Nguyễn Đăng Quang
07/11/2016
Nghịch
lý thì ở đâu cũng có, phần lớn là xấu và đều đáng ghét. Việt Nam có lẽ là xứ sở
có nhiều nghịch lý nhất. Song nó đáng ghét hay đáng yêu thì tôi chưa rõ! Xin kể
nhanh ra đây 4 nghịch lý nổi bật ở nước ta. Bốn nghịch lý này xuất hiện và tồn
tại ở nước có hình chữ S khá lâu, trên dưới nửa thế kỷ rồi, để chia xẻ cùng quý
bạn đọc xa gần:
1/ Ở Việt
Nam trong suốt 70 năm qua, Đảng Cộng sản luôn khẳng định thể chế của mình là ưu
việt nhất, nền chính trị ở Việt Nam là “dân chủ gấp vạn lần các nước
khác” (Nguyễn Thị Doan); chế độ bầu cử, ứng cử ở Việt Nam là dân chủ
tuyệt vời không đâu bằng, “dân chủ đến thế là cùng!” (Nguyễn
Phú Trọng) v.v.. Thế nhưng một nghịch lý hiển nhiên là tất cả 90 triệu người
dân Việt Nam không được phép chọn lựa thể chế chính trị mà mình tin tưởng,
không một công dân Việt Nam nào có thể dùng quyền phổ thông đầu phiếu để lựa chọn
chính đảng cầm quyền mà mình ưa thích! Và cũng không một công dân nào có thể trực
tiếp cầm lá phiếu của mình để bầu chọn những người lãnh đạo thay mặt họ để quản
trị đất nước! Các chức vụ chủ chốt của quốc gia như Chủ tịch nước, Thủ tướng
Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội, tất cả đều do Đảng cử, song mỗi chức vụ trên, Đảng
chỉ cử 1 ứng viên duy nhất để Quốc hội “bầu”! Quả đúng như lời phán của ngài
TBT Phú Trọng: “Dân chủ như thế chứ còn thế nào nữa”!?
2/ Đảng
Cộng sản Việt Nam hiện có trên 4 triệu đảng viên, chiếm chưa tới 5% dân số.
Nhưng trong Quốc hội gồm 495 đại biểu thì Đảng có đến 474 đại biểu là đảng
viên, chiếm tỷ lệ 95,80%. Quốc hội chỉ có 21 đại biểu ngoài Đảng, chiếm tỷ lệ vỏn
vẹn 4,20%! Chưa hết! Toàn bộ 200 Ủy viên Trung ương của Đảng đều chia nhau nắm
hết các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ Trung ương xuống khắp 63 tỉnh thành ở cả 3
nhánh quyền lực gồm Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp cũng như toàn bộ các tổ chức
đoàn thể, ban ngành (còn gọi là hệ thống chính trị) của toàn xã hội! Người có
trọng trách cao nhất Đảng Cộng sản Việt Nam - gọi nôm na là Đảng trưởng - hiện
là ông Nguyễn Phú Trọng, người mà 90 triệu người dân Việt Nam không một ai cầm
lá phiếu để bầu ông ấy làm nguyên thủ quốc gia, thế nhưng ông Trọng vẫn nghiễm
nhiên là lãnh tụ tối cao của cả nước, nắm trọn quyền lực trong tay và toàn quyền
quyết định sinh mệnh của dân tộc, của đất nước! Không hiểu nghịch lý này đến
khi nào thì thay đổi?
3/ Thế
giới hiện có khoảng 200 nước, nhưng chỉ có 193 quốc gia là thành viên của Liên
Hợp Quốc. Tất cả 193 nước này đều là các quốc gia độc lập, có chủ quyền và mỗi
quốc gia đều có Hiến pháp riêng của mình. Hiến pháp của các quốc gia này được
xác định là đạo luật gốc, là luật mẹ, tức văn bản pháp lý cao nhất, không có
văn bản luật pháp nào cao hơn! Các bản Hiến pháp đều ghi rõ Quốc hội (hoặc Nghị
viện) của họ là Cơ quan quyền lực tối cao của đất nước, vì Quốc hội là nơi có
quyền quyết định mọi vấn đề hệ trọng và sống còn của đất nước và dân tộc họ!
Ngoài Quốc hội hoặc Nghị viện ra, không có một cơ quan quyền lực nào khác có thể
đứng trên hoặc có quyền cao hơn Quốc hội hay Nghị viện cả! Nhưng ở xứ ta lại
khác, mặc dù Quốc hội Việt Nam cũng được xác định trong Hiến pháp là: “Cơ
quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của
nước CHXHCN Việt Nam” (Điều 69). Nhưng quyền lực thực sự thì lại không nằm
nơi Quốc hội mà là của Đảng (Điều 4). Nghịch lý này được chính Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng khẳng định chắc nịch khi ông tuyên bố: “ Hiến pháp là văn kiện
pháp lý quan trọng nhất SAU Cương lĩnh của Đảng”!? Liệu ĐCSVN có thể thay đổi
nghịch lý này để hòa nhập vào trào lưu tiến bộ chung của thế giới hay không?
