Saturday, 12 November 2016

NGHỊCH LÝ DONALD TRUMP & VIỆT NAM (Nguyễn Quang Dy)




Nguyễn Quang Dy
Viet Studies   |  12-11-2016

Bi kịch tranh cử tổng thống Mỹ đã hạ màn, với vai chính là Donald Trump giành được ngai vàng tại Nhà Trắng. Donald Trump là một nghịch lý mà nhiều người khó nuốt, nhưng đã quá muộn đành phải chấp nhận. Hoặc lại phải xuống đường biểu tình trong một đất nước bị phân liệt bởi nghịch lý đó. Không phải chỉ có người Mỹ, mà nhiều người Việt cũng bất ngờ, choáng váng, bức xúc và lo sợ. Đối với người Mỹ, tâm trạng đó là dễ hiểu (về tâm lý), nhưng đối với người Việt, tâm trạng đó là bất ổn (về tâm thức).  

Phải chăng đã đến lúc người Việt hãy bỏ thói quen lo chuyện người khác (vì vô vọng), mà hãy lo chuyện nhà mình (vì thiết thực hơn); hãy bỏ thói quen chờ người khác đến cứu mình, mà hãy nghĩ cách tự cứu mình trước (vì không ai cứu được); hãy bỏ thói quen làm thuê đánh mướn, để tự hào về một sứ mệnh viển vông; hãy bỏ thói quen chìa tay đi xin viện trợ, mà hãy tìm cách làm ra tiền và tiêu tiền có hiệu quả. Không ai cho mãi, nếu mình tiếp tục “tiêu tiền chùa” hoang phí và biển thủ vô tội vạ (“ăn không từ cái gì”).

Trong thế giới toàn cầu hóa và tùy thuộc lẫn nhau, tất nhiên phải có đồng minh và bạn bè, nhưng hãy ghi nhớ “chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”. Thật ngây thơ nếu hiểu “làm bạn với tất cả” (như khẩu hiệu), có nghĩa là không dám chơi thân với ai (như đồng minh). Tuy không nên dựa vào nước này để chống nước khác (như đánh thuê), nhưng cũng không nên đu dây quá lâu (như một mẹo vặt) để mất cơ hội. Cả hai cách đó đều bộc lộ thế yếu và phụ thuộc, chứ không phải thế mạnh và độc lập. Muốn mạnh và độc lập phải dựa vào dân và lấy lợi ích dân tộc làm trụ cột, trên cơ sở hòa giải và đoàn kết dân tộc, vì lợi ích chung.

Tổ tiên người Việt đã sống cạnh Trung Quốc nhiều thế kỷ, đã nhiều lần bị xâm lược và trở thành thuộc quốc, nhưng chưa bao giờ chịu khuất phục, chưa bao giờ ngừng đấu tranh để tự cường và giành lại độc lập. Chúng ta có quyền tự hào là tổ tiên người Việt đã có một lịch sử huy hoàng không thua kém ai, mặc dù thời đó nước Việt cô đơn. Ngày nay, nước Việt không còn cô đơn, nhưng lại quá phụ thuộc. Hãy nhìn tấm gương Israel. Dân tộc Do Thái đã mất hết không còn tổ quốc, nhưng khi có cơ hội, họ đã làm lại từ đầu như “quốc gia khởi nghiệp”, và trở thành một cường quốc. Đó là một dân tộc dũng cảm và khôn ngoan.

Thực ra trong lịch sử, tổ tiên người Việt đã từng làm được những việc tương tự như người Do Thái. Nhưng thỏa thuận Thành Đô là một sai lầm chiến lược phải trả giá quá đắt, một vết đen trong lịch sử mà nay người Việt phải có trách nhiệm sửa sai. Đó không phải là lần đầu tiên trong lịch sử, và Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Nếu biết tự trọng và tự cường, người Việt có thể làm được những gì mà người Do Thái đã làm.

