Friday, 1 July 2016

TRANH CÔNG & ĐỔ TỘI TỪ CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT ĐẾN FORMOSA (Người Buôn Gió)





Thứ Sáu, ngày 01 tháng 7 năm 2016

Chế độ cộng sản có một đặc tính cố hữu là tranh công và đổ tội. Cách đây đến hơn nửa thế kỳ, trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao.

Mất mùa là tại thiên tai
Được mùa là tạị thiên tài đảng ta.

Cuộc đổ tội trong nội bộ đảng theo theo kiểu cấp cao đổ cho cấp dưới, người sau đổ lỗi cho người trước. Chẳng hạn ở vụ cải cách ruộng đất, Trường Chinh phải đứng ra nhận sai lầm về mình khi triển khai chính sách. Còn chủ tịch HCM thì không biết do đi công tác ở nước ngoài trong thời gian đó.

Chuyện HCM không biết vì đi công cán nước ngoài, về mới biết và khóc thương nạn nhân là do chính bố tôi kể cho tôi.

Bố tôi một người thợ sửa chữa kính bút trên vỉa hè đường Nam Bộ, ông phải nuôi vợ và 6 đứa con. Năm ông mười tuổi thì ông nội tôi mất, bố tôi bỏ học và đi làm phụ bà nội bằng đủ mọi nghề, có cả nghề kéo xe ba gác. Các ông già ở quanh khu ngõ Phất Lộc còn sống bây giờ như anh em nhà ông Bính, ông Muối, ông Tỵ ...thỉnh thoảng vẫn kể cho tôi nghe hồi bé các ông cùng bố tôi kéo xe ba gác bị thằng Tây nó đuổi đá đít.

 Tất cả các ông bạn bố tôi đều tin Hồ Chí Minh vô can trong vụ cải cách ruộng đất, mỗi ông nghe được chuyện ấy từ các nơi khác nhau. Bố tôi thì nghe được khi sửa kính cho một người cán bộ.

Tôi nghe chuyện đó không tin, dù lúc ấy tôi còn bé và người kể là bố tôi. Vì tôi thấy người ta ca ngợi bác Hồ như một ông tiên, cái gì cũng giỏi, cái gì cũng biết. Mà ông tiên giỏi như thế thì không thể không biết chuyện khủng khiếp tày trời như vậy.

Bây giờ thì ai cũng rõ HCM chính là tác giả viết bài kích động cuộc cải cách ruộng đất đầu tiên qua viêc cổ vũ giết bà Nguyễn Thị Năm bằng bút danh CB.

 Đó là minh chứng cho viêc cấp trên đổ lỗi cho cấp dưới nó đã có từ thời kỳ đầu tiên công sản nắm chính quyền, ở những người lãnh đạo cao cấp nhất đầu tiên Hô Chí Minh thần thánh.

 Cuộc đổ tội của người sau với người trước rất rõ ràng ở biển Đông, trong tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa ...cộng sản Việt Nam đã nhiều lần nói đây là việc phức tạp do lịch sử để lại, thời trước để lại.

 Thời trước là thời nào, thời của nhà Nguyễn hay thời nào xa xưa hơn như thời Lê. ?

Thời trước chắn chắn vẫn là thời cộng sản, của những lãnh đạo cộng sản trước đó. Còn lịch sử ý nói là tội của VNCH để Hoàng Sa rơi vào tay giặc như bây giờ bọn dư luận viên Quang lùn vẫn nói.

 Trung Quốc đánh Hoàng Sa vào năm 1974, lúc mà trên bờ quân Bắc Việt tấn công dồn dập vào quân đội VNCH. Nói chính xác thì chính quân đội Bắc Việt đã gián tiếp tiếp tay cho Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa. Bối cảnh lịch sử rõ ràng là như vậy, không thể đổ tội cho VNCH để che tội tiếp tay của Bắc Việt lúc đó.

