Friday, 18 November 2016

DONALD TRUMP KHÔNG CÓ PHÉP LẠ (Nguyễn-Xuân Nghĩa)




Nguyễn-Xuân Nghĩa
November 14, 2016

Làm sao tìm lại vang bóng của khu vực chế biến Hoa Kỳ?

Trước sự bàng hoàng của dư luận toàn cầu và các thị trường tài chánh thế giới về việc tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống một cách bất ngờ, người ta phải nhìn về đằng sau và mất nhiều năm để tìm ra những lý do giải thích tương đối hợp lý. Nhưng, trong khi đó kinh tế vẫn vận hành và sinh hoạt người dân vẫn tiếp tục. Khi ấy, ta cần cái nhìn “nóng,” tức thời, về tương lai trước mắt, xem chính sách kinh tế của vị tổng thống tân cử sẽ ảnh hưởng ra sao tới đời sống. Nghĩa là vì “kinh tế cũng là chính trị,” chúng ta cần lượng định xem chính trị chi phối kinh tế ra sao. Bài này được viết trong tinh thần đó…

***
Một sự kiện thuộc về bối cảnh trường kỳ đã lọt ra khỏi tầm nhìn của nhiều người, đó là sự chuyển dịch xã hội dưới ảnh hưởng của kinh tế và khoa học kỹ thuật.

Hơn hai thế kỷ trước, 50% dân số Hoa Kỳ – các nước Âu Châu cũng vậy – sinh sống trong các nông trại, nôm na là nông dân. Ngày nay, tám chín thế hệ sau, tỷ lệ dân số trong nông nghiệp Mỹ chỉ còn là 2%. Cái nhìn thiển cận và bi quan thì kết luận rằng giai cấp nông dân bị giai cấp công nhân tiên tiến tiêu diệt! Ngày nay, trong hình thái kinh tế hậu công nghiệp, một lực lượng lao động rất lớn của các lãnh vực sản xuất hay dịch vụ cổ điển, như chế biến (hay lái xe vận tải!) sẽ mất việc như nông dân đã mất việc và lực lượng này phải kiếm nghề khác. Nhưng sự thay đổi ấy không diễn tiến chậm rãi qua nhiều thế hệ mà xảy ra trong… nửa thế hệ, chừng dăm bảy năm thôi, và xảy ra đồng loạt trong nhiều khu vực sản xuất.

Thu hẹp ống kính thì việc làm trong khu vực chế biến với thành phần công nhân quý tộc vì quý báu cho kinh tế bỗng tiêu tan rất nhanh và ngày càng nhanh. Nhanh tới độ công nhân không kịp chuyển hướng, học nghề và tìm ra việc làm khác để giữ được lương cao, hay ít ra là mức lương cũ. Họ cảm thấy là bị nghèo đi trước một tương lai mờ mịt. Thế rồi, khi giới kinh tế nói đến sự sa sút của khu vực chế biến thì giới chính trị bèn tìm ra thủ phạm, để xin việc làm qua lá phiếu. Họ đổ lỗi cho kinh tế thị trường, tự do mậu dịch và toàn cầu hóa, v.v…

Cả hai ứng cử viên Cộng Hòa và Dân Chủ đều thi đua đổ lỗi và hứa hẹn phép lạ. Nếu đắc cử, Tổng Thống Hillary Clinton phải làm phép lạ kinh tế ấy! Chẳng may đắc cử, Tổng Thống Donald Trump rơi vào khó khăn tương tự. Thủ Tướng Winston Churchill có câu nói mà kịch sĩ Donald Trump đang thấm thía khi nhập vai tổng thống: “Phe chiến thắng cũng gặp vấn đề, may quá là loại vấn đề dễ chịu hơn, nhưng không phải là dễ giải quyết!”

Bây giờ, thay vì dành một cuốn sách cho việc giải quyết ngần ấy vấn đề, xin hãy nhìn vào khu vực chế biến, và trong khu vực kinh tế này, tập trung vào “thủ phạm chính trị” là hiệp ước tự do mậu dịch. Khi tranh cử, Donald Trump bày tỏ quyết tâm đàm phán lại các hiệp ước tự do thương mại để khôi phục công việc làm trong khu vực chế biến Hoa Kỳ. Thí dụ nổi bật là Hiệp Ước Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ NAFTA đã được Tổng Thống Bill Clinton ban hành từ năm 1994 sau khi được Quốc Hội phê chuẩn trước đó. (Éo le không kém là Hiệp Ước Xuyên Thái Bình Dương TPP mà chính quyền Obama phải ngậm ngùi giã biệt vì sự chống đối của cả hai đảng trong Quốc Hội lẫn hai ứng viên trong cuộc tranh cử vừa qua – nhưng đấy là một đề tài khác vì giấy mực có hạn!)

Bước đầu, ông Trump đòi đơn phương triệt thoái khỏi nhóm NATFA gồm Canada, Mỹ và Mễ. Việc đó bất khả vì ba lý do, luật pháp, hiến pháp và sự cưỡng chống của doanh trường. NAFTA là gạo đã thành cơm còn thơm hơn rượu nếp, vì hội nhập kinh tế Hoa Kỳ vào cả một chu trình cung cấp của các doanh nghiệp với Mexico và Canada. Trong hàng nhập từ các xứ này có cơ phận do doanh nghiệp Mỹ chế biến. Xóa bỏ cam kết là hết chuyện chơi.

