03.11.2016
Sau Hội
nghị Trung ương 4 khoá XII diễn ra từ ngày 9 đến 14/10 và chuyến thăm Trung Quốc
của Thường trực Ban Bí thư Đảng CSVN diễn ra từ ngày 19 đến 21/10 vừa qua, dư
luận đang dấy lên đồn đoán là ông Đinh Thế Huynh đã được chọn làm người kế nhiệm
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chưa biết tin đồn này có trở thành hiện thực hay
không, nhưng dường như một lần nữa Trung Quốc lại nổi lên như một nhân tố quyết
định ngôi vị lãnh đạo tối cao ở Việt Nam.
Không
ít người cho rằng đây là một “thông lệ” bắt đầu từ Hội nghị Thành Đô năm 1990,
hội nghị mà cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch từng cảnh báo là sẽ đưa Việt
Nam bước vào “một thời kỳ bắc thuộc mới rất nguy hiểm”. Tuy nhiên trên thực tế,
Bắc Kinh đã thò “bàn tay lông lá” của mình vào chính trường Việt Nam từ trước
đó rất lâu.
Ngược
dòng thời gian, sau thảm hoạ diệt chủng mang tên “Cải cách ruộng đất” do Đảng Cộng
sản Việt Nam phát động, Trưởng ban Cải cách Ruộng đất Trung ương Trường Chinh bị
biến thành con dê tế thần và mất chức Tổng Bí thư vào tháng 10/1956. Lúc bấy giờ,
trong số những trợ thủ thân cận nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ
Nguyên Giáp nổi lên như là ứng cử viên số một để tiếp quản chiếc ghế mà ông Trường
Chinh để lại. Vậy nhưng, sau một thời gian ông Hồ Chí Minh (Chủ tịch Đảng) kiêm
nhiệm chức vụ Tổng Bí thư, tại Đại hội lần thứ III Đảng CSVN năm 1960, nhân vật
được bầu vào vị trí Bí thư Thứ nhất lại là ông Lê Duẩn, một người mới từ Miền
Nam ra Hà Nội cuối năm 1957, chứ không phải là ông Võ Nguyên Giáp, người từng
sát cánh với ông Hồ Chí Minh suốt mười mấy năm.
Một số
người, trong đó có Đại tá Bùi Tín, cựu Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân,
cho rằng việc ông Võ Nguyên Giáp bị loại và ông Lê Duẩn được chọn xuất phát từ
ý muốn của ông Hồ Chí Minh. Theo họ, sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Đại
tướng Võ Nguyên Giáp trở thành một tên tuổi nổi bật trên thế giới. Uy tín của
ông Võ Nguyên Giáp trong nhân dân lớn tới mức, sau thất bại thảm hại của cuộc Cải
cách ruộng đất, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã phải cử ông thay mặt họ
nhận tội và xin lỗi nhân dân tại sân vận động Hàng Đẫy vào ngày 29/10/1956. Ông
Hồ Chí Minh lo sợ trước viễn cảnh một vị Tổng Bí thư với vầng hào quang chói lọi
sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” sẽ khiến
hình ảnh của mình bị lu mờ.
Tuy
nhiên, trong một cuộc trò chuyện mới đây giữa chúng tôi với Đại tá Đoàn Sự, một
sự thật hoàn toàn khác lại hé lộ. Đại tá Đoàn Sự là em ruột của Đại tá Lê Trọng
Nghĩa, nguyên Cục trưởng Cục Quân báo (nay là Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng),
trợ thủ đắc lực của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bị bắt trong vụ án “xét lại chống
đảng” tháng 2/1968. Đại tá Đoàn Sự là người phiên dịch tiếng Trung tại đại bản
doanh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, và có thời
gian làm thư ký cho ông. Từ năm 1955-1959, ông là phó tuỳ viên quân sự tại Đại
sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc. Ông cũng từng mấy lần tháp tùng và phiên dịch
cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc.
Với vị
thế đó, Đại tá Đoàn Sự là một nhân chứng lịch sử, một trong số ít người nắm được
những bí mật thuộc hàng “thâm cung bí sử” của chế độ. Ông cho biết, sau khi ông
Trường Chinh bị mất chức, ông Hồ Chí Minh tạm quyền Tổng Bí thư và chủ trương
đưa ông Võ Nguyên Giáp lên ngồi vào chiếc ghế đó. Vì thế, ông đã bí mật cử ông
Võ Nguyên Giáp sang Trung Quốc để “tham vấn” ý kiến của Bắc Kinh. Ông Hồ nói với
ông Võ Nguyên Giáp: “Thôi bây giờ chú trút bỏ quân phục đi. Chú phải làm nhiệm
vụ này. Nhưng trước hết là ta phải sang trao đổi với Trung Quốc, trên đường chú
đi Tiệp Khắc dự Đại hội Đảng Cộng sản Tiệp Khắc.”
Sau khi
trở thành đại tướng, tổng tư lệnh quân đội, ông Võ Nguyên Giáp luôn mặc quân phục
mỗi khi tham gia các sự kiện hay các cuộc gặp gỡ, giao đãi. Thói quen này vẫn
được ông duy trì cho đến những năm tháng cuối đời. Chuyến sang Tiệp Khắc lần đó
là một dịp hiếm hoi ông mặc quần áo dân sự, mà mục đích là để tạo hình ảnh của
một Tổng Bí thư tương lai.
Đoàn Việt
Nam sang Tiệp Khắc dự Đại hội Đảng Cộng sản Tiệp Khắc lần thứ 11 năm 1958 gồm
có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Tố Hữu và một vài người khác. Cả đi lẫn về
đoàn đều dừng chân ở Bắc Kinh. Mặc dù đoàn gặp Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch
Đông sau khi từ Tiệp Khắc trở lại Bắc Kinh, nhưng thực ra đó mới là mục đích
chính của đoàn.