 Còn thời là thời nào, thời mà cộng sản Việt Nam đánh tiếng quay đầu làm chư hầu Trung Quốc. Nhận thấy thời cơ đã đến, Việt Nam đang có ý định lệ thuộc. Trung Quốc đã ra tay đoạt lấy một số quần đảo Trường Sa bằng một cuộc tàn sát nhanh chóng. Vài tháng sau cuộc thảm sát Gạc Ma- Hoàng Sa..Trung Quốc đồng ý tiếp đón phái đoàn Việt Nam sang đặt quan hệ chư hầu. Gạc Ma và một số quần đảo và cùng mấy chục quân nhân hy sinh là món quà bất đắc dĩ Việt Nam bị Trung Quốc buộc dâng.

Nhìn lại những diến tiến  nêu trên trong thời kỳ cộng sản cầm quyền cai trị đất nước, để thấy bản chất tranh công , đổ tội là đặc tính muôn thuở có từ thời kỳ sơ khai của cộng sản trên đất nước Việt Nam này. Những điều trên ai cũng biết, nhưng hôm nay nêu lại để làm minh chứng cho những việc đang diễn ra ngày hôm nay, đó là vụ Formosa gây ra thảm hoạ cá chết ở miền Trung.

 Ở vụ việc này cộng sản Việt Nam lại dùng bồi bút để hướng dư luận rằng việc xả độc tháng 4 năm 2016 phải tính từ nguyên nhân ai đón rước Formosa vào Việt Nam.

 Đây là mưu kế thâm độc của Nguyễn Phú Trọng nhằm đổ lỗi cho Nguyễn Tấn Dũng, một đòn trúng hai đích. Vừa thoát tội cho bộ sậu cầm quyền của Trọng hiện nay, vừa đổ tội cho đối thủ đã bị hất khỏi chính trường.

 Như chúng ta đều biết, cứ mỗi lần đặt quan hệ ngoại giao với nước nào, hoặc nâng cấp ngoại giao giữa nhà nước Việt Nam với bất kỳ nước nào đó, kèm theo đều là những hợp đồng kinh tế, những hợp tác về văn hoá, giáo dục, kinh tế....trong đó những ký kết về kinh tế, đầu tư, thương mại đều đươc chú trọng và nhắc đến như thành tích của mối quan hệ.

 Trọng và Dũng đều là uỷ viên bộ chính trị khoá 8. Đến khoá 9 cả hai cùng lãnh nhận hai chức quan trọng trong tứ trụ. Ngay ở khoá 8 Trọng đã là người soạn văn kiện đại hội Đảng khoá đó và khoá sau là người trực tiếp đứng đầu soạn văn kiện cho đại hội 9.

1 trong 9 trọng tâm của giai đoạn 2001 đến 2006 , tức trung ương đảng khoá 8, mà Nguyễn Phú Trọng biên soạn có mục.

1.4. Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại. Củng cố thị trường đã có và mở rộng thêm thị trường mới. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để tăng nhanh xuất khẩu, thu hút vốn, công nghệ từ bên ngoài. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, thực hiện các cam kết song phương và đa phương. 

Năm 2006 một đặc phái viên Trương Trung Mưu của tổng thống Đài Loan là Trần Thuỷ Biển bất ngờ đến Việt Nam, một động thái gây ngạc nhiên cho giới quan sát quốc tế. Lúc này Nguyễn Phú Trọng là chủ tịch quốc hội, Nguyễn Tấn Dũng là thủ tướng, Nông Đức Mạnh tổng bí thư, Nguyễn Minh Triết chủ tịch nước.

 Đài Loan và Việt Nam thiết lập quan hệ tầm nhà nước, nhưng không công khai vì phía Việt Nam còn e sợ Trung Quốc. Chính quyền Đài Loan thì muốn Việt Nam ủng hộ công nhận Đài Loan là một nước độc lập, đổi lại sự mua chuộc đó họ sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam với mức độ lớn. Đài Loan là nhà đầu tư khủng nhất vào Việt Nam giai đoạn 2006. Sự đầu tư của Đài Loan làm yên tâm những nhà đầu tư khác trên thế giới. Lúc này Việt Nam đang mong muốn thu hút đầu tư nước ngoài như đã thể hiện trong văn kiện đại hội 8 mà Nguyễn Phú Trọng đã vạch ra.

Bởi thế việc để Đài Loan vào đầu tư ở Việt Nam vào năm 2006, cụ thể là Hà Tĩnh là phù hợp đường lối của Đảng CSVN do chính tay Nguyễn Phú Trọng vạch ra trong văn kiện đảng 2001- 2006.

