Saturday, 7 May 2016

VIỆT NAM : THIÊN ĐƯỜNG Ô NHIỄM (Nguyễn Hoàng Phố)





Nguyễn Hoàng Phố
Posted by adminbasam on 04/05/2016

Trong bài viết: Việt nam đang đối diện với khủng bố chất độc hay đang là một bãi rác công nghiệp?, tôi có đặt câu hỏi về chức năng giám sát môi trường của chính quyền Việt nam đối với Formosa Hà Tĩnh. Hôm nay tôi đã có câu trả lời, từ báo Người đô thị:

Trao đổi với Người Đô Thị, TS Ngô Đức Lâm, nguyên cục trưởng Cục Công nghệ an toàn và môi trường, bộ Công thương rằng: Nhà nước phải có hệ thống độc lập kiểm tra, tuy nhiên lại không có với trường hợp Formosa. Thực tế hiện nay, sở Tài nguyên môi trường Hà Tĩnh không tự đi lấy mẫu và tự kiểm tra Formosa, mà mẫu đó lại do Formosa đưa cho sở đi phân tích. Như vậy là hoàn toàn không khách quan, và thiếu trách nhiệm. Thứ 2, sở Tài nguyên môi trường là cơ quan nhà nước thì phải độc lập, nhưng sở lại đi hợp đồng với Formosa để kiểm tra, tức là mang lại kinh tế cho nhau, như vậy là không đúng quy định Nhà nước, là vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Một câu trả lời đắng ngắt.

Cũng trong bài viết trên, tôi nói rằng nếu nhà cầm quyền VN cho phép Formosa Hà tĩnh nằm ngoài luật pháp Việt Nam thì điều đó đồng nghĩa với việc đặt cược số phận của thế hệ tương lai của Việt Nam vào trong tay một tập đoàn đã từng gây ra khủng bố chất độc tại quốc gia láng giềng.

Phẫn uất và đau đớn.

Tôi cứ hy vọng giả thiết của mình sai, rằng nhà cầm quyền VN không tạo ra một thiên đường ô nhiễm (pollution haven) cho tập đoàn khủng bố chất độc Formosa. Trong thiên đường ô nhiễm này, tập đoàn khủng bố chất độc Formosa tuỳ tiện làm bất cứ điều gì mà luật pháp về môi trường ở ‘chính quốc’ không cho phép. Một phần cơ thể của Việt Nam đã bị cắt đứt đành đoạn. Một phần của Việt Nam đã trở thành một nhượng địa, cho thuê với cái giá rẻ mạt: Formosa thuê của VN 3.300 ha đất, trong thời hạn 70 năm với giá 96 tỷ đồng cho cả thời gian thuê, tính trung bình 42 đồng/m2/năm.  Khốc hại hơn, cái phần máu thịt bị cắt này còn gây ra băng hoại cho phần còn lại của Việt Nam. So với nước Việt Nam thời thuộc địa Pháp, thì nhượng địa này, nói đúng hơn là ‘thuộc địa’ này, là một địa ngục, và phần Việt Nam còn lại là bên bờ của địa ngục.

Vũng Áng-Formosa Hà tĩnh sẽ đi vào sách vở kinh tế học như là một bằng chứng khẳng định giả thiết về thiên đường ô nhiễm (pollution haven hypothesis).  Trong kinh tế học hiện đại giả thiết này dùng để chỉ khả năng các tập đoàn ở các nước giàu dùng vốn đầu tư trực tiếp để di chuyển các ngành công nghiệp ‘bẩn’ từ ‘chính quốc’ sang các nước ‘thuộc địa’,  nơi luật pháp về môi trường lỏng lẻo, thậm chí không tồn tại, và cho dù có luật thì với bộ máy công quyền tham nhũng các công ty này vẫn dễ dàng bỏ qua. Bi đát là phần thắng thuộc về các tập đoàn, còn phần thua thuộc về người dân ‘thuộc địa’.  Thua vĩnh viễn.

