Wednesday, 18 May 2016

TRẦN HUỲNH DUY THỨC DƯỚI CÁI NHÌN CỦA LUẬT SƯ LÊ CÔNG ĐỊNH (Mặc Lâm - RFA)





Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-05-17
.
ừ trái sang: Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long và LS Lê Công Định tại TAND TPHCM hôm 20/1/2010.  AFP

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đã thông báo cho gia đình anh một quyết định quan trọng đó là sẽ tuyệt thực tới chết để yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam thay đổi thể chế, lắng nghe nguyện vọng của người dân cũng như trả tự do cho anh vì anh không vi phạm pháp luật của nhà nước Việt Nam. Mặc Lâm phỏng vấn LS Lê Công Định, một người bạn đồng hành và cùng chung vụ án với anh để biết thêm chi tiết về quyết định một mất một còn của người tù nhân lương tâm này.

“Anh ấy nói như vậy thì anh sẽ làm”

Mặc Lâm: Thưa LS như ông đã biết, nguồn tin từ gia đình anh Trần Huỳnh Duy Thức nói rằng anh ấy sẽ tuyệt thực cho tới khi chết mới thôi nếu nguyện vọng của anh ấy không được giải quyết. LS là bạn của Trần Huỳnh Duy Thức rất lâu và cùng chung vụ án nữa. Ông thấy tin này chính xác không và theo ông khi anh Thức nói như vậy thì anh ấy có giữ lời không?

LS Lê Công Định: Tôi cũng nghe nguồn tin từ gia đình kể lại ngay sau khi được găp anh Thức, và gia đình lúc đó thật sự rất lo lắng và hỏi ý kiến của tôi làm như thế nào trong trường hợp như vậy. Tôi hoàn toàn hiểu rõ tính của anh Thức vì chúng tôi có quan hệ với nhau trên 10 năm nay, khi anh Thức nói thì ảnh sẽ làm. Ảnh là người khi làm bất cứ việc gì cũng rất cẩn trọng, suy nghĩ rất thấu đáo và tôi thực sự lo khi anh tuyên bố là sẽ tuyệt thực vô thời hạn và chấp nhận lấy cái chết ra quyết tâm yêu cầu chính quyền Việt Nam phải tổ chức trưng cầu dân ý, thay đổi thể chế để dược hưởng sự tự do và nền dân chủ thực sự cho đất nước chứ không phải chỉ là những lời hứa hẹn hão.
Tôi biết rằng khi anh quyết định như vậy là anh đã suy nghĩ rất kỹ. Thực tình mà nói tôi ủng hộ tư tưởng của anh nhưng trước một quyết định ngặt nghèo như vậy thì tôi cảm thấy lo vì người như anh Thức không thể thiếu cho phong trào đấu tranh cho tương lai của Việt Nam, và sự có mặt của anh cổ võ cho chúng ta rất nhiều.
Anh cũng là một người cha rất tốt với gia đình và một người con rất hiếu thảo nếu anh có mệnh hệ gì thì gia đình và bạn bè của anh Thức sẽ rất đau lòng. Tôi hiểu rằng khi anh ấy nói như vậy thì anh sẽ làm chứ không phải là anh chỉ nói để đưa tin ra ngoài mà không thực hiện. Điều đó khiến cho tôi cảm thấy rất lo lắng và làm cho tôi mang thông tin này đến mọi người.


Mặc Lâm: Vâng, như LS vừa nói thì anh Trần Huỳnh Duy Thức là một khuôn mặt rất cần cho hiện nay, có thể vì lý do đó nên nhà cầm quyền đã cố tình đẩy anh vào thế một mất một còn hay không?

LS Lê Công Định: Tôi không rõ vừa rồi trong trại giam nhà cầm quyền đã đối xử với anh như thế nào khiến anh phải đi đến quyết định như vậy. Tôi nghĩ chắc chắn phải có một nguyên nhân nào đó mà gia đình thông báo từ tháng trước thì tôi biết rằng nhà cầm quyền đã có những hoạt động gây áp lực với anh, đặt anh trong vị trí rất nghiệt ngã trong tù khi anh còn trong trại giam Xuyên Mộc.
Chúng ta biết họ đột nhiên áp giải anh ra Nghệ An với hành động rất nghiêm trọng chẳng hạn như còng tay, bịt miệng do đó tôi nghĩ họ cố tình đẩy anh vào cái quyết định rất khó khăn cho chính bản thân anh và tôi biết khi anh quyết định như vậy hẳn là phải có một lý do nào đó.

Nhà hoạt động dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức, tại Tòa án Nhân dân TPHCM hôm 20/1/2010.

Mặc Lâm: Vâng có thể chúng ta chưa biết sự thật nó như thế nào nhưng theo gia đình kể lại thì anh Thức đã từ chối đi Mỹ do nhà cầm quyền đưa ra, theo LS thì điều này có hợp lý với cá nhân của anh Thức hay không?

LS Lê Công Định: Tôi đã biết khi chúng tôi ở chung với nhau trong trại giam Xuyên Mộc trong một thời gian không dài lắm. Chúng tôi đã nói với nhau rất nhiều việc trong quá khứ khi chúng tôi bị bắt sau đó. Trong tương lai chúng tôi không biết có còn ở chung với nhau hay không bởi vì có thể người ra trước còn người ra sau cho nên chúng tôi bàn hết tất cả mọi việc thì quan điểm của anh Thức rất dứt khoát không bao giờ rời khỏi Việt Nam. Ảnh chấp nhận dù có phải ở mãi mãi trong tù thì cũng sẽ ở Việt Nam chứ dứt khoát không đi nước ngoài. Tôi biết rằng khi anh quyết định như vậy và gia đình kể lại cho tôi nghe thì tôi hoàn toàn tin rằng đó là quyết định thực sự của anh Thức chứ không phải anh chỉ nói và gia đình tường thuật không chính xác.

Có một điều như thế này: khi anh Thức bị áp giải ra Nghệ An, sau đó cho anh Thức gọi điện thoại về nhà báo tin cho gia đình thì anh có nói rằng anh được yêu cầu là phải đi Mỹ và anh muốn gặp tất cả toàn thể gia đình dù anh biết từ Sài Gòn ra Nghệ An rất khó khăn, phức tạp nhưng anh vẫn muốn gặp tất cả mọi người.

Tôi tin những người an ninh theo dõi cuộc nói chuyện trên điện thoại của anh Thức thì họ cũng tin rằng là anh Thức có vẻ như đi theo sự áp đặt của họ là phải đi nước ngoài thì họ mới đồng ý cho gia đình anh Thức tất cả là 14 người vào thăm anh, tất nhiên dưới sự giám sát rất chặt của họ.

Anh Thức cũng dùng điều đó để gặp gia đình nhưng khi gặp tất cả mọi người rồi thì anh tuyên bố sẽ tuyệt thực cho đến chết. Tôi tin rằng đó là quyết định thật sự của anh bởi vì anh muốn gặp mọi người dường như là lần cuối theo suy tính của anh. Tôi tin rằng anh quyết tâm đi đến chọn lựa cái chết buộc nhà cầm quyền phải thay đổi. Tôi thấy đó là quyết đinh thực sự khó khăn nhưng tôi tin rằng của chính anh Thức chứ không phải của ai khác.

Mặc Lâm: Xin cám ơn luật sư.


VIDEO :
Câu chuyện Nhân quyền và chuyến đi Việt Nam của TT Obama
RFAVietnamese    Published on May 13, 2016






No comments:

Post a Comment

View My Stats