 Chính phủ quan hệ với nước ngoài, ký kết cho nước đó đầu tư hàng tỷ đô...một việc mà trước đó chưa có nước nào đầu tư vào Việt Nam nhiều như thế. Liệu chính phủ không cần thông qua quốc hội, chính phủ làm trái với văn kiện đảng vạch ra không.?

 Bây giờ nói Formosa do Nguyễn Tấn Dũng rước vào, việc thảm hoạ vừa rồi do Formosa gây nên Nguyễn Tấn Dũng là đồng phạm. Nói thế thì Nguyễn Phú Trọng vô can chăng.?

 Nếu Dũng có tội trong Formosa thì tất cả những uỷ viên bộ chính trị, uỷ viên trung ương đảng cộng sản khoá đó đều có tội, đặc biệt Nguyễn Phú Trọng là kẻ có tội nhất vì đã vạch ra đường lối văn kiện có mục trên, làm chủ tịch quốc hội khoá đó đồng ý chấp nhận cho Đài Loan vào đầu tư, hơn nữa chính là kẻ đang tại chức vụ TBT hiện nay.

Và theo dòng dắt dây đổ tội thế, chính xác nhất thì kẻ tội đồ nhất, là kẻ đã nhận tiền đầu tư của ngoại bang để xây dựng chế độ cộng sản trên đất nước Việt Nam này.

 Quay lại với Formosa chút ít, tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam đã nhiều năm. Đến tháng 4 năm 2016 mới có hiện tượng xả chất thải dộc như vậy. Điều đáng nói là bỗng nhiên từ năm 2015 tập đoàn này nhập hàng trăm tấn hoá chất vào Việt Nam. Riêng mấy tháng đầu năm 2016 tập đoàn đã dùng hết 51 tấn hoá chất.

'' Cả năm 2015 và tính đến thời điểm này, Formosa đã nhập khẩu gần 384 tấn hóa chất, 103 loại hóa chất, đã được đăng ký, được chấp thuận nhập khẩu để sử dụng. Từ đầu năm 2016, Formosa đã được chấp thuận để nhập khẩu 204 tấn với 43 loại hóa chất, đây là theo quy định. Với mục đích nhập khẩu là để làm sạch bề mặt kim loại, hóa chất dùng để khử khuẩn, chất keo tụ xử lý nước, hóa chất ổn định…
Từ đầu năm 2016 đến nay công ty đã sử dụng khoảng 51 tấn hóa chất, còn tồn trong kho khoảng 248 tấn hóa chất. Đây là những hóa chất đã được phép nhập khẩu, được sử dụng theo đăng ký cũng như các quy định pháp luật.''

Năm 2015 chính trường chính trị Việt Nam đã có những dấu hiệu thay đổi rõ rệt. Những thay đổi đó đã được khẳng định vào đầu năm 2016 bằng kết quả của đại hội đảng 12. Nguyễn Phú Trọng cùng vây cánh của mình ở lại, còn Nguyễn Tấn Dũng đã phải rời khỏi chính trường.

Năm 2015 Nguyễn Tấn Dũng phải tối tăm, mặt mũi đối phó với những đòn tấn công của Nguyễn Phú Trọng, gần như không còn chút quyền lực nào từ đó cho đến đại hội tháng 1 năm 2016.

Hà Tĩnh có con số kỷ lục người vào trung ương đảng, bộ trưởng tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà hiên nay chính là người Hà Tĩnh.

Ngay sau khi có cá chết, TBT Nguyễn Phú Trọng đã đến Hà Tĩnh khen ngợi các quan chức ở đây và khen ngợi cả Formosa. Hành động ấy đã khiến luồng nghi vấn dồn về Formosa bị trấn áp tơi bời.

Từ những chứng cứ trên, có thể suy diễn ( vâng, ở đây xin nói luôn là suy diễn cá nhân ). Chính Nguyễn Phú Trọng đã thông đồng để Formosa xả thải, để phe phái Hà Tĩnh có tiền lo lót vào trung ương, đổi lại phe phái Hà Tĩnh giúp Trọng ở lại làm TBT và tấn công Nguyễn Tấn Dũng.

