Wednesday, 9 November 2016

LÝ GIẢI CHIẾN THẮNG CỦA DONALD TRUMP (Janine R. Wedel - Project Syndicate)




Janine R. Wedel  -  Project Syndicate
Biên dịch: Phạm Thị Thoa | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Posted on 10/11/2016 by The Observer

Một cuộc khủng hoảng lòng tin của công chúng với các thể chế dân chủ – trong đó có chính phủ, cơ quan lập pháp, toà án và truyền thông – là nhân tố trung tâm dẫn đến sự thắng thế của Donald Trump và các nhân vật giống như ông trên toàn thế giới. Và chừng nào cuộc khủng hoảng này còn tiếp diễn thì các vị lãnh đạo như Trump vẫn sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các cử tri, bất chấp các kết quả bầu cử chung cuộc.

Cuộc hủng hoảng lòng tin này không mới. Một nghiên cứu năm 2007, do một diễn đàn của Liên Hợp Quốc đặt hàng, đã cho thấy một mô hình mang tính “rộng khắp”: Trong 4 thập niên gần đây, gần như mọi nền dân chủ được coi là công nghiệp hóa và phát triển đều gặp phải sự suy giảm niềm tin của công chúng đối với chính phủ. Trong những năm 1990, ngay cả các đất nước từ lâu đã nổi tiếng về lòng tin công chúng như Thụy Điển và Na Uy, chỉ số lòng tin của người dân với chính phủ cũng suy giảm.

Tại Mỹ, khảo sát mới nhất của Viện Gallups về “niềm tin vào các thể chế” cho thấy rằng từ thập niên 1970 (thời điểm thực hiện cuộc khảo sát sớm nhất) tới nay, chỉ số niềm tin của công chúng vào 12 trong 17 thể chế đã giảm với tốc độ hai con số; trong đó có: ngân hàng, Quốc hội, vị trí tổng thống, trường học, báo chí và nhà thờ. Với 5 thể chế còn lại, niềm tin tăng lên một cách vừa phải, đặc biệt lòng tin của người dân tăng mạnh đối với giới quân đội.
Là một nhà nhân học xã hội được đào tạo ở Đông Âu trong buổi hoàng hôn của chủ nghĩa cộng sản, tôi đã trực tiếp quan sát được những gì xảy ra với một xã hội không còn niềm tin của dân chúng. Người dân nhìn các thể chế chính thức với một sự hoài nghi toàn diện và lui mình vào các “kén tằm” tập thể: những nhóm bạn bè, gia đình gần gũi, khép kín, không chính thức. Họ dựa vào các nhóm này để nắm các tin tức, thông tin và nhiều thứ khác.

Những người trẻ gần như không thấy có lý do nào để đầu tư vào tương lai, trong khi những người già không cưỡng lại được ý muốn tự kết liễu đời mình và nạn sử dụng các chất kích thích ở một mức độ báo động.

Hiện nay, một số xu hướng đáng báo động tại Mỹ, châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới cũng mang dáng dấp của xã hội cộng sản thời đó. Theo một nghiên cứu quan trọng của hai nhà kinh tế học Anne Case và Angus Deaton hồi năm ngoái, tỷ lệ tử vong của những người đàn ông da trắng trung niên, học vấn thấp tại Mỹ đang tăng lên, trong một làn sóng mà giới phân tích gọi là “những cái chết tuyệt vọng”.

Cùng lúc, thế hệ “thiên niên kỷ” của Mỹ (những người sinh năm 1982 đến 2004) đang trì hoãn kết hôn, mua nhà hay mua xe, và nhiều người trả lời các cuộc thăm dò chỉ ra rằng họ sẽ trì hoãn những điều này mãi mãi. Tỷ lệ người thuộc thế hệ “thiên niên kỷ” sống cùng bố mẹ ở mức cao chưa từng thấy kể từ năm 1940. Và nhiều người trong số này đang sống qua ngày nhờ những việc lặt vặt, chắp vá không đem lại phúc lợi nghề nghiệp hay sự ổn định việc làm.