Nếu không thể đơn phương tháo chạy thì Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của tổng thống thứ 45 và Quốc Hội khóa 115 có thể thương thuyết lại, với các luận cứ dọa và dụ. Thí dụ như hăm dọa tăng thuế nhập nội trên hàng nhập cảng. Kinh nghiệm làm ăn và ngã giá của doanh gia Donald Trump cho biết là xứ Mễ cũng có thể trả đũa làm giảm mức xuất cảng của Mỹ. Chi bằng ta tập trung vào chuyện râu ria để tìm chiến thắng biểu kiến về chính trị: xứ Mễ phải chấp hành các quy định về môi sinh và về xuất xứ của hàng hóa bán qua Mỹ. Ðất là thắng lợi rất nhỏ và ưu tiên rất thấp trong chán vạn hồ sơ khác mà ông Trump cần giải quyết ngay.

Cũng theo hướng đó, tổng thống tân cử Hoa Kỳ có thể đòi trừng phạt Trung Quốc qua biện pháp nâng hàng rào quan thuế.

Trong quan hệ thương mại Mỹ-Hoa, nước Mỹ nhập cảng nhiều sản phẩm hoàn tất như điện thoại thông minh, vật gia dụng hay đồ chơi trẻ em, hàng dệt sợi, xưa kia thuộc khu vực chế biến Hoa Kỳ, nay là sản phẩm “chế tạo tại Trung Quốc.” Thật ra trong loại hàng này, nhiều món có thể được gọi là “sản phẩm Hoa Kỳ chế biến tại Trung Quốc,” với phần đóng góp của Nhật Bản, Nam Hàn, Singapore hay Malaysia.

Từ nhiều năm nay, Bắc Kinh cũng gặp bài toán của các nước Tây phương đi trước, là thấy khu vực chế biến của mình bị rút ruột vì giới đầu tư đi tìm các thị trường có ưu thế rẻ hơn, như Mễ, Ấn, Việt, Nam Dương hay Bangladesh, v.v… Trung Quốc đang muốn đa năng hóa cơ chế sản xuất và leo lên bậc thang cao hơn, như từ chế biến lên dịch vụ, với giá trị gia tăng hay đóng góp nhiều hơn và đành phải chạy đua mà chỉ sợ loạn ở bên trong vì hết là công xưởng chế biến của toàn cầu.

Bây giờ, cả Hillary Clinton lẫn Donald Trump đều muốn đặt lại vấn đề, như nhìn vào tấm kính chiếu hậu. Nhưng vì ông Trump thắng cử nên hôm Chủ Nhật 13, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi điện chúc mừng.

Nhân tiện, tài chủ họ Tập nói chuyện phải quấy với tài phiệt Donald, nôm na là trình bày hơn thiệt và ngã giá theo kiểu con buôn. “Nếu quý quốc làm khó, như hạn chế nhập cảng iPhone “Made in China,” tệ quốc buộc lòng phải mua Airbus của Âu Châu hơn là Boeing. Khi ấy, bài toán kinh tế cũng là chính trị của Tổng Thống Trump sẽ là gì?

Ðể lấy lòng quần chúng mà khỏi mất lòng các bạn hàng bốn phương, tân tổng thống sẽ không đánh đòn hù của cựu ứng cử viên (là nâng hàng rào quan thuế) mà sẽ đánh đòn thật: dùng ngay hệ thống luật lệ và cam kết hiện hành của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO để tập trung khiếu nại một số chính sách phá giá, bảo hộ hay lũng đoạn hối đoái của Bắc Kinh. Ðại sứ thương mại, các tổng trưởng ngân khố và thương mại do ông Trump bổ nhiệm sẽ thi hành việc đó và bố cáo cho bàn dân thiên hạ thấy rằng ông cứng rắn chống Tầu hơn chính quyền Obama!

Nhưng ngoài phần trình diễn đó, tân tổng thống phải khởi sự một nỗ lực khác sẽ được người kế nhiệm thi hành:

Ðó là việc xây dựng lại khu vực chế biến nội địa phải mất nhiều năm mới thành, trong khi đó tiến bộ khoa học kỹ thuật đang mặc nhiên tạo ra một khu vực chế biến mới, được tự động hóa đến tối đa. May ra, khi ông Trump mãn nhiệm thì kinh tế Hoa Kỳ mới định hình được mô thức sản xuất mới, với những ứng dụng tối tân về sản xuất hay ấn loát ba chiều 3-D Printing, Kiến năng nhân tạo, Nano-technology, v.v… Khổ nỗi, mô thức mới cũng chẳng tạo thêm được việc làm cho công nhân!

***
Vì vậy, không nên chờ phép lạ kinh tế của Donald Trump để tìm lại vang bóng một thời của khu vực chế biến, đằng nào cũng bị đào thải. Nếu lạc quan thì ta nên trông đợi vào viễn kiến của tổng thống mới để đặt nền móng cho một mô thức kinh tế hoàn toàn đổi khác, với những hậu quả lan rộng vào quan hệ kinh tế của nước Mỹ với thế giới bên ngoài.

Cho nên trận chiến mậu dịch mà nhiều người e ngại ông Trump tiến hành chỉ là mối lo ngoài da. Mối lo xương tủy là Hoa Kỳ phải xây dựng hệ thống kinh tế chính trị và luật pháp cho một hình thái sản xuất sẽ chôn cất khu vực chế biến của Mỹ trong vinh quang. Ðấy mới là lãnh đạo!




No comments:

Post a Comment

View My Stats