Friday, 1 July 2016

"BREXIT" NHÁC NHỞ ĐIỀU GÌ ? (Báo Tổ Quốc, Số 230)





Tổ Quốc  -  Số 230
Được đăng ngày Thứ năm, 30 Tháng 6 2016 17:15

Cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6, với kết quả là nước Anh sẽ ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, đang làm rúng động cả thế giới.

Thiệt hại kinh tế ngay tức khắc được ước lượng là 2000 tỷ USD căn cứ vào sự xuống giá của các thị trường chứng khoán. Tuy vậy con số này - tương đương với 13 lần GDP của Việt Nam - chỉ là một phần nhỏ những thiệt hại về lâu về dài cho thế giới và nhất là cho nước Anh. Anh sẽ suy thoái theo tất cả mọi dự đoán.

Thiệt hại chính trị còn thảm khốc hơn hẳn. Lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu bị sứt mẻ và suy yếu vì mất một thành viên, nhiều quốc gia khác có thể cũng sẽ bị nao núng, dự án xây dựng Châu Âu sẽ bị khựng lại. Nhưng thiệt hại cho nước Anh sẽ còn nhiều lần lớn hơn. Ra khỏi Châu Âu nước Anh sẽ chỉ còn là một cường quốc trung bình và sẽ còn lệ thuộc Hoa Kỳ hơn nữa. Lý do khiến nhiều người đã biểu quyết "Brexit", nghĩa là ra khỏi Châu Âu, là để giữ chủ quyền nhưng hậu quả là họ sẽ còn ít chủ quyền hơn trước. Không những thế chính nước Anh cũng có thể sẽ không còn nguyên vẹn bởi vì hai vùng Scottland và Bắc Ireland rất có thể sẽ tách ra để thành lập quốc gia riêng và gia nhập Châu Âu.

Câu hỏi cần được đặt ra là tại sao cử tri Anh, hay đúng hơn 2% cử tri Anh vì đa số Brexit chỉ là 51.9%, lại có thể gây thiệt hại cho thế giới và cho chính họ như vậy? Câu trả lời có thể chỉ giản dị là tai họa đã xảy ra vì người ta đã cố né tránh những vấn đề nền tảng.

Trước hết là phương thức trưng cầu dân ý. Đầu năm 2013, khi hứa hẹn sẽ tổ chức trưng cầu dân ý xem nên hay không nên ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu nếu giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội 2015 thủ tướng David Cameron không thể ngờ là hậu quả sẽ như ngày nay. Ông chỉ đã làm một hứa hẹn mị dân để câu phiếu của những người không thích Châu Âu. Ông không thề ngờ những khó khăn hiện tại của Châu Âu, đặc biệt là làn sóng người tỵ nạn. Đó là một hành động vô trách nhiệm và Cameron sẽ được nhớ tới như thế dù đã từ chức và sự nghiệp chính trị kể như đã chấm dứt. Đây cũng là dịp để ý thức rằng trưng cầu dân ý bao giờ cũng có nguy cơ gây chia rẽ thay vì đoàn kết dân tộc và do đó chỉ nên dùng đến với tất cả thận trọng để khẳng định một đồng thuận đã chín muồi; nó không phải là phương tiện để người cầm quyền từ nhiệm và để người dân quyết định thay cho mình.

Biến cố Brexit cũng nhắc nhở một lần nữa là một dự án chính trị bao giờ cũng là điều kiện bắt buộc để xây dựng một quốc gia, chưa nói một kết hợp nhiều quốc gia như Liên Hiệp Châu Âu. Mọi người đều biết tham vọng cao quí của Châu Âu là tạo ra một không gian chính trị tự do, dân chủ và liên đới, đồng thời cũng là siêu cường số 1 về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Tuy vậy giữa các quốc gia thành viên chưa hề có đồng thuận về những chặng đường sẽ phải đi qua, những khó khăn sẽ gặp và những hy sinh mà mọi nước thành viên sẽ phải chấp nhận. Càng không có đồng thuận về một quan niệm quốc gia mới mà các nước thành viên phải chia sẻ để không có cảm tưởng bị mất chủ quyền và căn cước. Kết quả là càng mở rộng Châu Âu càng tích lũy những mâu thuẫn và càng lâm vào bế tắc.

Một cách đau nhức biến cố Brexit vừa nhắc nhở thế giới rằng người ta không bao giờ có thể tránh né những thảo luận trong chiều sâu. Vì tư tưởng bao giờ cũng phải đi trước hành động.                                      
                             
Ban biên tập Tổ Quốc

*

DOWNLOAD :





No comments:

Post a Comment

View My Stats