Số 242
- Phát hành ngày 01-05-2016
Gần
đây, có một con người vô danh đã trở thành nhân vật lịch sử. Đó là ngư dân Nguyễn
Xuân Thành, 36 tuổi, ngụ thôn Ba Đồng, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà
Tĩnh. Anh cho biết ngày 4-4-2016, trong khi lặn xuống biển săn cá, anh bất ngờ
thấy đường ống xả thải khổng lồ dài 1km5, đường kính trên 1m, chôn ngầm dưới biển
và nối với nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa Vũng Áng, Hà Tĩnh (mà anh và đồng
nghiệp đã phát hiện cách đây 2 năm), đang phun ào ạt một thứ nước màu vàng đục,
nhừa nhựa, có mùi hôi thối, ngửi vào cảm thấy ngạt thở.
Với
lương tâm và trách nhiệm, anh Thành đã báo cáo ngay cho nhà cầm quyền qua đồn
biên phòng đèo Ngang sự việc đáng lo ngại ấy. Đúng là đáng lo ngại thật, vì chỉ
hai hôm sau (6-4), tại Vũng Áng, rồi trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình,
Quảng Trị, Thừa Thiên–Huế và một phần tỉnh Quảng Nam đã xảy ra tai họa môi sinh
nghiêm trọng chưa từng thấy: nhiều loài cá và thủy sinh vật sống vùng nước sâu
và vùng duyên hải (trong đó có cả cá voi con) chết hàng loạt trôi vào bờ. Cá,
ngao, tôm dân nuôi trong đầm gần biển và lồng trên biển cũng đồng số phận. Rồi
người cũng bị liên lụy. Ít nhất đã có hơn 20 trường hợp cấp cứu ở huyện Phúc Trạch
(Quảng Bình) vì ăn các loại hải sản nghi nhiễm độc. Cũng khoảng 200 thực khách
dự tiệc khai trương một nhà hàng tại huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) bị trúng độc
sau khi thưởng thức các món đồ biển. Song song đó, một thợ lặn thi công xây dựng
đê chắn sóng ở cảng Sơn Dương (quần thể nhà máy Hưng Nghiệp) đã qua đời hôm
24-04.
Ngày
26-04, 5 thợ lặn khác tại huyện Quảng Trạch đã phải vào bệnh viện sau khi lặn từ
khu vực biển Vũng Áng lên. Mới đây, người dân phát hiện chim biển ăn cá cũng chết.
Đảo Chim, từng được xem là vương quốc của hơn 2 triệu hải âu xám (một loài đặc
hữu, quý hiếm) cách cảng Hòn La chừng 12 hải lý, thuộc huyện Quảng Trạch, tuyệt
không còn một bóng chim, nằm trơ trọi giữa bốn bề sóng nước. Từ cả tháng nay,
hàng vạn ngư dân 4 tỉnh phải đưa thuyền lên bờ phơi nắng và nhịn đói, đời sống
họ hoàn toàn bị đảo lộn và tương lai hết sức mờ mịt. Các đầm và bè cá, ngao,
tôm bị mất hàng chục tỷ đồng. Cư dân miền Trung rồi cả nước cũng hết sức lo lắng
vì sự nhiễm độc trước mắt và ngày càng tràn lan của hải sản và rồi đây của muối
và nước mắm, hai gia vị hàng đầu và thường nhật của người Việt Nam.
Dĩ
nhiên nghi can số một lúc này chính là nhà máy gang thép Hưng Nghiệp do Đài
Loan và Trung Quốc đầu tư dưới danh nghĩa tập đoàn Formosa. Bị công luận chất vấn,
tập đoàn này đã thừa nhận rằng từ tháng 3 năm nay, hàng ngày họ xả 12.000m3 nước
thải ra biển. Nước thải này chứa đựng nhiều hóa chất dùng cọ rửa hệ thống ống dẫn
mà khối lượng lên tới 300 tấn và trong đó -theo một số chuyên gia- có nhiều loại
cực độc (Tuổi Trẻ 24-04-2016).
Mở
lại hồ sơ, người ta thấy tập đoàn này, vốn có tên đầy đủ là Formosa Plastics
Group (FPG), thành lập từ năm 1954, là một công ty đa quốc với các chi nhánh tại
Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác kể cả Hoa Kỳ, hoạt động trong
lãnh vực công nghệ hóa học, công nghệ sinh học, dược phẩm, mỹ phẩm… Lịch sử của
nó gắn liền với các hậu quả về xã hội và môi trường trên phạm vi toàn cầu. Điển
hình là năm 1998 FPG bị bắt quả tang khi đưa 3000 tấn rác độc hại trong đó có cả
thủy ngân vào cảng Sihanoukville của Campuchia để xả chúng, gây nên cuộc khủng
hoảng môi sinh nghiêm trọng ảnh hưởng đến hàng ngàn người. Hồi tháng 09-2009,
chính quyền Hoa Kỳ tại hai bang Texas và Louisiana đã buộc Formosa chi hơn 10
triệu đôla để xử lý chất thải độc hại ra khỏi không khí và nguồn nước tại hai
nhà máy của họ, cũng như phải nộp gần 3 triệu đôla tiền phạt dân sự vì vi phạm
luật về nước sạch, không khí sạch và công nghiệp sạch của Hoa Kỳ. Cũng trong
năm này, tập đoàn bị trao giải "Hành tinh đen" do Ethecon, một cơ
quan bảo vệ sinh thái ở Đức dành cho những tổ chức có hành động phá hủy môi trường.
