có thể kết thúc những vòng đàm phán mới để sửa đổi NAFTA và cho TPP hồi sinh dưới một tên khác, thì ông sẽ được ca ngợi về tài thương thuyết! Khi đó, ông sẽ nắm thế mạnh hơn khi phải đàm phán với các người cầm đầu Trung Quốc!


----------------------------------

LIÊN QUAN :






No comments:

Post a Comment

View My Stats