Thursday, 17 November 2016

TPP hay RCEP? (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
VienDongDaily.Com - 16/11/2016

Hôm thứ Ba 11/15/2016, thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố những trở ngại của hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Hoa Kỳ có thể khiến cho Á Châu rơi vào tổ chức RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership- Đối tác kinh tế toàn diện khu vực)- một hệ thống thị trường chung do Trung Quốc khởi xướng.

Khác biệt quan trọng nhất là TPP có Mỹ, không có Trung Quốc, trong lúc RCEP có Trung Quốc mà không có Mỹ. Abe nói với Uỷ Ban Đặc Trách về TPP của Thượng Viện Nhật là, "Chắc chắn Nhật sẽ rơi vào RCEP nếu TPP không thành hình, và do đó Trung Quốc sẽ thụ hưởng một thị trường tiêu thụ rất lớn." Viễn ảnh Trung Quốc khống chế thị trường Á Châu với RCEP có thể là điều không thể tránh được nữa; vì khó khăn không chỉ đến từ Nhật và những quốc gia thành viên TPP thôi, mà chính Hoa Kỳ cũng không còn muốn TPP nữa.

Tuần trước một viên chức Bạch Cung tuyên bố tổng thống Barack Obama sẽ không thúc đẩy Quốc Hội chuẩn thuận TPP, mặc dù đó là tác phẩm kinh tế ông dầy công gây dựng trong suốt 3 năm trời. Mặt khác tổng thống đắc cử Donald Trump cũng nói là ông sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP ngay ngày đầu tiên ông nhậm chức, ngày 20 tháng Giêng 2017.

Thủ tướng Abe chuộng TPP vì 2 ưu điểm: Một là, hiệp ước này chống hình thức công ty quốc doanh để bảo đảm tính công bằng trong việc tự do tranh thương; trong lúc Trung Quốc lại chủ trương chính phủ làm chủ khả năng sản xuất trong nước, và chủ trương 'trợ giá' để hàng Trung Quốc bán ra thị trường quốc tế rẻ hơn sản phẩm các nước khác. Hai là, thị trường chung TPP bảo vệ tác quyền của sản phẩm, trong lúc RCEP không quan tâm đến việc đó.

Các quốc gia thành viên của TPP và RCEP

Thành viên của RCEP gồm có Nhật, Trung Quốc + 12 quốc gia Á Châu, Úc và Tân Tây Lan; thành phần của TPP là Hoa Kỳ, Nhật và 10 quốc gia khác.

Abe muốn bảo vệ TPP, tuy nhiên để thực hiện ý muốn đó thì việc ông thuyết phục Thượng Viện Nhật chấp nhận TPP thôi vẫn chưa đủ, ông còn cần thuyết phục tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ Donald Trump; ông xin gặp ông Trump ngày thứ Năm 11/17/2016 này tại Nữu Ước.

"Chúng ta sẽ giải thích với thế giới (trong đó gồm cả Hoa Kỳ), chúng ta sẽ làm thay đổi quan điểm cô lập, bảo vệ sản phẩm quốc gia," Abe nói. Ông tin là sẽ thuyết phục được ông Trump về tầm quan trọng lớn lao của thị trường tự do; nhưng ông Bill Lam, chủ tịch tổ chức Teejay Group - một cơ cấu thương mại tại Hồng Kông cho là Abe quá lạc quan vì lời Trump hứa là sẽ xét lại về TPP và có thể sẽ duy trì tổ chức đó sau khi lược bỏ một vài điểm bất lợi.

Bill Lam nói, "thị trường Hoa Kỳ bắt đầu thay đổi từ 1 thập kỷ trước, vì người Mỹ thấy là quần áo nhập cảng rẻ hơn hàng sản xuất trong nước, giờ này ông Trump muốn đem những công việc may, cắt đó trả lại cho công nhân Mỹ; ông hứa như vậy trong lúc tranh cử, nhưng lời hứa đó sẽ không thực hiện được." Bill Lam nhắc lại câu ông Trump nói trong một buổi tiếp xúc với cử tri hồi tháng Mười vừa rồi, "toàn bộ những thương ước chúng ta đang có, không thương ước nào không tệ hại," ông còn nói, "8 năm nữa, ngày tôi hồi hưu vào năm 78 tuổi tôi không muốn phải coi Á Châu là kẻ thù."