Đang
khi ấy thì nhà cầm quyền Hà Nội lại phản ứng hết sức khó hiểu. Nhiều quan chức
trung ương lẫn địa phương đã đưa ra những cảnh báo muộn màng (ngày 20-04, thứ
trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường mới yêu cầu các địa phương có cá chết phải tuyên
truyền rộng rãi để người dân không sử dụng chúng làm thực phẩm hay thức ăn gia
súc); hoặc những trấn an giả dối (ngày 23-04, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát
triển Nông thôn bảo rằng cá bị nhiễm độc đều đã chết và đã được chôn nên bây giờ
bắt được cá sống thì có thể ăn, phó chủ tịch Hà Tĩnh cho biết nhiều loại thủy sản
vẫn sinh trưởng bình thường trong các lồng bè ở Vũng Áng và người dân có thể
yên tâm tắm ở vùng biển này); hoặc những tuyên bố mâu thuẫn (Thứ trưởng Bộ
TN-MT khẳng định đường ống xả thải ra biển của Formosa đã được cấp phép, đang
khi Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường của bộ cho hay nhà máy này chưa được
phép xả thải. Thanh Niên 23-4-2016).
Dù
thảm họa xảy ra từ hôm 06-04, nhưng đến ngày 26-04, đoàn công tác của Bộ Công
thương mới đến kiểm tra công ty Hưng Nghiệp sau khi đã báo cho họ trước 4 ngày
(RFA 23-04-2016). Còn Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản Bộ Nông nghiệp-Phát triển
Nông thôn thì cho biết khu công nghiệp Vũng Áng có yếu tố nước ngoài nên đoàn
công tác không vào kiểm tra được!?! Riêng TBT Nguyễn Phú Trọng thì ngày 22-04 mới
đến Vũng Áng nhưng chỉ để đôn đốc dự án xây cảng Sơn Dương và còn khen Hà Tĩnh
đi đúng hướng, chứ tuyệt không có lời nào về tình trạng cá biển chết thảm chất
đầy bờ bãi và tiếng kêu của dân chúng đang cất lên ngút trời. Còn tân chính phủ
thì trong cuộc thị sát ở tỉnh Hà Tĩnh hôm 24-04, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng
mới cam kết sẽ ‘xử lý nghiêm’ thủ phạm, và hôm sau, tân Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc mới chỉ thị các địa phương phải hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại và nhanh chóng
đưa ra kết luận để có biện pháp thích đáng. Tối 27-04, Bộ TN-MT đã tổ chức 1 cuộc
gặp gỡ báo chí trong 10’ để chỉ đọc một thông cáo chính thức cho hay rằng vụ cá
chết ở các tỉnh miền Trung chưa có bằng chứng liên can đến Formosa!
Sự
bao che đối với Formosa như thế chỉ là nối tiếp một chuỗi hành động ưu đãi trước
đây đối với tập đoàn này. Quả vậy, năm 2012, khi Formosa trình dự án đầu tư xây
dựng nhà máy gang thép Hưng Nghiệp với tổng vốn 15 tỷ đôla tại Vũng Áng, nhà cầm
quyền (qua phó thủ tướng gốc Tàu đặc trách kinh tế lúc ấy là Hoàng Trung Hải)
đã quyết định giao cho tập đoàn 2,000 hécta đất để xây nhà máy và 1,200 hécta mặt
nước để làm cảng biển. Dự án vừa kể đã khiến 3000 gia đình bị thu hồi đất, giải
tòa nhà, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sinh kế của khoảng 20,000 người; ngoài ra
còn 15,000 ngôi mộ bị cải táng, 58 nhà thờ bị dỡ bỏ. Chưa hết, Formosa còn được
ban nhiều ân huệ khác nữa: được thuê đất 70 năm (quá luật 20 năm) nhưng từ năm
thứ 16 mới phải trả tiền thuê mà chỉ 80 đồng/m2; được miễn nộp thuế thu nhập
trong 4 năm đầu và 9 năm sau đó giảm một nửa, được đem cả hàng chục ngàn nhân
công từ TQ sang làm việc, được hoạt động như một đặc khu mà các cơ quan chức
năng của VN không dễ vào để kiểm soát. Nhà máy hiện xây một bức tường dài 20km
dọc Quốc lộ 1 và từ đó ra tới bờ biển trở thành khu bất khả xâm phạm. Đang khi ấy,
Vũng Áng –theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự– lại là một yếu huyệt an
ninh quốc phòng. Đây là khúc hẹp nhất VN, chỉ khoảng 50km, khiến đất nước bị cắt
đôi rất dễ dàng. Cảng Sơn Dương gần như đối diện với Du Lâm là quân cảng quan
trọng của Tàu cộng ở cực nam Hải Nam đảo. Một lực lượng tàu chiến chỉ cần dàn từ
bên này sang bên kia là đủ để chặn đường ra vào vịnh Bắc bộ!
