Saturday, 5 November 2016

SARAJEVO : PHONG VŨ BIỂU CỦA CĂNG THẲNG NGA - PHƯƠNG TÂY (Trọng Thành - RFI)




Đăng ngày 05-11-2016 

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây là tâm điểm của tuần báo Le Courrier International, với hồ sơ « Putin nhóm lửa Chiến tranh Lạnh ». Tuần báo Pháp đặc biệt chú ý đến « Sarajevo, nơi đối đầu của mọi thế lực ». Thành phố nhỏ bé trên bán đảo Balkan với gần 300.000 dân được coi là « phong vũ biểu » của cuộc đối đầu giữa phương Tây và Matxcơva, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ đóng một vai trò ngày càng lớn.

Bài « Sarajevo, nơi đối đầu của mọi thế lực » - mà Le Courrier International trích từ nhật báo Đức Die Tageszeitung - mở đầu với thông báo : « Cách đây ít tuần, một lần nữa người ta nói đến nguy cơ một cuộc chiến mới tại Bosnia-Herzegovina. Rõ ràng không khí đã có phần yên ắng từ đó… nhưng tình hình vẫn căng thẳng tại sườn tây nam châu Âu. Hơn bao giờ hết, vùng đất vốn ba lần trở thành chiến trường trung tâm của khu vực - trong vòng một thế kỷ qua - tiếp tục là phong vũ biểu » cho các biến động chính trị tầm cỡ hành tinh.


Cộng Hòa Liên Bang Bosnia-Herzegovina (gọi tắt là Bosnia), với thủ đô Sarajavo, trở thành quốc gia độc lập năm 1992, sau khi Nam Tư sụp đổ. Bosnia có ba cộng đồng sắc tộc và tôn giáo chính : người Croate chủ yếu theo Công Giáo, người Serbe chủ yếu theo Chính Thống Giáo và người Bosniac chủ yếu theo Hồi Giáo. Nhưng trong ba cộng đồng này, chỉ có « người Bosniac và các phong trào cánh tả phi dân tộc chủ nghĩa » là thiết tha ủng hộ thể chế quốc gia đa dân tộc.

Đầu những năm 1990, cuộc chiến thanh lọc sắc tộc do lực lượng Serbe dân tộc chủ nghĩa khởi xướng đã đẩy quốc gia mỏng manh này đến bờ tan vỡ, buộc Liên Hiệp Quốc phải can thiệp. Năm 2003, việc Liên Hiệp Châu Âu hứa hẹn sẵn sàng kết nạp các quốc gia vùng Balkan, với điều kiện nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền được khẳng định, mang lại nhiều hy vọng cho Bosnia. Tuy nhiên, trong bối cảnh dự án châu Âu lâm vào khủng hoảng, « cán cân dường như đang đảo chiều theo hướng nguy hiểm ».

Theo nhật báo Đức, « cục diện mới này tạo ra một khoảng trống chính trị, mà các thế lực khác trên bán đảo Balkan có thể lợi dụng », trước hết là Nga. Mục tiêu của Nga là sử dụng các cộng đồng theo Chính Thống Giáo để chi phối vùng Balkan, trong đó có Bosnia. Với tư cách là thành viên Hội Đồng Bảo An, Nga hoàn toàn có thể hậu thuẫn cộng đồng Serbe ở Bosnia tổ chức trưng cầu dân ý để giải thể nước Cộng Hòa Serbia tự trị thuộc Liên Bang Bosnia, và điều này đồng nghĩa với việc « châm ngòi nổ » chiến tranh.

Bên cạnh đó, gần đây chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng hậu thuẫn cho các cộng đồng Hồi Giáo trên bán đảo Balkan, đặc biệt là tại Bosnia, kể cả về mặt quân sự. Cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập cũng đầu tư mạnh vào nước này. Người ta lo sợ một thứ Hồi Giáo cực đoan sẽ đẩy lùi truyền thống Hồi Giáo khoan dung. Thổ Nhĩ Kỳ và hai quốc gia Ả Rập nói trên cổ vũ người Hồi Giáo Bosnia tách khỏi hai cộng đồng còn lại. Nếu điều này xảy ra, Matxcơva lại càng có cớ để can thiệp. Nhật báo Đức lo lắng : tình hình tại Balkan đang căng, nhưng dường như đây không phải là mối bận tâm của Bruxelles và Berlin.

