Monday 11 July 2016

GIỚI THIỆU SÁCH "VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ", XUẤT BẢN NĂM 1949 (Trần Hồng Phong - Bình Luận Án)





Trần Hồng Phong  -  Bình Luận Án
Thứ Sáu, ngày 08 tháng 7 năm 2016

Mục "Sách" kỳ này, tôi giới thiệu đến quý vị cuốn "Việt Nam văn học sử" của tác giả giáo sư Nghiêm Toản, do Nhà sách Vĩnh Bảo - Saigon phát hành tháng 4 năm 1949, theo giấy phép của bộ Thông tin Nam phần Việt Nam số 660-Pr. Cuốn sách này tôi mua ở nhà sách cũ tại Sài Gòn được vài năm và có lẽ nay đã thuộc hàng hiếm, quý! (Tự sướng chút. Hê). Một số nội dung nêu trong cuốn sách gần 70 năm tuổi này làm cho tôi cảm thấy nuối tiếc, nhớ về một thời bình minh trong trẻo của nền văn hóa nói chung, báo chí nói riêng khi đất nước bước vào thời kỳ "hiện đại".   

https://2.bp.blogspot.com/-hOei28N6ZZA/V3985bi6v7I/AAAAAAAAK9g/upWG0r7Dsw4Qzx67gwF2KaJ8CTuCvru5ACLcB/s320/Vanhocsu1.jpg
Bìa 1 cuốn Việt Nam văn học sử, xuất bản năm 1949 tại miền Nam

Năm 1949 là thời kỳ đất nước Việt Nam đang ở vào tình cảnh khá phức tạp về mặt chính trị. Hoàng đế Bảo Đại (gọi theo các tư liệu thời đó) vừa ký chưa ráo mực bản "Thỏa hiệp ngày mồng 8 tháng 3 năm 1949" với Pháp, có nội dung "nước Pháp long trọng tuyên bố quyết định không cản trở việc xứ Nam kỳ trở lại lãnh thổ Việt Nam bằng bất cứ phương tiện và hành động pháp lý nào" (tôi sẽ có bài giới thiệu lần sau, trong một cuốn sách khác).

Năm 1949 đất nước ta lúc này đã phần nào chia làm hai xu hướng chính trị Bắc - Nam rõ ràng. Ở miền Bắc là cuộc chiến đấu của mặt trận Việt Minh chống thực dân Pháp - kéo dài đến năm 1954, với kết thúc là chiến thắng lợi của quân Việt Minh ở Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên, cuốn sách này là nói về vấn đề văn hóa, văn học, chứ không nói về chính trị.

Chữ Nôm và chữ Quốc ngữ

Cuốn sách gồm 2 tập, tập 2 mà tôi giới thiệu dày 155 trang, tóm tắt và phác họa cơ bản về lịch sử nền văn học, văn hóa nước nhà từ thời kỳ đầu thế kỷ 19 đến năm 1949.

Trong phần "Chữ Nôm", tác giả đã điểm qua các tác phẩm văn học viết bằng chữ Nôm tiêu biểu và giá trị nhất, gồm các nhà thơ như: bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Yên Đổ, Trần Tế Xương, Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh, Tế Xương  ...; Các tác phẩm như: Thập nhị tứ hiếu, Đại Nam quốc sử diễn ca ... và đặc biệt dành nhiều trang cho hai tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, Kiều của Nguyễn Du...  

Trong phần "Chữ Quốc Ngữ", cuốn sách giới thiệu các tác giả, tác phẩm viết bằng chữ Quốc Ngữ (lúc này chữ Quốc Ngữ đang ở giai đoạn còn khá mới mẻ, đang  phát triển ở Việt Nam). Đó là các tác phẩm nói về tinh thần ái quốc, đấu tranh đánh đổ cường quyền, chế độ áp bức, như các bài thơ: Khuyên thanh niên, Á tế á ca, Chiêu hồn nước... Các nhà thơ, nhà văn như: Đông Hồ, Tản Đà, Á nam Trần Tuấn Khải, Quách Tấn, Khái Hưng, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh ... được nêu danh, trích thơ.