 Nhìn vào các động thái đánh lạc hướng dư luận của bộ sậu lãnh đạo hiên nay, nhằm xoa dịu cho Formosa, nhận mức bồi thường thấp hiện nay, để cho Formosa tiếp tục ...chúng ta thấy rằng chính Nguyễn Phú Trọng đang che đỡ cho Formosa. Nếu không, chắc hẳn Formosa phải chịu hình phạt khắc nghiệt hơn nhiều.

 Việc để Formosa nhận tội, là điều không thể tránh khỏi bởi còn áp lực của quốc hội , chính phủ Đài Loan. Những cái gọi là đấu tranh kiên trì với Formosa vừa qua của bộ sậu Nguyễn Phú Trọng chẳng qua chỉ là cuộc mặc cả, dàn xếp sẽ đưa ra công luận theo chiều hướng nào để giảm thiệt hại nhất cho Formosa. Và đúng như vậy, Formosa đã nhận tội ở mức phạt thấp nhất so với tính nghiêm trọng của vụ việc này.

Việc xảy ra nhiệm kỳ ai, người ấy phải chịu. Né tránh hay đổ tội chỉ tô rõ thêm bản chất tranh công, đổ tội của cộng sản thằng trên đổ thằng dưới, thằng sau đổ thằng trước. Một trò hèn mà cách đây hàng chục năm còn không qua mắt được người dân vốn thiếu thông tin. Huống chi là thời đại bây giờ.

 Nếu nói tội do Dũng rước Formosa vào, cứ cho là mình Dũng rước đi, không tính chuyện văn kiện Trọng soạn ra, không tính chuyện Trọng lúc đó là chủ tịch quốc hội, không tính chuyện đảng lãnh đạo. Mà do mình Nguyễn Tấn Dũng quyết định.

Vậy tại sao 10 năm Dũng cầm quyền thủ tướng, Formosa không xả chất độc. Mà khi Dũng hết thời, bộ sậu của Trọng toàn quyền thiên hạ, Formosa thải. ?

Án Anh người nước Tề, đi sứ sang Sở. Nước Sở đưa một người Tề ra nói bị bắt về tội trộm ngựa ở Tề. Án Anh đáp: "Cây quýt trồng ở phương bắc thường cho quả ngọt, trái sai, nhưng khi đem trồng ở phương Nam thì quả đã chua, lại còn ít nữa. Tại sao thế? Đó là do phong thổ vậy. Người nước Tề giữ đạo luân thường, xưa nay vốn không trộm cắp, nhưng khi sang làm dân nước Sở lại sanh tật xấu. Tại sao thế? Âu cũng là do phong thổ vậy". 

Nghi vấn chính Nguyễn Phú Trọng là kẻ chủ mưu bật đèn xanh cho Formosa nhập chất thải độc vào Hà Tĩnh để biến nơi này từ khu công nghiệp thành một nơi xả thải là có khả năng. Bởi những diến biễn chính trị từ lúc Formosa nhập chất độc về đến khi xả thải đều vào lúc Trọng đã thắng thế hoàn toàn, nắm quyền độc tôn, và sau đó cũng chính Trọng đến Hà Tĩnh để dàn xếp dư luận.

Trọng đã đổi việc đó bằng sự ủng hộ của phe Hà Tĩnh trong các hội nghị trung ương diễn ra năm 2015, và tất cả phe Hà Tĩnh đó đều được vào trung ương. Cuộc mặc cả ấy là nguyên nhân dẫn đến vì sao Formosa có gan xả độc, vì họ hiểu những đồng tiền họ bỏ ra mua việc xả thải đã đưa những kẻ có trách nhiệm nắm quyền.

Lúc này đây, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trơ tráo biến cuộc mặc cả, dàn xếp để Formosa nhận tội êm ái nhất thành công lao gọi là đấu tranh kiên trì, giành thắng lợi.

 Cần phải tỉnh táo để không bị phe phái Nguyễn Phú Trọng đánh lạc hướng trong vụ Formosa.

Được đăng bởi Thanhhieu Hieubui vào lúc 04:31 




No comments:

Post a Comment

View My Stats