*
Một Saigon mới ?
Cũng về một phong vũ biểu khác của chính trị quốc tế, nhưng tại châu Á, tuần báo L’Express quan tâm đến tình hình Philippines, với nhân vật Duterte nổi tiếng với các phát biểu gây sốc. Bài viết mang tựa đề « Amin Dada của châu Á », bởi tổng thống Philippines khi nhậm chức từng tuyên bố : « Tôi sẽ về hưu với uy tín của Amin Dada (tức nhà độc tài Uganda, nổi tiếng với các hành động bạo lực, điên rồ) ».
L’Express lưu ý chính sách « xoay trục » của tổng thống Obama sang châu Á đang có chiều suy yếu với việc, ngoài Philippines, hai đồng minh Thái Lan và Malaysia cũng đang tìm kiếm chỗ dựa ở Bắc Kinh. « Liệu Hoa Kỳ có sắp phải chứng kiến ở Philippines một thất bại nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ Saigon sụp đổ? » là câu hỏi của tuần báo.

*
Những phụ nữ lay chuyển thế giới
Trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ngày 08/11, với cơ hội lần đầu tiên một phụ nữ trở thành lãnh đạo siêu cường, tuần báo L’Express dành một phần lớn số báo cho chủ đề « Những người phụ nữ lay chuyển thế giới », với hình ảnh trên trang nhất cựu ngoại trưởng - ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton, thủ tướng Anh Theresa May và thủ tướng Đức Angela Merkel. L’Express nhấn mạnh : Nếu Hillary Clinton đắc cử, đây sẽ là « một tình thế chưa từng có ».
Nếu điều này xảy ra, thì ba phụ nữ sẽ đứng đầu ba cường quốc hàng đầu thế giới, với tổng trọng lượng 20% GDP, ba nền dân chủ hùng mạnh, ba nền ngoại giao và quân sự có ảnh hưởng vô cùng lớn. L’Express dẫn lại câu viết nổi tiếng của nhà triết học Hà Lan Kierkegaard : « Phụ nữ là hiện hữu, còn đàn ông là tư duy », với nhận xét : « (…) nếu đàn ông mà suy nghĩ thì có thể thấy tình trạng hiện nay của thế giới không có gì xứng đáng với trí tuệ được coi là của họ. Trong khi đó, nếu phụ nữ là hiện hữu, thì đúng là họ hóa thân cho những gì thiếu vắng trong xã hội đương đại. Chưa bao giờ, ‘‘giới tính thứ hai’’ lại trở thành một vấn đề hệ trọng đến như vậy đối với nền văn minh, đến độ họ trở thành điều kiện cho sự tái khởi sắc của lý tưởng hiện đại ».
L’Express hy vọng các lãnh đạo nữ sẽ mang lại những giải pháp mới cho đời sống chính trị, trong bối cảnh « sự mệt mỏi đang xâm chiếm các xã hội (phương Tây) hậu dân chủ ». Phụ nữ là đại biểu cho một tiếp cận mới, như điều mà thủ tướng Đức Angela Merkel đã thể nghiệm với câu nói nổi tiếng « Wirschaffen das/Chúng ta sẽ làm được ! », khi mở cánh cửa nước Đức cho những người nhập cư. Cũng tương tự, nữ thủ tướng Anh đang là người mang lại hy vọng tìm được động lực mới cho đảo quốc, vốn đang phải đối mặt với các hệ quả vô cùng lớn sau quyết định chia tay với châu Âu.

