Jonathan
Marcus
Phóng viên ngoại
giao của BBC
2 tháng
11 2016
.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ
Barack Obama. REUTERS
.
Thật
khó có thể tưởng tượng ra kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh lại có một thời
kỳ mà mối quan hệ giữa Nga và Mỹ lại xấu đến vậy.
Các
quan chức Mỹ đã mô tả cuộc tấn công Aleppo của liên quân Nga-Syria là "man
rợ" và cảnh báo rằng tội ác chiến tranh đang xảy ra.
Tổng thống
Nga đã phát biểu một cách rõ ràng về mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa
Washington và Moscow, nhấn mạnh rằng những gì chính quyền Obama muốn là
"diktat" ("áp đặt") hơn là đối thoại.
Dù vậy,
Mỹ và Nga vẫn đang liên lạc về chuyện Syria. Dù có những lời lẽ gay gắt, tố cáo
lẫn nhau, cả hai nước nhận ra họ có một vai trò quan trọng trong bất kỳ giải
pháp cuối cùng nào cho tấn kịch ở Syria.
Dù mục
tiêu chiến lược trước mắt là gì đi nữa, một cuộc chiến tranh lâu dài tại Syria
không có lợi cho cả Moscow và Washington.
Nhưng
không có mức độ cơ bản của sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, bất kỳ cuộc đối
thoại nào cũng đều không có nền tảng vững chắc. Người ta không hình dung sự thể
lại như vậy. Sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh vốn được mong chờ sẽ mở ra một kỷ
nguyên mới.
Đã có một
thời gian Nga rút lui khỏi vũ đài quốc tế, nhưng bây giờ Nga đang trở lại với
quyết tâm củng cố vị thế ở sân nhà; để khôi phục lại phần nào vai trò cường quốc
toàn cầu trước kia của mình và đòi lại danh dự sau một thời gian dài bị phương
Tây xem thường.
Vì đâu
lại nên nỗi như vậy? Tại sao Nga và phương Tây không thể thiết lập một quan hệ
kiểu khác? Ai có lỗi? Đó có phải là việc nước Mỹ thích thọc tay vào chuyện nhà
người khác nhưng lại không quan tâm đến thái độ chủ nhà và hàng xóm, hay hoài
niệm của nước Nga về một Đại Liên Xô? Tại sao mọi chuyện bây giờ lại trở nên
quá xấu và có đúng không khi mô tả hiện trạng như là một "cuộc chiến tranh
lạnh mới"?
Tôi sẽ
không cố gắng để đưa ra một câu trả lời toàn diện cho tất cả những câu hỏi - những
lắt léo của câu chuyện này cần cả một cuốn sách dài cỡ tác phẩm Chiến tranh và
Hòa bình của Tolstoy mới kể hết được! Nhưng tôi sẽ cố gắng đưa ra một số gợi ý.
Theo
Paul R Pillar, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh tại Đại
học Georgetown và là một cựu quan chức cao cấp của CIA, lỗi trước tiên là do Phương Tây.
"Quan hệ đã xấu đi khi phương Tây đã
không đối xử với Nga như là một quốc gia đúng nghĩa, một nước vừa thoát ra khỏi
chủ nghĩa Cộng sản Liên Xô," ông nói với tôi. "Quốc gia này cần phải được hoan nghênh vào một cộng đồng mới của
các quốc gia - nhưng thay vào đó, nó được coi như là nhà nước kế tục của Liên
Xô, và vì vậy kế thừa tình trạng là trọng tâm của sự mất lòng tin của phương
Tây."
Tội tổ
tông này, nếu bạn thích gọi như vậy, cấu thành bởi sự nhiệt tình của Phương Tây
trong việc mở rộng NATO, đầu tiên là kết nạp các nước như Ba Lan, Cộng hòa
Czech và Hungary, những nước đã có truyền thống dân tộc lâu đời đấu tranh chống
lại ách cai trị của Moscow.
Nhưng
việc mở rộng NATO đã không dừng lại ở đó vì họ còn kết nạp tiếp ba nước Baltic,
vốn là một phần của Liên Xô cũ. Các nhà bình luận vì thế đã vặn lại: vậy sao
còn thắc mắc là Moscow có nên ngăn cản ý tưởng Gruzia và Ukraina cũng theo quỹ
đạo phương Tây?
Tóm lại,
Nga cho rằng họ đã bị đối xử bất công kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Điều
này, tất nhiên, không phải là quan điểm thường được phương Tây chia sẻ. Phương
Tây vốn thích tập trung vào quan điểm nước Nga đang muốn "tái trỗi dậy"
- một lập trường được nhân cách hóa bởi hình hài của Vladimir Putin, người đã
mô tả sự sụp đổ của Liên Xô là "thảm họa địa chính trị lớn nhất" của
thế kỷ 20.
Có một
cuộc tranh luận thú vị giữa các chuyên gia của các cơ quan tư vấn ở Mỹ rằng phe
nào đúng. Nên tập trung vào các sai lầm chiến lược ban đầu của phương Tây trong
việc xử sự với nước Nga mới, hay nên tập trung vào hành vi quyết đoán gần đây của
Moscow ở Gruzia, Syria hoặc Ukraine?
Sir John Sawers, cựu giám đốc của Cơ
quan Mật vụ Anh (MI6), cũng là một cựu đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc và là một
chuyên gia về chính sách đối ngoại của Nga trong những năm vừa qua. Ông thích tập
trung vào giai đoạn gần đây hơn.
