Thursday, 14 July 2016

TÒA ĐÃ PHÁN, VIỆT NAM LÀM GÌ ? (Phạm Trần)






Những đoạn trích dẫn Thông cáo trong bài căn cứ theo Bản dịch chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Tòa án trọng tài thường trực của Liên Hiệp Quốc (Permanent Court of Arbitration, PCA) đã phán rằng Trung Quốc "không có cơ sở pháp lý để yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn.”

Trong thông cáo phổ biến ngày 12/07/2016, Tòa cũng nói: "Dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây."

Về việc Trung Quốc tự cho các mỏm đá ở Trường Sa mà họ đã chiếm của Việt Nam (7 vị trí năm 1988) hay của Phi Luật Tân ở vùng Hoàng Nham (Scarborough Reef năm 2012), có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (1 hải lý dài 1,852 mét), Tòa phán: "Theo Công ước, các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa nhưng các “đảo đá không thích hợp cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”.

Phán quyết viết tiếp: "Trong Phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa đã xem xét các bằng chứng về các bãi và đảo mà Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông và kết luận rằng không một đảo, bãi nào có khả năng được hưởng vùng đặc quyền kinh tế. Do Trung Quốc không có khả năng được hưởng vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở quần đảo Trường Sa, Tòa quyết định là các đệ trình của Philippines không phụ thuộc vào việc phân định trước ranh giới..."

Sự khẳng định “không một đảo, bãi nào có khả năng được hưởng vùng đặc quyền kinh tế” rất quan trọng vì có liên hệ đến đảo Ba Bình (Itu Aba Island), hay Thái Bình theo Trung Hoa do Đài Loan kiểm soát từ sau Đệ nhị Thế chiến. Ba Bình có diện tích lớn nhất trong quần đảo Trường Sa (0.443 cây số vuông) hiện đang tranh chấp giữa Việt Nam, Phi Luật Tân, Trung Quốc và Đài Loan.

Thông cáo diễn giải thêm: "Tòa kết luận rằng quy định này phụ thuộc vào khả năng khách quan của các cấu trúc khi chúng ở tình trạng tự nhiên để có thể duy trì một cộng đồng dân cư ổn định hoặc các hoạt động kinh tế mà không phụ thuộc vào các nguồn lực từ bên ngoài hoặc hoàn toàn chỉ có tính chất khai thác. Tòa cũng nhận thấy rằng sự có mặt của các nhân viên công vụ trên các cấu trúc là phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài và không phản ánh khả năng của các cấu trúc. Tòa cũng thấy rằng các bằng chứng lịch sử có ý nghĩa hơn và nhận thấy quần đảo Trường Sa trong lịch sử được sử dụng bởi một số nhóm nhỏ các ngư dân và rằng đã có một vài hoạt động khai thác phân dơi và đánh cá của Nhật Bản. Toà kết luận rằng việc việc sử dụng ngắn hạn như vậy không phải là sự định cư của một cộng đồng ổn định và rằng các hoạt động kinh tế trong lịch sử chỉ là hoạt động mang tính khai thác.”

Rõ ràng Tòa có ngụ ý nói đến những chữ viết hay cột đá có khắc chữ mà phía Trung Quốc đã tự chế đem cắm ở những nơi họ chiếm đóng ở Trường Sa để bảo rằng Tổ tiên người Hoa đã sinh sống ở đó từ lâu!

Điều quan trọng khác là Tòa còn nói rõ cho Trung Quốc biết: "Toà kết luận rằng không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng. Toà cũng quyết định rằng các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất. Trên cơ sở kết luận không một cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế, Toà nhận thấy Tòa có thể không cần phải phân định ranh giới biển mà vẫn có thể tuyên bố rằng một số vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin vì không bị chồng lấn với bất cứ quyền hưởng vùng biển nào mà Trung Quốc có thể có."

Vì vậy, các quan Tòa quốc tế không ngần ngại quy kết rằng: "Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Phi-líp-pin trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc (a) can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Phi-líp-pin, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này."

Vê những hành động kiến tạo đảo nhân tạo tử các mỏm đá để xây sân bay, bến cảng và nơi đồn trú quân của Trung Quốc đe dọa an ninh trong khu vực, phán quyết của Tòa trọng tài nói: "Tòa xem xét ảnh hưởng với môi trường biển của các hoạt động bồi đắp và xây dựng nhân tạo trên 7 cấu trúc của Quần đảo Trường Sa gần đây của Trung Quốc, và nhận thấy rằng Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe dọa và bị hủy diệt."

Thông báo viết tiếp: "Toà nhận thấy rằng việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển, xây dựng một đảo nhân tạo lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin, và phá hủy các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông mà là một phần của tranh chấp giữa các Bên.”

Ngoài những phán quyết cơ bản về chủ quyền và quyền chủ quyền mà Trung Hoa đã cố tình vi phạm ở Biển Đông, Tòa Trọng tài còn: "Xác định rằng việc Trung Quốc cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo gần đây tại bảy cấu trúc tại Trường Sa đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hô và Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo Điều 192 và 194 của Công ước trong việc bảo tồn và bảo vệ môi trường biển đối với các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sinh sống của các loài động vật bị đe dọa, sắp cạn kiệt. Đồng thời Tòa Trọng tài cũng xác định rằng ngư dân Trung Quốc đã thực hiện việc khai thác động vật bị đe dọa như rùa biển, san hô và trai khổng lồ ở quy mô lớn tại Biển Đông, sử dụng các biện pháp gây hủy hoại nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hộ. Tòa Trọng tài xác định rằng chính quyền Trung Quốc đã nhận thức được các hành vi này và không thực hiện nghĩa vụ cẩn trọng theo Công ước để ngăn chặn."

Như vậy rõ ràng hành động của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ nhằm lấn chiếm lãnh thổ và lãnh hải của nước khác mà còn chủ trương huy diệt các sinh vật biển, miễn sao có lợi cho mình.

Phản ứng và hành động

Các cơ quan báo chí nhà nước Cộng sản Việt Nam đã loan tin rộng rãi về phán quyết của Tòa trọng tài vì có lợi cho Việt Nam, dù Chính quyền không trực tiếp tham gia kiện Trung Quốc với Phi Luật Tân.

Nhiều giới trí thức và chuyên gia về chủ quyền biển đảo và lãnh thổ trong nước đã yêu cầu nhà nước hãy can đảm kiện Trung Quốc ra Tòa án như Phi Luật Tân đã làm nhưng bị từ chối, đúng ra là không dám làm vì sợ bị trả đũa. Một trong những người này là Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. Ông là người từng tham gia thương thảo và biết rõ những âm mưu và mánh khóe của Trung Quốc trong nhiều năm. Ông Trục từng nói “chỉ khi nào mình làm mạnh thì họ mới lùi”.

Với một thái độ có tính toán, phản ứng đầu tiên của Hà Nội là: "Việt Nam hoan nghênh việc Tòa Trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016."

Qua lời người phát ngôn Lê Hải Bình, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: "Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 05/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài. 

Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương."

Và như thường lệ, phía Việt Nam chỉ biết: "Tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".

Phản ứng nhất thời của Việt Nam chỉ có thế, khác với cuộc rầm rộ xuống đường biểu tình ăn mừng của người dân Phi ở thủ đô Manila.

Về phía Bắc Kinh, không có người dân nào ra đường căng biểu ngữ chống phán quyết của Tòa trọng tài nhưng Phát ngôn viên Bộ ngoại giao nước này đã ăn nói hằn học rằng: "Về việc Tòa trọng tài vụ Nam Hải được thành lập theo yêu cầu đơn phương của Phi-li-pin (gọi tắt là Tòa trọng tài) ngày 12/7/2016 đưa ra phán quyết, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trịnh trọng tuyên bố, phán quyết này là vô gia trị, không có sức ràng buộc, Trung Quốc không chấp nhận, không công nhận.”

Tuyên bố của Trung Hoa được đăng trên website của Đài Phát Thanh Quốc tế Trung Hoa (China Radio International, CRI) nói tiếp: "Hành động và phán quyết của Toà trọng tài đã trái ngược nghiêm trọng với thực tiễn thông thường của Toà trọng tài quốc tế, trái ngược hoàn toàn với mục đích và tôn chỉ thúc đẩy giải quyết hoà bình tranh chấp của "Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển", làm tổn hại nghiêm trọng tính hoàn chỉnh và uy tín của "Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển", xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc là nhà nước chủ quyền và nước ký kết "Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển", là phán quyết không công bằng và phi pháp."

Chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc trên Nam Hải không bị ảnh hưởng bởi phán quyết của trọng tài trong bất cứ tình huống nào, Trung Quốc phản đối và không chấp nhận bất cứ chủ trương và hành động nào dựa trên phán quyết trọng tài này.

Chính phủ Trung Quốc tái khẳng định, về tranh chấp vấn đề lãnh thổ và phân định biên giới trên biển, Trung Quốc không chấp nhận bất cứ phương thức giải quyết tranh chấp nào của bên thứ 3, không chấp nhận bất cứ phương án giải quyết tranh chấp nào áp đặt Trung Quốc.”

Tập Cận Bình lên tiếng

Ngoài ra, Tổng Bí thư đảng Cộng sản, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ đề xuất hay hành động nào dựa trên phán quyết của tòa án. Ngoài ra, ông Tập cho rằng, chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc trong vùng biển sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Các hàng thống tấn Tây phương nói họ Tập đã nói như thế tại cuộc họp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu ở Bắc Kinh.

Ông Tập Cận Bình là người từng nói chủ quyền biển của Trung Quốc ở Nam Hải (Biển Đông) là vĩnh viễn và đã có từ ngàn xưa. Họ Tập cũng nối gót lãnh tụ Đặng Tiểu Bình để thúc đầy các nước hãy “gác tranh chấp để cùng khai thác” có lợi chung.

Nhưng vấn đề là Trung Hoa chỉ muốn xông vào nhà người khác rồi bắt họ phải thượng thuyết làm ăn chung ngay trên đống gia tài của chủ nhà, trong khi Bắc Kinh không có gia tài trong căn nhà.

Rất tiếc là đảng cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã không thoát khỏi bẫy Trung Quốc như đang thương thuyết điều được gọi là “hợp tác cùng phát triển” ở Vịnh Bắc Bộ là nơi có dự trữ hàng triệu tấn dầu, khí đốt và tài nguyên của Tổ tiên Việt Nam để lại.

Ngoài ra Trung Hoa cũng chủ trương chỉ nói chuyện tay đôi (song phương) với những nước có tranh chấp với Bắc Kinh và sẽ không bao giờ đồng ý quốc tế hóa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Do đó lần này người ta lại được nghe họ Tập nói: "Chúng tôi kiên quyết kêu gọi duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, đàm phán trực tiếp để có một giải pháp hòa bình với các quốc gia có liên quan trực tiếp, dựa trên sự tôn trọng lịch sử và phù hợp với luật pháp quốc tế."

Trung Hoa đã tìm mọi cách trì hoãn tham gia thảo luận với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) để hoàn tất văn kiện gọi là “Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông” (Code of Conduct, COC), thay cho Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (gọi tắt là Quy tắc Hướng dẫn DOC, Declaration of Conduct), ký tại Cao Miên năm 2002 giữa Trung Quốc với ASEAN. 

Lý do Trung Quốc không muốn vì COC có ràng buộc pháp lý còn DOC thì không nên Bắc Kinh đã lợi dụng để hoạt động bất hợp pháp ở Biển Đông từ 4 năm qua mà không bị chế tài.

Với phán quyết làm đen mặt Bắc Kinh của Tòa hòa giải Liên Hiệp Quốc ngày 12/07/2016, không ai biết liệu Bắc Kinh có tiếp tục hung hăng như trước đây hay sẽ dịu đi để chờ thời?

Còn đối với Việt Nam thì có nhân cơ hội này mà soi lại mặt mình trong gương xem có dám thẳng mặt đương đầu với Trung Quốc ở Biển Đông không, hay ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cứ tiếp tục cúi đầu cho Tập Cận Bình lôi đi?

Bây giờ hậu thuẫn pháp lý quốc tế đã có và đúng với đòi hỏi của Việt Nam, nhưng liệu lãnh đạo có dám đòi quân Trung Hoa rời khỏi 7 vị trí họ đã chiếm ở Trường Sa năm 1988, hay sẽ tiếp tục “nhũn như con chi chi” để chờ sung rụng như đã được ăn bám trong chiến thắng của Phi Luật Tân?

(07/016)






No comments:

Post a Comment

View My Stats