*
Hillary Clinton còn là mẫu hình của phụ nữ Mỹ ?
Về nữ ứng cử viên tổng thống Mỹ, l’Express điểm lại tiểu sử Hillary Clinton, như một phụ nữ tiên phong trong lĩnh vực chính trị, đấu tranh không mệt mỏi cho nữ quyền. Năm 1970, khi Hillary vào học luật tại đại học Yale, trên toàn nước Mỹ, mới chỉ có 7% phụ nữ học luật năm thứ nhất. L’Express đặt câu hỏi : « Liệu nữ ứng cử viên Mỹ có còn là một mẫu hình trong một xã hội, nơi mà rất nhiều phụ nữ đã tự khẳng định được mình ? »
Tuần báo Pháp cho rằng, nếu Hillary chiến thắng, đây cũng sẽ không phải là một bước ngoặt lớn với nước Mỹ, giống như thắng lợi của Obama cách đây 8 năm. Bởi nếu như vào năm 2007, bà Clinton được coi là mẫu hình đối với 70% phụ nữ Mỹ, thì giờ đây đã có đến 45% phụ nữ Mỹ dưới 45 tuổi tự tin có khả năng lãnh đạo, một con số tương đương với nam giới.
Một cuộc điều tra gần đây của CNN cho thấy, ở phụ nữ lứa tuổi từ 18 đến 29, tỉ lệ ủng hộ dành cho Hillary Clinton thấp hơn cho ứng cử viên Bernie Sander đến 37 điểm. Đối với thế hệ phụ nữ trẻ Hoa Kỳ, giải quyết các bất bình đẳng xã hội quan trọng hơn là đưa một biểu tượng nữ trở thành tổng thống.

*
« Obama của nước Pháp » chưa tới
Liên quan đến bầu cử tổng thống Pháp, Le Courrier International giới thiệu góc nhìn của tờ báo Anh The Economist, qua bài : « Obama của nước Pháp còn chưa đến ».
Tờ báo Anh nhìn vào đời sống chính trị Pháp với nụ cười hóm hỉnh, với nhận xét : các đảng phái lớn của nước Pháp bắt đầu bắt chước kinh nghiệm Mỹ, tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ trong nội bộ đảng để chọn ứng cử viên tổng thống chính thức.
Theo một báo cáo của cơ quan tư vấn Terre Nova hồi 2008, thì đã đến lúc Pháp phải làm như vậy để tạo điều kiện cho sự xuất hiện một « Obama Pháp ». Tuy nhiên, theo The Economist, nếu nhìn vào dàn ứng cử viên của đảng cánh hữu Những người Cộng Hòa LR năm 2016, chẳng có mấy gương mặt mới mẻ.
Điều đáng kể duy nhất là việc tranh cử công khai đã buộc các ứng cử viên vai vế buộc phải tỏ ra lịch thiệp và tôn trọng trí thức, như không khí cuộc tranh luận đầu tiên cho thấy. Báo The Economist cũng chú ý trường hợp Emmanuel Macron, nguyên bộ trưởng kinh tế cánh tả.
Không chấp nhận tranh cử trong nội bộ đảng, ông Macron quyết định lập ra một phong trào riêng « En Marche », và có ý định ứng cử độc lập. Chàng trai Macron cầm tấm biển « En marche /Lên đường » ra đi giữa trời mưa, bỏ lại phía sau là các ứng cử viên kỳ cựu, cả tả lần hữu, túm tụm trong một chiếc ô, sắp ngập trong biển nước. Đó là hình ảnh đi kèm bài viết.

*
Cánh tả và đạo Hồi : Sự « thiển cận tội lỗi »
Chủ đề chính của báo L’Obs tuần này là « Cánh tả và đạo Hồi », nhân dịp ra mắt cuốn sách mới « La Fracture/Sự đứt gãy » của chuyên gia Pháp Gilles Kepel. Trong bài trả lời phỏng vấn dài dành cho L’Obs, Gilles Kepel lên án một bộ phận trí thức cánh tả đã giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của hiện tượng thánh chiến, điều mà ông gọi là « sự thiển cận tội lỗi ». Chuyên gia về đạo Hồi và thế giới Ả Rập hy vọng cuốn sách của ông sẽ góp phần vào cuộc thảo luận về vấn đề này từ nay đến bầu cử tổng thống và Quốc Hội.
Gilles Kepel nhấn mạnh đến tính chất vô cùng nguy hiểm của các tuyên truyền thánh chiến, theo chủ thuyết Salafi, rất phổ biến hiện nay, điều mà một bộ phận trí thức cánh tả tránh né hoàn toàn, do mặc cảm về thời nước Pháp đô hộ một phần thế giới Ả Rập. Tác giả cuốn « Sự đứt gãy » cũng đặc biệt chú ý tới sự hình thành « một tầng lớp vô sản mới tại các vùng ngoại ô nghèo, nơi con em những người nhập cư không có điều kiện tham gia vào thị trường lao động… ». Những thanh thiếu niên thất học và thất nghiệp là đối tượng tuyển mộ của hệ phái Salafi.

