Tuesday, 8 November 2016

TRUMP & CLINTON : AI SẼ TỐT HƠN CHO CHÂU Á ? (Karishma Vaswani - BBC)




Karishma Vaswani
Phóng viên kinh doanh Châu Á
8-11-2016

Có thể gọi đây là hiệu ứng Brexit. Các nhà đầu tư và kinh doanh châu Á đã bịbất ngờ hồi tháng Sáu, khi Anh quốc bỏ phiểu rời EU.
Tại thời điểm đó, phần lớn họ đã dự đoán là Anh sẽ bỏ phiếu để ở lại EU. Khi điều ngược lại xảy ra, giá cổ phiếu sụt giảm và lo lắng tăng cao.
Vài tháng sau đó, môi trường kinh doanh còn trở nên bất ổn hơn nữa.

Như hãng chuyên nghiên cứu thị trường trái phiếu Nomura nhận định, "cuộc bầu cử Mỹ đã trở thành yếu tố bất ổn rõ rệt nhất mà các thị trường phải đối đầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (bất ổn hơn nhiều so với Brexit, các cuộc bầu cử tổng thống trước đây ở Mỹ, nhiều cuộc bầu cử ở Châu Âu, tranh luận về nợ trần của Mỹ, các cuộc họp OPEC và thậm chí cả các quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ)."
Cho nên chẳng có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư ở châu Á cảm thấy rất lo lắng trước kỳ bầu cử, và trở nên hết sức thận trọng lần này.

Tôi chỉ bị lừa một lần, như câu ngạn ngữ xưa nói. Brexit cho thấy sự chủ quan phải trả giá đắt, và một bài học năm 2016 đã cho chúng ta thấy chớ bao giờ cho rằng điều không thể sẽ không thể xảy ra.
Vậy người nào sẽ tốt hơn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp châu Á?

Tổng thống Clinton hay Tổng thống Trump?

- Về thương mại:
Khi nói đến thương mại, Châu Á có vẻ như thích bà Clinton hơn, vì dẫu gì thì cũng "ma quen hơn quỷ lạ".
Cả hai ứng viên đều đã phát biểu họ sẽ không thúc đẩy Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà ông Obama hậu thuẫn. Nhưng truyền thông Hoa Kỳ đưa tin nếu đắc cử, bà Clinton sẽ có thể ủng hộ hiệp định này dưới một hình thức khác.
Các nền kinh tế như Malaysia và Việt Nam sẽ được lợi nhất nếu TPP được phê chuẩn.

Trong lúc đó, nếu ông Trump lên làm tổng thống thì đó sẽ bị coi là một cản trở lớn cho viễn cảnh thương mại châu Á.
Khả năng cao nhất, theo hãng nghiên cứu Capital Economics, là việc ông Trump sẽ dùng "mối đe dọa thuế quan làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán".
Ông Trump cho biết ông sẽ đưa mức thuế nhập khẩu lên 45% cho tất cả các mặt hàng từ Trung Quốc. Capital Economics nói điều này sẽ gây tổn hại cho ngành điện tử Trung Quốc, vốn chiếm tới 50% tổng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ.

- Về vấn đề thị thực và nhập cư:
Bà Clinton làm tổng thống cũng sẽ khiến Á châu cảm thấy dễ chịu hơn trong vấn đề nhập cảnh và thị thực.
Capital Economics cho biết nếu ông Trump được bầu làm tổng thống, kế hoạch "trừng phạt các công ty Mỹ đưa công ăn việc làm ra nước ngoài" sẽ ảnh hưởng xấu đến các nước như Philippine và Ấn Độ.
Cả hai nước đều phát triển mạnh mẽ mảng nhận làm thuê cho các công ty Mỹ, với việc cung ứng cho các hãng Hoa Kỳ hàng triệu nhân công người Philippine và Ấn Độ. Những người này đã có cuộc sống khá hơn nhiều nhờ mức lương cao hơn mà họ nhận được từ hoạt động cung ứng dịch vụ làm thuê này.
Ông Trump cũng khuyến cáo sẽ cấm người nhập cư từ những nước có "tiền sử về khủng bố chống lại Mỹ và đồng minh của Mỹ". Điều này có khả năng ảnh hưởng đến các nước như Ấn Độ, Philippine và Indonesia.

