Monday, 23 May 2016

MỤC ĐÍCH & Ý NGHĨA CHUYẾN THĂM VN CỦA TỔNG THỐNG OBAMA (Thiện Ý)





22.05.2016

Dường như sau một lần hoãn vào đầu tháng 11-2015 vừa qua, lần này chắc chắn Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ đến thăm Việt Nam. Vì trong cuộc họp báo sáng 10/5, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc đã công bố chính thức, từ ngày 21 đến 28/5-2016 Tổng thống Obama sẽ đi thăm Việt Nam trước, sau đó ông sẽ đến Nhật Bản tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Ise-Shima. Nhân dịp này Ông cũng ghé thăm Thành phố Hiroshima, một trong hai nơi đã bị Mỹ ném bom nguyên tử trong Đệ nhị Thế chiến.

Vậy chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Thống Hoa kỳ Barack Obama có mục đích và ý nghĩa gì?

Nhiều người cho rằng chuyến đi thăm Việt Nam chỉ ít tháng trước khi hết nhiệm kỳ cuối cùng của một vị Tổng Thống Hoa Kỳ chỉ như là người “cưỡi ngựa xem hoa”, thường mang ý nghĩa ngoại giao hơn là giá trị thực tiễn. Thế nhưng, theo nhận định của chúng tôi và có lẽ cũng của nhiều người thì chuyến đi Việt Nam lần này của Ông Obama có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và có giá trị thực tiễn, dựa trên hai yếu tính sau đây:

Một là tính thống nhất trong mục tiêu và chính sách đối ngoại của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ thay nhau nắm quyền tại Hoa Kỳ. Theo truyền thống và kinh nghiệm thực tế, thường hai đảng này khác biệt nhiều trong chính sách đối nội, nhưng nhất quán trong chính sách đối ngoại trên nền tảng quyền lợi quốc gia; có khác chăng là phương cách, biện pháp thực hiện chính sách đối ngoại của mỗi đảng để mang lại nhiều lợi ích nhất cho quốc gia.

Hai là chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn chưa đủ thời gian để đạt mục tiêu, vẫn phải tiếp tục dù chính đảng nào nắm quyền. Đó là chính sách xoay trục chiến lược về Châu Á của Hoa Kỳ, nhằm ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc đang đe dọa quyền lợi và an ninh của các nước nhỏ hơn trong khu vực cũng như của Hoa kỳ.

Vì vậy, khi tham dự Hội Nghị G.7 sau chuyến đi thăm Việt Nam, có phần chắc Tổng thống Obama sẽ nêu bật cam kết của Hoa Kỳ tăng cường hợp tác về ngoại giao, kinh tế và an ninh quốc phòng với các nước và nhân dân trong khu vực này, vì an ninh và quyền lợi thiết thân của Hoa Kỳ.

Chẳng thế mà, khi đến Việt Nam để chuẩn bị cho chuyến đi của Tổng thống Obama, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel, đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương , trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 10-5 vừa qua đã cho rằng,tình hình Biển Đông là mối quan tâm lớn không chỉ đối với Hoa Kỳ mà của tất cả các nước; không chỉ đối với các nước có tuyên bố chủ quyền trong vùng biển này như Việt Nam, Philippines hay Malaysia mà còn là mối quan tâm của các nước khác trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

Về quan hệ song phương, trong chuyến đi này, ngưới ta thấy cò hai vấn đề trọng yếu có phần chắc sẽ được Tổng thống Obama và giới lãnh đạo Việt Nam đưa ra thảo luận, đó là việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho với Việt nam.

Về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương như là một liên minh kinh tế phát triển khu vực, nếu được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, văn kiện này sẽ giúp Việt Nam có cơ may thoát được ảnh hưởng chính trị và sự lệ thuộc kinh tế nặng nề đối với Trung Quốc.

Về lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Trợ lý Ngoại trưởng  Russel cũng trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 10-5 vừa qua, nhấn mạnh, rằng Mỹ đã nói rõ hồi năm 2014 và hiện nay vẫn duy trì quan điểm là quyết định giải tỏa lệnh cấm bán vũ khí vẫn được xem xét dựa trên các tiến bộ Việt Nam đạt được trên các vấn đề căn bản về quyền con người. Trợ lý Ngoại Trưởng Mỹ nói: “Chúng tôi đã nói rõ ở thời điểm đó và điều đó vẫn đúng ở thời điểm này, đó là một trong những yếu tố quan trọng có thể dẫn đến dỡ bỏ lệnh cấm, là tiếp tục đà tiến trong việc Việt Nam đạt các tiêu chuẩn nhân quyền phổ quát cũng như đạt tiến bộ trong các cải cách tư pháp quan trọng. Với sự phát triển của Quan hệ Đối tác Chiến lược, chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc”.