*
Người giúp nước Pháp thoát khỏi một vụ 13/11
Cũng về đe dọa khủng bố, báo Le Point giới thiệu một nhân vật đặc biệt, người đã giúp ngăn chặn cả một mạng lưới khủng bố tại Pháp, hồi tháng 11 năm 2015, sau loạt khủng bố tại Bataclan và sân vận động Stade de France. Người phụ nữ này đã phải ẩn mình từ một năm nay để tránh bị trả thù.
Sonia - tên giả của nhân vật nói trên - cùng với nhà báo Claire Andrieux vừa công bố cuốn sách « Temoin/Nhân chứng », kể về hành trình khổ ải của người có công với nước Pháp trước và sau khi vụ khủng bố được phá vỡ.
Theo Le Point, hiện tại người phụ nữ này vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ tài chính của chính quyền, theo dự luật « chống khủng bố », được Quốc Hội Pháp thông qua hồi tháng 3/2016. Tuy đã được ban hành, nhưng luật này vẫn chưa được thực thi với lý do chưa có thông tư áp dụng. Sonia cũng chưa được hưởng quy chế bảo vệ nhân chứng.

*
Ai tiêu hủy hồ sơ nhân vật giầu thứ 18 nước Nga ?
Cũng trong lĩnh vực an ninh, L’Obs thuật lại câu chuyện về cựu giám đốc tình báo Pháp Bernard Squarcini với bài « Những mưu mô của một bậc thầy gián điệp ». Theo L’Obs, dường như, ngay cả khi rời chức vụ năm 2013, cựu giám đốc tình báo vẫn tiếp tục có những can thiệp bí hiểm.
Bernard Squarcini bị tình nghi đã sử dụng ảnh hưởng của mình để làm biến mất hồ sơ của an ninh Pháp theo dõi Andreï Skoch, nhân vật được xếp hạng giầu thứ 18 của nước Nga. Andreï Skoch này bị tình nghi liên quan đến mafia và là một đe dọa đối với an ninh quốc gia Pháp.

*
Nhân loại chưa từng sống lâu, giàu có, tự do và an ninh như hiện nay
Le Point tuần này giới thiệu với độc giả một kết quả điều tra được đánh giá là « gây chấn động », trong bối cảnh nhiều công dân trong các xã hội phương Tây, đặc biệt là Pháp, cảm thấy rất bi quan về tương lai. Tâm trạng được các phong trào chính trị khai thác. Trong cuốn sách « Tiến bộ : 10 lý do để vui mừng cho tương lai », nhà sử học Thụy Điển Johan Norberg khẳng định : « Bất chấp các khủng hoảng, nhân loại chưa bao giờ sống lâu, giàu có, tự do và được bảo đảm về an ninh như hiện nay ».
Tiếp theo cuốn sách khá lạc quan của giải Nobel kinh tế Angus Deaton, theo Le Point, cuốn sách mới của nhà lịch sử kinh tế Thụy Điển còn « mạnh mẽ » hơn nữa. Le Point dẫn ra một vài con số mà tác giả đã nêu : năm 1900, 21% dân số toàn cầu biết đọc, nay là 86%. 1900 chỉ mới có 76 nước có bầu cử dân chủ, nay đã là 125. Năm 1950, hơn 1/4 trẻ em từ 10 đến 14 tuổi phải lao động, nay chỉ còn dưới 10%... Theo tác giả, cần phải trở lại với tinh thần của thời đại Ánh Sáng để hiểu được giá trị của những tiến bộ mà chúng ta đang được hưởng.
Trước khi cuốn sách được dịch sang tiếng Pháp, Le Point phỏng vấn tác giả Johan Norberg, với hy vọng mở đầu cho cuộc tranh luận về chủ đề « Liệu (nhân loại chúng ta) đã từng có một năm nào tốt đẹp hơn năm 2016 ? ».

