Wednesday, 20 July 2016

GIÁ TRỊ CỦA CUỘC GẶP TỔNG THỐNG OBAMA (Mai Khôi)





Mai Khôi
Gửi cho BBC Tiếng Việt
19 tháng 7 2016

Vào ngày 24 tháng 5 năm 2016, tôi đã gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp đầu tiên giữa tổng thống Hoa Kỳ và các đại diện xã hội dân sự tại Việt Nam.

Ca sĩ Mai Khôi .  AFP

Ngay sau cuộc họp, những bài báo của BBC Việt ngữ, bằng cách trích lời của bà Hồng Oanh: "... Mai Khôi chỉ nói về quyền tự do biểu diễn, không ai nhắc tới nhân quyền, tù nhân chính trị và luật bầu cử", cắt và trích lời của tiến sỹ Nguyễn Quang A rằng "nhiều người lên Facebook chém gió rất kinh"... đã hướng độc giả nghĩ là tôi nói dối trong những gì tôi tuyên bố trên trang Facebook cá nhân của tôi về cuộc họp này.

Qua thư xin lỗi của BBC gửi cho tôi, BBC cho thấy rằng phóng viên của BBC Việt ngữ đã vi phạm các nguyên tắc làm báo của BBC: phụ thuộc quá nhiều về một nguồn tin và thiếu kiểm chứng thông tin trước khi đăng.

Những gì tôi đã nói với Tổng thống Mỹ

Tôi không muốn nhắc đến việc ai đã nói gì trong cuộc họp đó, vì theo nguyên tắc, không nên đặt lời của mình vào miệng người khác khi không có thu âm. Tôi chỉ muốn khẳng định lại một lần nữa rằng tôi, là người đã lên tiếng về các vấn đề tự do ngôn luận, tự do tụ tập, tự do đi lại, tự do biễu diễn, kêu gọi thả những tù nhân lương tâm, và sửa đổi luật hình sự, luật bầu cử.

Tôi cũng đã nộp một bộ tài liệu có nội dung chi tiết hơn để giúp cho việc phát triển và sửa đổi những điều khoản trong bộ luật hình sự và luật bầu cử, khuyến khích hai nhà nước Hoa Kỳ và Việt Nam trước khi kí kết những thoả thuận về kinh tế và vũ khí thì cần phải đáp ứng những mong muốn về nhân quyền và dân chủ từ phía nhân dân hai nước, chẳng hạn như loại bỏ điều "lợi dụng quyền tự do dân chủ để chống phá nhà nước", "tuyên truyền chống phá nhà nước"...ra khỏi bộ luật hình sự

Cuộc gặp cần thiết cho phong trào dân chủ Việt Nam

Có một số người nghĩ rằng cuộc họp này không có giá trị vì đã không thay đổi được chính sách gì. Bản thân tôi cũng hơi thất vọng về những chiến lược an ninh và thương mại được ưu tiên trong chuyến thăm viếng lần này của Tổng thống Obama.

Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng mối quan hệ Việt-Mỹ cũng là một trong những phương tiện quan trọng trong việc vận động chính sách. Cuộc họp lần này không đem lại kết quả như mong đợi là vì nhìn chung xã hội dân sự chúng ta đã lên tiếng chưa đủ lớn để làm cho Hoa Kỳ quyết định tập trung chính sách của họ vào nhân quyền Việt Nam thay vì ưu tiên cho vũ khí và thương mại tại Việt Nam.

Trong khi Mai Khôi và một số nhà hoạt động cố gắng lên tiếng nói trên các tờ báo chính thống của Mỹ thì chính phủ Việt Nam đã tìm cách lên tiếng nói của họ tại Washington từ năm 2013. Nhà báo Greg Rushford người Mỹ đã cho biết trang web của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) liệt kê các nhà tài trợ theo hạng mục chung.

“Họ tiết lộ rằng chính phủ Việt Nam trả cho CSIS trong khoảng từ 50.000 USD tới 500.000 USD trong năm 2014. Nhưng trang này không cho biết khoản tiền đó để dùng làm gì.”

Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam từ 23 đến 25/5.  AFP

Các báo cáo của Mỹ cũng cho thấy rằng chính phủ Việt Nam đã trả 30.000 USD mỗi tháng (từ năm 2013 đến nay, tổng cộng khoảng 1 triệu đôla) cho Podesta Group, một công ty chuyên vận động hành lang có quyền lực, có quan hệ và tầm ảnh hưởng lớn với các chính khách Hoa Kỳ.