Thực ra việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nếu xẩy ra chỉ có giá trị như một thông điệp gửi đến Trung Quốc, là Việt Nam đã đến gấn Mỹ hơn, để cảnh cáo rằng đứng lấn áp Việt Nam thêm nữa, đứng đẩy chúng tôi đến phải chọn lựa dứt khoát là đồng minh của Mỹ để được bảo vệ. Vì rằng, không có chỗ dựa đồng minh, dù Việt Nam có trang bị vũ khí đủ loại tối tân đến đâu, cũng không thể một mình đương đầu với Trung Quốc.

Vậy thì, mục đích chuyến đi Việt Nam của Tổng thống Obama, chỉ là dịp để Hoa Kỳ và Việt Nam duyệt lại và tái cam kết tiếp tục thực hiện những gì đã  được thỏa thuận công khai hay bí mật đạt được trong chuyến đi Mỹ của phái đoàn do Tổng Bí Thư đảng CSVN dẫn đầu vào đầu tháng 7 năm 2015.

Qua thực tế, dường như Hoa Kỳ đã nhìn thấy vị thế khó khăn của một Việt Nam nhỏ yếu bên cạnh một Trung quốc to mạnh và đầy tham vọng đất đai, biển đảo và bá quyền. Do đó đã luôn mềm dẻo trong đối sách với đảng và nhà cầm quyền CSVN và tỏ ra cảm thông với đối sách “Đi giây” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc  của Việt Nam. Mặc dầu Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam trở thành một đồng minh của Hoa Kỳ nằm trong vòng đai bao vây, gián chỉ tham vọng bành trướng của Trung Quốc, nhưng không thúc ép mà chỉ tạo áp lực nhẹ nhàng khi cần, để Việt Nam chủ động trong đối sách hai mặt với Trung Quốc nhằm thoát hiểm. Mặc dù Hoa Kỳ cũng mong muốn Việt Nam sớm có chế độ dân chủ pháp trị, đa đảng và nền kinh tế thị trường tự do, như tiền đề để phát triển toàn diện đất nước theo định hướng của chiến lược toàn cầu, nhưng từ lâu  đã không yểm trợ cho một cuộc lật đổ bằng bạo lực để thay thế, mà đã kiên trì thực hiện chính sách “Cải tạo chế độc độc tài toàn trị, độc đảng” thành chế độ “Dân chủ pháp trị, đa đảng” để chuyển đổi một cách hòa bình trong môi trường “Mật ngọt kinh tế thị trường”. Quá trình chuyển đổi này đã được khởi sự từ hơn 20 năm qua, kể từ khi Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao với  Việt Nam (1995) và Việt Nam cũng đã khởi sự chính sách “Mở Cửa”.

Đến đây có thể kết luận rằng, chuyến thăm Việt Nam năm 2016 lần này của Tổng Thống Barack Obama sẽ có ý nghĩa như là sự hậu thuẫn mạnh mẽ Việt Nam nhằm thúc đẩy quá trình “chuyển đổi chế độ độc tài qua dân chủ”. Vì quá trình “chuyển đổi” tịnh tiến sau 20 năm (1995-2015) đã hội đủ “các điều kiện cần”, đó là Việt Nam nay đã có nền kinh tế thị trường mà  chính phủ Việt Nam rất mong muốn nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, sẽ được Mỹ xem xét việc công nhận Việt Nam hội đủ các yếu tính của nền kinh tế thị trường, bên cạnh mong muốn được dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Bây giờ chỉ cần “Đảng và Nhà nước ta” thực hiện “điều kiện đủ” là chủ động kết thúc giai đoạn cuối cùng của quá trình chuyển đổi trong vòng 5 năm tới (2016-2021) là Việt Nam hoàn tất tiến trình chuyển đổi toàn diện cả kinh tế lẫn chính trị; để Việt Nam có cơ hội trở thành một nước dân chủ với nền kinh tế thị trường tự do, hội nhập hoàn toàn với thế giới văn minh, đưa Việt Nam phát triển toàn diện đến phú cường, tạo thế lực để bảo vệ được chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, biền đảo của Tổ Quốc.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo hàng đầu đảng CSVN và nhà cầm quyền trong chế độ độc tài toàn trị “Đỏ vỏ xanh lòng” hiện nay tại Việt Nam nghĩ sao? Nhân dân đang chờ hành động thực tiễn như  câu trả lời của Quý vị.

-----------------------
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.




No comments:

Post a Comment

View My Stats