Có ba chỉ số cho thấy có thiên đường ô nhiễm hay không: (1) sự dịch chuyển công nghiệp bẩn sang ‘thuộc địa’, (2) khủng bố chất độc một cách hợp pháp, theo luật của ‘thuộc địa’, và cuối cùng là (3) sự tận thu đến cạn kiệt tài nguyên của thuộc địa. Và ba chỉ số này liên quan đến lý do phần thua thuộc về dân ‘thuộc địa’. Thua vĩnh viễn.

Thứ nhất, luật pháp lỏng lẻo về môi trường, và bộ máy công quyền tham nhũng của chính quyền ‘thuộc địa’ đã giúp tăng lợi nhuận cho các nhà máy gây hại môi trường vì không phải chi phí cho việc giải quyết hậu quả. Người chịu hậu quả, người dân thuộc địa phải gánh chịu: Môi trường nhiễm độc đưa đến vô vàn các vấn đề về sức khoẻ, và khi một người cha, một bà mẹ mắc bệnh thì khó lòng tin rằng con cái của họ sẽ được học đến nơi đến chốn. Một thế hệ thất học. Một thế hệ không tương lai. Thế hệ này tiếp thế hệ khác, không tương lai. Một thế hệ không tương lai kéo theo một xã hội chất chứa tệ nạn, suy đồi, một miếng ngon cho các tổ chức tội phạm. Không, xin đừng mơ ước về một tương lai sánh vai với cường quốc năm châu.

Lý do thứ hai, đó cũng là đối tượng quan tâm của công ước Basel về môi trường: các tập đoàn chuyên chở chất độc từ ‘chính quốc’ sang chôn lấp ở ‘thuộc địa’. Không thể thuyết phục một người có lý trí rằng trong số những hóa chất được thải từ ống ngầm Formosa Hà tĩnh không có những chất thải độc được vận chuyển từ ‘chính quốc’ sang. Dân ‘thuộc địa’ thua đã rõ ràng: khủng hoảng cá biển chết hàng loạt cả tháng qua đủ để biến hàng trăm ngàn gia đình ngư dân khốn đốn. Nhưng không phải chỉ ngư dân. Cả toàn xã hội đang khốn đốn, dĩ nhiên trừ những quan chức có ‘điều kiện’. Cuộc khủng hoảng này sẽ không dừng ở đây, chừng nào còn Formosa Hà tĩnh thì án tử cho cộng đồng vẫn còn treo trên đầu.

Khác với cuộc khủng hoảng do vụ khủng bố chất độc gây ra ở thành phố Sihanouk, cuộc khủng hoảng này không có tên gọi, bởi vì cái ác đã được kẻ thủ ác thực hiện một cách hợp pháp, hay nói đúng hơn là hợp pháp theo luật của ‘thuộc địa’, bởi vì cái chết đến thầm lặng, ai biết khi nào người nào sẽ đột ngột chết, một khi chất độc đi vào cơ thể qua con cá, củ khoai, hơi thở, và bởi vì kẻ bị giết không thể kêu đòi công lý trong bộ khung luật pháp ‘thuộc địa’. Dân ‘thuộc địa’ đang bị đẩy xuống địa ngục, không có chuông gọi hồn, không có tên tuổi, không có kẻ thủ ác bị nguyền rủa, kết tội.

Lý do thứ ba là dân thuộc địa sẽ bị vắt kiệt sạch nguồn tài nguyên không thể tái sinh (non-renewable natural resources), đất đá, nước, khoáng sản… Lòng tham vô độ của các tập đoàn chính quốc, được sự hỗ trợ của luật pháp  ‘thuộc địa’, và quan chức ‘thuộc địa’ sẽ ngấu nghiến tất cả những gì chúng có thể để biến thành lợi nhuận. Cái còn lại của người dân thuộc địa là một vùng đất bỏ đi, wasteland, vì họ chẳng qua cũng chỉ là những sinh linh bỏ đi, wastebeings.

Trong thuật ngữ luật pháp có từ kẻ tòng phạm. Xin cho tôi biết kẻ tòng phạm là ai.
_____

Tham khảo: Levinson, Arik; M. Scott Taylor (2008). “Unmasking the Pollution Haven Effect”. International Economic Review 49 (1): 223–54.



No comments:

Post a Comment

View My Stats