Hy vọng của Abe có thể được giải thích bằng thái độ của Mã Lai: hôm thứ Ba 11/15/2016 tổng trưởng thương mại và kỹ nghệ của Mã, ông Mustapa Mohamed, tuyên bố nếu TPP không thành hình, thì Mã không thể làm gì khác hơn là gia nhập vào một tổ chức thị trường chung khác.

Ông Mahamed, ông Abe và nhiều chính khách Á Châu khác nghĩ là Hoa Kỳ đang lui về thế co rút để bảo vệ thị trường quốc nội.

Thiếu sự tham gia của Hoa Kỳ, TPP sẽ tự động tan rã vì điều khoản ấn định thành phần của tổ chức này phải có tối thiểu 6 quốc gia thành viên, và có đủ 85% phần trăm tổng số GDP (Gross Domestic Product-tổng sản lượng quốc gia) của toàn bộ 12 quốc gia thành viên cộng chung lại. Chỉ riêng GDP của Mỹ cũng đã bằng với 85% của toàn thể thành viên TPP.

Tờ Chicago Tribune tiết lộ tối Chúa Nhật 13 tháng 11/2016, Trump có một cuộc điện đàm thân mật với Tập Cận Bình, và nêu lên câu hỏi, “sau những luận điệu thù nghịch Trump nói về Trung Quốc trong thời gian tranh cử, làm cách nào giải thích thái độ thân thiện của ông với nhà lãnh tụ Trung Quốc?”

Bài báo của Chicago Tribune tập trung những nhận định của 5 ngòi bút, Melissa Chan, Zha Daojiong, Andrew Nathan, David Schlesinger và Paul Haenle, mỗi người giải thích một cách. Giáo sư Andrew J. Nathan, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và dạy khoa chính trị học tại viện đại học Columbia University viết, "trong vở tuồng 'người ứng cử viên' -một loại tuồng 'thông tin, giải trí' chúng ta thấy có 2 diễn viên mang tên Trump; một trong hai diễn viên đó cứng cỏi, tài giỏi, chưa bao giờ thất bại; nếu diễn viên này đắc cử và trở thành tổng thống Hoa Kỳ, thì chắc chắn ông ta sẽ trừng phạt kinh tế Trung Quốc, gia tăng trừng phạt Bắc Hàn, vắt thêm tiền của Nhật và của Nam Hàn để tài trợ sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại vùng Đông Bắc Á Châu bao vây Trung Quốc; tổng thống Trump cứng cỏi còn bán thêm vũ khí cho Đài Loan, cộng tác với Việt Nam, Ấn và nhiều nước khác tại Á Châu, tăng cường hải lực Hoa Kỳ trên Biển Đông.

Đối phó với thái độ đó của Hoa Kỳ, có thể Tập Cận Bình không run rẩy biến mất, và do đó một cuộc thi đua võ trang tốn kém và vô ích sẽ diễn ra.

Nhưng ông Trump cứng cỏi, ngang ngạnh đó không vào Bạch Cung; người sắp lên cầm quyền nước Mỹ là ông Trump thương gia, biết trả đúng giá để mua mọi thứ, bán mọi thứ. Hoa Kỳ cần bành trướng thương mại, văn hoá, nghệ thuật, Trung Quốc cũng có những nhu cầu đó, hai bên không cần tranh hùng, mà cần phối hợp với nhau để làm người Mỹ, người Hoa sống thoải mái hơn, tiện nghi hơn, và hoà bình hơn."

Lý luận của giáo sư Nathan giúp giải thích chuyến đi Mỹ của thủ tướng Nhật Abe; ông không đến đây để lại phải nghe Trump trách là Nhật không chia xẻ đồng đều gánh nặng quân sự Mỹ đang gánh vác để bảo vệ Nhật và thế giới.

Có thể Trump đã úp mở trả lời câu hỏi ' TPP Hay RCEP?'

Ông không chọn một TPP thiếu Trung Quốc, cũng không chấp nhận một RCEP thiếu Mỹ, mà chọn một thị trường chung khác, có sự tranh thương của mọi quốc gia.

Hy vọng giáo sư Nathan nhận định đúng, mặc dù mức độ phức tạp của thế 'Tam Quốc' Tầu-Nga-Mỹ đã tạo bế tắc từ 71 năm nay, bắt đầu vào năm chấm dứt Thế Chiến Thứ Nhì 1945.

Nguyễn Đạt Thịnh





No comments:

Post a Comment

View My Stats