4/ Nạn
tham nhũng ở đâu cũng có, nhưng mức độ thì mỗi nơi một khác. Ở Việt Nam, THAM
NHŨNG ngày nay không chỉ rất phổ biến mà nó lớn mạnh từng ngày theo tỷ lệ thuận
với các chiến dịch chống lại nó! Nghĩa là càng chống thì nó lại càng mạnh! Đây
là một nghịch lý kỳ quặc! Tham nhũng chính là căn bệnh trầm
kha đang làm xói mòn và hủy hoại xã hội Việt Nam và Đảng Cộng sản cầm quyền! Đảng
Cộng sản Việt Nam thừa biết điều này, nhưng bất lực trong hành động! Đảng coi
tham nhũng là 1 trong 4 nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng cách đây trên 25
năm, từ Đại hội Đảng lần thứ VII (6/1991)! Song đến nay, đã qua 6 kỳ Đại hội Đảng
và 4 đời Tổng Bí thư, song chẳng hiểu sao, tham nhũng chẳng hề hấn gì mà lại
càng thêm mạnh! Ban hành càng nhiều chỉ thị, nghị quyết chống nó, thì nó lại
càng sống khỏe! Càng lớn tiếng phê phán, kết án nó thì nó lại càng lớn mạnh
thêm! Qua đây, người dân thấy rất rõ NGHỊCH LÝ giữa lời nói và việc làm, giữa
hô hào và hành động, giữa lý thuyết và thực tiễn! Tham nhũng lớn mạnh nhất là
thời kỳ ông Nông Đức Mạnh làm Tổng Bí thư (2001- 2011), rồi nó phát triển mạnh
hơn sau khi ông Trọng thay ông Mạnh (từ 2011 đến nay)! Nay bọn tham nhũng không
chỉ còn là “bầy sâu” nữa mà đã trở thành “tập đoàn sâu” cả rồi!
Nhiều
năm qua THAM NHŨNG luôn gắn với QUYỀN LỰC. Tham nhũng tệ hại nhất chính là tham
nhũng quyền lực, là tham nhũng chính trị! Cơ chế quyền lực ở Việt Nam là cái
nôi sản sinh ra tham nhũng, và chính bọn tham nhũng lại là những kẻ ra sức bảo
vệ cái nôi sản sinh ra chúng! Nói một cách hình ảnh, bọn chuột bọ tham nhũng
sinh ra và ẩn nấp trong cái BÌNH nào, thì chúng phải tìm mọi cách bảo vệ cái
BÌNH ấy, không để ai ném vỡ nơi trú ẩn của chúng!
Cha ông
ta coi tham nhũng là GIẶC NỘI XÂM, mà đã là giặc là phải diệt, bất kể là nội
hay ngoại xâm! Nhưng TBT Phú Trọng lại không nghĩ vậy, ông nói: “Chống
ngoại xâm đã khó, chống nội xâm (tham nhũng) còn khó hơn, vì ta đánh vào ta!”.
Câu nói này làm người dân bất bình, nó để lộ bản chất của ông Trọng nói riêng
cũng như nghịch lý chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung!
Nhà báo
Xuân Dương, một cây viết chính luận sắc sảo, đã báo động dư luận trong một bài
viết mới đây trên báo GDVN là bọn tham nhũng hiện đã liên kết
với nhau và đã trở thành các “nhóm lợi ích bán nước, hại dân”, tồn
tại ngay trong hệ thống Đảng và chính quyền!
Trương
Duy Nhất, một nhà báo kiêm blogger nổi tiếng ở Đà Nẵng, trong một bài bình luận
cách đây gần 5 năm về Nghị quyết Chỉnh đốn Xây dựng Đảng (NQTƯ 4 Khóa XI), lấy
đầu đề là “Trị Đảng”, ông viết (xin trích nguyên văn): “Hồi Tổng Bí thư
Nguyễn Văn Linh đã nghe nói “nhà dột từ nóc”. Đến giờ, hình như “cái nhà” ấy
không những “dột từ nóc” mà dột nhiều chỗ khác nữa! “Dột nhiều chỗ khác” là
cách nói của cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, chứ thực ra không chỉ dột mà nhiều
chỗ đã thực sự... mục nát rồi!”
Tôi xin
phép được mượn 2 câu đúc kết sâu sắc nói trên để kết thúc cho bài viết ngắn
này. Rất mong có dịp trở lại để cùng bạn đọc trao đổi thêm về chủ đề NGHỊCH LÝ ở
nước ta vào một dịp thuận lợi khác.
Hà Nội,
ngày 6/11/2016.
N.Đ.Q.
Tác giả
gửi BVN.
Được
đăng bởi bauxitevn vào lúc 08:04
No comments:
Post a Comment