Đại tá
Đoàn Sự đã gặp Mao Trạch Đông từ trước. Theo ông, đó là một con người cao to,
hách dịch và ăn nói thì rất khó nghe. Tham dự cuộc gặp bên phía Trung Quốc còn
có Phó Thủ tướng Lý Tiên Niệm. Phía Việt Nam còn có ông Nguyễn Khang, Đại sứ Việt
Nam tại Trung Quốc. Đại tá Đoàn Sự làm phiên dịch cho đoàn Việt Nam. Trong cuộc
gặp, Mao Trạch Đông hết lời khen ngợi ông Võ Nguyên Giáp, nào là “Võ Tổng tài
ba lắm”, “Võ Tổng giỏi giang lắm”, v.v. Tuy nhiên, cuối cùng ông ta lại chốt một
câu: “Nhưng tôi thấy hình như Võ Tổng chưa làm công tác lãnh đạo địa phương bao
giờ cả thì phải? Chưa làm qua tỉnh uỷ… gì gì cả. Võ Tổng toàn là thân chinh
bách chiến, toàn là đánh nhau cả. Cho nên tôi cũng e ngại là Võ Tổng có ít kinh
nghiệm về chuyện này [làm Tổng Bí thư]. Tôi đã trao đổi với mấy người. Chúng
tôi không dám có ý kiến gì về chuyện đồng ý hay không đồng ý. Nhưng chúng tôi
thấy là ở Việt Nam còn nhiều đồng chí giỏi lắm mà, như đồng chí Lê Duẩn này, đồng
chí Lê Đức Thọ này, v.v. Các đồng chí cũng nên cân nhắc xem thế nào.”
Đây là
một cuộc gặp bí mật. Hai bên không ghi chép gì. Bên Việt Nam chỉ đến trao đổi rồi
lẳng lặng ra về. Sau cuộc gặp, ông Võ Nguyên Giáp nói với ông Đoàn Sự: “Thôi thế
là trật rồi. Mình giờ lại khoác quân phục rồi.” Và trước khi mặc lại quân phục,
ông đã chụp ảnh kỷ niệm với người cộng sự thân tín một thời, ghi lại hình ảnh
hiếm hoi của mình trong bộ quần áo dân sự.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tá Đoàn Sự
sau cuộc gặp với Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh năm 1958. Ảnh do Đại tá Đoàn Sự
cung cấp.
Thời điểm
diễn ra cuộc gặp giữa Mao Trạch Đông và ông Võ Nguyên Giáp thì bà vợ hai của
ông Lê Duẩn là Nguyễn Thụy Nga cũng mới sinh người con trai út Lê Kiên Trung ở
Bắc Kinh. Theo thông tin mà người ta rỉ tai nhau vào lúc đó thì ông Lê Duẩn phải
đưa vợ bé sang Trung Quốc và tá túc trong Đại sứ quán Việt Nam vì bị bà vợ cả
đánh ghen. Tuy nhiên, sau những gì đã xảy ra cùng tiết lộ của Đại tá Đoàn Sự
thì rất có thể đây là chiêu mà ông Lê Duẩn nghĩ ra để lấy được lòng tin của Bắc
Kinh.
Ông Lê
Duẩn đem vợ con sang Bắc Kinh như một thứ “con tin” để đổi lấy sự ủng hộ của Bắc
Kinh cho ngôi vị Tổng Bí thư. Vậy ông Đinh Thế Huynh lấy gì để “thế chấp” cho
các ông chủ Trung Nam Hải?
Hội nghị
Trung ương 4 khoá XII kết thúc, người ta nhận thấy Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng
Trung Hải, một người Hán trá hình, “cha
đẻ” của Formosa Hà Tĩnh cùng hàng loạt hiểm hoạ Trung Quốc khác ở Việt
Nam và là người bị tố cáo những
tội ác khủng khiếp suốt hơn 8 năm nay nhưng vẫn không được giải quyết
đúng pháp luật, lại xuất hiện nổi bật trên truyền thông sau một thời gian khá
trầm lắng: phát biểu trong chương trình thời sự VTV 19h về tái cấu trúc nền
kinh tế, chỉ đạo công an Hà Nội xử lý vụ nhân viên Vietnam Airlines bị hành
hung… (Theo một nguồn tin của chúng tôi, ông Hoàng Trung Hải vẫn thường lui tới
nhà ông Đinh Thế Huynh từ hồi ông ta còn làm Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương).
Tối
28/10 vừa qua, buổi lễ kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Câu lạc bộ bóng đá No-U FC,
nơi tập hợp những tiếng nói đấu tranh ôn hoà chống bá quyền Trung Quốc, dù đã
phải diễn ra trong khuôn viên Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà để đảm bảo an
toàn nhưng vẫn bị chính quyền Hà Nội huy động một lực lượng an ninh hùng hậu đến
bao vây và tiến hành cắt điện, ngắt Internet, phá sóng điện thoại di động. Một
số nhà hoạt động thậm chí còn bị công an ngăn cản tại nhà, không cho đến địa điểm
tổ chức.
Phải
chăng cặp
bài trùng Hoàng Trung Hải - Nguyễn Phú Trọng sắp sửa nhường sân chơi
cho cặp bài trùng cũng đặc biệt nguy hiểm cho tương lai đất nước là Hoàng Trung
Hải - Đinh Thế Huynh? Và “con ngựa thành Troy” Hoàng Trung Hải lại tiếp tục kiểm
soát ban lãnh đạo tối cao của Việt Nam hòng tiếp tục gieo rắc tai ương cho dải
đất hình chữ S này?
------------------------------
*
Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng
tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của
Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment