Sunday, 10 July 2016

TẠI SAO PHÁN QUYẾT VỀ BIỂN ĐÔNG LÀ QUAN TRỌNG, CHO DÙ TRUNG QUỐC CỐ LỜ ĐI (Tara Davenport - The Diplomat)





Tara Davenport  -   The Diplomat
Hoàng Thuyên lược dịch
Cập nhật: 9/07/2016

Với phán quyết của tòa trọng tài xét xử vụ kiện Trung Quốc của Phi Luật Tân sắp được công bố vào ngày 12 tháng Bảy, Trung Quốc ráng đẩy chiến dịch triệt hạ uy tín của tòa trọng tài. Sử dụng các buổi họp báo, hội thảo chuyên môn, giới chức và học giả Trung Quốc cố gắng hết sức để biện hộ cho việc Trung Quốc không tuân thủ với kết quả của vụ xử. Những lý do được dùng đến là tòa không có thẩm quyền xét xử, động cơ chính trị của Phi Luật Tân khi thưa kiện. Thái độ của Trung Quốc dẫn đến những câu hỏi quan trọng về vai trò của toà án quốc tế. Giá trị của phán quyết sẽ là gì khi mà ai cũng thấy rõ là Trung Quốc không chịu tuân theo?

Thông thường thì hiệu lực của tòa án quốc tế được đo lường qua việc quyết định của tòa có được tuân thủ hay không. Do đó việc tuân thủ phán quyết trở thành trọng tâm của giới học giả về luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế, để phản biện lại lập trường của phái thực tiễn cho rằng luật pháp quốc tế chẳng ý nghĩa gì đối với chính trị của các cường quốc. Vì vậy, không ngạc nhiên khi giá trị của vụ kiện bị chế nhạo vì Trung Quốc không tuân theo. Một bình luận gia cho rằng kiện tụng pháp lý quốc tế sẽ không thể là một biện pháp chống trả đối với Trung Quốc vì có xác suất rất thấp Trung Quốc chịu tuân theo và Trung Quốc cũng không gặp sự trừng phạt nào, cũng như tòa án quốc tế không có cách nào để buộc thi hành phán quyết.

Trái ngược với ý kiến bên trên, giá trị của phán quyết của tòa trọng tài không nên đo lường bằng sự tuân thủ hay không. Tòa án quốc tế có nhiều chức năng phức tạp trong hệ thống quốc tế, đồng hóa giá trị của tòa với sự tuân thủ là hiểu sai lệch vai trò của họ. Giá trị của vụ kiện này đi xa hơn việc tuân thủ hay không của Trung Quốc và điều quan trọng là nêu rõ giá trị này đối với những ai nghi ngờ về tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp quốc tế cho an ninh và hoà bình toàn cầu.

Bãi cạn Scarborough của Phi Luật Tân bị Trung Quốc chiếm đoạt tháng 6 năm 2012.

Làm sáng tỏ các vấn đề pháp lý quan trọng trong UNCLOS
Chức năng trước nhất và trên hết của tòa án quốc tế là áp dụng và lý giải luật. Quyết định của tòa giúp soi sáng và cung cấp thêm thông tin về nội dung của các hiệp ước quốc tế, cũng như áp dụng những chuẩn mực hiện thời vào những tình huống chưa biết trước. Lý giải pháp lý của toà được xem là không thiên vị hơn những lập luận của các quốc gia tranh chấp đưa ra.

Điều nói trên phù hợp với khung cảnh của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UN Convention on the Law of the Sea – UNCLOS) năm 1982. UNCLOS là kết quả của chín năm trời đàm phán về những vấn đề gây nhiều tranh cãi. Như mọi hiệp định đa phương, UNCLOS vừa có các nguyên tắc pháp lý lẫn các thỏa hiệp chính trị trong đó. Một số điều khoản được viết không rõ ràng có chủ đích, vì nếu thêm chi tiết cho rõ thì sẽ không đưa đến sự thỏa thuận nào cả, và hiệp ước sẽ không thành. Những điều khoản sơ sài khác vì bản chất của vấn đề - không thể nào giải quyết trọn vẹn từng điểm một trong luật biển.

Một trong những cơ chế được cài đặt trong hiệp ước để giải quyết các vấn đề không rõ ràng là hệ thống giải quyết tranh chấp bắt buộc trong Phần XV của UNCLOS. Các quốc gia thành viên ủy thác cho các cơ phận giải quyết tranh chấp có thẩm quyền diễn giải các điều khoản. Tính chất “bắt buộc” của Phần XV là để giúp tránh xảy ra tranh chấp. Có nghĩa là quốc gia nào hành xử phi lý đều có thể bị kiện ra tòa. Nếu không có điều này thì các quốc gia sẽ lợi dụng các điều khoản không rõ ràng tuyên nhận chủ quyền thật nhiều về phần mình.

Biểu tình chống Trung Quốc tại thủ đô Manila tháng 7/2015.