- Về tác động tới trái phiếu và tiền tệ:
Thị trường đã lên tiếng - giá cổ phiếu Châu Á giảm mạnh tuần trước khi có tin là khoảng cách giữa ông Trump và bà Clinton đang thu hẹp. Lý do là bởi khả năng ông Trump được bầu làm tổng thống bị coi là sẽ bất ổn cho thị trường trái phiếu và tiền tệ.
Nói cho cùng, bà Clinton được bầu làm tổng thống được coi là yếu tố hoàn toàn tích cực cho các thị trường - vì những lý do nêu trên.

Sau khi FBI khẳng định và Clinton sẽ không phải đối diện với các cáo buộc mới liên quan tới việc sử dụng email công việc đặt trên máy chủ cá nhân, cổ phiếu châu Á và đồng đô la tăng mạnh so với đồng yên Nhật.

Cũng nên lưu ý là thị trường thường bất ổn trước và sau các cuộc bầu cử - cho nên ta không nên suy diễn nhiều khi giá cổ phiếu và tiền tệ lên xuống thất thường hàng ngày.
Các xu thế dài hạn, cũng như các chính sách kinh tế mà tổng thống Mỹ mới sẽ ủng hộ nhằm tăng trưởng ở Mỹ sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều.
Nếu Hoa Kỳ tiếp tục con đường phục hồi, điều đó có thể sẽ giúp kích cầu và tăng trưởng toàn cầu.
Tuy nhiên, nếu Hoa Kỳ theo xu hướng bảo hộ hơn, thì điều này sẽ khiến các nhà xuất khẩu Châu Á tìm kiếm các thị trường mới và các đối tác kinh doanh mới.

Vậy tiếp theo là gì?

Theo ông Eeswar Pradas, Giáo sư trường Dyson thuộc Đại học Cornell, và là tác giả của cuốn "Đồng tiền đang lên giá: sự lên ngôi của đồng Nhân dân tệ", trước kia, tất cả các chiêu trò chính trị đều không có ảnh hưởng nhiều, vì Hoa Kỳ vẫn luôn là siêu cường thống trị về kinh tế và chính trị trên thế giới.
"Nhưng thời thế đã thay đổi," ông viết. "Nếu Hoa Kỳ tự nguyện rút khỏi thế giới, thì có một quốc gia là Trung Quốc đang ở thế mạnh hơn bất cứ nước nào để thay chỗ cho Hoa Kỳ."

Điều này có thể đã đang xảy ra, nếu ta theo dõi những vị khách đã đến thăm Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong vài tuần qua.
Đầu tiên là Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte - cựu thù nay trở thành bạn. Tiếp ngay sau đó là Thủ tướng Malaysia Najib Razak.
Cả hai đều đề cập đến quan hệ nồng ấm hơn với Bắc Kinh, và đều hoan nghênh nỗ lực của Trung Quốc nhằm vươn tới Đông Nam Á qua các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và đầu tư vào các công ty Đông Nam Á.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn chưa nhường chỗ cho Trung Quốc.
Tại nhiều khu vực ở châu Á, nhiều nước vẫn nhìn Trung Quốc với sự ghen tỵ và nghi ngờ. Các xung đột Biển Đông đã làm căng thẳng dâng cao trong quan hệ với Việt Nam, Singapore và Indonesia.
Nhưng như ông Prasad chỉ ra, "Trung Quốc có thể sẽ là một sự thay thế tồi trong vai trò lãnh đạo toàn cầu, nhưng khó mà phủ nhận vai trò của Trung Quốc sẽ ngày càng tăng lên."

Khi những cử tri Mỹ đi bầu cử cho nhà lãnh đạo tiếp theo, họ có thể không nghĩ nhiều đến ảnh hưởng toàn cầu của nước Mỹ. Nhưng quyết định của họ sẽ có ảnh hưởng trong khu vực Châu Á trong nhiều năm tới.



No comments:

Post a Comment

View My Stats