Báo chí rất phát triển, đa dạng, chủ yếu là báo tư nhân 

Một điều rất thú vị, là qua cuốn sách, chúng ta biết hóa ra ngay từ những năm đầu thế kỷ 19, ở Việt Nam nền văn hóa đã rất hiện đại so với thế giới, nhưng vẫn giữ nét truyền thống, hoạt động xuất bản và báo chí đã phát triển đến mức có thể nói là rực rỡ! Và rất tự do, thưa quý vị.

Báo chí tư nhân thường do các nhóm nhân sỹ hay các nhà "tư bản" là chủ, với quan điểm chính trị và xu hướng, quan điểm khác nhau, được phép thành lập và xuất bản khá rầm rộ, đa dạng, thuộc hầu hết các lĩnh vực. Chẳng hạn như đoạn sau viết (nguyên văn trong sách) nói về các tờ báo:

BÁO -

- Tờ Gia Định báo do Chính phủ xuất bản.


- Đại Nam Đồng Văn nhật báo - do Nha kinh lược phát hành.


Rồi sau lần lượt xuất hiện những tờ báo của tư nhân, xin lược kể như sau:


- 1900: Nông cổ mín đàn (quốc văn).


- 1905: Nhật báo tĩnh (quốc văn).


- 1905: Đại Việt tân báo (nửa quốc văn, nửa chữ Nho).


- 1907: Đăng cổ tùng báo (quốc văn).

   
- 1910: Lục tỉnh tân văn.

- 1915: Trung Bắc tân văn.


- 1920: Thực nghiệp dân báo.


- 1923: Khai hóa, Trung lập, Thần Trung, Điện tín ....


- 1927: Tiếng Dân, Hà thành ngọ báo ... vv và vv.


Ngoài ra còn có nhiều TẠP CHÍ tư nhân rất nổi tiếng và hay, tiêu biểu như:

- 1913: Đông Dương tạp chí.


- 1917: Nam phong.


- 1921: Hữu thanh.


- 1926: Annam tạp chí.


- 1929: Phụ nữ tân văn.


- 1931: Pháp viện tạp chí.


- 1932: Văn học tạp chí.


Bìa cuối ấn tượng

Tôi cũng cảm thấy rất ấn tượng và thú vị về bìa cuối cuốn sách (xem ảnh bên dưới). Chỉ qua các dòng quảng cáo giới thiệu một số cuốn sách, đã cho thấy xã hội và đời sống văn hóa Việt Nam khi đó thực sự rất dân chủ, văn minh và hiện đại - một cách bất ngờ!


Như trang bìa giới thiệu cuốn sách đang in có tên "Hùn vốn lập hội" với giải thích "những hội buôn theo pháp luật hiện hành ở Việt Nam của luật sư Nguyễn Huy Mẫn". Mèng đéc ơi, thì ra cách nay hơn 70 năm, ở miền Nam đã có luật về doanh nghiệp tư nhân, về nghề luật sư. Thậm chí rất phát triển!

(Ghi chú: Trong khi sau khi thống nhất đất nước năm 1975, phải chờ đến 20 năm nữa (cuối những năm 1980), Nhà nước CHXHCNVN do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo mới cho phép thành lập doanh nghiệp tư nhân, cho phép nghề luật sư xuất hiện lại!).

Và ngay cả Nhà sách Vĩnh Hảo, nơi xuất bản cuốn sách này, cũng là một nhà xuất bản tư nhân.

Thế nên, khi đọc cuốn sách này, tôi thấy nhớ và luyến tiếc một thuở bình minh và trong trẻo của nền văn hóa và báo chí dân tộc là vậy.

Gần 80 năm sau, ngày nay nước ta báo chí cũng đã và đang rất phát triển. Nhưng nói cho cùng, thì đó là báo chí "cách mạng", hoạt động theo chỉ đạo và định hướng của đảng, tổng biên tập là đảng viên, chứ không phải là báo chí theo quan niệm và khái niệm như "ngày xưa" ấy!

...................

Sách:

Được đăng bởi Bình Luận Án vào lúc 17:19 






No comments:

Post a Comment

View My Stats