Do đó giá trị chủ yếu của phán quyết sẽ là làm sáng tỏ những nguyên tắc trong UNCLOS mà trước giờ không rõ ràng, hoặc bị diễn giải trái ngược. Lấy thí dụ, một trong những vấn đề gây căng thẳng tại Biển Đông là chuyện định nghĩa không rõ ràng về một hòn đảo có khả năng nuôi sống con người hoặc có đời sống kinh tế tự nó trong Điều khoản 121 (3). Các toà án trước đây đã tránh né vụ này, nhưng trong vụ kiện này thì điều này không thể tránh né được nữa.

Thêm vào đó, trong khi quyền lịch sử có thể được nhìn nhận trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế hay không đã có câu trả lời rõ ràng đối với đại đa số chuyên gia luật biển, còn Trung Quốc vì dựa vào sự thiếu vắng điều này trong UNCLOS để hậu thuẫn cho lập luận riêng của họ. Tương tự vậy, hiện không rõ ràng về quyền hạn và nghĩa vụ của các quốc gia trong vùng biển chung quanh nơi tranh chấp, bao gồm việc bảo vệ môi trường biển, đánh bắt cá, pháp lý và các hoạt động thi hành luật. Phán quyết rõ ràng của tòa trọng tài về những vấn đề này sẽ giúp đưa ra các hướng dẫn độc lập, có thẩm quyền về các khía cạnh quan trọng trong luật biển.

Tầm quan trọng của việc làm sáng tỏ các chuẩn mực pháp lý không thể bị đánh giá thấp. Lấy vụ phán quyết của Tòa Án Công Lý Quốc Tế (International Court of Justice) trong vụ xét xử Nicaragua và Hoa Kỳ. Hoa Kỳ rút khỏi vụ án, không chịu tuân thủ theo phán quyết ban ra năm 1986, và còn tìm cách hạ uy tín của phán quyết này. Tuy thế phán quyết của tòa về việc dùng vũ lực và Hiến Chương Liên Hiệp Quốc đã giúp hiểu thấu đáo các nguyên tắc này và có tác động lâu dài, mặc dầu Hoa Kỳ không tuân theo.

Nâng cao tính chính đáng của UNCLOS và hệ thống giải quyết tranh chấp
Một phó sản quan trọng của chức năng diễn giải và áp dụng luật của tòa là nâng cao tính chính đáng của UNCLOS và hệ thống giải quyết tranh chấp. Tòa án UNCLOS không phải là thừa hành của các quốc gia thành viên mà là “được ủy thác” quản trị hệ thống UNCLOS. Tòa ủy quyền diễn giải và áp dụng luật để vừa giảm bớt các tranh chấp vừa đóng góp nâng cao tính chính đáng. Khi nêu rõ các chuẩn mực và làm sáng tỏ những điều không rõ ràng, tòa đóng góp vào việc gìn giữ trật tự trên biển và do đó làm tăng tính chính đáng. Thêm nữa, cần nhắc đến quyết định của ICJ đối với một cường quốc là Hoa Kỳ trong vụ kiện của Nicaragua đã giúp làm nâng cao tính chính đáng của ICJ dưới mắt thế giới. Tương tự vậy, phán quyết của tòa trọng tài có thể giúp tạo thêm tin tưởng vào hệ thống giải quyết tranh chấp của UNCLOS.

Ảnh hưởng đến các đàm phán tương lai giữa các bên
Theo tin tức gần đây, Trung Quốc đề nghị đàm phán song phương với Phi Luật Tân nếu Phi lờ phán quyết của tòa. Chính điều này đã nhấn mạnh một điểm lợi của phán quyết – nó giúp đem Trung Quốc vào bàn đàm phán và làm thay đổi cán cân quyền lực trong đàm phán. Ngay cả đôi bên mà có lờ phán quyết của tòa đi nữa, phán quyết vẫn đóng một vai trò. Tức là dầu có đàm phán song phương, đôi bên vẫn dùng đến phán quyết của tòa trọng tài để làm sáng tỏ các điểm tranh chấp.

Tác động vào các tác nhân cấp quốc gia và phi quốc gia tại Biển Đông
Dầu Trung Quốc không tuân theo phán quyết đi nữa thì không có nghĩa là các tác nhân quốc gia và phi quốc gia sẽ lờ phán quyết. Các quốc gia không dính vào tranh chấp nhưng có quan tâm trong vùng sẽ thay đổi chính sách và quyết định tùy theo phán quyết. Các quốc gia tranh chấp không loại bỏ việc dùng phán quyết để đối phó với Trung Quốc. Các tác nhân tư như công ty dầu hỏa cũng có thể điều chỉnh lại độ rủi ro khi hoạt động trong vùng tranh chấp.

Thúc đẩy Các Bên làm sáng tỏ tuyên nhận chủ quyền của họ
Một trong những lợi ích quan trọng của giải quyết tranh chấp là tự chính tiến trình này. Thông thường khi đôi bên tham gia vào vụ xử, việc chuẩn bị hồ sơ buộc đôi bên phải xem xét thấu đáo mọi vấn đề. Thu thập bằng chứng, kiểm lại dữ kiện, trao đổi thông tin, tất cả điều này giúp các bên có sự hiểu biết rõ hơn về lập trường đôi bên.