Những gì đang diễn ra tại Anh, tại Mỹ và nhiều nơi khác, chứng tỏ thế giới đang thay đổi đảo điên, và không thể giữ mãi nguyên trạng, như nhiều người mong muốn (hay ngộ nhận). Người ta đã ngộ nhận về một xu thế mới đang đòi thay đổi trật tự cũ, như một nghịch lý khó chấp nhận. Đã đến lúc toàn cầu hóa và tự do mậu dịch (FTA) bước vào thoái trào, trước cao trào dân tộc chủ nghĩa, với xu hướng cực đoan và biệt lập, đang bị những người dân túy lợi dụng để lên nắm quyền, bằng những thủ đoạn chính trị phi truyền thống.

Theo giáo sư Francis Fukuyama, với thắng lợi của Donald Trump, nước Mỹ đang dịch chuyển từ “chủ nghĩa quốc tế tự do” (liberal internationalism) trở thành “chủ nghĩa dân tộc dân túy” (populist nationalism). Không những thế, dưới chính quyền Donald Trump, “nước Mỹ không còn là biểu tượng của nền dân chủ đối với các dân tộc đang sống dưới chế độ độc tài, tham nhũng”. (“US Against the World: Trump’s America and the New Global Order” Francis Fukuyama, Financial Times, November 11, 2016).

Sự phản kháng của một bộ phận dân chúng chống lại toàn cầu hóa là một phong trào toàn cầu. Cách đây 6 năm, Noam Chomsky đã cảnh báo, “Nó đang bùng phát thành những hoang tưởng chính trị mang tính tự hủy diệt”.  Nhưng người ta không chịu lắng nghe, mà coi thường các dự báo. Hậu quả là Donald Trump đã thắng cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Họ không ngăn được ông Trump vì đánh giá sai ông ấy (đại diện cho một phong trào). Các chuyên gia (pundits, pollsters) cũng ngộ nhận. Sách lược “bài bản” mà bà Clinton đưa ra để lôi kéo cử tri nữ, dùng hình tượng Lady Gaga (celebrity feminism) cũng không ăn nhập với cử tri nghèo, nên không đáp ứng đúng nhu cầu “tiến bộ” của họ (“superficial progressivism”). Vì vậy bà Clinton đã mất phiếu ngay trong các bang và nhóm cử tri mà bà có lợi thế.  

Nếu bà Clinton lên làm tổng thống, sẽ không quá khó để đoán biết chính sách của bà ấy. Nhưng còn quá sớm để “đoán mò” về chính sách của Tổng thống Donald Trump, một nhân vật thực dụng “phi truyền thống”. Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên nếu một số người vẫn ngộ nhận về ông Trump, như họ đã từng ngộ nhận về ông ấy. Về đối ngoại, có một số dấu hiệu ban đầu khá rõ trong bài báo của Alexander Gray và Peter Navarro, “Tầm nhìn về Hòa Bình trên Thế mạnh của Donald Trump tại Châu Á-TBD” (Donald Trump’s Peace Through Strength Vision for the Asia-Pacific, Foreign Policy, November 7, 2016).

Theo ông James Woolsey (cố vấn an ninh quốc phòng của ông Trump) phát biểu trên báo South China Morning Post (ngày 10/11/2016), “Mỹ sẽ chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc nếu Trung Quốc không thách thức nguyên trạng” (như một thỏa thuận có điều kiện). Khác với chính quyền Obama, thái độ của chính quyền mới đối với chủ trương “Một Vành đai, Một Con đường” của Trung Quốc sẽ “nồng ấm hơn” (much warmer).

Ông Trump thắng không phải vì quá tài giỏi, mà vì ông ấy thực dụng hơn, đã nhạy cảm bắt mạch đúng tâm trạng và đáp ứng đúng xu hướng muốn thay đổi của đa số cử tri nghèo. Bà Clinton thua không phải vì quá kém cỏi, mà vì bà ấy (và lãnh đạo đảng Dân Chủ) ngộ nhận, đã vô cảm trước sự thay đổi. Nghịch lý Donald Trump một lần nữa khẳng định xu hướng “Brexit” đã bắt đầu tại Anh. Đó là một bài học đau đớn đối với đảng Dân Chủ và Cộng Hòa (tại Mỹ), cũng như Công Đảng và đảng Bảo Thủ (tại Anh), và các chính đảng khác trên thế giới đang bị khủng hoảng, dù họ theo chính thể dân chủ hay độc tài.    
  