Do đó, một đội quân đang lớn dần gồm những con người như vậy coi mình như những kẻ ngoài cuộc. Những cánh cửa từng mở ra cho họ giờ đã bị đóng lại và niềm tin rằng các thể chế công sẽ đại diện cho lợi ích của họ đã bị xói mòn nghiêm trọng. Nhiều người mong chờ những phong trào và những nhân vật chống các chính trị gia dòng chính như Trump, để mong được cứu rỗi.

Khuynh hướng tương tự cũng được thể hiện rõ trong những cơn giận dữ phản đối giới tinh hoa, chống hệ thống từng nổ ra trên khắp châu Âu, được phản chiếu rõ trong cuộc trưng cầu dân ý rời Liên minh châu Âu (EU) của Anh, trong sự phát triển liên tục của đảng cánh hữu Sự lựa chọn thay thế vì nước Đức (AfD), sự thể hiện mạnh mẽ của Marine Le Pen, lãnh đạo Mặt trận Quốc gia bảo thủ trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Pháp, và cuộc bầu cử ở Úc năm nay, khi mà lần đầu tiên kể từ Thế Chiến 2, không một ứng viên thuộc giới cầm quyền “chính thống” nào vào được tới vòng bỏ phiếu cuối cùng.

Tại Mỹ, khi chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra, với nhiều lý do, nhiều cử tri tin chắc rằng hệ thống đã bị “gian lận”. Nhưng dân chủ và sự nghi ngờ có thể là một sự kết hợp nguy hiểm, vì người dân đang phải đối mặt với các vấn đề kinh tế và chính trị phức tạp không thể luôn luôn hướng sự tức giận của mình vào một mục tiêu chính xác.

Những thay đổi kinh tế và công nghệ sâu rộng trong những thập niên gần đây, cùng với tư nhân hóa, bãi bỏ điều tiết, số hóa, và tài chính hóa, đã trao quyền nhiều hơn cho giới tinh hoa và cho phép họ phát huy ảnh hưởng chính trị thông qua các viện nghiên cứu chính sách và các tổ chức nhân đạo, vận động hành lang ngầm, những lối đi vòng phá vỡ các quá trình tiêu chuẩn, truyền thông, tài trợ cho các chiến dịch tranh cử, tham gia làm “công chức” để kiếm chác lợi ích cho riêng mình. Kiểu “tham nhũng mới” này, dù hợp pháp về mặt kỹ thuật nhưng thực chất lại không hề trong sạch, đã dẫn tới việc lòng tin của dân chúng bị bào mòn một cách nghiêm trọng.

Thực trạng này, cùng với sự nới rộng khoảng cách trong thu nhập, giúp diễn giải tại sao các cử tri Mỹ lại nghiêng theo một ứng cử viên như Donald Trump, đặc biệt là khi họ sống trong các “vũ trụ thông tin” của riêng họ, một xu hướng mà nhiều người đang làm theo. Các thuật toán của Facebook và Twitter giúp khẳng định thiên kiến của mỗi nhóm người dùng và loại bỏ các quan điểm đối lập, thậm chí cả các sự thật mang tính đối lập. Thời đại công nghệ số đã tạo ra tình trạng cô lập mà thật trớ trêu là tương tự như dưới thời chủ nghĩa cộng sản.
Hậu quả của nó cũng quen thuộc tới mức đáng sợ với những ai đã học về lịch sử Đông Âu. Cũng giống như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Trump lợi dụng cảm giác bất lực và giận dữ của dân chúng, khai thác mong ước về lại với quá khứ huy hoàng và chủ nghĩa dân tộc, và tìm ra những kẻ bị đổ lỗi dễ tấn công như bộ phận dân nhập cư. Cũng như ở Nga, nơi người đồng tính và nhóm dân thiểu số chính thức bị đưa vào tầm ngắm, thì những con người vỡ mộng tại Mỹ cũng được khuyến khích quấy rối và phỉ báng các nhóm người vốn đã bị gạt ra lề xã hội.