*
Ấn Độ : Địa ngục trần gian tại một vùng than
Trong khi đó, L’Obs - qua một phóng sự ảnh - đưa độc giả đến với « Địa ngục » trần gian tại Ấn Độ, nơi hơn 700.000 người sống ngay cạnh các mỏ than lộ thiên, ngày đêm âm ỉ cháy, thả vào không khí rất nhiều khí độc hại, gây ung thư.
Dưới các bức ảnh lớn là một dòng chú thích ngắn : những người làm công được các công ty mỏ trả cho một ngày làm việc, chất than lên xe tải bằng tay, 67 rupi - tương đương chưa đầy một euro. Những người không được thuê phải vét than vụn để bán tại chợ đen, cách đó khoảng hai giờ đi bộ, với giá khoảng 2,86 euro cho 100 kg than.

*
Liệu con người có đủ thông minh để hiểu được loài vật ?
Quan tâm đến thế giới động vật cũng là một cách để hiểu hơn về thế giới con người. L’Obs tuần này dành lời cho nhà tập tính học động vật Frans de Waal, người Hà Lan, qua bài phỏng vấn mang tựa đề « Loài người hãy ngừng đề cao mình quá mức ».
Nhà tập tính học động vật rất ngạc nhiên trước việc con người bỏ hàng tỉ euro đi tìm các biểu hiện của sự sống ở những cõi xa xăm trong vũ trụ, trong khi lại coi thường rất nhiều loài động vật có trí tuệ, tồn tại ngay trên Trái Đất.
Năm 2007, một thực nghiệm do các nhà khoa học Nhật Bản tiến hành đã gây chấn động cộng đồng khoa học, khi cho thấy một con hắc tinh tinh nhỏ biết nhớ các chữ số còn giỏi hơn người. Rất nhiều thí nghiệm khác cho thấy nhiều loại động vật không thua kém con người về một loạt khả năng nhận thức, ngoại trừ việc có « một ngôn ngữ biểu tượng » hay «một văn hóa tích lũy », là những điều chỉ có ở giống người. Theo Darwin, sự khác biệt giữa ý thức con người với các loài động vật phát triển nhất nhìn chung « chỉ là mức độ, chứ không phải về chủng loại ». Nhiều loài khỉ cũng biết sử dụng công cụ, ý thức được thời gian, cảm nhận được lẽ công bằng, hay có lòng đồng cảm, vị tha...
Theo tác giả, « nên ngừng đánh giá quá cao sự kỳ diệu của trí tuệ con người, điều sẽ dẫn chúng ta đến chỗ coi nhẹ các tương tác giữa cơ thể và tinh thần. Cứ như thể não bộ con người có thể hoạt động độc lập với cơ thể, như điều mà trường phái siêu nhân học (transhumaniste) tin tưởng, với ước mơ là một ngày nào đó có thể ghép được bộ não của họ vào máy tính ».
Frans de Waal là tác giả cuốn sách « Phải chăng chúng ta không đủ thông minh để hiểu được trí thông minh của loài vật? », vừa ra mắt. 

*
Xã hội độc tài cũng có thể có phim hay
L’Obs giới thiệu bộ phim « Khách hàng » của đạo diễn Iran Asgha Farhadi. Phim đoạt hai giải kịch bản và diễn viên nam xuất sắc nhất của Cannes năm 2016. Đạo diễn cho biết phim « Khách hàng » được công chúng tại Iran nhiệt liệt chào đón, bất chấp sự phản đối quyết liệt của các thế lực bảo thủ. Asgha Farhadi từng đoạt giải Gấu vàng với bộ phim « Chia ly ».




No comments:

Post a Comment

View My Stats