Thái
độ ưu đãi Formosa cách lạ lùng như thế khiến người ta phải liên tưởng tới sự kiện
là trên toàn đất nước, nhà cầm quyền VC từ lâu đã để cho Tàu cộng thực hiện nhiều
dự án tương tự tại nhiều trọng điểm quốc phòng: khai thác bauxite ở Tây Nguyên
mái nhà Đông dương, lập khu đô thị ở Bình Dương sát Sài Gòn, xây khu du lịch ở
Đà Nẵng sát sân bay quân sự, khu nghỉ dưỡng ở đèo Hải Vân, dựng nhà máy nhiệt
điện ở Bình Thuận, lắp hệ thống dẫn nước Sông Đà 2, thuê hàng trăm hécta rừng đầu
nguồn và quốc phòng, trúng thầu 90% dự án xây dựng cơ bản, xuất siêu sang Việt
Nam nguyên liệu và thiết bị…. Tất cả đều để lại nhiều tệ nạn và nguy hiểm cho đất
nước: công nghệ lạc hậu, môi trường ô nhiễm, tình hình địa phương bất ổn, an
ninh quốc phòng lâm nguy, người Tàu lúc nhúc khắp nước, hàng Tàu giả và độc
thao túng thị trường, văn hóa Tàu ảnh hưởng lên tâm địa người Việt… trong khi
ngoài khơi quân đội và ngư dân Tàu tung hoành Đông Hải, đánh đuổi ngư dân ta và
xây dựng căn cứ quân sự trên nhiều đảo của ta. Phải chăng đó là những dấu hiệu
cho thấy Thỏa ước Thành Đô được ký kết bí mật giữa hai Cộng đảng Việt và Tàu
năm 1990 đang tuần tự thực hiện các giai đoạn để đến lúc nước Việt xóa tên trên
bản đồ?
Thành
thử chẳng lạ gì mà đồng bào trong lẫn ngoài nước đã phản ứng hết sức mạnh mẽ.
Hàng ngàn trí thức nhân sĩ trong “Tuyên bố về tội ác đầu độc biển miền Trung
VN” ngày 27-04 đã tố cáo: “Những người có quyền quản trị quốc gia đã cho phép
Formosa Hà Tĩnh được hoạt động như một đặc khu, các cơ quan chức năng của VN
không dễ gì được vào để kiểm tra kiểm soát về an toàn môi trường cũng như mọi
hoạt động của nó”. Hai mươi tổ chức xã hội dân sự độc lập, qua “Tuyên bố về thảm
họa quốc gia tại các tỉnh miền trung” ngày 29-04 cũng khẳng định: “Đây là một
thảm họa quốc gia lớn lao, vì từ nay buộc phải lên bờ sinh sống một giới đông đảo
mà nhà cầm quyền từng gọi là cột mốc di động của chủ quyền quốc gia trên biển.
Đông hải sẽ dễ dàng trở thành nơi Trung Quốc mặc sức tung hoành để cuối cùng
chiếm trọn như mưu đồ từ lâu của họ... Đây là một tệ nạn chính trị hết sức kinh
tởm. Vụ Formosa bộc lộ rõ ràng thói vô cảm và vô trách nhiệm của nhà cầm quyền
CS đối với lợi ích quốc gia, cuộc sống dân lành”. “Tuyên cáo của toàn dân VN
trong và ngoài nước về thảm họa môi trường và thảm họa quốc gia hiện nay” ngày
30-04 còn mời gọi: “Chúng ta hãy tranh đấu để giải thể chế độ độc tài, toàn trị,
vốn là nguyên nhân gây bao thảm trạng và tệ nạn cho Dân Tộc và Đất Nước: đảng
CSVN thao túng toàn xã hội… đẩy đất nước đến chỗ khốn cùng, cấu kết với ngoại
bang để bảo vệ ngai vàng dù với cái giá xóa sổ quốc gia dân tộc”.
Thành
thử cũng chẳng lạ gì mà cái chế độ và chính đảng vô tổ quốc, vô tôn giáo, vô đồng
bào này đã đàn áp dã man các cuộc biểu tình của ngư dân và công dân ngày 29,
30-04 và 01-05, thậm chí đánh đổ máu và bắt giam giữ nhiều người. Nhưng đó chỉ
là những dấu hiệu ngày tàn của tập đoàn phản động và phản quốc chưa bao giờ có
lòng thương dân yêu nước.
Ban
biên tập
Bán
nguyệt san Tự do Ngôn luận
No comments:
Post a Comment