Trung Quốc độc tài nhưng đã cải cách kinh tế thành công, đang trỗi dậy như một gã khổng lồ, đòi thay đổi trật tự thế giới. Thực ra, đó cũng là chuyện bình thường và chính đáng, nếu Trung Quốc trỗi dậy trong hòa bình, đừng cư xử cực đoan và hung hãn, đừng bắt nạt và thao túng thiên hạ để bá quyền. Nếu Trung Quốc bớt độc tài, cải cách cả kinh tế lẫn chính trị, để trở thành một siêu cường văn minh, thì đó là một tấm gương cho thê giới. Nếu vậy, sẽ chẳng có ai phản đối, nếu Trung Quốc vượt Mỹ để đứng đầu thế giới. Nhưng ông Tập Cận Bình cũng là một nghịch lý về cải cách kinh tế mà vẫn duy trì nguyên trạng chính trị. 

Đối với mỗi quốc gia, trỗi dậy trong hòa bình để trở thành cường quốc là một sứ mệnh chính đáng. Là một láng giềng nhỏ hơn, người Việt Nam phải khiêm tốn và hữu hảo với người Trung Quốc, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau để cùng tồn tại. Người dân hai nước phải là đồng minh của nhau, vì mục tiêu chung là dân chủ và cường thịnh, chống lại xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan, có thể xô đẩy các dân tộc vào lò lửa chiến tranh.    

Trong nước, thảm họa môi trường tại Miền Trung (do Formosa) và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là hai vấn nạn khổng lồ đang ám ảnh cả nước. Đó không chỉ là hậu quả của thiên tai (do biến đổi khí hậu) mà còn là hệ lụy của “nhân họa” (do con người gây ra). Mọi giải pháp để tháo gỡ đều phải tính đến tâm trạng và nguyện vọng của người dân, theo hướng “từ dưới lên” (bottom up), chứ không chỉ dựa vào ý chí của chính quyền, theo hướng “từ trên xuống” (top down). Sai lầm lớn nhất của giới cầm quyền tại Anh và Mỹ vừa qua là một cảnh báo về sự ngộ nhận chết người, dẫn đến những hệ quả khôn lường.  

Sáng kiến “Mekong Connect” tại ĐBSCL đang mở ra một cơ hội và lối thoát để cứu ĐBSCL khỏi tai họa, nếu biết vận dụng và quản trị nguồn lực bản địa và quốc tế một cách hiệu quả hơn, nếu biết ứng phó với biến đổi khí hậu và đổi mới thể chế một cách khôn ngoan hơn. Trong khi đó, thảm họa môi trường miền Trung nan giải hơn, vì có yếu tố Formosa và Trung Quốc. Những cuộc biểu tình ôn hòa hàng vạn người của cộng đồng công giáo miền Trung là một cảnh báo về tâm trạng bức xúc của người dân (nhưng vẫn chưa có luật biểu tình). Những hoạt động cứu trợ bão lụt hiệu quả hơn của các tổ chức xã hội dân sự (như MC Phan Anh) cũng là một hiện tượng đáng suy nghĩ (trong khi vẫn chưa có luật về hội).      

Tóm lại, trước một thế giới đầy biến động bất thường, muốn tồn tại bên cạnh Trung Quốc như một gã khổng lồ ôm mộng bá quyền, Việt Nam phải đổi mới toàn diện (vòng 2), bằng cải cách thể chế kinh tế lẫn chính trị, để tháo gỡ những nút thắt như cái vòng kim cô đang trói chặt nền kinh tế và chính trị của một đất nước đang chuyển đổi. Đổi mới thể chế là nhiệm vụ cấp bách và cơ bản nhất để ổn định kinh tế vĩ mô, cân bằng ngân sách, tránh lệ thuộc, và phát triển bền vững.  “Hãy tự cởi trói” và “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”!  

NQD.  12/11/2016

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 12-11-16






No comments:

Post a Comment

View My Stats