Bộ trưởng Ngoại giao Phi Luật Tân Albert F. Del Rosario (giữa) trình bày trước Tòa trọng tài tháng 7/2015. Bàn bên phải để trống vì Trung Quốc từ chối tham gia. Hình: PCA

Tuy Trung Quốc không tham dự vào tiến trình xét xử, nhưng có nhận được đầy đủ hồ sơ của Phi Luật Tân đệ nạp. Việc tiếp cận với hệ thống giải quyết tranh chấp quốc tế thể nào cũng buộc Trung Quốc phải duyệt xét lại chính sách của họ tại Biển Đông để làm sáng tỏ những tuyên nhận chủ quyền. Cần nhắc lại là tranh chấp trong vùng Biển Đông gia tăng từ thập niên 70. Trước năm 2009 có rất nhiều ẩn số: bản chất vấn đề, các số liệu, tình trạng các đá đảo, tuyên nhận chủ quyền của các bên. Cùng với hồ sơ đệ nạp của Mã Lai và Việt Nam năm 2009 cho Ủy Ban Thềm Lục Địa, tiến trình xét xử năm 2013 cùng với những thông tin, dữ kiện đính kèm sẽ giúp làm sáng tỏ hơn việc tranh chấp tại Biển Đông.

Phán quyết thành trọng tâm hành động cho các tác nhân khác
Tòa án quốc tế không thể làm “cảnh sát thế giới” để buộc thi hành quyết định, nhưng họ có thể dựa vào các tác nhân quốc gia và phi quốc gia để tạo áp lực buộc các chính quyền thay đổi cách hành xử cho phù hợp hơn với luật pháp quốc tế. Theo cách này thì quyết định của toà án quốc tế trở thành một trọng tâm để làm đòn bẫy về pháp lý, chính trị, biểu tượng để các tác nhân quốc gia và quốc tế sử dụng để đẩy quốc gia theo hướng chính sách phù hợp với luật pháp quốc tế hơn.

Do đó ngay cả khi Trung Quốc không tuân thủ, phán quyết của tòa trọng tài có thể trở thành một điểm trọng tâm để các bên liên hệ sử dụng thúc đẩy thay đổi trong chính sách Biển Đông của Trung Quốc cho phù hợp hơn với luật pháp quốc tế. Điều này sẽ tùy thuộc vào phản ứng của mọi bên về phán quyết này.

Đến nay thì vẫn chưa rõ là các tác nhân liên hệ có chịu đảm nhận thách đố này. Tuy nhiên phán quyết có tiềm năng thúc Trung Quốc về hướng phù hợp hơn với luật biển. Dầu sao đi nữa, hành xử trái với luật lệ không định rõ vẫn khác với việc cố tình vi phạm vào những điều khoản đã được một cơ quan quốc tế có thẩm quyết ra phán quyết rõ ràng.

Lời kết
Trong một thế giới lý tưởng, Trung Quốc tham dự vào vụ xử và tôn trọng quyết định của tòa. Tuy nhiên, việc không chịu tuân thủ không có nghĩa phán quyết trở thành một thắng lợi rỗng tuyếch. Thay vào đó, phán quyết có thể có những lợi ích thiết thực.

Đối diện với việc bất tuân thủ của Trung Quốc và những dự đoán là phán quyết sẽ đẩy Trung Quốc hung hăng hơn tại Biển Đông, người ta dễ quên đi thực chất vai trò của tòa là độc lập. Mục tiêu của tòa là cho ra quyết định tối hậu về những tranh cãi pháp lý khi áp dụng và diễn giải UNCLOS. Tòa không giải quyết những tranh chấp phức tạp, nhiều mặt tại Biển Đông, nhưng phán quyết của tòa là bước cần thiết để giúp làm sáng tỏ những vấn đề làm cản trở việc giải quyết lâu dài.

Phái đoàn Phi Luật Tân chuẩn bị ra hầu tòa ngày 12-7-2016. Hình: Tòa Đại Sứ Phi Luật Tân, Hoa Kỳ.

Khi mọi thứ lắng đọng xuống và nỗi nhức nhói khi bị thưa ra tòa đã bớt, có lẽ Trung Quốc sẽ thấy được giá trị của việc giải quyết tranh chấp về luật biển tương tự như họ nhìn nhận giá trị của việc giải quyết tranh chấp giao thương. Cho đến khi đó, dầu cho Trung Quốc (và ngay cả Phi Luật Tân) có cố gắng cách mấy để lờ quyết định của tòa trọng tài, ngày 12 tháng Bảy, phán quyết sẽ được công bố. Một đi không trở lại.

----------------
Tara Davenport là ứng viên Tiến Sĩ tại Đại học Luật Khoa Yale

Nguồn: The Diplomat




No comments:

Post a Comment

View My Stats