Monday, 14 November 2016

TRUMP SẼ PHÁ NÁT DI SẢN CỦA OBAMA TẠI ĐÔNG NAM Á ? (Lê Hồng Hiệp - Project Syndicate)




Lê Hồng Hiệp  -  Project Syndicate
Posted on 15/11/2016

Với chiến thắng gây sốc trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Donald Trump đã làm nên lịch sử – và làm rất nhiều người e ngại. Thực tế là sự trỗi dậy của ông đe dọa kích động một cuộc cách mạng làm lung lay nền tảng không chỉ của nền chính trị Mỹ, mà còn của cả hòa bình và thịnh vượng toàn cầu. Một khu vực có thể sớm bắt đầu cảm nhận được tác động này chính là khu vực Đông Nam Á.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, Trump đã đưa ra một thế giới quan “nước Mỹ trước tiên”, nhấn mạnh rằng ông sẽ theo đuổi các cam kết quốc tế của Mỹ chỉ khi cảm thấy phù hợp với lợi ích của mình. Điều này đã làm rúng động nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ, bao gồm các nước Đông Nam Á, những nước lo sợ rằng họ sẽ bị bỏ qua bởi quốc gia lâu nay vẫn là người bảo đảm quan trọng nhất cho sự ổn định khu vực.

Nếu vậy, điều này sẽ đại diện cho một sự đảo ngược đáng chú ý so với chính sách của Mỹ tám năm qua, trong đó Tổng thống Barack Obama đã nỗ lực hết sức nhằm tăng cường quan hệ của Mỹ với khu vực Đông Nam Á.

Dưới sự giám sát của ông, Mỹ đã tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á, và trở thành thành viên của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Hơn nữa, hồi năm 2013, Mỹ đã trở thành đối tác đối thoại của ASEAN đầu tiên thiết lập một phái đoàn thường trực bên cạnh tổ chức này. Năm ngoái, Washington cũng đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN. Và hồi đầu năm nay, ông Obama đã chủ trì tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN lần đầu tiên trên đất Mỹ. Ông Obama cũng đã đưa bốn thành viên của ASEAN vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại khu vực khổng lồ vốn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa khu vực với Hoa Kỳ.

Obama cũng giúp thắt chặt quan hệ song phương với hầu hết các nước trong khu vực. Ông đã đi thăm chín trong số mười nước ASEAN trong hai nhiệm kỳ của mình. Nếu việc chính phủ Mỹ đóng cửa (vì không được Quốc hội thông qua ngân sách) năm 2013 không buộc ông phải hủy một chuyến công du đến Brunei thì ông đã có thể có một hồ sơ hoàn hảo.

Chắc chắn là quan hệ của Mỹ với Thái Lan và Philippines đã xấu đi phần nào trong nhiệm kỳ thứ hai của ông do những chỉ trích của Mỹ đối với các vi phạm chuẩn mực dân chủ và nhân quyền ở cả hai nước. Nhưng điều đó đã được bù đắp bởi những tiến bộ trong quan hệ của Mỹ với Indonesia, Lào, Myanmar, Singapore, và đặc biệt là Việt Nam.

Những nỗ lực của Obama trong khu vực Đông Nam Á là một phần của chiến lược “xoay trục” hướng về Đông Á của Mỹ được công bố hồi năm 2011. Được thiết kế nhằm giúp Washington duy trì ưu thế chiến lược dẫn đầu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chính sách này đã được hầu hết các quốc gia trong khu vực lặng lẽ chào đón vì nó phù hợp với mong muốn của họ trong việc kiềm chế các tham vọng bá quyền của Trung Quốc.

Nhưng tất cả điều này có thể sẽ thay đổi. Trump nhiều khả năng sẽ tập trung chủ yếu vào các vấn đề trong nước với các giá phải trả là sự sao nhãng các lợi ích chiến lược của Mỹ ở nước ngoài. Thật vậy, ông có thể sẽ giảm các can dự chiến lược với ASEAN và các nước thành viên của tổ chức này, khiến mối quan hệ của họ với Mỹ xấu đi. Nếu ông không xuất hiện tại các cuộc họp khu vực quan trọng như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, sự suy giảm đó sẽ càng trở nên rõ rệt hơn.

