Saturday 21 May 2016

NGƯỜI DÂN VIỆT NAM MONG CHỜ CHUYẾN THĂM CỦA OBAMA GIỮA NHỮNG CUỘC BIỂU TÌNH CĂNG THẲNG (Duyên Bùi)





Duyên Bùi   
Athena chuyển ngữ
21/05/2016

Người dân Việt Nam hy vọng ông Obama sẽ lên tiếng hỗ trợ lời kêu gọi của họ trong việc khắc phục thảm hoạt môi trường.

Chính quyền Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung đang chờ đợi để chào đón tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đến thăm vào tuần tới. Tuy nhiên, mỗi bên lại có lý do khác nhau để mong chờ chuyến viếng thăm.

Chính phủ Việt Nam sẽ trải thảm đỏ tiếp đón nhà lãnh đạo của đất nước từng có thời là kẻ thù của mình, nhưng giờ lại mong muốn được là đồng minh nhằm cải thiện tình hình kinh tế và mong được bảo vệ khỏi mối đe dọa từ nước láng giềng Trung Quốc. Trong khi đó, người dân Việt Nam lại hy vọng ông Obama có thể gây sức ép lên chính quyền Việt Nam trong vấn đề giải trình trách nhiệm và các đáp ứng quyền cơ bản cho người dân.

Trong chuyến viếng thăm lần này sẽ có tiệc tối chiêu đãi ông Obama, và nếu ông đủ sáng suốt thì chắc ông sẽ không ăn cá. Việt Nam vốn nổi tiếng với rất nhiều loại cá ngon, nhưng giờ hải sản nói chung đã bị nhiễm độc, được cho là chất độc từ các công ty đã xả thải ra môi trường.

Tình trạng cá chết được phát hiện lần đầu tiên là vào ngày 6 tháng Tư tại Vũng Áng. Tổng cộng có bốn tỉnh thành dọc theo chiều dài 200km đường bờ biển tại miền Trung Việt Nam đã bị ảnh hưởng trong suốt tháng Tư và tháng Năm. Hàng triệu con cá và sinh vật biển đã chết dạt vào bờ cũng như dưới lòng đại dương. Các nhà khoa học cho rằng chất độc hóa học đã gây ra hiện tượng cá chết này. Cho đến giờ đã hơn một tháng trôi qua nhưng chính quyền vẫn chưa công bố nguyên nhân chính thức của vụ việc. Người dân Việt Nam đã không còn dám ăn cá hay hải sản, thậm chí là cả nước mắm, vốn được coi là đặc sản của đất nước.
Dư luận tập trung nghi vấn vào một nhà máy thép vốn là chi nhánh của tập đoàn Formosa, vì nhà máy này ở vị trí rất gần nơi đầu tiên xảy ra hiện tượng cá chết. Gần đây, một số ngư dân địa phương đã phát hiện ra công ty này đã xả ra nước biển một thứ nước thải màu vàng qua ống cống của nhà máy.

Formosa đã nổi danh khắp toàn cầu với thành tích gây ô nhiễm của mình, thậm chí vào năm 2009 tập đoàn này còn được Quỹ Ethecon trao “Giải thưởng Hành tinh Đen”. Quan chức Việt Nam chưa bao giờ đề cập là Formosa có dính líu đến chuyện cá chết hàng loạt, nhưng một cuộc điều tra của chính phủ cho thấy công ty này đã nhập 384 tấn chất độc hóa học trong năm vừa qua. Hơn nữa, phản ứng của ông Chu Xuân Phàm, người đại diện cho Formosa, dường như đã ám chỉ công ty này có liên quan. Ông Phàm giải thích trên kênh truyền hình quốc gia VTC14 rằng, “Tôi không thể chắc chắn rằng hoạt động của nhà máy thép không gây ảnh hưởng đến môi trường biển. Muốn được cái này thì phải mất cái kia thôi […] Bạn bắt buộc phải chọn giữa tôm, cá hay nhà máy thép. Dù có là thủ tướng đi chăng nữa thì cũng không thể chọn cả hai được.

Các mẫu xét nghiệm nước biển do một số cơ quan môi trường ở cấp địa phương cho thấy có xuất hiện nồng độ kim loại nặng như crom và các chất khác như cyanua và amoniac rất cao. Các nhà khoa học giải thích rằng những chất này có thể thẩm thấu qua da theo thời gian, rồi phá hủy cơ thể. Thay vì phải cẩn trọng, một số quan chức lại muốn người dân tiếp tục việc kinh doanh như bình thường. Vào ngày 30 tháng Tư vừa qua, quan chức tại Hà Tĩnh và Đà Nẵng đã bơi và ăn hải sản ở nhà hàng gần bờ biển để chứng minh rằng trong nước biển không có độc. Có điều, cá thì vẫn tiếp tục chết trong khi không hề có bất kỳ cố gắng nào nhằm làm sạch biển.

Ngược lại với chính quyền, người dân Việt Nam đang yêu cầu được trao đổi thẳng thắn với ông Obama về những khó khăn của Việt Nam. Người dân không cần những lễ đón mừng phô trương nhằm đánh lạc hướng tình hình thực tế. Công dân Việt Nam đang tìm cách bày tỏ sự lo lắng của họ trong bối cảnh thiếu tự do, dân chủ cũng như quyền con người bị xâm phạm.

Trong một diễn biến không được minh bạch cho lắm, tổng thống Obama sẽ đến Việt Nam vào đúng ngày người dân đi bầu cử Quốc hội. Kết quả của cuộc “bầu cử” này vốn đã được định sẵn từ Đại hội Đảng hồi đầu năm. Toàn bộ ứng viên đại biểu quốc hội độc lập đều đã bị loại khỏi danh sách ứng cử chính thức. Trước đó, rất nhiều người trong số đó đã bị sách nhiễu và chế nhạo tại các buổi bỏ phiếu ở địa phương. Một số người thậm chí còn bị ném mắm tôm vào người để hăm họa, khiến cho quá trình bầu cử này bị gọi là “dân chủ mắm tôm”.

Khủng hoảng sinh thái tại miền Trung Việt Nam là minh chứng mới nhất để kiểm tra tính chính danh của chính phủ. Quan chức Việt Nam thường có phản ứng cực kỳ chậm chạp ngay cả khi người dân đang rất phẫn nộ, vì có một người đã tử vong trong thảm họa này. Chính quyền đã thẳng tay đàn áp người biểu tình ôn hòa, khiến họ cực kỳ tức giận và muốn chất vấn về dự định của giới quan chức. Liệu Đảng Cộng sản Việt Nam có đang điều hành một chính phủ vì nhân dân không, hay chỉ vì lợi ích ngắn hạn của chính đảng viên thôi?

Người dân Việt Nam hy vọng ông Obama sẽ đứng về phía họ trong vấn đề này, ngay cả khi Việt Nam và Hoa Kỳ đang tăng cường quan hệ đối tác toàn diện.

*
Duyen Bui hiện đang là nghiên cứu sinh chuyên ngành khoa học chính trị tại Đại học Hawaii, Manoa, và là một nhà hoạt động vì cộng đồng.





No comments:

Post a Comment

View My Stats