Trong một bài khác, ông Greg Rushford bình luận "một người dân Việt Nam trung bình sẽ phải làm việc 13 năm mới đủ tiền để trả cho một trong những cuộc họp mất 25.000 USD của Podesta với các trợ lý đại biểu quốc hội Mỹ." Đây là một bài học lớn cho những tổ chức, những cá nhân hoạt động xã hội dân sự của Việt Nam. Việc thay đổi chính sách là việc có thể làm được. Nếu muốn thay đổi chính sách thì phải vận động nhiều hơn.

Giá trị của cuộc gặp

Dù có nhiều điều chưa hài lòng, theo tôi, cuộc họp vẫn rất quan trọng về mặt hình thức và biểu tượng.

Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ và các quan chức cao cấp nhất tại Nhà Trắng đã tổ chức một cuộc họp với các đại diện xã hội dân sự của Việt Nam -những người không làm việc cho nhà nước. Nó cho thấy rằng tổng thống của một đại cường quốc nhất nhì thế giới và những chính trị gia hàng đầu Nhà Trắng đã công nhận chính thức những ứng cử viên độc lập như tôi (mặc dù đã bị loại khỏi quá trình bầu cử quốc hội Việt Nam) cũng như đã ủng hộ và nhìn nhận vai trò của các đại diện xã hội dân sự, là những đại diện phi chính phủ, bằng cách xếp chúng tôi ngồi ngang hàng với Tổng thống Obama và cuộc họp kéo dài hơn một tiếng. Chính vì thế nên không có một tờ báo nào của Việt Nam dám nói về sự kiện này.

Cuộc họp cũng đã tạo một nguồn cảm hứng lớn cho giới trẻ mạnh dạn tham gia vào chính trị. Vì trước đây, ít ai nghĩ rằng một cô ca sĩ chưa hề có kinh nghiệm gì lớn trong các hoạt động chính trị, nay đã ngồi ngang hàng với tổng thống Mỹ và thảo luận các vấn đề chính trị trong một cuộc họp với các đại diện xã hội dân sự, điều này đã thay đổi quan điểm về việc ai có thể hoạt động xã hội, ai có thể tham gia vào chính trị, không phải như Thư Ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã nói: "chỉ hát hay thôi thì khó vào Quốc hội".

Ở một mặt khác, cũng có vài người nói với tôi rằng không muốn nhờ đến sự giúp đỡ nào từ nước ngoài để thay đổi tình hình dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Riêng tôi, tôi cũng thấy rằng không thể phụ thuộc vào một nước nào để tạo ra thay đổi, kể cả nước Mỹ, nhưng, tôi thấy một trong những cách vận động chính sách hiệu quả là "lên tiếng càng to càng tốt". Lần này có thể chưa ảnh hưởng được nhưng nhiều lần sau nếu tiếng nói vang lên mạnh hơn, to hơn thì chắc chắn sẽ có kết quả tốt. "Lên tiếng to hơn" ở đây nghĩa là càng nhiều nước trên thế giới biết về tình hình nhân quyền ở Việt Nam thì sự ảnh hưởng lên các nhà lãnh đạo Việt Nam càng cao và các nhà lãnh đạo sẽ phải thay đổi chính sách.

Tôi hy vọng vào một sự đoàn kết ngày một mạnh mẽ hơn giữa các nhà hoạt động, các tổ chức xã hội dân sự trong những ngày tháng kế kiếp đây để tiếng nói của xã hội dân sự Việt Nam vang xa hơn, có sức ảnh hưởng lớn hơn (cả trong lẫn ngoài nước) để vận động các chính sách có lợi cho người dân. Việc đầu tiên chính là vận động chính sách để bảo vệ luật biểu tình ôn hoà, vì việc cấp bách hiện nay là phải chấm dứt nạn đàn áp người dân khi họ đi biểu tình ôn hoà. Nếu được biểu tình ôn hoà thì sẽ dễ vận động chính sách hơn rất nhiều.

--------------------
TIN LIÊN QUAN :

BBC Tiếng Việt
19 tháng 7 2016

BBC Tiếng Việt nhìn lại một số sai sót trong việc tường thuật nội dung cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và đại diện xã hội dân sự ở Hà Nội hồi tháng 5.






No comments:

Post a Comment

View My Stats