Lòng tin là huyết mạch của một xã hội thịnh vượng, và nhiều nước phương Tây cần được truyền máu khẩn cấp. Nhưng các hệ thống chính trị này sẽ chỉ ở trạng thái được hồi sức cấp cứu một cách lay lắt cho tới khi tầng lớp tinh hoa lâu đời cảm thấy bị đe dọa đủ để có thể bắt đầu quan tâm tới nhu cầu của bộ phận dân chúng đang bị bỏ rơi kia.

-----------------------
Janine R. Wedel là một nhà nhân học và giáo sư tại Trường Schar về Chính sách và Quản lý chính quyền, Đại học George Mason (Virginia, Mỹ). Bà là tác giả của cuốn Unaccountable: How the Establishment Corrupted our Finances, Freedom, and Politics and Created an Outsider Class.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Donald Trump and a World of Distrust

BÌNH LUẬN :
NHỮNG LÝ GIẢI TRÊN ĐÂY HÌNH NHƯ KHÔNG PHÙ HỢP VỚI CUỘC BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ 2016.
MỖI QUỐC GIA CÓ HOÀN CẢNH XÃ HỘI KHÁC. HOÀN CẢNH XÃ HỘI MỸ LẠI CÀNG KHÁC CÁC NƯỚC VĂN MINH PHƯƠNG TÂY, VÌ NÓ TRƯỞNG THÀNH QUA ĐẤU TRANH LIÊN TỤC, TỪ VIỆC XÓA BỎ CHẾ ĐỘ NÔ LỆ, ĐẾN GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ  ĐỂ ĐƯỢC QUYỀN ĐI BẦU CỬ, ĐẾN ĐẤU TRANH CHO NHÂN QUYỀN CỦA NGƯỜI MỸ CHÂU PHI VÀ CŨNG NHỜ ĐÓ MÀ CÁC SẮC DÂN KHÁC NHẬP CƯ ĐẾN SAU ĐƯỢC THỪA HƯỞNG, VÀ HIỆN NAY LÀ QUYỀN PHÁ THAI, QUYỀN HÔN  NHÂN ĐỒNG TÍNH, QUYỀN HƯỞNG LƯƠNG BỔNG NGANG NHAU GIƯA NAM VÀ NỮ.
XÃ HỘI HIỆP CHỦNG HOA KỲ LUÔN LUÔN ĐI TRÊN CON ĐƯỜNG HOÀN THIỆN NÊN KHÔNG CÓ VẤN ĐỀ KHỦNG HOẢNG NIỀM TIN VỀ THỂ CHẾ. BẰNG CỚ LÀ NGƯỜI THUA CUỘC TRONG CUỘC BẦU CỬ TỔNG THỐNG 2016, BÀ HILLARY CLINTON LẠI LÀ NGƯỜI CÓ SỐ PHIẾU PHỔ THÔNG CAO HƠN NGƯỜI CHIẾN THẮNG LÀ ÔNG DONALD TRUMP (*) . ĐÂY LÀ SỰ LẬP LẠI TƯƠNG TỰ NHƯ CUỘC BẦU CỬ BUSH  -  GORE TRƯỚC ĐÂY. ÔNG GORE VÀ BÀ CLINTON THẤT BẠI DO THỂ THỨC BẦU CỬ ĐẶC BIỆT CỦA NƯỚC MỸ, VÀ CHỈ XẢY RA DƯỚI CHẾ ĐỘ TỔNG THỐNG CỦA NƯỚC MỸ. VỚI CÁC CHẾ ĐỘ ĐẠI NGHỊ THÌ CHẮC CHẮN KHÔNG THỂ CÓ MỘT NHÂN VẬT NHƯ DONALD TRUMP ĐƯỢC BẦU CHỌN ĐỂ LÃNH ĐẠO MỘT ĐẢNG, NHƯ Ở CÁC NƯỚC CANADA, ÚC, ANH, PHÁP, V.V.

By Jessica Firger On 11/9/16 at 11:20 AM
.
Much of the world knew a few hours after voting concluded that Donald Trump will be the 45th president of the United States, based on the tally of electoral college votes—at least 270 are required to win. But as of Wednesday morning, Hillary Clinton was still leading in the popular vote, by a margin of 135,495. Clinton had 59,186,057 votes, while Trump had garnered 59,049,470.






No comments:

Post a Comment

View My Stats