Trong một
cuộc phỏng vấn gần đây của BBC, ông nói rằng phương Tây đã không quan tâm đầy đủ
đến việc xây dựng các mối quan hệ chiến lược đúng đắn với Nga trong tám năm
qua.
"Nếu có một sự thông hiểu giữa
Washington và Moscow về luật chơi - là không cố gắng phá sập hệ thống của nhau
- thì việc giải quyết các vấn đề trong khu vực như Syria hay Ukraine hoặc Bắc
Triều Tiên - chuyện sớm muộn gì cũng tới tay chúng ta - sẽ dễ dàng hơn," ông nói.
Nhiều
chuyên gia tôi đã nói chuyện cũng chỉ ra sự lúng túng, bị động và việc thường
đưa ra các thông tin lẫn lộn trong chính sách ngoại giao của chính quyền Obama.
Quyền lực
tuyệt đối của Washington có thể bị suy giảm, nhưng đôi khi Mỹ vẫn quyết tâm sử
dụng các đòn bẩy quyền lực còn lại. Mỹ có đang xoay trục về châu Á hay không và
Mỹ thực sự giảm vai trò của mình ở châu Âu và Trung Đông đến mức độ nào?
Mỹ có
chứng minh lời lẽ của mình bằng quân lực? (Ở Syria thì câu trả lời là không.)
Và Mỹ có thực sự suy nghĩ về vị thế của mình đạt được so với Moscow?
Trong
năm 2014, sau vụ sát nhập Crimea vào nước Nga, ông Putin khi phát biểu trước
Duma Nga đã lưu ý rằng "Nếu bạn nén lò xo tới hết mức, nó sẽ bật lại rất mạnh.
Bạn phải nhớ điều này," ông nhấn mạnh.
Như
Nikolas K Gvosdev có viết gần đây trên trang web của National Interest - một tạp
chí về chính sách của Mỹ có quan điểm thực dụng về chính sách đối ngoại - "Những phản ứng cẩn trọng là hoặc tìm
cách để giảm áp lực lên lò xo, hoặc chuẩn bị tinh thần khi lò xo bật lại và có
cách giảm sốc".
Dù những
sai lầm của quá khứ là gì hay ai là người chịu trách nhiệm đi nữa, vấn đề là
chúng ta đang ở đâu? Là Mỹ và Nga thực sự trên bờ vực của cuộc xung đột về
Syria? Tôi không nghĩ như vậy, nhưng còn quan điểm là tất cả chúng ta đang bước
vào một "cuộc chiến tranh lạnh mới" thì sao?
Paul Pillar, lấy một ví dụ, cho rằng
đây không phải là thuật ngữ đúng.
"Ở đây không có kiểu cạnh tranh ý thức hệ
toàn cầu vốn là đặc trưng của Chiến tranh Lạnh và may mắn thay, chúng ta không
có một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân nào nữa," ông nói với tôi.
"Cái đang hiện hữu là sự cạnh tranh quyết
liệt tranh giành ảnh hưởng và Nga là một cường quốc có thứ bậc thấp hơn so với
Liên Xô trước đây, trong khi Mỹ vẫn giữ vị thế siêu cường."
Vậy
tương lai thì sao? Khi bầu cử tổng thống Mỹ vẫn còn chưa có kết quả, Moscow rõ
ràng là tin mình đang được rảnh tay. Và có bằng chứng cho thấy Nga có ý định sử
dụng tình trạng này để dàn xếp một loạt các xung đột theo cái cách đặt chủ nhân
tiếp theo của Nhà Trắng vào chuyện đã rồi.
Tình
hình này gợi nhớ đến năm 2008 khi quan hệ Mỹ-Nga bị đóng băng trong bối cảnh cuộc
chiến Nga-Gruzia. Điều này làm cho chính sách của chính quyền Bush đối với
Moscow trở nên lóng nga lóng ngóng, và tới phiên Tổng thống Obama thừa hưởng mớ
hỗn độn này.
Bạn còn
nhớ cái lần gây nức lòng dư luận khi một ngoại trưởng Mỹ, người có tên là
Hillary Clinton, "thiết lập lại" quan hệ với Nga? Vậy đấy, chuyện đó
cũng không tiến triển được mấy.
Sir John nói với BBC rằng, theo quan điểm của
ông, "đó là một trách nhiệm lớn cho
Tổng thống Mỹ tiếp theo (và
tôi rất hy vọng đó sẽ là Hillary Clinton - ông lưu ý) để thiết lập một
kiểu quan hệ khác. Chúng ta không tìm kiếm một mối quan hệ ấm áp hơn với Nga và
chúng ta cũng không hướng tới một mối quan hệ lạnh lẽo hơn với Nga," ông
khẳng định.
"Cái chúng ta đang tìm kiếm là một sự
thông hiểu chiến lược với Moscow về cách đem lại sự ổn định toàn cầu, sự ổn định
trên khắp châu Âu giữa Nga và Mỹ. Và vì vậy, sự ổn định căn bản của thế giới được
đặt trên một cơ sở vững chắc hơn so với trước đây."
Thời kỳ
đơn cực của nước Mỹ - ông lưu ý, "là rất ngắn ngủi và giờ đã kết
thúc".
-------------------------------
Tin
liên quan
No comments:
Post a Comment