Thái độ thờ ơ của Trump đối với khu vực cũng sẽ làm tổn hại các mối quan hệ song phương. Chắc chắn là Malaysia, Thái Lan và Philippines có thể sẽ thích một vị tổng thống Mỹ không chỉ trích các chính phủ của họ vi phạm nhân quyền, tham nhũng, hoặc vi hiến. Nhưng mối quan hệ của Mỹ với các nước khác trong khu vực có thể bị đình trệ, nếu không phải là xấu đi, khi niềm tin vào sự sẵn sàng theo đuổi các cam kết đối với khu vực của Mỹ bị suy giảm.

Các mối quan hệ kinh tế cũng có thể bị tác động. Dưới sự giám sát của Trump, người đã bộc lộ xu hướng bảo hộ mạnh mẽ, TPP tối đa cũng sẽ chỉ ở trạng thái hấp hối. Sáng kiến Kết nối ASEAN-Mỹ mà Obama đề xuất tại hội nghị thượng đỉnh vào đầu năm nay tại Sunnylands nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế của Mỹ với các nước trong khu vực cũng có thể không đi đến đâu.

Không chỉ khu vực Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng bởi sự thờ ơ của Trump. Australia, Ấn Độ và Nhật Bản – các đồng minh và đối tác an ninh chính của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương – cũng có thể cảm thấy khó kết nối với Trump, qua đó càng làm xói mòn niềm tin vào cấu trúc an ninh khu vực do Mỹ dẫn dắt. Việc chiến lược tái cân bằng hướng về châu Á mà ông Obama đã nỗ lực thúc đẩy có thể bị đổi chiều sẽ giáng một đòn mạnh vào không chỉ các nước châu Á mà còn cả Hoa Kỳ.

Nhưng có một quốc gia châu Á có thể hoan nghênh kết quả của cuộc bầu cử, đó chính là Trung Quốc. Mặc dù Trump đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc “ăn cắp công ăn việc làm của người Mỹ” – và thậm chí còn đổ lỗi cho Trung Quốc về việc tạo ra “trò lừa bịp” về biến đổi khí hậu – ông có thể sẽ có một lập trường mềm mỏng hơn so với Obama về sự bành trướng chiến lược của Bắc Kinh trong khu vực, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông.

Trong một kịch bản hơi xa xôi nhưng không phải hoàn toàn không tưởng, Trump thậm chí có thể tìm kiếm một thỏa hiệp với Trung Quốc về các yêu sách lãnh thổ của nước này, bất chấp lợi ích của các đồng minh của Mỹ, từ Nhật Bản đến Philippines. Một động thái như vậy sẽ gây tác hại đặc biệt nghiêm trọng đến cảm nhận của Đông Nam Á về vị thế của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, tin tốt là một kết cục như vậy không chắc chắn sẽ xảy ra. Luận điệu tranh cử là một chuyện; nhưng quản trị chính quyền là một chuyện hoàn toàn khác. Một khi đã bước vào Nhà Trắng, một Tổng thống Trump được cố vấn kỹ lưỡng có thể nhận ra rằng việc duy trì tính liên tục trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sẽ phù hợp với lợi ích của Mỹ hơn các phương án thay thế. Hoặc nếu không, ít nhất ông Trump cũng có thể chống lại triển vọng Trung Quốc giành được vị thế chiến lược dẫn đầu trong khu vực.

Đối với Trump, người tạo nên sự nghiệp của mình trong lĩnh vực bất động sản, có lẽ là cách tốt nhất để nhìn vào chính sách của ông đối với khu vực là qua lăng kính của một nhà kinh doanh. Rốt cuộc, có thể ông sẽ nhận ra rằng sẽ là thiếu khôn ngoan nếu phung phí tất cả các khoản đầu tư đáng kể mà người tiền nhiệm của ông đã nỗ lực thực hiện tại khu vực Đông Nam Á này.

*
Lê Hồng Hiệp là Nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singapore, và là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản Living Next to the Giant: The Political Economy of Vietnam’s Relations with China under Doi Moi (Sống cạnh người khổng lồ: Kinh tế chính trị của quan hệ Việt – Trung thời kỳ Đổi Mới).

Copyright: Project Syndicate 2016 – Southeast Asia Gets Trumped?





No comments:

Post a Comment

View My Stats